Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

216. MỞ HÀNG ĐẦU NĂM LẤY MAY

Một ngày diễn ra như lịch đã lên. Mồng một tết cha. Sáng nay đúng 7 giờ 30, hai vợ chồng xuất hành theo hướng đông nam, hướng mọi năm vẫn xuất hành, nhưng vừa lên xe, bà xã bảo năm nay ghé nhà chị Cam trước, các cháu bảo mình đạp đất thì cả năm đầy may mắn. Vậy thì ghé chị Cam. Lâu lâu thay đổi nhẹ một chút cũng chẳng sao. Xưa nay, khi mẹ còn sống, hai vợ chồng phải đến mẹ đầu tiên vừa thắp hương cho ông bà, cho ba; vừa mừng tuổi mẹ. Nhưng mẹ đã mất năm ngoái,
cũng vừa giáp năm xong, nên ghé chị Cam trước cũng được, vì chị là chị cả trong gia đình bà xã. Xong nhà chị Cam, hai vợ chồng lên nhà mẹ thắp hương, chúc tết ông anh vợ, xong thẳng xuống anh chị ruột của mình. Ngồi chơi nhà anh khá lâu, sau đó mừng tuổi anh chị rồi ghé nhà các cháu kêu mình bằng cậu ruột.  Đầu năm cậu cháu chuyện trò rôm rả, sau đó phải cáo về cho các cháu lên chùa hái lộc.
       Trên đường về, hai vợ chồng ghé chúc tết hai ông anh con bà cô ruột của mình. Mình đưa bà xã đến nhà anh Cần trước. Anh em gặp nhau bên chén trà rất vui nhưng không phải đàm đạo, anh Cần hồi tưởng, còn hai vợ chồng thì ngồi nghẹ, Anh bảo, ngày xưa anh đã học xong yếu lược, vậy mà mỗi lần về quê, cậu Cử (bác ruột mình) cứ bắt anh đi theo học cày ruộng. Cậu bảo con nhà nông không học cày thì còn ra gi, cháu phải nhớ "hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ" đó.  Anh nói thao thao bất tuyệt về cái ngày xa xưa của anh, anh chẳng cho chị góp một tiếng nào dù chị ngồi bên anh từ đầu đến cuối, còn vợ chồng mình chỉ biết "lắng nghe và thấu hiểu". Bởi đơn giản, những chuyện trước năm 1950, mình làm sao biết được. Rời nhà anh Cần, hai vợ chồng mình xuống nhà anh Hiến lại được nghe "bài ca dĩ vãng". Khác với anh Cần, anh Hiến chỉ nói về ba mình, nói về cái thời kì anh còn bé theo ba mình chăn trâu ở đồng xa để được cưỡi trâu. Đôi mắt anh lim dim, khuôn mặt anh trông có vẻ mơ màng lắm. Anh Hiến là người nhạy cảm, mau nước mắt, mỗi lần kể về ba mình anh đều rơm rớm nước mắt như thế. Mình đoán, chắc anh gần gũi với ba mình hơn là các ông cậu khác (những ông bác của mình), với lại lúc ấy anh còn thơ bé lắm nên dấu ấn về người cậu ruột - ba mình - rất sâu sắc khó mà phôi phai. 
      Đắm chìm trong quá khứ như thế cũng đủ rồi. Đầu xuân phải ghé chúc tết ông anh con ông bác họ thôi. Nghĩ như thế nên hai vợ chồng tạm biết anh Hiến chạy về  ê-ke đường Trần Kế Xương - Triệu Nữ Vương chúc tết ông anh họ.



                                                                          Mặt trước của phong bì

      Như thế xem như đã thực hiện 3/4 kế hoạch của ngày mồng một tết, chiều tối, ghé thăm nhà mấy đứa em con cậu ruột mình nữa là hoàn tất 100% . Hai vợ chồng định bụng về nhà nấu cái gì ănvì bây giờ cũng đã hơn 14 giờ rồi. Chưa kịp thực hiện ý định gia đình các cháu bên mình bên bà xã đến chúc tết. May mà về kịp, mình nhủ thầm. Nhà mình đầy ắp tiếng chuyện trò, tiếng cười của các cháu nhỏ. Vui không thể tả nổi. Không khí này tết mọi năm vẫn có, bởi năm năm các cháu cũng lên thắp hương cho bà ngoại và chúc tết cậu mợ mà. Nhưng năm nay, mình rất vui, vui nhiều vì có một sự việc bất ngờ và rất mới, đó là câu chuyện về bé Mậm, con gái của một trong những đứa cháu của mình. Mậm là tên gọi ở nhà của Hiếu Uyên, năm nay đang học lớp bốn. Vừa theo ba mẹ cháu vào nhà mình, Mậm đã chạy đến bên hai vợ chồng mình, rút trong cái xắc nhỏ đeo bên mình hai bao thư, một đưa cho mình, một cho bà xã mình, kèm theo lời thưa : Đầu năm cháu tặng ông bà hai tấm thiệp chúc tết. Mình và bà xã vội vàng nhận lấy và cám ơn cháu, chúc cháu năm mới vui nhiều hơn, ngoan nhiều hơn, học giỏi hơn nữa. 


                                                                  Nội dung thiếp chúc tết

      Tối nay, ngồi mở bao thư của cháu Mậm, thật ngạc nhiên biết bao. Tất cả từ phong bì cho đến thiệp đều tự cháu làm bằng giấy vở, bì được cắt dán cẩn thận, có tô màu, trang trí hình vẽ thật đẹp và ngộ nghĩnh. Bên trong tấm thiệp, ở hàng trên có dòng chữ chúc mừng năm mới 2012 viết chữ to, bằng bút chì sáp; ở giữa là lời chúc mừng năm mới và cuối cùng là : "Cháu của ông Dục", chữ kí và "Mậm".


                                                                      Mặt sau của phong bì

      Nhìn nét chữ mực tím cháu viết, đọc lời chúc ngồ ngộ, ngây thơ của cháu mà lòng vui đến lạ.  Xưa nay, mình chưa bao giờ được nhận tấm thiệp chúc tết nào như thế này. Tấm thiệp "chẳng giống ai" nhưng là "công trình kể biết mấy mươi", là cả một tấm lòng và là sự năng động sáng tạo của cháu bé. Không dễ gì cháu nào ở độ tuổi này cũng nghĩ ra cách làm như thế. Đây là lần đầu tiên mình được nhận một tấm thiệp chúc tết dễ thương và vô cùng xinh. Đặc biệt ,sau khi mình vào xông đất blog của CT, nhìn lại thiệp chúc tết của cô cháu của mình, lại càng khẳng định thêm đây là một hành động, một tình cảm đẹp, mà đã là cái đẹp thì sẽ không bao giờ bị thời gian vùi lấp đi. 
      Cám ơn cháu Mậm của ông bà rất nhiều. Ông bà sẽ gìn giữ tấm thiệp này và mãi trân trọng tình cảm đẹp của cháu.
      Một ngày đẹp. Mong sao cái đẹp mãi nẩy nở sinh sôi trên khắp mặt đất cuộc sống này.

HD,  23-1-2012
GHI CHÚ : Nhân đây mình xin trích lại một câu trong bài viết của CT và bài thơ bình luận của mình khi xông đất nhà bạn ấy để nhấn mạnh sức mạnh của cái đẹp. 
- "rồi vói tay lấy một quyển sách ...và tình cờ đọc được đoạn đối thoại giữa Auguste Renoir và  Henry Matisse khi người bạn trẻ này đến thăm ông và hỏi : Auguste , tại sao anh cứ phải vẽ mãi trong khi đang đau đớn quằn quại như thế ? " Renoir đáp : " Sự đau đớn rồi sẽ qua đi NHƯNG CÁI ĐẸP TỒN TẠI MÃI MÃI "".
- Có gì hơn cái đẹp
Khi sống giữa cuộc đời
Tiền của rồi cũng hết
Chỉ cái đẹp còn thôi.
                                 _______________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét