Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

261. TƯ TƯỞNG TRONG THƠ LÝ-TRẦN


          1. Thế kỉ thứ X, lịch sử dân tộc đã sang trang. Từ đêm dài Bắc thuộc, dân tộc ta đã quật khởi để bước ra vùng trời ánh sáng lộng lẫy của tự quyền, tự chủ của quốc gia phong kiến Đại Việt. Đất nước độc lập, tự do là mảnh đất hiện thực trù mật, màu mỡ để văn học viết hình thành và phát triển. Văn học Lý – Trần ra đời, khai sinh cho nền văn học viết Việt Nam thời trung đại. Văn học Lý – Trần không xa rời truyền
thống dân tộc mà bắt rễ rất sâu vào hai cảm hứng, hai dòng mạch yêu nước và nhân đạo ngàn đời bất diệt của con người Việt Nam. Hai cảm hứng yêu nước và nhân đạo ấy là cốt lõi của thơ văn Lý – Trần, là thần sắc sáng lán của diện mạo thơ văn hai triều đại này.    
      2. Văn học phản ánh hiện thực đời sống xã hội thông qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật được khắc hoạ từ cảm hứng, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn. Cảm hứng là tư tưởng, là tình cảm của nhà văn về hiện thực, về thời đại mà nhà văn sống. Cảm hứng yêu nước là tư tưởng yêu nước thể hiện trong tác phẩm văn học. Yêu nước có nội dung phong phú: yêu thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của đất nước; tự hào về lịch sử chói lọi hào hùng của dân tộc; trân trọng nền văn hoá mà cha ông đã bao đời xây đắp nên; yêu thương con người Việt Nam anh hùng; nâng niu và gìn giữ vẻ đẹp ngôn ngữ của dân tộc;… Cảm hứng nhân đạo là tiếng nói tố cáo, yêu thương; là tấm lòng nâng niu, trân trọng những phẩm chất, giá trị của con người thể hiện trong văn học.
      3. Sự sống của văn học luôn gắn bó máu thịt với đời sống lịch sử của dân tộc. Văn học Lý – Trần tràn đầy cảm hứng yêu nước và nhân đạo là nhờ mối quan hệ hữu cơ ấy. Thời Lý – Trần, dưới sự lãnh đạo của các minh quân, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông; các tướng lĩnh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,… nhân dân ta đã tiến hành những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Dân tộc ta đã lập nên những chiến tích, chiến công thần thánh, lẫy lừng: chiến thắng trên sông Như Nguyệt, giành vòng nguyệt quế trong trận thuỷ chiến Bạch Đằng giang. Đất nước sạch làu bóng đen quân Tống, quân Nguyên – Mông tàn bạo. Đất nước ta đã đứng dậy sáng loà. Văn học viết nẩy mầm, sinh sôi cho hoa cho quả ngọt ngào. Các nhà sư, các tướng lĩnh Lý – Trần là những người gieo hạt văn chương ấy. Học cầm bút làm thơ viết văn để trang trải tấc lòng, gửi gắm chí hướng hay động viên quân sĩ và nhân dân kháng chiến chống giặc cứu nước.
       4. Cảm hứng yêu nước trong thơ văn Lý – Trần, trước hết, âm vang cuồn cuộn trong bài thơ “Sông núi nước Nam” (có sách ghi tiêu đề là “Thoái lỗ thi”) của Lý Thường Kiệt, tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Bài thơ ngân vang âm hưởng anh hùng ca, giọng thơ đĩnh đạc, sang sảng khẳng định sự tồn tại của nước ta với tư cách, tư thế một quốc gia độc lập, có chủ quyền:
                                  Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
                                  Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
      Ý thơ pha màu tư tưởng Dịch học, nhưng vạch rõ biên giới quốc thổ Tổ quốc bằng một niềm tin thiêng liêng, vững chãi vào vận mệnh của đất nước. Nước gắn liền với vua. Nước là vua. Vua là nước. Quan niệm của Lý Thường Kiệt không vượt ra ngoài tầm nhìn của giai cấp phong kiến và thời đại. Nhưng đọc kĩ câu thơ mới thấy, chữ “Nam đế” như kết tinh sức mạnh chiến đấu, niềm tự hào vô biên của nhà thơ. “Nam đế” chứ không phải “Nam vương”, từ ngữ ấy chọi lại đanh thép trong thế bình đẳng với “Bắc đế”, đập tan tư tưởng kì thị Hoa di rất phản động của giai cấp phong kiến và Nho gia bảo thủ ở Trung quốc. Với khí thế hào hùng, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, nhà thơ đã vạch rõ sự phi lí, phi nghĩa trong hành động xâm lược của nhà Tống và tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của dân tộc:
                                   Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
                                   Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
      Hai câu thơ là lời thề thiêng liêng, là nhiệt tình bảo vệ đất nước của nhà thơ và của nhân dân Đại Việt. Lý Thường Kiệt không chỉ bày tỏ ý chí, quyết tâm giữ nước mà còn khẳng định một chân lí lịch sử: Dân tộc ta đã trưởng thành, nước Đại Việt quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình; nước Đại Việt đủ sức mạnh để đánh tan xâm lược.   
      Cảm hứng yêu nước hết sức tha thiết và hùng tráng trong “Hịch tướng sĩ văn ” của Trần Quốc Tuấn:
      “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phới ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng.”
      Câu văn không còn là chữ nghĩa mà chỉ còn sức nặng tâm hồn, trí tưởng đau đáu về đất nước. Nỗi đau đất nước vừa là nhận thức vừa là tình cảm và vừa là hành động. Câu văn nhức nhối mà hào hùng. Cảm hứng yêu nước bộc lộ sâu sắc qua tính chất bi tráng của lời văn. Câu văn tiêu biểu cho khí phách yêu nước anh hùng của dân tộc Việt Nam.
      Cảm hứng yêu nước đa dạng, bởi có bao nhiêu phong cách nghệ thuật của từng nhà văn là có bây nhiêu dạng thức yêu nước. Tính đa dạng, phong phú thể hiện trong “Phò gia về kinh” của Trần Quang Khải, “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. “Phò giá về kinh” bừng bừng khí thế chiến thắng. Chữ nghĩa rắn rỏi, gân guốc; lời văn gọn quánh chắc nịch; khí văn hùng hậu và nhịp văn cuồn cuộn đã thể hiện tràn đầy cảm hứng yêu nước của nhà thơ:
                                   Đoạt sóc Chương Dương độ,
                                   Cầm Hồ Hàm Tử quan.
                                   Thái bình tu trí lực,
                                   Vạn cổ thử giang san.
                                   (Chương Dương cướp giáo giặc,
                                   Hàm Tử bắt quân Hồ.
                                   Thái bình nên gắng sức,
                                   Non nước vẫn nghìn thu.)
                                                         (Trần Quang Khải – Tụng giá hoàn kinh sư)
      “Tỏ lòng” sừng sững hình ảnh tráng sĩ yêu nước đang trấn giữ Tổ quốc. Cảm hứng yêu nước đã phóng lớn hình ảnh người trai đời Trần, từ tầm vóc đế ý chí; từ dũng khí đến hoài bão. Yêu nước nồng nàn nên con người có tầm cỡ non sông, kích thước vũ trụ và con người được nâng lên ngang tầm thời đại:
                                   Hoành sóc giang san cáp kỉ thu,
                                   Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
                                   Nam nhi vị liễu công danh trái,
                                   Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
      Ngay cả những vần thơ của người anh hùng thất thế, anh hùng chiến bại cũng bát ngát hào khí “Đông – A”. Bài thơ “Nỗi lòng” của Đặng Dung:
                                   Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
                                   Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma.
                                  (Thù nước chưa xong đầu đã bạc,
                                  Gươm mài vầng nguyệt biết bao ngày).
      Cảm hứng yêu nước còn ngời ngời trong những câu phú của Trương Hán Siêu:    
                                   Bát ngát sóng kình muôn dặm
                                   Thướt tha đuôi trĩ một màu
                                   Nước trời: một sắc
                                   Phong cảnh: ba thu.
                                                           (Phú sông Bạch Đằng)
        Cảnh sông nước, trời đất vào thu ở sông Bạch Đằng hùng vĩ mà nên thơ. Dòng sông lịch sử nào mà không hùng vĩ, mà không mĩ lệ trong con mắt yêu nước thiết tha của người nghệ sĩ, trong tâm thức của con người Việt Nam.
        Cảm hứng yêu nước là một cảm hứng đẹp (mĩ cảm) dạt dào mà sâu lắng trước cảnh sắc một vùng đất quê hương thoáng đãng, tốt tươi dưới sương khói mơ màng:
                                   Vạn lí thanh giang vạn lí thiên,
                                   Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.
                                   (Mây xanh nước biếc muôn trùng,
                                   Dâu chen khói toả một vùng thôn quê)
                                                      (Không Lộ thiền sư – Ngư nhàn)
       Thiên tạo vật trong cái nhìn nặng tình quê của nhà thơ hiện ra cân đối hài hoà. Tạo vật như được bàn tay tạo hoá sắp xếp thật đẹp, thực hư đan dệt vào nhau đến diệu kì. Trời nước hoà vào nhau. Cây cỏ cũng quyện lồng trong vũ trụ. Thiên nhiên tạo vật nhuốm một màu xanh giàu sức sống. Xanh nước, xanh trời, xanh dâu giá đến mỡ màng và xanh cả sắc xanh tình yêu quê hương tha thiết trong tâm hồn thi nhân. Sắc xanh như tràn ra theo bề rộng, vút lên theo tầng cao. Cả một vũ trụ xanh, xanh của một vùng quê thanh bình và xanh cả xúc cảm tình quê sâu nặng. Cảnh quan thiên nhiên đất nước trong buổi chiều tà thật bình yên. Tạo vật quyện vào nhau sau bức màn hư ảo của sương mơ, của khói lam chiều thướt tha và bồng bềnh trên những nóc nhà tranh. Tất cả gợi cảm giác mơ màng. Hiện thực mà như ảo ảnh. Chốn quê mà như cảnh thần tiên. Thú vị là ở chỗ, hai câu đầu chỉ có tạo vật với tâm tình say đắm cảnh sắc quê hương, thì hai câu cuối là cảnh sinh hoạt đời thường gợi lên cảnh nhàn hạ, cảnh mang màu sắc thi vị mà giàu sức sống.
                                  Trước xóm sáu thôn tựa khói lồng
                                  Bóng chiều man mác có dường không
                                  Theo hồi kèn mục trâu về hết
                                  Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
                                                      (Trần Nhân Tông – Thiên trường vãn vọng)
        Cảm hứng nhân đạo mang nhân tố tích cực của tư tưởng Phật giáo, phái Nam Thiền tông. Thực ra trong cảm hứng yêu nước đã thấm quyện trong cảm hứng yêu nước. Những vần thơ lên tiếng đòi khẳng định chủ quyền cũng chính là những vần thơ yêu thương, vì hạnh phúc đời thường của nhân dân. Ngược lại, yêu thương con người, yêu thương nhân dân chính là cội rễ của tư tưởng yêu nước. Nhưng do đặc trưng của thời đại Lý - Trần, Phật giáo thịnh hành cho nên tiếng nói nhân đạo mang màu sắc tư tưởng Phật học.
      Cảm hứng nhân đạo ấm áp trong thơ các vị thiền sư đời Lý. Đấy là một tình yêu cuộc sống, tình yêu con người thiết tha. Gắn bó với tình yêu ấy là một tư thế nhân sinh, một khát vọng đẹp đẽ, cao cả:
                                  Trạch đắc long xà địa khả cư,
                                  Dã tình chung nhật lạc vô dư.
                                  Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh,
                                  Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
                                  (Kiểu đất long xà chọn được nơi,
                                  Thú quê nào chán suốt ngày ngơi.
                                  Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,
                                  Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.)
                                                     (Không Lộ thiền sư – Ngôn hoài)
        Những câu thơ ngân nga niềm vui và chắc nịch lòng tin vào chính mình, nhưng cũng vì con người an bình và hạnh phúc của nhà thơ. Có người cho rằng những câu thơ của Không Lộ vẽ ra tâm trạng vui sướng khi đất nước thái bình, nhà sư đã được tìm được mảnh đất tốt để tu tập. Điều đó chả có gì đáng bàn. Đáng bàn chăng là ở câu thơ “Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”. Phải chăng đó là âm thanh “sư tử hống”, tiếng kếu của sự đốn ngộ, phá vỡ sự cố chấp xô đổ cả một thành trì của cái tôi, cái ngã để đạt đến phật tánh, tinh thần phá chấp vô ngã.
      Cảm hứng nhân đạo là lòng tin yêu đối với cuộc sống, với ngày mai tươi sáng:
                                   Mạc vị xuân tàn hao lạc tận,
                                   Tiền đình tạc dạ nhất chi mai.
                                   (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
                                   Đêm qua sân trước nở cành mai)
                                                            (Mãn Giác – Cáo tật thị chúng)
      Cảm hứng nhân đạo còn biểu hiện một cách rất tinh tế ở những dòng văn miêu tả sông Bạch Đằng, vùng chiến địa với nỗi buồn nhân bản vấn vương:
                                   Bờ lau san sát
                                   Bến lách đìu hiu
                                   Sông chìm giáo gãy
                                   Gò đầy xương khô
                                   Buồn vì thảm cảnh
                                   Đứng lặng giờ lâu.
                                                 (Trương Hán Siêu – Phú sông Bạch Đằng)
       5. Thơ văn Lý – Trần đặt nền móng cho văn học thành văn của chúng ta để văn học dân tộc mãi mãi toả sáng hai cảm hứng lớn: yêu nước và nhân đạo. Cho đến ngày nay, nhiều tác phẩm thơ văn Lý – Trần mãi mãi là những viên ngọc quý giá của văn chương dân tộc lấp loá những ánh sáng của hai luồng cảm hứng ấy. 
       Qua tư tưởng trong thơ văn của Lý - Trần, ta có thể nói rằng yêu nước và nhân đạo là hai luồng tư tưởng có tác động qua lại với nhau, hay nói cách khác, quan hệ của chúng là quan hệ nhân quả. Có yêu nước mới yêu nhân dân, yêu con người. Có yêu con người, yêu nhân dân mới biết quý dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ từng  tấc đất của non sông gấm vóc. Hiểu như vậy để biết yêu quý thêm tư tưởng của cha ông, mới thấy tại sao Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói:  "Một tấc đất của tiền nhân  để lại, cũng không được  để lọt vào tay kẻ khác . Ta muốn lời nhắn nhủ này như  một di chúc cho con cháu muôn  đời sau". Cho nên, cả một triều đại nhà Trần - nhân dân và vua quan - đều ra sức bảo vệ đất nước, để "yên dân" đến nỗi:
                                 Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
                                 Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
                                 (Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
                                 Non sông một thuở vững âu vàng)
                                                                      (Trần Nhân Tông)

                                                    _________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét