Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

264. HOÀNG HOA THÁM - BÊN NHAU, CÁC EM VÀ TÔI

     Đêm 24 tháng 2 năm 2012. Quây quần bên nhau trên sàn nhà của vợ chồng Hà Như Hoa, những tập nhạc chuyền tay, những bài hát cất lên theo tiếng đàn đệm của Huy, của Hiếu, của Nhiên - những chàng rễ của 12/5,… chúng tôi ai nấy đều đắm chìm vào thế giới yêu thương. Gian phòng ngập đầy thanh âm đẹp, không chỉ có vẻ đẹp của âm nhạc mà còn là vẻ đẹp của giai điệu tâm hồn bè bạn, tình thầy trò,... Tất cả tạo nên một bầu khí tươi trẻ mà ấm cúng, dân dã mà lãng mạn; làm ấm áp, thơm tho thêm hương vị của mùa xuân.
      Nhìn các em, những cặp đôi vợ chồng đang bên nhau quấn quýt theo làn điệu, theo lời ca bài hát của một bạn khác đang nhả lời, nắn cung, lòng tôi chợt dâng lên một làn sóng xúc cảm dạt dào. Tiếng hát lời ca của các em như vén bức màn thời gian đưa tôi về lại với cái ngày xưa của những năm 1986 - 1989 trong không gian trung học Hoàng Hoa Thám thân thương.
      Ngày ấy, thầy trò chúng tôi, lớp chuyên Văn - Anh, 10/5 - 12/5 (lớp mà tôi vừa dạy vừa bồi dưỡng môn Ngữ văn vừa là chủ nhiệm trong 3 năm), sống thân ái trong bốn bức tường vôi lớp học. Tôi nhớ vào những giờ sinh hoạt lớp, những khuôn mặt non tơ, trong sáng mãi để tâm tư của mình bay lên theo những dòng nhạc, theo lời hát của những khúc đồng ca. Tâm hồn của thầy và trò như đang lên men hương vị của tình yêu cuộc sống. Rồi những giọng đơn ca, những cây văn nghệ của lớp như Xuân Loan, Thúy Lan đã làm ngẩn ngơ bao tâm hồn bè bạn. Giọng ca của Thúy Lan như “hớp hồn” Ngọc Anh, đến nỗi sững sờ thốt lên : “Như ca sĩ!”. Rồi sinh hoạt văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của lớp. Buổi sinh hoạt ấy có biết bao tiết mục hay, nào hát nào múa nào kịch, văn nghệ của một lớp mà phong phú đa dạng quá! Rồi những đêm văn nghệ lửa trại, những khuôn mặt thân thương của chuyên Văn - Anh lại xuất hiện gieo vào lòng người nghe, người xem bao nhiêu là xúc cảm.
     Ngày tháng bên nhau, ba năm học ấy, lời ca tiếng hát đã tạo nên cái duyên riêng của lớp. Lời ca tiếng hát đã mở lối giao cảm tâm hồn khiến thầy trò chúng tôi biết yêu, biết quý nhau hơn. Lời ca tiếng hát như mài sắc cảm quan về cái đẹp để chúng tôi nhạy cảm hơn trước vẻ đẹp tình nghĩa thầy trò, trước bao nhiêu điều đáng yêu của không gian văn hóa học đường. Và lời ca tiếng hát cộng hưởng với các yếu tố khác khiến trong lòng chúng tôi, mái trường Hoàng Hoa Thám trở thành một mái nhà chung, một  hình ảnh không thể nào hòa tan trong dòng trôi thời gian. Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám là hình ảnh kí ức thời gian đông đặc, một nét văn hóa luôn sáng lên trong nỗi nhớ niềm thương, trong hoài niệm đẹp đẽ của chúng tôi.
      Mãi lặng lẽ chìm vào thời gian quá khứ, tôi bỗng giật mình khi nghe quanh mình vang lên  “Mong ước kỉ niệm xưa” : “Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm - Kỉ niệm thân yêu ơi sẽ nhớ mãi tiếng thầy cô (…) Nhớ bạn bè nhớ mái trường xưa (…) Nếu có ước muốn trong cuộc đời này - Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại - Bên nhau tháng ngày cho nhau những hoài niệm - Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi trên bờ môi - Và trong những kỷ niệm xưa”. Những giọng hát đã pha màu thời gian, dạn dĩ hơn, già dặn hơn, nhưng da diết bởi xuất phát tận đáy lòng, không làm màu làm mè hay điệu đà gì cả. Lắng nghe lời ca, tôi như đọc được qua âm giai của bài hát nỗi nhớ cồn cào mái trường xưa - Trung học Hoa Hoa Thám thân yêu của các em tôi. Và tôi cũng cảm nhận được qua nét mặt điệu bộ khi diễn tấu đầy hồn nhiên, các em hình như đang thầm tâm tình với trường xưa.  
      - “Trường xưa ơi! Quy luật bắt chúng tôi phải rời xa mái trường, xa chiếc nôi văn hóa giáo dục trong lành nhất, nhưng không khoảnh khắc nào không nhớ mái trường chúng tôi đã đi về một thời tuổi trẻ. Với chúng tôi, bên cạnh mái ấm gia đình, ngôi trường là nơi trú ngụ hạnh phúc thứ hai. Làm sao chúng tôi có thể quên chuỗi ngày hạnh phúc ấy trong vòng tay bao dung của Hoàng Hoa Thám. Chúng tôi đã vào đời, có khi bằng những bước nhẹ nhàng, cũng có lúc là những bước nhọc nhằn, nên chúng tôi nhận ra một điều “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật” (Xuân Diệu), trải nghiệm khiến chúng tôi thấm thía : chỉ ở gia đình, chỉ ở học đường mới thực sự được độ lượng và thứ tha.
      Vì thế, trường xưa ơi, năm 2008, chúng tôi mong chờ được trở về trong không khí tình nghĩa của ngày hội 45 năm thành lập, nhưng thời gian cứ vô tình im lìm trôi đã để lại trong chúng tôi sự hẫng hụt nao lòng. Nhớ quá, chúng tôi phải tổ chức 20 năm rời trường, 1989 - 2009, để được về đứng giữa sân trường mà bâng khuâng nhớ tuổi hoa niên; ngồi trong lớp học để được nhìn những khuôn mặt bè bạn thân yêu, được nghe giọng nói hiền hòa, ân cần của các thầy cô. Và nỗi nhớ niềm thương của chúng tôi đã được đong đầy, vỡ òa theo kỉ niệm trường xưa. Bạn bè chúng tôi không nén được cảm xúc đứng giữa sân trường trong một chiều thoảng gió mà cất lời thiết tha : Hoàng Hoa Thám, một thời yêu dấu của tôi ơi! Và trường ơi, trường có biết không, khoảnh khắc gặp lại ấy đã tô đậm thêm tình yêu Hoàng Hoa Thám trong chúng tôi - những học trò cũ”.
     Bài hát đã ngưng lúc nào nhưng “mong ước kỉ niệm xưa” vẫn còn lóng lánh trong ánh mắt của các em và sáng lên trong lòng tôi. Tôi biết bài hát là “nỗi niềm hồi cố” thiết tha của các em. Tôi biết, dẫu bây giờ các em đã con bồng con dắt, có em đã thành đạt, có em vẫn chật vật vì mưu sinh, nhưng các em vẫn  không thôi “mong ước kỉ niệm xưa”, vẫn ước mơ đến ngút ngất tâm trạng được sống “trong những kỉ niệm xưa” như thông điệp của nhạc sĩ Xuân Phương.
     Và hình như tôi biết, các em ước mơ trở lại trường vào dịp kỉ niệm 50 mươi năm sắp tới (1963 - 2013) của trường. Vì các em luôn miệng nhắc đến chuyện đó khi ôn lại kỉ niệm xưa. Các em không muốn một lần nữa lỡ hẹn với con tàu thời gian, lỡ hẹn với truyền thống lễ hội của ngôi trường, một ngôi trường đã thành máu thịt tâm hồn của các em. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ. Tôi cũng như các em chỉ biết muốn và mong cho những gì yêu thương thành hiện thực.

                               Lớp 12/5
      Đêm vào khuya. Trời hình như lạnh hơn, nhưng niềm vui vẫn tở mở, tình cảm thầy trò, bằng hữu vẫn còn nồng nàn và níu kéo. Đành chia tay thôi. Các em. Chúng ta sẽ gặp lại ở phố cổ Hội An, nhà của Lê Thị Nguyệt. Và đông vui hơn, tưng bừng hơn khi trở về gặp lại trong không khí lễ hội Kỉ niệm 50 năm thành lập trường xưa - trường THPT Hoàng Hoa Thám của chúng ta.
      Hẹn gặp lại. Hoàng Hoa Thám - bên nhau,  các em và tôi.

                          Hoàng Dục
                         25 - 2 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét