Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

230. THƠ NGUYỄN BÍNH


     1. Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, lúc mới vào Nam Bộ ông lấy tên là Nguyễn Bính Thuyết. Ông sinh tại làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản,  tỉnh Nam Định. Ông cất tiếng khóc chào đời từ một mái ấm nhà nho nghèo. Thuở bé, do mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, ông phải về ở với cậu ruột, được cậu ruột nuôi dạy. Lớn lên, năm 1931, ông theo nhà thơ Trúc Đường, người anh trai của ông ra sống Hà Nội. Vì sinh kế, Nguyễn Bính đã phải lưu
lạc nhiều nơi, vừa dạy học vừa làm thơ. Năm 1943, Nguyễn Bính vào Nam Bộ. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám tham gia họat động và kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, Năm 1954, tập kết ra Bắc, công tác ở Hội nhà văn. Năm 1956, ông làm chủ bút tờ báo “Trăm hoa”, năm 1964, công tác ở Ty văn hóa Hà Nam cũ. Ông  mất 20 – 1 - 1966. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
     2. Sự nghiệp văn chương :
           Nguyễn Bính sáng tác thơ vào năm 13 tuổi. Lúc bấy giờ nhà thơ nổi tiếng với bài “Cô hái mơ”, 1937. Năm 1940, ông được văn bút Tự Lực văn đoàn tặng giải Khuyến khích với tập thơ Tâm hồn tôi. Năm 1944, nhà thơ được giải Nhất văn học Nam Xuyên ở Sài Gòn với truyện thơ Cây đàn tỳ bà. Trên hành trình sáng tạo, Nguyễn Bính ướm bút vào các trang thể loại khác nhau như thơ, kịch bản chèo, truyện thơ. Thể loại nào ông cũng gặt hái những thành công nhất định. Sang tác của ông tiểu biểu có : Tâm hồn tôi (1940), Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941), Một ngàn cửa sổ (1941), Người em gái lầu hoa (1942), Mười hai bến nước (1942), Mây Tần (1942). Cây đàn tì bà (truyện thơ,1944), Tiếng trông đêm xuân (truyện thơ, 1958), Đêm sao sáng (1962). Trong tất cả những tác phẩm của ông, tác phẩm ghi danh ông vào bảng vàng của lịch sử văn học là Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân và Một ngàn cửa sổ.
       3. Quan điểm nghệ thuật :
          Nguyễn Bính là một nhà thơ mới, một nhà thơ lãng mạn, một nhà thơ hiện đại. Trong khi các nhà thơ mới khác sáng tác theo chủ nghĩa lãng mạn, thậm chí có nhà thơ đi vào chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực ; thì Nguyễn Bính lại ngược gió, quay về tìm hương cố nhân trong văn hoá dân gian. Nguyễn Bính đã tạo cho mình một lối đi nghệ thuật riêng, cày xới và ươm trồng cho mình một vườn thơ nhà quê hiện đại đặc sắc. Sở dĩ được như vậy là do nhà thơ thực sự yêu thơ, thực sự tài năng và có mọt quan niệm nghệ thuật riêng. Chính quan niệm nghệ thuật này sẽ là nguồn sáng soi tỏ khuynh hướng sáng tác của chính ông, khẳng định phong cách thơ độc đáo của riêng ông.
    Nói đến quan niệm sáng tác của Nguyễn Bính, ta không thể không chú ý đến bài thơ "Chân quê". "Chân quê" là bài thơ mang thông điệp thẫm mĩ, thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. "Chân quê" là tuyên ngôn nghệ thuật của một trường thơ dân gian – hiện đại mà Nguyễn bính chấp bút viết nên. Theo nhà thơ, thơ hiện đại dù khoác chiếc áo hiện đại đi chăng nữa thì cũng cần giữ nét đẹp nguyên sơ quê mùa. Chiếc áo thơ hiện đại đừng đơm nút “cài khuy bấm” sỗ sàng, lộ liễu. Chiếc áo thơ hiện đại nên là sự cách điệu của "chiếc áo lụa sồi", "cái dây lưng đuĩ nhuộm hồi sang xuân". Cây thơ hiện dù thế nào cũng phải mọc lên từ mảnh đất dân tộc, phải mang hương đồng gió nội như hoa chanh mọc tự vườn chanh thuở nào :
                                             Hoa chanh nở giữa vườn chanh
                                        Thầy u mình với chúng mình chân quê
                                             Hôm qua em đi tỉnh về
                                        Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
                                                                                          (Chân quê – 1938)
    Thơ hút nhụy từ hiện thực đời. Thơ chảy ra từ suối nguồn quê hương đất nước. Con đò thơ dù xuôi ngược trên nhánh sông đời nào, có nhớ con sông xa nào thì con người trên con đò kia luôn nhớ về quê nhà. Có như vậy thơ mới tấu lên khúc nhạc tình quê tha thiết, thơ mới rung động hồn người :  
                                                Con đò thì nhớ sông xa
                                      Con người thì nhớ quê nhà bao nhiêu
                                                                (Trải bao nhiêu núi sông rồi)
    Thơ phải nói điệu quê, lời quê và thấm đượm tình quê. Làm thơ là nói lên cái điệu ca dao tục ngữ, bởi người thơ được tắm đẫm trong suối nguồn văn học dân gian nên thơ phải chở nặng hồn xưa đất nước :
                                                   Quê tôi có ca dao tục ngữ
                                                   Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
                                                   Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
                                                                               (Bài thơ quê hương – 1966)    
    Làm thơ là sáng tạo những giá trị tinh thần, có ý nghĩa thẩm mĩ nhằm mục đích giãi bày tâm hồn mình và thăng hoa tình cảm, cảm xúc của người đọc. Nhưng làm thơ là vì duyên bút mực nên cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận long đong. Đấy là một sự thực đời sống của người cầm bút. Chấp nhận sự thực ấy để sáng tác đòi hỏi phải đam mê cái đẹp, cái thiện :
                                          Ai bảo dính vào duyên bút mực
                                          Suốt đời mang lấy số long đong
                                          Người ta đi kiếm giàu sang cả
                                          Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông
                                                                                 (Thi sĩ)
     4. Phong cách thơ :
      4.1. Hồn xưa đất nước mà vẫn hiện đại :
         - Hoài Thanh: “Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc chắn người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người bây giờ đã có vô số nhà nghiên cứu” (Thi nhân Việt Nam).
         - Ý kiến của Hoài Thanh định hướng cho sự cảm nhận hồn thơ Nguyễn Bính. Thơ Nguyễn Bính như bật ra từ hồn quê, từ thửa đất và cây lúa Việt Nam. Quê hương đã đúc nên từng chữ từng lời cho thơ ông. Sức mạnh sáng tạo của nhà thơ làng Thiện Vịnh bắt nguồn từ nơi đồng đất trắng nước trắng trời của quê hương ông. Vì vậy, Tô Hoài đã nhận xét: “Thơ Nguyễn Bính là nhánh hoa trong trào lưu cách tân thơ. Và cùng với Nguyễn Bính, xuất hiện một trường thơ một phái thơ”.
         - Bài thơ “Chân quê” có thể được xem như là quan niệm của phái thơ này và của Nguyễn Bính :
                                            Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
                                         Thầy u mình với chúng mình chân quê.
                                            Hôm qua em đi tỉnh về,
                                         Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
    Đúng là tâm hồn Nguyễn Bính lộng ngát hương đồng gió nội, thấm đẫm hồn xưa đất nước. Tuy vậy, Nguyễn Bính không có cái thô mộc quê mùa. Nguyễn Bính vẫn theo dòng thơ mới 1932 - 1945, hiện đại mà vẫn giữ được mạch hồn dân tộc.
                                            Đã thấy xuân về với gió đông,
                                            Với trên màu má gái chưa chồng.
                                            Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm,
                                            Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
                                                                     (Xuân về - Tập thơ Tâm hồn tôi)
              4.2. Thể loại thơ lục bát :
          - Thể thơ lục bát trong thơ Nguyễn Bính mềm mại, uyển chuyển, giàu nhạc điệu. Nhà thơ thương ngắt nhịp hai chữ, kiểu ngắt nhịp này tạo nên âm hưởng trầm buồn, tha thiết. Cách tạo khổ thơ cũng đậm chất ca dao dân ca. Nếu một bài ca dao dân ca chỉ có 2 hay 4 hay 6 dòng lục bát, thì thơ lục bát Nguyễn Bính cũng có những bài có số lượng dòng như thế. Sau đây là một số bài tiêu biểu :
                 -    Hồn anh như hoa cỏ may
                       Một chiều cả gió bám đầy áo em
                                (Hoa cỏ may)
                -        Gió chiều cầu nguyện đâu đây
                      Nắng chiều cắt đọan một ngày cuối thu
                            Sư già quét lá sau chùa
                      Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông
                                (Chùa vắng)
                -          Lá rơi theo gió lá bay
                      Bên hồ ta đứng đắm say nhìn hồ
                            Sương mai đây đó trăng mờ
                      Như còn lưu luyến đôi bờ cây xanh
                             Xa trên mặt nước long lanh
                      Buông thuyền cô gái nghiêng mình hái sen
                                (Bên hồ)    
      Cái mới của Nguyễn Bính là tạo ra khổ 2 dòng, 4 dòng, 6 dòng trong một bài thơ. Chính cách tạo khổ này tạo cảm giác gần gụi với thơ ca dân gian. Trong bài thơ "Đám cuối cùng", khổ đầu chỉ có hai dòng lục bát : Hội làng mở giữa mùa thu - Giời cao gió cả giăng như ban ngày. Ở "Chờ nhau", khổ cuối chỉ có hai dòng : Ai làm cả gió đắt cau - Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non . Khổ  4 dòng thơ ở bài thơ "Tương tư" : Nhà em có một giàn giầu - Nhà tôi có một hàng cau liên phòng - Thôn Đòai thì nhớ thôn Đông -  Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?. Hay khổ 6 dòng :
                          Hội làng còn một đêm nay
                     Gặp em còn một lần này nữa thôi
                          Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
                      Sao em lại đứng với người đi xem
                          Mấy lần tôi muốn gọi em
                      Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ.
                                        (Đêm cuối cùng)
            - Về thanh điệu và nhịp trong bài thơ lục bát, Nguyễn Bính kế thừa quy luật thanh điệu và nhịp chẵn (2/2) của thơ lục bát dân gian, đồng thời ông cũng rất sáng tạo về thanh điệu và nhịp. Bên cạnh câu lục bát phối thanh và nhịp cổ điển :
                                               Em nghe / họ nói / mong manh
                                       Hình như họ biết / chúng mình / với nhau
                                                                      (Chờ nhau)
Thơ ông vẫn có những bài phá cách về quy luật thanh điệu, tạo tiết tấu mới :
                                    Hôm nay / dưới bến / xuôi đò
                              Thương nhau / qua cửa tò vò / nhìn nhau
                                    Anh đi đấy / anh về đâu ?
                              Cánh buồm nâu, / cánh buồm nâu, / cánh buồm…
                                                                         (Không đề)
           4.3.  Nhân vật trữ tình  
       - Đọc thơ Nguyễn Bính tưởng như gặp những nhân vật trữ tình của ca dao dân ca cổ truyền. Đấy là  những cô gái nông thôn làm nghề canh cửi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa :
                                       Em là con gái trong khung cửa
                                       Dệt lụa quanh năm với mẹ già
                                       Lòng trẻ con như cây lụa trắng
                                       Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
                                                                  (Mưa xuân)
    Dù quen thuộc nhưng người đọc vẫn nhận ra ở những cô gai nông thôn ấy có nét mới. Các cô gái trong ca dao không tự phân tích tâm lí, còn cô gái trong thơ Nguyễn Bính luôn tự soi lại mình, tự phân tích nội tâm của chính mình. Đây là biểu hiện của cái tôi tự ý thức, cái tôi cá thể.
                                        Lòng thấy giăng tơ một mối tình
                                        Em ngừng tay lại giữa tay xinh
                                        Hình như hai má em bừng đỏ
                                        Có lẽ là em nghĩ đến anh.
                                                                         (Mưa xuân)
            Hay:                    
                                               Em ơi! Em ở lại nhà
                                        Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
                                               Mẹ già một nắng hai sương
                                        Chị đi một bước trăm đường xót xa
                                               Cậy em em ở lại nhà
                                        Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
                                                                           (Lỡ bước sang ngang)
    - Ngay cả những hình tượng anh trai làng cũng là một “người lạ mà quen biết” :
                                                Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
                                         Một người chín nhớ mười mong một người
                                                                              (Tương tư)
      Nhân vật trữ tình, anh trai làng trong thơ Nguyễn Bính có những biểu hiện tâm trạng thực tế gắn liền với thời cuộc :
                                                  Hôm qua em đi tỉnh về
                                          Đợi em ở mãi con đê đầu làng
                                                  Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
                                          Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi?
                                                                                      (Chân quê)
    Thậm chí nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính triết lí nữa:
                                                  Mẹ cha thì nhớ thương mình
                                           Mình đi thương nhớ người tình xa xôi.
                                                                                        (Thư gửi thầy mẹ)
        - Nhân vật trữ tình : cái tôi Nguyễn Bính. Đấy là cái tôi thi sĩ : "Mình tôi giời bắt làm thi sĩ"  (Hoa với rượu), “Tôi là thi sĩ của yêu thương”, “Thơ thẩn đường chiều một khách thơ -  Say nhìn xa rặng núi xanh lơ -  Khí trời lặng lẽ và trong trẻo -  Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ” (Cô hái mơ). Đấy cũng là cái tôi thôn dân. Cái tôi của Nguyễn Bính trong thơ cũng vẫn là cái tôi nội cảm như bao nhiêu nhà thơ lãng mạn khác. Nhưng cái tôi nội cảm của Nguyễn Bính cũng có nét riêng độc đáo, đó là cái tôi tình quê luôn đồng vọng hồn quê, tâm lí dân quê. Tình quê trong thơ ông là tình cảm hướng về những gì tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của tâm hồn dân tộc. Hồn thơ Nguyễn Bính là hồn ca dao. Cái tôi ấy rung cảm trước cảnh sắc làng quê :
                                           Mùa xuân là cả một mùa xanh
                                           Giời ở trên cao, lá ở cành
                                                                      (Mùa xuân xanh)
                                           Chưa hè trời đã nắng chang chang
                                           Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
                                           Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
                                           Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan
                                                                              (Cuối tháng ba)
                                           Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng
                                           Lúa thì con gái mượt như nhung
                                           Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
                                           Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng
                                                                                 (Xuân về)
    4.4. Ngôn ngữ thơ mới dân gian:
         - Thành ngữ, tục ngữ, cách nói lối diễn ý dân gian: dầu hao bấc gầy, chín nhớ mười mong, cách trở đò giang, thôn Đoài, thôn Đông, thuyền bến, miếng giầu, hàng cau, vườn sông, Một nắng hai sương, bảy nổi ba chìm, một lầm hai lỡ, đi gió về mưa,…
         - Hình thành những nhóm từ hình ảnh dân gian theo lối đan chữ : nhạt thắm phai đào, trăm cay nghìn đắng, pháo đỏ rượu hồng, khóac áo phong trần, sương gió đường xa, ...
         - Các đại từ : ta, tôi, anh, mình, ... tạo ra vùng mờ của ngữ nghĩa hết sức tự nhiên, khó xác định đối tượng cụ thể nhưng vận vào ai cũng hợp tình hợp lí cả :
                                               Tương tư thức mấy đêm rồi
                                            Biết cho ai, hỏi ai người biết cho ?
                                                                                         (Tương tư)
         - Ngôn từ diễn tả đơn vị thơì gian theo lối nói của người dân quê : tầm tầm (Tầm tầm trời xứ đổ mưa), eo óc (Thôn gà eo óc ngoài xa vắng), cỏ áy bờ (Cây rủ vườn xiêu cỏ áy bờ), năm tao bảy tuyết (Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn), một thôi đê (Thôn Đoài cách một thôi đê), cạn ngày (Mẹ bảo : Mùa xuân đã cạn ngày),…
    4.5.  Hiện tượng lặp đi lặp lại: “Khoa cử”.
         - Bài thơ "Thời trước", "Quan trạng", "Giấc mơ anh lái đò",...
                                              Tưng bừng vua mở khoa thi
                                       Anh đỗ quan trạng, vinh quy về làng
                                              Võng anh đi trước võng nàng
                                       Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
         - Trong thơ nói về tình yêu của chính mình cũng lặp lại “Khoa cử”.
                                              Cầu cong như chiếc lược ngà
                                        Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
                                              Đôi bờ đối cánh tay vua
                                        Cung nga úp mặt làm thơ thất tình.
            4. 6. Tính hiện đại hay sự mở rộng thi pháp thơ dân gian.
                 Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn có cá tính riêng, dấu ấn riêng, thi pháp riêng. Thơ ông có sự mở rộng thi pháp thơ dân gian, nhưng vẫn mang đặc trưng thi pháp thơ mới, tư duy thơ mới. Những biểu hiện :
           - Thân phận người phụ nữ :
                                                      Em ơi em ở lại nhà
                                                Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
                                                      Mẹ già một nắng hai sương
                                                Chị đi một bước trăm đường xót xa
                                                                                          (Lỡ bước sang ngang – 1939)
           - Sự mở rộng không gian và thời gian :
                                               -       Lợn không nuôi đặc ao bèo
                                                 Giầu không dây chẳng buồn leo vào dàn
                                                       Giếng khơi mưa ngập nước tràn
                                                Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
                                                                                        (Qua nhà – 1936)
                                                    
                                               - Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
                                                  Em thử quay xem được mấy vòng
                                                  Ví chằng nhớ có như vừng nhỉ
                                                  Em thử đong xem được mấy thưng
                                                                                          (Nhớ - 1936)
     
                                               -      Đểm tàn chẳng có chiêm bao
                                                  Đêm tàn có mấy chum sao vẫn tàn
                                                      Chén sầu đổ ướt trường giang
                                                  Canh gà bên nớ giăng sang bên này
                                                                                           (Một con sông lạnh – 1941)
                                                -       Chừ đây bên nớ bên tê
                                                  Sương thu xuống gió thu về bồng bênh
                                                       Đàn ai đứt một dây tình
                                                  Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm
                                                                                           (Lửa đò – 1941)
    5. Tóm lại,  Nguyễn Bính là nhà thơ của tình quê, hồn quê và cũng là nhà thơ của chân quê. Trong thơ, Nguyễn Bính sử dụng điêu luyện thể thơ lục bát thông qua một số hình ảnh quen thuộc gợi lên tình cảm với quê hương; cách ví von so sánh của thơ ông gần với ca dao; cảm xúc trữ tình nhuần nhuyễn trong nghệ thuật diễn đạt.
           Nếu đặt thơ Nguyễn Bính giữa dòng “thơ quê”, thơ viết dưới ánh sáng của đề tài thôn dã, cánh hoa thơ ông vẫn tư tin với sắc màu riêng của mình. Bởi trong những áng hoa thơ đó, nếu Anh Thơ xúc cảm dịu dàng trước cảnh quê, Đoàn Văn Cừ tái hiện sinh động nếp quê, Bàng Bá Lân rung động về đời quê; thì Nguyễn Bính, dù viết về những cảnh sắc hương thôn hay những mảnh đời lở dở, về những mối duyên quê hay những tấm tình quê, về cố nhân hay cố hương, về quê mình hay quê người,… ở đâu ông cũng làm dậy lên được cái hồn quê. Hồn quê ấy là sự hoà điệu của nhiều yếu tố nội dung và hình thức, nhưng nổi bật là giọng điệu quê, lối nói quê và lời quê.      
         Trong các nhà thơ mới, Nguyễn Bính đã đem hồn thơ của mình mà giao hoà cùng hồn quê và hồn dân tộc. Thơ ông có sự tích hợp và phát huy độc đáo những truyền thống thơ ca, văn hoá  dân gian với tiếng thơ hiện đại, đã tạo ra một phong cách thơ không trùng lặp với ai.   
                                    _________________________________
                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét