Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

242. MÔN VĂN VỚI TUYỂN SINH CÁC TRƯỜNG NGHỆ THUẬT


     Đang vào mùa tuyển sinh đại học và cao đẳng. Khắp nơi hết tổ chức hội thảo lại đến tư vấn muà thi. Các đường phố của các tỉnh thành, thị xã đều giăng mắc những băng rôn xanh đỏ tím vàng trông bắt mắt đến vui mắt. Trong đó đáng chú ý là hội nghị hiệu trưởng các trường đại học được tổ chức ngày 14/2, nhiều vấn đề quan
trọng mùa tuyển sinh 2012 đã được đưa ra thảo luận. Ở hội nghị này, quý ông hiệu trưởng một số trường nghệ thuật đã đề xuất một số ý kiến mới lạ về tuyển sinh của trường do họ quản lí.
     Ở một số tờ báo, các phóng viên đã cho thấy, các quý ông hiệu trưởng của các trường nghệ thuật đều cho rằng “nghệ thuật là ngành đặc thù, môn Văn chỉ nên xem là điều kiện”, vì vậy họ kiến nghị Bộ Giáo Dục & Đào Tạo “bỏ thi môn Văn và cho phép trường tự chủ trong tuyển sinh”. Qua hội nghị này, nổi cộm là 3 ý kiến của ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh; ông Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Cương  và ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa.
     Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh Trần Thanh Hiệp kiến nghị, nên bỏ môn Văn cho các trường năng khiếu. Theo ông, từ năm 1980, trường luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho quyền tự chủ, tự ra đề tuyển sinh 2 môn năng khiếu và Văn. Đến năm 2009, theo quy định của Bộ trường phải thi Văn theo khối C. Trong khi đó “Đặc thù các ngành nghệ thuật tương đối khác. Có em thi vào trường điểm Văn khá nhưng không múa hát được. Có em chỉ được 1,5 điểm Văn nhưng điểm năng khiếu cao, rất có tài nên trường có thể chấp nhận".  Ông Hiệp còn nói “Năm 2003 có một nghệ sĩ thi trượt đại học vì điểm Văn thấp, nhưng ngay sau đó lại được phong nghệ sĩ nhân dân”. Từ thực tế đó, ông Hiệu trưởng  này khẳng định :  “môn Văn đối với trường nghệ thuật nói chung chỉ nên là môn điều kiện, thi cũng được, không thi cũng không sao và chỉ mang tính chất tham khảo”.
      Hiệu trưởng Đại hoc Văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Cương lại kiến nghị : “Đối với các trường văn hóa nghệ thuật, nên cho phép tuyển sinh đặc thù. Khi đó, các trường tự ra đề, tuyển sinh thành nhiều đợt, tuyển thẳng những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp cao đẳng văn hóa nghệ thuật và những thí sinh đã lọt vào chung kết các cuộc thi nghệ thuật”.
      Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa có ý kiến ngược lại, ông đánh giá : “Văn học có vai trò rất lớn không chỉ với khối nghệ thuật mà ở tất cả ngành”. Ông giải thích : “Văn học từ xưa đã là nhân học, các nghệ sĩ đều là người giỏi văn và các ca khúc cũng được tạo nên từ ca từ. Nếu như chỉ tuyển sinh năng khiếu mà bỏ qua Văn, học sinh không thể phát triển tốt bởi “viết không nên câu thì còn làm được gì?”.”Thực tế ở Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, có những em đã thi vào được rồi nhưng trình độ Văn vẫn rất tệ, viết cái đơn cũng không được nên chúng tôi phải dạy thêm môn tiếng Việt thực hành để các em viết được câu có đủ chủ vị”. Từ đó, ông Hòa cũng đề xuất, “Bộ nên cho phép các trường nghệ thuật tuyển sinh theo hai hướng, hoặc là thi năng khiếu và xét điểm môn Văn theo học bạ (với điều kiện phải làm tốt giáo dục phổ thông, điểm là thực chất). Cách khác là vẫn tổ chức thi môn Văn nhưng đề thi có thể dễ hơn đề khối C bởi những ngành cần trình độ khác nhau thì đề thi không cần giống nhau”.
      Qua ba ông hiệu trưởng trên, chúng ta đã thấy hiện tượng trống đánh xuôi kèn thôi ngược. Đặc biệt nhận thức về tầm quan trọng của môn văn, hay nói đúng hơn là mối quan hệ giữa môn văn và các ngành nghệ thuật khác. Tất nhiên, chúng ta hiểu các trường nghệ thuật ở đây phần lớn là nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật biểu diễn, trong đó có sáng tác. Dù như vậy, nghệ thuật và môn văn vẫn quan hệ qua lại với nhau. Cả hai đều là loại hình nghệ thuật, đều hướng đến cái đẹp và có những giá trị như nhau dù mỗi loại hình đều có tính đặc thù. Vậy thì làm sao cứ khư khư ôm cái đặc thù đó mà đòi bỏ thi môn văn trong tuyển sinh. Với lại, nếu chỉ chú trọng năng khiếu, mà không trang bị lí luận, kiến thức về từng ngành nghệ thuật cho sinh viên, không có quan niệm về cái đẹp, thử hỏi sinh viên lúc bấy giờ chỉ là cái máy biểu diễn hoặc hoạt động nghệ thuật có tính cảm tính, tự nhiên, không có nhận thức thì làm sao phát huy được tài năng, sự sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật. Cho nên, chúng ta đồng tình với ông Hòa và không tán thành với ý kiến của ông Hiệp. Ý kiến của ông Hiệp mang màu sắc thực dụng, nặng về cảm tính, trực giác. Đây là một ý kiến không nên có ở một người quản lí một trường nghệ thuật!
     Vậy thì có nên bỏ thi môn văn trong các kì thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng nghệ thuật không ? Câu trả lời là không thể. Chỉ nên cho các trường tự ra đề; môn nghệ thuật, năng khiếu hệ số 2, môn văn hệ số 1;  hoặc như đề xuất của ông Phạm Lê Hòa, chỉ thi môn năng khiếu còn môn văn xét theo điểm học bạ; nhưng cần chú ý đến hiện tượng tiêu cực là điểm cấy, điểm không thực chất. Đây là một hiện tượng tiêu cực vốn có trong học tập và thi cử ở Việt Nam.
  ________________________   25 – 2 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét