Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

272. NIỀM THAO THỨC VÀ SUY NGHIỆM CỦA NGUYỄN TRÃI

1. Bước vàotrụ văn chương của Nguyễn Trãi, người đọc như được sống giữa một thế giới đa thanh, đa sắc, lắm biến tấu của một hồn thơ vĩ đại. Đấy là lời sang sảng hùng khí của Cáo bình Ngô”, tiếng nói ôn tồn, đầy nhân nghĩa nhưng đanh thép của “Quân trung từ mệnh tập”. Đấy cũng là âm vang của gió, của lá, của sóng nước dào dạt chất trữ tình trong “Quốc âm thi tập”. Và đấy cũng có thể là tiếng lòng “thao thức, suy nghiệm về quy luật đời sống và nhân tình” của một tâm
hồn vằng vặc trong sáng như sao Khuê của Ức Trai thi .
        2.“Thơ văn Nguyễn Trãi là thế giới tâm hồn ông”. Thơ là tiếng lòng, là tiếng nói trữ tình của nhà thơ lớn Nguyễn Trãi. Chủ thể trữ tình trong thơ là con người giãi bày những ấn tượng, xúc cảm của mình thông qua hình tượng thơ, hình tượng trữ tình. Thơ là thông điệp thẫm mĩ mà nhà thơ gởi cho đời. “Tâm hồn luôn thao thức, suy nghiệm…” Tâm hồn Nguyễn Trãi trong thơ là một tâm hồn không yên, luôn trằn trọc tìm cách lí giải hiện tượng đời sống, quy luật sự sống và lẽ nhân tình. Thơ luôn tìm cách chạm vào tầng sâu triết lí về con người và cuộc đời. Tâm hồn nhà thơ vì thế mà luôn bị giằng xé bởi những mâu thuẫn, nhưng vẫn thiết yêu đời.
    Như vậy, ý kiến trên muốn nhấn mạnh tư tưởng thơ Nguyễn Trãi ở phương diện suy nghiệm, băn khoăn của cái tôi trữ tình nhà thơ. Đây là cái tôi khao khát đi tìm chân lí, triết lí nhân sinh tích cực nhất.
        3. Thi phẩm của Nguyễn Trãi là nỗi dằn vặt đau khổ trên con đường tìm tòi chân lí. Thơ ông vì thế có tiếng cười thích thảng, nhưng đấy là tiếng cười hiếm hoi:
                    Phúc nhiều xưa bởi ta nên tích
                    Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi
.
                                                       (Bảo kính cảnh giới 11)
      Điều thường trực trong thơ Ức Trai là một nỗi thao thức không cùng, một cái nhìn chất chứa bao nhiêu câu hỏi về cuộc đời, về con người. Trong thơ, hình tượng chủ thể trữ tình thức trắng đêm với dáng vẻ trầm tư miên man. Có khi đấy là niềm lo nước thương dân vò võ khiến ông không sao chợp mắt nổi:
                    Bình sinh độc bão tiên ưu niệm
                    Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên.

                    (Một đời ôm mối tiên ưu
                    Chăn lạnh thâu đêm ngồi không chợp mắt)
                                                         (Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)
     Có khi nhà thơ bắt gặp ở tạo vật một sức mạnh nào đấy khiến hồn trí ông xao xuyến. Nỗi thao thức trong trường hợp này là ý thức tích cực chờ đón một điều gì lớn lao sẽ đến:
                    Tiên lại ngữ thu kinh thảo mộc
                    Ngọc thàng đê hán chuyển kiền khôn
                    Cao trai độc toạ hồn vô mị
                    Hảo bả tân thi hướng chí luân.

                    (Sáo tiên báo hiệu mùa thu kinh động cây cỏ
                    Sao Ngọc hạ xuống sông Ngân chuyển cả đất trời !
                    Một mình ngồi trong thư phòng không sao ngủ được
                    Đem câu thơ mới hướng vào chí mình mà nói ra.
                              (Thu dạ lữ Hoàng Giang Nguyễn Nhược
                                                           Thuỷ đồng phu)
     Cũng có khi ông không ngủ vì lòng trĩu nặng một thứ tiếng âm thầm ưu uất như giọt mưa đêm ngoài trời:
                    Tịch mịch u trai lí
                    Chung tiêu thínhthanh
                    (…)
                    Ngâm dư hồn bất mị
                    Đoạn tục đáo thiên minh.

                    (Phòng vắng và u tịch
                    Thâu đêm lắng nghe mưa
                    (…)
                    Thơ đã ngâm rồi không ngủ được
                    Tiếng mưa đứt nối suốt đêm thâu.
                                                          (Thính)
     Hình tượng nhà thơ lặng ngồi suốt đêm dài lắng nghe tiếng mưa dứt rồi lại nối cũng đủ rõ tâm sự của ông bức thiết đến dường nào !
     Con người thi nhân trong thơ Nguyễn Trãi là một triết gia hiểu thấu lẽ sinh hoá của đất trời tạo vật; nhưng cũng là một con người có lúc buông ra tiếng thở dài ngao ngán khi thấy mình bất lực trước những thế lực tối tăm đang ngự trị trong xã hội. Vì thế, thơ ông có hình ảnh một con người hành động trái ngược thiếu nhất quán. Có lúc ông tìm thấy hướng đi và đấu tranh không mỏi:
                    Quân tử hãy lăm bền chí cũ
                    Chẳng âu ngặt, chẳng âu già.

                                                         (Ngôn chí 17)
     Ở hoàn cảnh khác, ông “ghê sợ cả thế tục” quay về ở ẩn, ôm triết lí “vạn vật trên đời đều là hư không” và chỉ “vài tiếng chim kêu trên núi khiến lòng tục tỉnh lại”. Ông cất tiếng hát lạc quan chào mừng cuộc sống:
                    Lâm huy nghĩ học mình dương phượng  
                  (Ngắm ánh sáng muốn học chim phượng gáy với vừng đông)
     Nhưng rồi ông chua chát về “thói tục bạc bẽo” làm mất đi hứng thú cuộc đời:
                    Viễn hại dung vi tị dặc hồng
                    (Lánh hoạ, chim hồng tránh nơi săn bắn)
     Tuy nhiên, đằng sau sự trái ngược ấy là tâm sự được nung nấu đến cao độ, định hình phong cách suy nghĩ độc đáo trong thơ Ức Trai. Đây là sự đổ vỡ của một lí tưởng xã hội, lấy “nhân nghĩa” mà chăm lo dân; nhưng trí thức bấy giờ là một phường “vô dụng, trống rỗng”, triều đình lãnh đạm đến tàn nhẫn. Vì vậy, ông phải tìm về chốn sáng trong. “Nhàn” chỉ là cách che dấu nỗi buồn thế sự, một tình thế bất đắc dĩ của nhà thơ.
     Bởi thế ta gặp trong thơ ông hình ảnh ông say sưa chìm đắm trong thiên nhiên mà lòng vẫn tỉnh để lắng nghe tiếng động dưới chân núi, những hình ảnh khổ đau chồng chất trong cuộc đời, thuỷ chung vẫn không rứt ra khỏi tâm trí của nhà thơ.
                    Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân
                    Lẳng thẳng chưa lìa dưới trần.

                                                      (Mạn thuật 11)
     Một chữ “lẳng thẳng” mà xúc động lòng người biết chừng nào !
     Chính thái độ “lẳng thẳng” ấy khiến cho nỗi buồn lo vì con người và cuộc sống dường như không lúc nào thôi cuồn cuộn trong thơ ông và trong hồn nhà thơ:
                    Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
                    Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
.
                                                      (Thuật hứng, 5)
    Trong “Trần tình, 5”, ông đối lập “giang sơn” với “danh lợi” đã gợi lên vẻ đẹp phẩm chất của ông. Ông luôn ngóng chờ tiếng gọi của giang sơn xã tắc và hoàn toàn nguội lạnh với lợi danh:
                    Đạp áng mây, ôm bó củi,
                    Ngồi bên suối, gác cần câu.
                    Giang sơn mặt thấy nên quen thuộc,
                    Danh lợi lòng nào ước chác cầu.

     Đúng là hồn thơ Nguyễn Trãi luôn khắt khe với chính mình và toả ra niềm ưu ái xuyên suốt thơ ông:
                    Còn có một lòng âu việc nước,
                    Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung.
    
                                                    (Thuật hứng, 23)
     Nguyễn Trãi đúng là nhà thơ biểu trưng trọn vẹn cho tâm hồn Việt Nam. Đấy là bản chất thẩm mĩ truyền thống: Hi sinh cái riêng nhỏ bé vì lợi ích của cả cộng đồng. Dù tìm về Côn Sơn “quê cũ nhà ta”, lên tiên hay yên tâm việc “cày nhàn câu vắng”, Nguyễn Trãi vẫn không lãng quên cõi trần. Ông vẫn hướng về cuộc sống, lắng nghe tiếng vọng ấm áp của đời:
                    La Ỷ dập dìu hàng chợ họp,
                    Cửa nhà bịn rịn tổ ong tàn
.
                                                        (Thuật hứng, 10)
     Rồi ông nghĩ đến một thứ nước hoa lan có thể gội rửa những đau khổ trong lòng người:
                    Muốn đem nồi nước hoa lan,
                    Gội cho tất cả trần gian sạch làu.

                                                        (Đoan ngọ nhật)
     Đó là tâm sự trước sau như nhất của nhà thơ, trở thành niềm thao thức trong lòng ông. Và hình tượng thơ chung đúc thành một con người cụ thể, con người thơ Ức Trai, con người có tầm suy nghĩ rộng khó lẫn lộn với bất cứ con người nào trong lịch sử cũng như trong văn học.
     Thơ Nguyễn Trãi là một hồn thơ nặng tình với đời, đem lòng ra để lộ trước thiên hạ mà đúc kết kinh nghiệm xử thế ở đời. Thơ Ức Trai soi tỏ “lòng người cực hiểm”, nhưng động viên mình, khuyên nhủ mọi người tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người. Ông mong mọi người cưu mang đùm bọc lẫn nhau, nên ông phê phán bọn nhà giàu:
                    Có của cho người nên rộng miệng,
                    Chẳng tham ở thế kẻo chau mày.
                    Bất nhân vô số nhà hào phú,
                    Của ấy nào ai từng được chầy.

                                                     (Bảo kính cảnh giới, 44)
     Điều mong ước lớn lao, mãnh liệt nhất là đời thái bình, cho nên ông căn dặn mọi người “hay học hay làm”:
                    Kẻ khôn thời bảo kẻ ngây phàm,
                    Nghề nghiệp cầm tay ở mấy cam.
                    Nên thợ nên thầy vì có học,
                    No ăn no mặc bởi hay làm.

                                                     (Bảo kính cảnh giới, 46)
     Mặc dầu trong cuộc sống không phải tất cả đều tốt đẹp. Nguyễn Trãi nhận thức đúng tính hai mặt của sự vật hiện tượng. Thơ ông vì thế có bài day dứt vì sự bất công phi lí đang tồn tại trong xã hội:
                    Phượng những tiếc cao diều hãy lượn,
                    Hoa thường hay héo có thường tươi.
 
                                                         (Tự thuật, 9)
có bài phơi lật mắt trái, mặt tối của tâm hồn con người: “Bui một lòng người cực hiểm thay”.
    Ông khuyên mọi người ứng xử hữu hảo, nhân ái với nhau:
                    Tuy rằng bốn biển cũng anh tam,
                    Có kẻ hiền lành có kẻ phàm.

                                                        (Bảo kính cảnh giới, 47)
con người hãy sống nhường nhịn, quên mình vì người khác:
                    Kià thừng nọ dai nào có đứt,
                    Người khôn ta thiệt mới hầu cam.
 
                                                           (Bảo kính cảnh giới, 41)
     Ông tin vào vào sự thay đổi, tin vào mặt tốt của cuộc sống, tin vào thiện căn, thiện tâm của con người. Ông tin sự tối tăm bất hạnh nhất định sẽ nhường chỗ cho những điều tốt đẹp:
                    Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,
                    Có nhân, có trí, có anh hùng.
  
                                                       (Bảo kính cảnh giới, 5)
     Và tin như vậy nên ông khuyên mọi người giữ vững ý chí và nhân cách của mình:
                    Lưng khôn uốn, lộc nên từ.   
                                                      (Mạn thuật, 14)
     Mặt khác, mọi người hãy dự tính trước về lẽ chuyển vần củatrụ để chủ động nắm được mọi hiện tượng sẽ xẩy ra:
                    Trong tạo hoá có cơ mầu,
                    Hay đỗ hay đừng mới khéo âu.
 
                                                          (Bảo kính cảnh giới, 26)
     Kì diệu thay Nguyễn Trãi ! Ông một mực xem “quy ẩn” là thanh cao; nhưng tấc lòng ông vẫn đeo đẳng không nguôi những hình bóng của cuộc đời. Lòng ông chất chứa bao nhiêu nỗi đau khổ, bao nhiêu nỗi lo, muộn phiền; nhưng lại nói ra những lời đầy niềm tin, hiền hoà, nhân ái và lạc quan.
     4. Thơ Nguyễn Trãi là thế giới tâm hồn ông, một tâm hồn của bậc minh triết thấu suốt lẽ đời. Đọc thơ ông ta hiểu: thơ chỉ thực sự là thơ khi ngân vang tiếng lòng của nhà thơ trước bao nhiêu cái đẹp của cuộc đời; nhưng thơ cũng là chiều sâu thăm thẳm của những suy tư của nhà thơ về cuộc sống về nhân tình nữa.
     Thơ Nguyễn Trãi là niềm thao thức lớn của ông. Thơ ông đã khẳng định: ông là con người của đời và mãi sống trong đời. Thơ văn ông sau bao nhiêu sóng gió của thời đại vẫn người sáng niềm thao thức của tâm hồn ông, tâm hồn yêu nước thương dân, nặng tình nghĩa với người với đời. Sức sống của hồn thơ ông chính là ở đấy.
                                                              ___________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét