Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

268. EM TÔI, SAO THƯƠNG THẾ!

       Chiều nay, 30-3-2012, đọc “Thanh Niên” thấy đăng bài “Không thể chậm trễ” của tác giả Kim Trí, mình thấy thương em gái Việt Nam đang sống ở xứ Cờ Hoa chi lạ. Không biết khi tiếp cận bài báo này, có độc giả nào dậy lên cảm xúc như mình không ? Có lẽ để “đo” lại cường độ, trường độ, cao độ, sắc màu, bước sóng,… cảm xúc diễn ra trong lòng mỗi người đọc, chúng ta nên quay lại với câu chuyện. Chuyện kể rằng :
      “Hai nữ sinh phổ thông, một VN, một Trung Quốc cùng tham gia chương trình Giao lưu văn hóa ở Mỹ (học 1 năm phổ thông và ở nhà cha mẹ nuôi là người Mỹ), được sắp xếp ở chung một nhà. Tất cả là ngẫu nhiên, có học sinh giao lưu văn hóa VN ở chung cùng một nhà với bạn Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc...
      Nhưng ngay những ngày đầu tiên, bạn học sinh TQ, trong một lần nói chuyện với cả nhà về đất nước mình, đã “tranh thủ” giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ; bạn học sinh VN bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”…
      Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Đến cuối năm học, khi có dịp thuyết trình về một đề tài lịch sử trong lớp của mình, bạn TQ đăng ký ngay đề tài về Hoàng Sa, Trường Sa. Buổi thuyết trình được thầy giáo khen về mặt chuẩn bị tư liệu. Lời khen đó trở thành đề tài trong bữa cơm tối ở nhà cha mẹ nuôi người Mỹ. Bạn VN phản ứng bằng cách... bỏ cơm”.
      Đây là một câu chuyện mà tác giả bài báo đoan chắc : “Trên đây là câu chuyện có thật, được một học sinh VN tại Mỹ kể lại”. Sau khi “cầm bút khắc sự thật lên giấy” như thế, Kim Trí, phân tích bình luận nhiều về vấn đề trang bị kiến thức lịch sử về các quần đảo của đất nước cho các em học trong nước và ở nước ngoài để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
     Mình thì không đủ bút lực, trí tuệ,… nên không dám bàn những vấn đề to tát như tác giả bài báo. Là người Việt Nam, lại vừa là người lớn vừa là một thầy giáo, mình chỉ thấy thương em nữ sinh kia thôi. Còn bé vậy mà phải “thân gái dặm trường” đi học xa xứ lại bị thua thiệt nhiều nữa chứ. Về mặt kiến thức địa lí, lịch sử,… nước nhà còn có nhiều lỗ hổng quá. Người ta là người nước ngoài vậy mà vanh vách về đảo “quê hương” (?) còn em thì chỉ có một câu mà ai nói cũng được : “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đã là người châu Á với nhau, lại cùng là nữ sinh tham gia cùng một chương trình Giao lưu văn hóa, vậy mà bạn nữ sinh kia nỡ nào đẩy bạn cùng nhà với mình vào chỗ khó khăn, lâm vào tình trạng ức chế tâm lí, đến nỗi bỏ cơm. Nhưng nghĩ cho cùng cũng chẳng nên trách cứ gì em nữ sinh TQ, tuổi trẻ còn hiếu thắng lắm, nên đôi khi không thấy được tác hại của việc mình làm đối với người khác. Chỉ tội cho em gái Việt Nam thôi. Sống xa nhà trong hoàn cảnh một thân một mình vậy mà bị dồn vào phía cô đơn và phải sống với tâm lí mặc cảm thì khổ biết chừng nào. Mà cái gia đình nhà chủ người Mĩ ấy cũng chả tâm lí gì, sao lại đem lời khen bài thuyết trình của nữ sinh TQ vào bữa ăn. Họ không sợ làm tổn thương “lòng con trẻ” à hay họ vô tình đến vô tâm. Nếu họ là người Việt chắc họ hiểu ý nghĩa của câu nói : “Trời đánh tránh bữa ăn”, nhưng họ là người Mĩ nên cứ “kiểu Mĩ” mà sống… Chỉ khổ em gái Việt Nam có chút tự trọng nên đành đau khổ… bỏ cơm. Và như thế, em phải chịu hai nỗi đau : Nỗi đau tinh thần và nỗi đau… cái dạ dày! Trời xứ Mĩ lạnh lắm, đêm dài với cái bụng lép ấy, em làm sao “đêm năm canh an giấc ngáy pho pho” đây. Cứ đà này, em sẽ “xương mai một nắm hao gầy” mất. Nghĩ thế rồi lại thương cha mẹ em. Cho con sang xứ người, cha mẹ em mong muốn con mình sẽ học tập những điều hay, điều tốt, điều quý, điều đẹp, điều bổ vừa để khẳng định giá trị của em vừa đóng góp công sức trí tuệ cho đất nước phát triển, nào ngờ… Không khéo học đâu chả thấy chỉ thấy rước bệnh vào thân!
     Thương em nữ sinh “con Lạc cháu Hồng” bao nhiêu, mình càng lo lắng cho bao em học sinh khác. Không biết còn có em nào rơi vào hoàn cảnh như em gái ấy không ? Mong sao không nhiều em như thế. Bởi nếu không sẽ vừa đau lòng vừa đau bụng thì sống làm sao đây.
     Nghĩ vậy, nên mình chỉ biết hi vọng, các em khác sẽ rút ra một điều : nếu có kiến thức về lịch sử địa lí của đất nước mình, dân tộc mình thì đâu đến nỗi thiếu tự tin, và không đến nỗi bỏ cơm, ngược lại còn được ăn “nem cuông chả phượng” nữa chẳng biết chừng.
                                                                                                                                                                                                           30-3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét