Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

236. SỰ RA ĐỜI CỦA LÀNG KẾ MÔN

                   Bài viết này là của ông Nguyễn Thanh Trung, người con của Kế Môn

Theo lịch sử dòng dõi Lạc Việt lập quốc Văn Lang ở phía nam sông Dương Tử. Qua nhiều đời Vua (Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân, các đời Vua Hùng) thì nước Văn Lang bị quân Tàu chiếm và đô hộ hơn 1100 năm. Những vùng đất phương Bắc bị đồng hóa bởi người Tàu, nhưng dân phương Nam vẫn tiếp tục duy trì dòng giống Lạc Việt, người Việt vẫn liên tục đấu tranh giữ được
bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ.
Đến năm 939, Ngô Quyền (879-944) đánh tan quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng giành lại độc lập cho Việt Nam từ tay người Tàu, nhưng lúc đó lãnh thổ chỉ còn từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa.
Đến năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn Thập Nhị (12) sứ quân, đặt tên nước là Đại Cồ việt. Lúc bấy giờ nhà Tống bên Tàu phải công nhận sự độc lập tự chủ của nước ta.
Những phần đất ở phương Bắc đã bị mất và bị đồng hóa bởi người Tàu và cũng từ đó  người Việt Nam có khuynh hướng di dân về miền nam mở mang lãnh thổ. Một  dân tộc có sức phát triển mạnh mẽ thì cuộc Nam tiến là con đường duy nhất để tồn tại.
Việc mở mang bờ cõi về phía Nam lúc bấy giờ đã xúc tiến theo nhiều thể thức khác nhau.
1. Đem quân chinh phạt, tấn công bất thần.
Như trường hợp Vua Lý Thánh Tông năm 1069, đánh Chiêm Thành bắt được Chế Củ. Chế Củ phải dâng 3 Châu: Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (tức là Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) để chuộc thân, xin tha tội.
Đến năm 1075, Vua Lý Nhân Tông phái Lý Thường Kiệt vào xây dựng 3 Châu này và chiêu mộ dân cư đến ở. Đó là cuộc Nam tiến di dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Đến năm 1103, Vua Chiêm là Chế Ma Na đánh lấy lại 3 Châu trên, nhưng đến năm 1104, Vua Lý Nhân Tông lại phái Lý Thường Kiệt dùng lực lượng quân dân, ngăn ngừa Chiêm Thành xâm lăng bờ cõi, tiến quân trừng phạt. Chế Ma Na bại trận phải xin trả lại vùng đất đó.
2. Dùng con đường ngoại giao, tình cảm để chinh phục
Như năm 1306, Vua Trần Anh Tông đem gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Vua Chế Mân dâng 2 Châu là Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ xin cưới Huyền Trân Công Chúa. Việc bán gả này đã mở rộng cuộc Nam tiến vượt qua sông Gianh đến tận Thuận Quảng.
Năm 1307, Vua Trần Anh Tông cử Đoàn Như Hài vào tiếp nhận vùng đất mới và đổi tên Châu Ô thành Châu Thuận (gồm có quận Triệu Phong, Hải Lăng và Phong Điền), đổi Châu Lý thành Châu Hóa (gồm có Quảng Điền, Hương Trà, Diên Phước và Hòa Vang).
Cuộc Nam tiến từ Thanh Hóa đi dần vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Mở mang đến đâu thì chiêu mộ dân cư đến đó, đồng thời sử dụng lực lượng hàng binh và tù binh để cùng khai khẩn mở rộng bờ cõi.
Từ đó mở ra một giai đoạn mới, một truyền thống mới, rồi đặt tên tỉnh, tên huyện, tên xã, tên làng…, lập họ, lập phái…
Làng Kế Môn ra đời từ bối cảnh lịch sử đó. Theo tài liệu về gia phả của các tộc họ, cùng theo sự truyền khẩu, thì hầu hết các vị thủy tổ của làng Kế Môn thuộc gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An. Những người đầu tiên vào sinh cơ lập nghiệp chủ yếu là khai hoang, đến vùng đất này vào khoảng đầu thế kỷ 15 (1410), qua lao động và gầy dựng nên giang sơn cẩm tú ngày nay.
Nhưng hai chữ “Kế Môn” xuất xứ từ đâu? Hai chữ Kế Môn xuất hiện trong cuốn Song Hòe Tuế Sao, cổ học Trung Hoa, thi tập vịnh 10 bài thơ cảnh đẹp Kinh Đô, Kế Môn Yên Thụ thu tảo của Vua Đường Thái Tông có câu:
Hàn kinh kế môn diệp
Thu phát tiểu tùng chi
Nghĩa bóng:
Lạnh làm kinh động lá kế môn
Thu thoát ra cành cây tùng bé.
Theo ông Hoàng Ngọc Châu ở Bảo Lộc, trong quá trình viết truyện ký về làng Kế Môn đã được cụ Nghè Hoàng Công Chung, người được vua triều Nguyễn sắc phong Hàn Lâm Viện Đại Chiếu cho biết người xướng đặt tên làng Kế Môn là Ngài Hoàng Khối Khanh (1362-1407), người xã Bái Trại, huyện Yên Định (nay là thôn Bái Trại, xã Định Tây, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ) khoa Giáp Tý niên hiệu Xương Phù (1384), làm quan đến chức Thái Thú Thăng Hoa (Quảng Nam), trên đường vào nhậm chức đi qua vùng đất này (Kế Môn), đứng trên đỉnh Quy Ngọa (rùa nằm) nhỉn ra bốn hướng, thấy thế đất lưỡng long phục địa, đồi cát, đồng ruộng, cây cỏ, sông núi…chạy dài ra cửa phá Tam Giang, Ngài Hoàng Khối Khanh như một sự tiên tri thấu thị, cảm hứng phóng bút đậm nét hai chữ Kế Môn (薊 門), một sự khải thị hiển linh của tạo hóa đã khéo sắp đặt.
Từ đó theo Nôm tự hai chữ Kế Môn được phổ biến và lan truyền rộng rãi. Kế Môn nghĩa đen là “gần cửa” (Kế là kế cận hay gần, Môn là cửa), nhưng nghĩa bóng rất thâm sâu.
Trước hết chúng ta hãy bàn luận về chữ Kế  (薊). “Kế” ở đây là cây cỏ kế. Cỏ kế là cây cỏ có gai nhỏ, hoa màu tím đỏ thuộc họ Cúc. Có hai loại cỏ kế: Đại Kế và Tiểu Kế đều dùng làm thuốc.

                                                           Cây cỏ kế
Chữ Kế ngoài nghĩa kế cận, gần, còn có ý nghĩa tinh túy hơn như “kế hoạch”, “kế sách”, “kế lược”, “đại kế”,v.v…
Chữ Kế viết theo Nôm tự gồm bốn bộ hợp thành:
Bộ Thảo (艹,草) là thảo mộc, cây cối, tượng trưng rừng rú cây cối bao che phủ đất, bảo vệ xóm làng, bảo vệ môi trường, v.v… Cây cối nguồn lương thực và thực phẩm, nguồn nguyên vật liệu xây dựng, kiến thiết,v.v…
Bộ Điền (田) là đồng ruộng, nương trưa, đất đai canh tác, thổ cư, bao gồm điền địa, đường xá giao thông,v.v…
Bộ Thủy (灬, 氵) là sông nước, khe suối, nguồn nước tưới tiêu và cung cấp cho sinh hoạt con người và muông thú.
Bộ Đao (刂) ngoài ý nghĩa tượng trưng nguồn nước mát xuất phát từ các bàu ở rú Vĩnh Xương – Kế Môn chảy ven qua làng và con đập Đồng Dạ ngăn sóng biển Thuận An tràn lên.
Riêng bộ Điền (田) kết hợp với bộ Thủy (灬) tạo thành chữ Ngư (魚) là cá, nói lên khả năng thủy hải sản của vùng đất này cũng khá phong phú.
Từ sự tiên tri của Ngài Hoàng Khối Khanh khai căn đặt tên làng với chữ “Kế” được tạo thành từ bốn bộ Thảo, Điền, Thủy, Đao, các vị thừa kế tiển bối đã khéo vận dụng phạm trù “tứ” đó vào việc xây dựng làng Kế Môn cũng như tứ quý là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vậy.
Ngẫm lại mà xem, khó tìm thấy ở đâu có như quê hương Kế Môn:
Về tổ chức hành chính khu dân cư: đã lập thành bốn ngụ Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây, như là bốn mùa; cùng với 28 xóm (mỗi ngụ có 7 xóm) sánh với 28 vị sao trên trời.
Về vận chuyển giao thông đường thủy: kết hợp dẫn thủy nhập điền, đào đắp kênh mương tạo thành bốn bến chính là bến Dừa, bến Phụ, bến Đình, bến Đưới.
Về sản xuất nông nghiệp: nghề trồng lúa là chính, ngoài cánh đồng trưa và ruộng trước mặt làng, các vị tiền bối của làng Kế Môn đã tổ chức vận động dân làng đi khai phá mở rộng diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp thêm bốn cồn, ruộng đất xa phạm vi của làng: cồn Nổi, cồn Thót, cồn Chứa, cồn Huyện.
Tận dụng nguồn long mạch dòng nước trong mát: xuất phát từ các độn cát trắng giáp giới vùng rú Vĩnh Xương – Kế Môn, dân làng Kế Môn đã đào, đắp, nạo vét tạo nên bốn bàu (hồ) chứa nước : bàu Bội, bàu Bể, bàu Đán, bàu Môn, cùng dòng khe dẫn nước mát tưới ruộng như khe Ông Phụ, khe Đồng Dạ.
Còn chữ Môn (門) có nghĩa là cửa: Cửa Bể, Cửa Phá Tam Giang. Khi khai canh ra làng Kế Môn thì từ Đại Lộc xuống tận Thế Chí Đông và Phá Tam Giang chưa có dân cư sinh sống.
Chữ Môn cũng có nghĩa là cửa Càn Khôn mở rộng tận cùng thế giới.
Năm 1789, Vua Quang Trung đại thắng 20 vạn quân Thanh, ra chiếu cầu hiền, cầu tài,… khiến ông Cao Đình Độ, một người tinh thông nghề kim hoàn, quê làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, cùng con trai là Cao Đình Hương đi vào phương Nam tìm miền đất hứa. Khi đi đò dọc theo sông Ô Lâu vào Phú Xuân, qua khút bàu Ngược ngay xóm Dừa làng Kế Môn thì bị chìm đò, được hai ông Hoàng Công Bàn và Trần Duy Lợi đang gặt lúa gần đấy nhẩy xuống sông cứu sống. Cha con ông Độ được nhân dân làng Kế Môn thương yêu giúp đỡ và cho tạm trú. Để đền ơn, cha con ông Độ đã dạy nghề cho con cháu thuộc hai họ Hoàng Công và Trần Duy, sau đó thì mở rộng dạy và truyền nghề cho nhiều con dân trong làng Kế Môn.
Sau khi dạy nghề kim hoàn thuần thục, tiếng tăm cha con ông Độ lan truyền, Vua Quanh Trung cho vời vào kinh đô Phú Xuân, giao việc chuyên lo trang trí vàng bạc trong cung điện và mở lớp dạy nghề đào tạo thợ giỏi.
Thầy và trò ông Độ, chủ yếu học trò dân làng Kế Môn, với sự cần cù lao động và khéo tay đã làm nên những tác phẩm trang trí và trang sức có giá trị. Từ đó triều đình đã chiếu lập Cơ Vệ Ngân Tượng.
Làng nghề vàng Kế Môn ra đời từ đó và cũng từ đó dần dần mở rộng “Cửa” cho dân làng vàng Kế Môn đi làm ăn khắp nơi.
Theo truyền khẩu, làng Kế Môn ban đầu được lập thành từ một đơn vị Nam tiến với một số người quen biết có quan hệ tình cảm với nhau và từ đó chia thành 12 Họ (hiện nay có 16 Họ).
TT    Tên Họ    Số lượng Họ
        Trước đây    Hiện nay
1    Họ Bùi    1    1
2    Họ Đặng    1    1
3    Họ Hoàng (Huỳnh)    2    3
4    Họ Hồ    1    1
5    Họ Lê    1    1
6    Họ Nguyễn    2    3
7    Họ Phan    2    2
8    Họ Trần    2    4
                     Tổng cộng    12    16
Lúc đầu làng Kế Môn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Kim Trà, tỉnh Quảng Trị. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) thì làng Kế Môn được sát nhập vào huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nay làng thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét