Truyện ngắn TRẢ VỀ
Tâm Quán
Có
những câu chuyện về tổ Nhất Định mà sư thúc tôi kể lại với một giọng
rất kính cẩn. Hòa thượng Nhất Định là một vị cao tăng, một vị thiền sư
ngày trước đã là tỵ tổ khai sơn sáng lập ra chùa của chúng tôi. Chính sư
thúc cũng không được trông thấy tổ, chỉ nghe truyền lại mà thôi. Làm
sao sư thúc có thể trông thấy tổ được khi tổ sống trước đây đã một trăm
mấy chục năm rồi.
Hồi
đó, tổ lên núi Dương Xuân Thượng này, chọn một chỗ thanh tĩnh quang
đãng (bây giờ gần Lăng Viện của chùa) để dựng một cái am tịnh tu và nuôi
bà mẹ già. Am ấy được Ngài đặt tên là An Dưỡng Am. Ngài đã theo đúng
lời Phật dạy: sống vào thời đại không có Phật thì phụng sự cha mẹ cũng
có công đức như phụng sự Phật. Là thiền sư nhưng Ngài vẫn có thể lo lắng
chăm sóc cho mẹ già. Định lực của Ngài rất lớn, và Ngài bất chấp những
chi tiết lặt vặt. Một hôm thân mẫu bệnh, cần ăn một món bổ dưỡng, Biết
rằng trước mẹ thường ưa cháo cá tươi. Ngài xuống tận chợ mua một con cá
tự tay nấu cháo cho mẹ. Mọi người trông thấy Ngài xách con cá đi ngoài
đường lấy làm ngạc nhiên nhưng không dám nói năng vì biết rằng, là cao
tăng ngài không thể làm việc gì trái được. Mà dù người ta không hiểu, có
đàm tiếu thì Ngài cũng vẫn thản nhiên. Sự thản nhiên ấy chứng tỏ rằng
Ngài biết Ngài đang làm việc gì và bất chấp tất cả những dư luận sai lạc
vô minh.
Riêng
tôi khi nghe kể câu chuyện ấy tôi sung sướng đến sa nước mắt. Một thái
độ thật phóng khoáng giải thoát không hề bị giáo điều ràng buộc. Một bài
thơ tình thương mà kẻ cố chấp không bao giờ làm nổi, không bao giờ
hiểu nổi. Sau này, An Dưỡng Am đã trở thành một cảnh chùa lớn và được
vua Tự Đức, một vị vua cũng rất có hiếu với mẹ, sắc phong là “Sắc Tứ Từ
Hiếu Tự”. Hòa thượng đã tịch vào tháng mười năm Đinh Vị.
Thầy
tôi cũng hay nhắc đến Hải Thiệu, vị tổ mà thầy may mắn được gặp. Hòa
thượng Hải Thiệu cũng là một thiền sư danh tiếng, lúc sinh thời có phát
mười lăm lời đại nguyện. Mười lăm đại nguyện ấy hiện được khắc lên tấm
bia dựng trước bảo tháp của Ngài. Ngài có hai hàng lông mày rậm và dài
rất đẹp; chân dung của Ngài còn được truyền lại. Hồi Ngài đã cao niên,
hai mí mắt của Ngài sụp xuống và che khuất hai mắt Ngài cũng như hai tấm
rèm che hai cửa sổ. Mỗi khi muốn nhìn một vật gì, Ngài phải vén mí mắt
ra để nhìn. Xong rồi Ngài đậy mí mắt lại, nhưng thường Ngài ít hay mở mí
mắt để nhìn lắm. Ngài chỉ cần nghe là đủ. Khi nào có một người xa đi
về, Ngài thường vén mi để nhìn cho rõ mặt, rồi gọi các Chú pha nước tiếp
đãi.
Có một hôm
chú điệu Phước, tám tuổi không vâng lời Ngài. Đây cũng theo lời sư thúc
kể lại. Ngài bảo điệu đi kiếm cho Ngài một cây roi rồi bắt điệu nằm
xuống. Điệu Phước biết là Ngài không trông thấy điệu nên khi Ngài đánh
cây roi xuống, điệu tránh vào phía trong cho nên cây roi chỉ quất trên
tấm nệm mà thôi. Ngài đánh điệu hai roi, và hai lần điệu đều tránh được
cả hai. Tuy vậy Ngài vẫn không hay, và sau khi phạt xong, Ngài bảo:
“Thôi cho điệu xuống. Từ đây về sau không được làm trái lời”; và bảo
điệu đem cất cây roi đi. Chiều hôm ấy Phước lên cơn nóng, uống thuốc
không bớt. Hai ba hôm sau cũng vậy. Sau hỏi ra mới biết là điệu đã dại
dột tránh hai roi của Ngài. Một Chú hoảng hồn, mặc áo tràng lên lạy, kể
lại đầu đuôi câu chuyện hầu Ngài và xin Ngài đại xá cho đứa bé. Nghe
xong Ngài hỏi: “thiệt vậy sao?” và nói: “thôi Chú xuống nấu cháo cho
điệu ấy ăn đi”. Chú lạy tạ Ngài và sau khi ăn cháo, điệu Phước bắt đầu
thuyên giảm. Từ đó ai cũng sợ uy đức của Ngài. Tôi hỏi thử ý kiến di Tư
về chuyện ấy:
- Không lý Ngài từ bi đến thế mà lại phạt cho đứa trẻ con phải ốm đau chỉ vì nó dại dột sao?
-
Không phải mô, chú ơi. Ngài có biết điệu Phước dại dột mô mà phạt. Tại
vì điệu Phước xúc phạm đến cái đức của Ngài nên long thần hộ pháp mới
quở điệu đó chứ.
Tôi
thì tôi ở thuyết “phạm đức” của dì hơn là cái thuyết long thần hộ pháp
quở phạt. Bởi vì tôi nghĩ long thần hộ pháp cũng đâu đến nỗi trẻ con để
đi quở phạt một đứa trẻ con tám tuổi. Những lực lượng vô biên của Vô
thức và của tâm linh đủ để tạo ra những hiện tượng như thế.
Có
một buổi trưa nắng chang chang, vua Thành Thái đến chùa hầu thăm Ngài.
Đức vua đi tới bằng đường lộ, dặn xe và người tùy tùng đợi ở ngoài và đi
bộ nửa cây số qua đồi thông vào chùa. Tất cả các thầy đều vắng mặt hôm
ấy. Các dì cũng về quê. Các điệu và các chú làm việc sau vườn không ai
hay vua đến. Vua đi một mình từ tam quan lên hồ sen rồi đi theo con
đường dẫn từ hồ sen lên nhà trai. Rồi vua đi vào Lạc Nghĩa Đường. Thấy
vắng teo vua liền đi nhè nhẹ vào phương trượng của hòa thượng. Ngài đang
tham thiền trên bức phản thấp có kê chiếc hộc tợ có bốn chân cong cong.
Ngài không thấy vua. Nhà vua ngồi xuống đất, ngay dưới chân Ngài, và
một lát sau mới đặt nhẹ tay trên đầu gối Ngài. Ngài hỏi: “Ai đấy”; nhà
vua đáp: “Bạch Ngài, vua đến thăm Ngài đây”. Ngài nở nụ cười và đưa tay
nắm lấy tay vua. Ngài nói nhỏ: “Hoàng thượng đấy hả. Rước ngài ngồi
chơi, để tôi gọi mấy chú điệu đem củ mì lên để ngài xơi”.
Vào
khoảng ba giờ trưa, các dì thường hay nấu một nồi khoai mì và khoai
lang cho các điệu và các chú. Bữa ăn giản dị đó gọi là “bữa lỡ” để cho
những người phải làm việc buổi chiều dùng trước khi ra vườn. Thường
thường các dì hay chọn một củ sắn mì mềm nhất và dẻo nhất để trên một
cái đĩa con đem dâng hòa thượng.
Tinh
thần trọng Tăng của vua Thành Thái đã đáng quý mà lề lối đối với các
bậc quyền quý của hòa thượng lại càng đáng quý hơn. Thật không có cái gì
có tính cách dân chủ hơn cái cảnh tượng một ông vua đến thăm một ông
thầy tu và được ông thầy tu mời ăn củ mì. Câu chuyện đó chính hòa thượng
kể lại một cách giản dị cho đại chúng nghe và chúng tôi chỉ được nghe
truyền lại. Sư thúc cũng xác định là đã nghe chuyện ấy.
Bàn
đến tính cách bình đẳng và dân chủ trong Phật giáo, chú Mãn và tôi rất
sung sướng thấy những đặc tính quý báu ấy của xã hội là những đặc tính
của chính đạo Phật nữa. Thật không có tôn giáo nào cho phép con người
xem mình bình đẳng với đức giáo chủ và nền tôn giáo họ theo. Đứng về
phương diện thể tính và khả năng tương sinh, tương duyên thật quả là
thích hợp với tinh thần dân chủ của xã hội mới, bởi vì trong nền tín
ngưỡng đó, chính con người định đoạt tương lai của mình và chịu trách
nhiệm về hành động hoặc xây dựng hoặc phá hoại của mình. Hạnh phúc của
con người là do chính con người tạo ra, và đức Phật không phải là một
đấng chúa tể vạn năng mà chỉ là một con người giác ngộ hoàn toàn có đủ
khả năng để soi sáng con đường của xã hội con người – tức là xã hội của
Ngài.
Quý
nhất là đặc điểm tôn trọng tự do tư tưởng trong đạo Phật. Đạo Phật, về
phương diện tri thức, nhắm đến sự phá trừ cố chấp và cuồng tín, cho nên
không dung túng được thái độ độc tài về tư tưởng. Anh có thể đọc kinh
điển và có thể có những khám phá mới lạ về tâm linh. Anh có thể công bố
những sở đắc của anh mà không sợ một quyền uy nào lên án cả, dù là
quyền uy của giáo hội, hơn nữa quyền uy của giáo hội chỉ có nghĩa là đức
độ của giáo hội. Khi ấy, vị đệ tử sụp lạy một vị hòa thượng, động cơ
của sự sụp lạy ấy không phải do luật lệ và lễ nghi, cũng không phải do
sự sợ sệt uy quyền, mà chính là do sự cảm mến đức độ của vị hòa thượng.
Không
những anh có thể viết sách để phổ biến chủ trương của anh, anh lại còn
có quyền dựng ra một tông phái mới nữa nếu quả thực khám phá của anh
khơi dậy được một nguồn mạch sinh khí của đạo pháp. Dù những chủ trương
của anh có chống với chủ trương các tông phái hiện hành, cũng không ai
có quyền lên án và trục xuất anh; và cũng vì vậy cho nên khu vườn văn
học triết học của đạo Phật giàu có một cách dị thường. Có đủ trăm ngàn
hoa thơm cỏ lạ. Xét cho lỹ, chỉ có những khám phá sâu sắc và đích thực
mới tạo nên được sinh khí của đạo pháp, còn những lý thuyết viễn vông
chẳng bao giờ bắt gốc được trong khu vườn đạo Phật. Vì thế dù có mang
muôn ngàn sắc thái dị biệt, các học phái và các hệ thống giáo lý đều
chỉ là những khía cạnh khám phá của cùng một thực thể. Thực thể ấy là
dòng sinh hoạt đạo pháp.
Cha mẹ thường tỏ bày thắc mắc:
-
Em không hiểu sao một nền đạo học cao siêu như đạo Phật mà không được
giới trí thức học hỏi. Giới trí thức hình như ít ai có sở đắc về đạo
Phật; còn đạo Phật trong quần chúng bình dân thì đã không phản chiếu
được đạo Phật đúng mức mà lại còn trà trộn vào những mê tín của Thần
Lão. Làm sao hả chú, làm sao để đem đạo Phật trả lại cho giới trí thức?
-
Chú cũng biết ở các triều Lý Trần Việt Nam, đạo Phật đã thịnh hành lắm,
phần lớn giới trí thức trong nước đều là các nhà Phật học; và đạo Phật
đã đóng góp thật đáng kể cho thời đại; nhưng mà trí thức Việt Nam sau đó
theo cái học khoa cử và bỏ đạo Phật lại cho quần chúng bình dân nắm
giữ. Do đó mà trong đạo Phật có chen vào mê tín dị đoan và đạo Phật bị
hiểu sai lạc là đàng khác.
-
Em thấy những tu viện như thế này có thể phản chiếu được tinh thần
sinh hoạt tâm linh của đạo Phật, nhưng ít ai tiếp xúc với các tu viện để
thấy được điều đó.
-
Cũng vì thế nên ở Huế mới có Phật học đường Tây Thiên và Báo Quốc, ở
trong Nam có Phật học đường của Lưỡng Xuyên Phật học hội, ở ngoài Bắc có
hội Phật giáo Bắc Kỳ. Các nhà hữu tâm đang cố gắng đem đạo Phật trở về
trong cuộc đời, và chính học tăng như anh em ta phải mang trọng trách
nặng nhất. Chừng nào chúng ta tốt nghiệp Phật học đường báo Quốc, chừng
đó chúng mình sẽ cố gắng đem đạo Phật tới cho thanh niên. Chúng ta sẽ có
những trường học và những bệnh viện Phật giáo như ngày xưa ở Lý Trần.
- Em thấy con đường xa vời vợi, nhưng mà em rất được khích lệ bởi lý tưởng duy tân đạo Phật.
Tôi trầm ngâm nói chậm rãi:
-
Công cuộc duy tân đạo Phật đòi hỏi một cuộc cách mạng về giáo lý, giáo
chế, và về giáo sản nữa. Chừng nào các Phật học đường đào tạo được một
số người đáng kể, chừng đó cuộc duy tân mới được thực hiện. Chú xem, làm
sao không đem đạo Phật trở về cuộc đời cho được. Chiến tranh đang gây
thảm họa. Sự chia rẽ thù hằn lên tới cao độ. Bao nhiêu tiếng kêu đau
thương của chết chóc, đói rách, tù đày. Chúng ta làm sao an tâm sống mãi
những ngày êm ả trong tu viện?
Mỗi
khi đàm luận đến tương lai là chúng tôi thấy nao nao trong dạ. Con
đường đẹp đẽ và nhiều gai góc. Vốn liếng chúng tôi chỉ là hy vọng, chỉ
là thiện chí, là một cuốn Tỳ Ni, một cuốn Uy nghi, một cuốn Cảnh sách và
những năm trời học ở Phật học đường báo Quốc. Chúng tôi có thể làm được
gì chăng?
_____________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét