Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

205. THƠ QUANG DŨNG


Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), quê quán ở Phượng Trì (Làng Phượng Trì trước kia thuộc tổng Phùng), tổng Đại Hoàng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).    Thuở nhỏ Quang Dũng học trường làng, đến cấp thành chung, học ở trường sư phạm Hà Nội. Ra trường không làm công chức, ông làm nhạc công cho một gánh hát, nay đây mai đó. Năm1945, ông  tham gia quuan đội. Cuối xuân 1947, gia nhập đoàn quân Tây Tiến. Hoà bình
lập lại, năm 1954, ông làm biên tập báo Văn nghệ, rồi biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.
  1. Sự nghiệp văn chương
      - Thơ: Bài thơ sông Hồng (1956), Rừng biển quê hương (in chung với Trần Lê Văn) (1957), Mây đầu ô (1986).
      - Văn xuôi: Mùa hoa gạo (truyện ngắn-1950), Đường lên Châu Thuận (bút ki-1964), Nhà đồi (truyện kí – 1970), Làng Đồi đánh giặc (hồi kí-1976), Một chặng đường Cao Bắc (truyện kí -1979), Gương mặt hồ Tây (1984),...
  2. Người lính trong thơ Quang Dũng.
       Quang Dũng viết nhiều về bộ đội. Một trong những bài nhà thơ tâm đắc là: “Những làng đi qua”. Chúng ta sống lại những ngày đầu kháng chiến chống Pháp với:
                    Những làng trung đoàn ta đi qua
                    Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
                    Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
                    Nùn rơm – khói thuốc - bạch đầu quân
                    Tự vệ xách đèn chai lối xóm
                    Khua về chân khoả vội cầu ao
                    Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
                    Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
                    Vỡ lá bàng khô bước du kích
                                      (Những làng đi qua)
      Đây là một cảnh trong bức tranh hoành tráng toàn dân kháng chiến. Phải thấm sâu hồn quê, và phải thấm sâu hồn kháng chiến lắm mới vẽ nên được bức tranh này. Quang Dũng là người tài hoa “pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm”. Vì thế, trong thơ ông thường có cả hoạ và nhạc. Cái hồn quê, trong lúc bình thường cũng như trong giờ phút trọng đại, ông cho chúng ta cảm nhận đầy đủ bằng năm giác quan và bao trùm các giác quan là sự cảm nhận chính hồn ta. Ngay trong khúc thơ này, chúng ta cũng như trông thấy, ngửi thấy, nghe thấy những gì rất thân thuộc, rất bình dị, trong đó bảo hoà khí vị hào hùng của dân tộc.
      Có những câu thơ gợi cảm giác tinh tế. Miệng chiến hào là một hình ảnh chiến tranh. Tiếng sung rơi nghe thật thanh bình, thật tĩnh mịch. Chiến tranh và hoà bình đan cài vào nhau như thế. Muốn giữ thanh bình cho làng quê, phải đào chiến hào chống giặc. Bước du kích làm vỡ lá bàng khô, âm thanh này cũng ý tình ấy. Câu thơ tĩnh mà động, động mà tĩnh.
      Người lính trong thơ Quang Dũng không cần những hào quang phụ, tự họ đã toả ra những tia sáng nhân văn. Bởi họ là con người, là một người Việt “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Quang Dũng đã rất thật ghi lại vẻ đẹp tâm hồn của anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp khi dừng chân ở một quán bên đường qua bài thơ “Lính râu ria” (1949). Nhân vật trữ tình trong bài thơ uống một li rượu nhỏ đủ để say men đời, chếnh choáng với cuộc sống đáng yêu :
                    - Chị ơi ! Li rượu nhỏ !
                    - Rượu nhỏ một li thôi
                    Một li cho đỏ mặt
                    Cho lên hương cuộc đời
      Rồi anh bế con chị chủ quán mà nhớ hay khát thèm một mái ấm gia đình bình an :
                    - Chị ơi ! Cháu ngủ đâu
                    Rồi anh bế con chị
                    Anh lim dim cúi đầu
       Nhưng tất cả không níu anh lại, mà càng giục giã anh lên đường giết giặc :            
                    Khuya khoắc bờ sông vắng
                    Tiếng súng rền xa xa
                    Lính mấy chàng phanh ngực
                    Hát nhẹ lên bài ca...
      Một thời người ta đã không đồng tình với Quang Dũng ; nhưng bây giờ tĩnh tâm mà  nhìn lại mới yêu những tứ thơ của ông. Quang Dũng như muốn nói rằng : Tôi là người trong cuộc sống đời thường. Tôi là người lính khi Tổ Quốc cần. Cho nên, tôi trước sau vẫn khát thèm một chiếc nôi xinh, một sinh linh bé bỏng. Tay tôi cầm súng để được ôm sự sống vào lòng. Người lính cầm súng không vì một điều gì khác mà chỉ vì sự sống của con người, của cộng đồng dân Việt yêu thương. Đó là vẻ đẹp của chất người, chất nhân bản trong thơ ông.
      Trong thời kháng chiến chống Mĩ, viết về những người lính trẻ, ngòi bút Quang Dũng vẫn còn tráng kiện và đầy trìu mến. Người đọc tưởng như sống  trở lại cái thời Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ; nhưng hoá ra vẫn đằm sâu giữa lòng thời đại :
                    Hãy nghỉ tay chèo và gấp lưới
                    Bữa riêu thơm khói bếp nhà chài
                    Ăn vội
                          Trống tập trung
                    Vang vọng bãi Lương Tuyền
                    Mẹ tiễn qua sông
                    Bến mốc gặp trăng lên.
                            (Bất Bạt đêm giao quân)
        Những câu thơ có dáng hơi cổ kính nhưng vẫn đậm vị quê hương và có nhịp khẩn trương của đời mới, ta tưởng như cái bãi Lương Tuyền ấy là “ngàn dâu xanh ngắt một màu” trong Chinh phụ ngâm. Ở bờ bến ấy lại “Bến mộc gặp trăng lên” như một niềm vui, hi vọng, đột hiện từ chân trời.
        Bước vào tuổi năm mươi, ngòi bút của Quang Dũng vẫn kí hoạ rất đẹp hình bóng những thanh niên ở lứa tuổi con mình mà ông quý thương và thèm được như họ:
                    Những lớp người hai mươi tuổi
                    Ca nước đập vỡ bình toong
                    …
                    Áo ngực xanh yếm biển
                    Bay bay dãi  mũ Hải quân
                    Những gã hai mươi mùa xuân
                    Từ đâu thổi vào thành phố ?
         Quang Dũng là một người lính, nhưng cũng là một tình nhân đa tình và lãng mạn – cái chất lãng mạn rất lính. Có thể cảm nhận
                    Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người
                    Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
                    Nào ai biết được niềm u ẩn
                    Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
                                               (Trắc ẩn)
                    
                    Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
                    Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
                    Thoáng hiện em về trong đáy cốc
                    Nói cười như chuyện một đêm mơ
                                                                                        (Đôi bờ)
        
                    Bao giờ tôi gặp em lần nữa
                    Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
                    Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
                    Còn có bao giờ em nhớ ta?
                                                        (Mắt người Sơn Tây -1949)
                    
                    Ngày nay ngày nay
                    Chuyện đẹp đi qua
                    Thời gian gấp ruỗi
                    Còn lại chúng ta
                    Em mãi là hai mươi tuổi
                    Ta mãi là mùa xanh xưa
                    Giữ trọn tình người cho đẹp
                                                    (Không đề)
   3. Thơ giang hồ cùng mây đầu ô.
      Một biểu hiện tình yêu nước trong thơ Quang Dũng là cái thú được cất bước trên những dặm đường quê hương. Giang đời thực không no mắt, không thể làm chồn chân nhà thơ, ông gửi giấc mộng xê dịch ấy vào thơ ca. Cho nên, thơ sôi lên cái máu giang hồ, mang mạch nhịp của hành khúc lên đường, thơ như  “những chiếc ngựa bờm dài” trong bài thơ “Đường 12”:
                    Hất đầu lắc nhạc
                    Hí lên từng hồi
                    Phất đuôi mừng khởi hành    
      Quang Dũng lắm lúc sống trong cảm giác “giang tay ta vẫy ngoài vô tận”, nên ông cứ tưởng mình đang đang bị những cửa ô Hà Nội giam hãm :
                    Mây ở đầu ô mây lang thang
                    Ôi ! Chật làm sao
                    Góc phố phường
                    Mây ở đầu ô
                    Hẹn những chân trời xa lạ
                    Qua một ngọn cột đèn
                                                           (…)
                    Ta mê xanh thẳm
                    Như cánh chim trời
                            (Mây đầu ô)        
       Thơ Quang Dũng nhiều lúc đang phiêu bồng chợt dừng lại, nghiêng tai tri âm với những tiếng nói thầm kín, tự cố tình che lấp sau những tiếng hát câu cười ồn ã. Bài Đường chiều thứ bảy đề cập đến cảnh ngộ và tâm tư của một số không ít chị em phụ nữ sau chiến tranh :
                    Tôi đã gặp
                    Nhiều người vợ trẻ
                    Đàn ông đã ngã trên chiến trường
                    Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
      Những chiến sĩ có vợ trẻ con thơ mà lao mình vào trận, “ngã trên chiến trường”, chẳng những họ không “tiếc đời xanh” của bản thân mình mà còn không tiếc sự yên ấm của hạnh phúc gia đình. Sự hi sinh bội phần cao cả ấy là :
                    Hi sinh cho nghĩa lớn con người
      Thơ như thế gợi ra nhiều ý nghĩa, nhất là ý nghĩ về trách nhiệm đối với người sống người chết; đối với hôm qua, hôm nay, ngày mai ; đối với từng người, từng gia đình và cả đất nước. Thậm chí nhà thơ còn thương cảm cho những người lính lê dương đánh thuê cho thực dân Pháp đã để lại tuổi trẻ của mình trên nghĩa địa đất Việt :
                    Chabbi có bao giờ hiểu nữa
                    Những người bạn thương anh
                    Dẫu chỉ gặp tên người
                    Khắc trên mộ chí
                    Nằm trên đất nước của mình.
    4. Phong cách nghệ thuật
      4.1.  Con người và cá tính sáng tạo
        Quang Dũng là  một con người tài hoa, nghệ sĩ. Ông thông thao cầm kì thi hoạ. Ông thích giang hồ ưa phiêu lãng. Đây là chất nghệ sĩ khát khao đi tìm cái đẹp và tình yêu đất nước của thi nhân :
                    Mũ hãy ngã cho nắng vàng mái tóc
                    Túi lên vai trời hửng núi xa rồi
                    Cột dây thép gió lùa qua rào rạo
                    Hát lên đường muôn dặm đường xa khơi.
       Quang Dũng không thích hơn kém ai trong trường danh lợi. ”Con người ấy như cái giếng thơi. Trên mặt giếng mây gió bốn mùa, mặt trời mặt trăng vẫn lượn qua, nhưng đáy giếng tĩnh lặng hàm chứa những nỗi niềm gì, ai mà thấy hết” (Trần Lê Văn). Con người ấy cũng là con người đôn hậu nhân tình :
                    Chabbi Chabbi
                    Còn bao giờ qua biển
                    Để về với đất trời bên ấy
                    Hai mươi tuổi trẻ nằm đây
                    Lòng đất Việt Nam hiền hậu.
                                (Chabbi Chabbi, 1954)
       Thơ Quang Dũng kết tinh lấp lánh vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ, một phong cách thơ hồn nhiên và chân thật như cá tính của ông. Quang Dũng đi nhiều viết nhiều. Từ cuộc sống riêng đến tác phẩm của ông, ông đã  biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ độc đáo của mình. Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa đa tài. Chính quê hương nổi tiếng với ca dao:
                       Đại Phùng nói khoác hơn đời
                       Phượng Trì khố nối ăn chơi đủ vành
làm nên phong cách cá tính của con người ông: con người suốt đời thích phiêu bồng xê dịch, lãng mạn, hào hoa; nhưng trầm lặng như chính thơ ông:
                      Có ai thấu được niềm u ẩn
                      Từng lắng nhiều trong những mảnh đời.
     4.2. Phong cách nghệ thuật
        - Thơ Quang Dũng chủ yếu viết về người lính. Người lính hiện lên trong thơ ông với vẻ đẹp hào hoa, nghệ sĩ.
        - Thơ ông đậm chất sử thi và có khuynh hướng lãng mạn, một đặc điểm  của văn học Cách mạng, nhưng vẫn có đặc điểm riêng, đó là cảm hứng bi tráng khi viết về người lính.
        - Thơ ông có giọng điệu ngang tàng, phóng túng đậm chất lính
        - Ngôn ngữ thơ sử dụng nhiều động từ và tính từ, những từ ngữ làm lên nội lực của hồn thơ ông.

                                                          ______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét