Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

233. THƠ HÀN MẶC TỬ

      1. Hàn Mặc Tử (1912 – 1949) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo ở làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình). Học trung học tại trường Pe-lơ-ranh (Pellerin) ở Huế. Học xong ông vào Bình Định làm ở sở Đạc điền, sau đó vào Sài Gòn làm báo. Đến năm 1936, ông mắc bệnh phong, về hẳn ở Qui Nhơn để chữa bệnh và mất tại Quy Hoà năm 1940.
      2. Sự nghiệp văn chương.
      Hàn Mặc Tử, lúc ở Qui Nhơn khoảng mười bốn, mười lăm tuổi đã được mệnh danh là thần đồng thơ ca. Năm 1931, ông đã đăng thơ trên báo Thực nghiệp dân báo, hoạ thơ của Phan Bội Châu với bút danh Phong Trần, (sau đó là Lệ Thanh, Minh Duệ Thị, Mlle Mộng Cầm,…năm 1935 mới lấy bút hiệu là Hàn Mặc Tử) . Những bài thơ hoạ này được Phan Bội Châu đánh giá rất cao : “Xem trong thơ, u oán tình cao, thâm tâm nhã điệu, đủ mấy phương diện”. Từ đấy hồn thơ của Hàn ngày càng tuôn chảy dào dạt hơn, cây bút của ông ngày càng sung mãn hơn, ông cho ra đời rất nhiều tác phẩm đặc sắc.
        -  Lệ Thanh thi tập : Tập thơ phần lớn viết theo thể thơ Đường luật. Do sự bó buộc của luật thơ nên chưa bộc lộ trọn vẹn nguồn thơ rạt rào và lạ lùng của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Tuy vậy, tập thơ cũng đã khẳng định ngọn bút thơ tài hoa của ông. Người đọc thật sự rung động và sững sờ trước hình ảnh thơ như vọt trào ra đầy bất ngờ từ hồn thơ ông. Non sông bốn mặt ngủ mơ màng – Thức chỉ mình ta dạ chẳng an ! – Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối – Gió thu lọt cửa cọ mài chăn. (Thức khuya), Ấp úng không ra được nửa lời – Tình thu tha thiết lắm thu ơi – Vội vàng chiếc nhạn bay đi trớt – Buồn bã hơi may thoảng lại rồi (Buồn thu),… Đặc biệt, trong đó có những bài thơ bộ lộ tình yêu nước thiết tha của nhà thơ như những bài : Đêm khuya tự tình với sông Hương, Chùa hoang, Gái ở chùa, …  
        - Gái quê : Một tập thơ có ngôn từ thơ bình dị, tình thơ trong trẻo, hồn thơ mơ màng của nhà thơ. Trong tập thơ có những bài thơ cảm xúc thơ thanh sạch nhưng nồng nàn có phần lơi lả, đầy hình ảnh khêu gợi. Đó là cảm xúc tươi mới mà thiết tha về ánh trăng thề quê hương : Trước sân anh thơ thẩn – Đăm đăm trông nhạn về - Mây chiều còn phiêu bạt – Lang thang trên đồi quê (Tình quê), Hồn thơ bâng khuâng trước người tình hư ảo : Có lần trông thấy người tôi yêu – Đôi má đỏ bừng, tôi chạy theo – Tìm thấy hương thừa trong nếp gió – Thờ ơ, làn gió thoảng bay vèo (Tôi không muốn gặp), Nhưng đó cũng là những nét tinh lả lơi cùng trăng : Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu – Đợi gió đông về để lả lơi – Hoa lá ngây tình không muốn động – Lòng em hồi hộ, chị Hằng ơi ! (Bẽn lẽn).
          - Thơ điên: Gồm ba tập
              + Hương thơm: Nhập vào thế giới thơ, ta như lạc lối trong ánh trăng, ánh nắng. Trăng nhuộm một màu say ngây ngất cùng Đà Lạt sương mờ, trăng tình yêu thẹn thò nhưng thơm tho “như tình ái của ni cô” (Huyền ảo), Trăng nằm trên cỏ nhìn trăng đẫm mình dưới nước (Thời gian) mà giao hoà tuyệt đích,… Trong phần thơ, tình yêu và người yêu không rõ nét, tất cả như tan ra thành hương thành khói. Giai nhân chỉ hiện lên trong “mường tượng” (Tối tân hôn), người thụ nữ chỉ là chiếc bóng “ẩn trong mơ” (Mơ hoa), nhân vật trữ tình anh cũng chỉ là hồn “lưu luyến bên em” (Lưu luyến),…
             + Mật đắng: Không gian thơ mờ nhoè, nhưng có lúc sáng lóa cả mắt. Đấy là một nguồn sáng lạ tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não, cảm xúc hoi hóp của một thứ tình duyên vừa chết yểu. trong phần thơ, hồn thơ  Hàn đau thương mãnh liệt “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt” (Dấu tích), lời thơ dính máu, máu thấm vào mặt đất, máu tràn ra loang cả bầu trời “mặt nhật tan thành máu”, “phượng nở trong màu huyết” (Những giọt lệ), .
              + Máu cuồng và hồn điên: Không gian toàn trăng : ánh trăng gắt gao, ghê tởm, “Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa – Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô – Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy – Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng),  linh động như yêu tinh. Trăng ghen, giận, hờn, cay nghiệt, trơ tráo và náo nức dục tình.
          - Xuân như ý: Tập thơ kết tinh hồn, máu và chất tài hoa nghệ sĩ độc đáo của Hàn Mặc Tử. Cảm xúc thơ bay vào cõi thượng thanh khí. Thơ như chảy ra từ nguồn Đạo dạt dào thánh khí. Và từ đó thơ cất tiếng ngợi ca Ngôi Hai, Nữ Vương xưa, Minh Thánh chúa, Maria Đấng trinh tuyền,… Giọng thơ là một Phúc âm trữ tình bộc lộ niềm yêu cái đẹp vĩnh hằng của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Trong thơ ta gặp những dòng thơ óng chuốt mà như lời nói bình thường : Hôm nay có một nửa trăng thôi – Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi…(Một nửa trăng), hay tiếng thơ vút lên lãng đãng với trăng sao : Ta đi tìm một tầm xuân – gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây – Rượu nắng uống vào thì say – Áo ta rách rưới trời không vá – Mà bốn mùa trang mặc vải trăng (Lang thang),…
          - Thượng thanh khí: Tập thơ tráng một màu sắc huyền bí nhưng không huyền bí của cõi thiêng liêng mà huyền nhiệm của cõi tình mê man : Tương tư ai thiếu bao nhiêu lệ ? - Cứ khóc cho hoàng mộng biệt li (Nói tiên tri).
          - Cẩm Châu duyên: Hồn thơ không còn đuối mộng trong cõi thơ mà lạc vào thế giới đồng bóng. Ô ! Đêm nay trời trong như gương – Không làn mây vương không khói sương – Tơ trăng buông rèm trên muôn cành, - Tơ trăng vàng rung như âm thanh (Tiêu sầu).
           - Duyền kì ngộ và quần tiên hội (Kịch): Một giấc mơ tình ái ngắn ngủi, nhưng xinh tươi trong một khung cảnh tuyệt diệu đúng như đề từ của nhà thơ : “Kịch này xảy ra ở chỗ nước non thanh tú, chỉ có thi sĩ Hàn Mặc tử và nàng Thương Thương đóng kịch thì mới nổi”.
           - Chơi giữa mùa trăng: Thơ văn xuôi. Trong thơ dù chỉ là những lời mộng lời mơ hồn nhiên của nhân vật trữ tình tâm tình cùng chị Lễ nhưng lại  chứa đựng hồn cốt lãng mạn của thơ Hàn và cũng thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật của nhà thơ.
      Tóm lại, Hàn Mặc Tử nhập vào thế giới thơ ca rất sớm. Dù hành trình sáng tạo có đi từ lãng mạn sang tương trưng, rồi đến với siêu thực và rồi quay về với lãng mạn thì nhà thơ vẫn để lại cho đời một di sản thơ độc đáo đậm dấu ấn phong cách thơ của ông.
     3. Quan niệm nghệ thuật.
        a. Đặc trưng trong quan niệm thẩm mĩ.
    - Hàn Mặc Tử có cả một hệ thống lí luận về quan niệm thẩm mĩ như: Quan niệm thơ, Nghệ thuật là gì?, Tựa Đau thương, Tựa Xuân như ý, Chơi giữa mùa trăng.
    - Quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật: “Ta chỉ dò xét đến văn tài của quyển truyện, dầu nó không hợp với thời đại mình đang sống, dầu nó không hợp với ý tưởng của mình cũng chả cần. Vì chỉ có văn chương kia mới đáng kể mà thôi” (Thân oan cho Tố Tâm - 1938).
    Do quan niệm trên, Hàn Mặc Tử đã đề xuất ý kiến về thơ và nhà thơ như sau : Thi sĩ là một trích tiên : “Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt” (Chơi giữa mùa trăng), phải là : Người thơ phong vận như thơ ấy. Đau thương vì thế thấm đẫm sắc màu tượng trưng. Thơ là sự khải thị. “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng vàng thêm kì ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều tiếng nhạc say say gió xé rách tả tơi...” (Chơi giữa mùa trăng).
        b. Vũ trụ thi ca là sự tổng hòa bốn yếu tố trăng, hoa, nhạc, hương :
         - Thế giới thơ Hàn Mặc Tử có sự tổng hòa bốn yếu tố trên : 
                    Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ
                    Của hương hoa trong trăng lờn lợt bẩy,
                    Của lời câm muôn vì sao áy náy,
                    Hiểu gì không em hỡi hiểu gì không?

                    Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
                    Cho trăng xuân tràn trề say chới với
                    Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi
                    Cho em buồn, trời đất ứa sương khuya ?
                                       (Trường tương tư)
         - Thơ nhạc điệu là trên hết. Nhạc là linh hồn của thơ. Hàn Mặc Tử là nhà thơ lãng mạn  nhưng ngòi bút ông lại lạc vào thế giới tượng trưng. Mà khi thơ mang màu sắc chủ nghĩa tượng trưng thi  phải đem tinh thần âm nhạc vào thơ, cho thơ ngậm đầy âm nhạc.    Do vậy, thơ Hàn luôn vang ngân những giai điệu quyến rũ, huyền diệu. Khi thì nhạc toả ra từ hệ thống thành điệu của tiếng :
                    Ôi ! đêm nay trời trong như gương
                    Không làn mây vương không hơi sương
                    Tơ trăng buông rèm trên muôn cành
                    Tơ trăng vàng rung như âm thanh.
                                                       (Tiêu sầu)
Khi bay ra tở mở từ sự luyến láy điệp trùng của từ của câu :                   
                    Vàng bay theo vàng đuổi theo vàng bay
                    Tiếng vàng này vừa mê này vừa say
                    Dồn qua phương Đông mặt trời chưa xông
                    Dồn qua phương Tây màu sắc hây hây.
                                                      (Duyên kì ngộ)
        
        4. Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử
           a. Hàn Mặc Tử là nhà thơ của nước mắt nụ cười chen nhau: “Xin dâng này máu đang tươi - Này đây nước mắt nụ cười chen nhau.”
            - Thơ Hàn Mặc Tử là nước mắt nụ cười của một thể xác và linh hồn đau đớn. “Thơ ông thường là lời than thở nỗi đau thương” (Dương Quảng Hàm). Hồn thơ Hàn Mặc Tử mãnh liệt, ăm ắp chất đời và luôn bám riết lấy cuộc sống trần thế. Nhưng cái đẹp của đời khó nắm bắt, nên tâm linh thơ của ông thường từ cõi thực trôi về cõi ảo giác, có lúc vút lên trời với những niềm thanh khí sáng lán trong trẻo nhất, thần tiên nhất.
     - Thơ Hàn MặcTử luôn có khuynh hướng quay vòng nội tâm. Thơ ông ít tả ít kể mà cảm nhận sự vật bằng tâm tưỏng, tâm thức. Thơ ông là thơ hướng nội theo nghĩa nghiêm ngặt nhất của khái niệm này. Do vậy, trong thơ của Hàn luôn có những bước nhảy vọt cảm xúc đầy bất ngờ, hình tượng thơ kì lạ, nhiều màu sắc siêu thực. Đây là quy luật hoạt động   của cõi tinh thần, nên tư duy thơ Hàn rất độc đáo. “Vườn  thơ Hàn Mặc Tử rộng thênh không bờ bến,  càng  đi  xa càng  thấy lạnh”.  (Vũ Ngọc Phan).
          b. Phan Cự Đệ: “Hàn Mặc Tử đã cố gắng tổng hợp vào bản thân mình những truyền thống văn học xưa và nay, dân gian và hiện đại, phương Đông và phương Tây, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.” Hàn Mặc Tử: “Ta không nên quên thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần Việt Nam của ta. Hơn nữa cái tinh thần phương Đông mà rung cảm tâm hồn người ta là nhờ ở cái đẹp kín đáo, cái tình sâu  sắc, cái buồn thấm thía”. (Quan niệm thơ - Gửi Trọng Miên). Tình quê: giàu nhạc điệu êm đềm của phương Đông.  Duyên kì ngộ: Láy đi láy lại một số chữ số câu.Thơ Hàn Mặc Tử có nhiều hình ảnh lấy từ kinh Thánh, có sự tổng hợp phương Đông và phương Tây và nhiều khả năng khác nhau.
        - Khả năng “Thượng thanh khí hóa”, tâm hồn hóa:
                    Tương tư mộng thấy năm canh mộng
                    Luyến ái trời vương bốn phía trời
        - Khả năng thế tục hóa, da thịt hóa:
                    Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
                    Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
         - Khả năng kì ảo hóa ma quái hóa:
                    Mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt
                    Khép phòng đốt nến, nến rơi châu
         - Hồn thơ đi về giữa mộng và thực:
                    Rồi sảng sốt bay tìm muôn tử khí
                    Mà muôn sao xa cách cõi hoang sơ
                    Hồn cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ
                    Thôi hồn ơi phiêu dạt đến bao giờ
                                                  (Hồn lìa khỏi xác)
    c. Không gian nghệ thuật:
         - Từ Đau thương xuất hiện không-thời gian “rướm máu”:
                    Mà muôn năm rướm máu trong không gian
                                                   (Rướm máu)
         - Không gian bủa vây, thù nghịch, thời gian đau khổ:
                    Anh điên anh nói như người dại
                    Van lạy không gian nói những gì
                    Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu...
                                                   (Lưu luyến)
         - Không gian vũ trụ đầy trăng và chim phượng hòang:
                    Ta bay lên ! Ta bay lên !
                    Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
                    Ta ở trên cao nhìn trở xuống
                    Lâng lâng mây khói nhuộm trăng đêm

                    Ta gặp nàng trăng ở tuổi trăng
                    Nỗi lòng ta mở lẹ như phăng
                    Sáng trưng sáng cả vùng tiên động
                    Ta ngắm hồn ta sáng trẻ măng
                                                   (Chơi trên trăng)
    - Đến Xuân như ý không thời gian vĩnh hằng mang màu sắc tôn giáo.
          d. Đặc trưng ngôn ngữ thơ :
    - Ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử giàu tính nhạc: Nam ai, Nam bằng, âm nhạc Tỳ bà:
                    Đã mê rồi! Tư Mã chàng ôi
                    Người thiếp lao đao sượng cả người
                    Ôi ! ôi! Hãm bớt cung cầm lại
                    Lòng say đôi má cũng say thôi
                                                (Cẩm Châu duyên)
    - Ngôn ngữ thơ của Hàn Mặc Tử đầy bất ngờ mà cũng rất chính xác:
                    “Thu héo nấc thành những tiếng khô”
                    “Cho em buồn trời đất ứa sương khuya”
                    “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
                      Đợi gió đông về để lả lơi”
                    “Bỗng hôm nay trước cửa bóng trăng quỳ
                      Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu”
                    “Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
                      Tôi hỏang hồn lên giận sững sờ”
     - Đặc biệt, nhà thơ đã sử dụng hệ thống từ láy biến hoá nên thơ giàu hình ảnh biểu tả biểu cản : Môi tôi mấp máy thèm (Gái quê), nằm sóng soãi (Bẽn lẽn), trăng đã thẹn thò (Huyền ảo), Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng – Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình (Uống trăng), lấm tấm, sột soạt, vắt vẻo, hổn hể, thầm thĩ (Mùa xuân chín),… Ông đã tinh tế sử dụng hệ thống từ ngữ  mang màu sắc phương ngữ nên dù thơ có bay lên cõi trời Đâu suất thì vẫn được níu lại về phía đời, nên thấm đẫm chất đời. Đó là mắc cỡ, rớn trời (Say nắng), nường thơ (Cao hứng), mướt quá, buồn thiu (Đây thôn Vĩ Dạ), tôi nói thiệt (Trăng vàng trăng ngọc), Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa (Những giọt lệ), thú thiệt (Dấu tích), Té ra ta vốn làm thi sĩ – Khát khao trăng gió mà không hay (Ngủ với trăng), Cỏ đừa trăng đến bên ao (Bắt chước), …
         e.  Tư duy thơ : thơ Hàn có sự kết hợp nhuyễn nhuần giữa  tính trữ tình với  tư duy tôn giáo và  cá nhân hiện đại nên mang nét riêng độc đáo, “Của nguồn đạo mà ngày xưa Thánh khí – Thơ với lòng ai phối hợp nên duyên – Mà ai đâu cầm được nỗi niềm riêng” (Say thơ).
        5.  Nói chung, dù cuộc đời ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử đã tạo dựng cho mình một đời thơ dài chảy miên viễn cùng thời gian vô thuỷ vô chung. Ông đã thực sự đề tên mình vào bảng vàng thi ca muôn đời bằng một phong cách thơ độc đáo, đúng như Chế Lan Viên xúc cảm mà viết : “Hàn Mặc Tử như cái ngôi sao chổi xọet qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi lòa chói rực rỡ của mình”.
                                            __________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét