Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

66. THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một thầy thuốc đạo đức và một nhà sư phạm mẫu mực. Cuộc đời ông là một chuỗi dài bi kịch: bi kịch cá nhân và bi kịch nước mất. Nguyễn Đình Chiểu đã ngạo nghễ vượt lên những khó khăn của đời mình mà sống vì đất nước nhân dân bằng quan niệm nhân sinh tích cực. Chính vì vậy, thơ văn
của ông tỏa sáng bao nhiêu là vẻ đẹp: vẻ đẹp của quan niệm văn chương, lí tưởng thẩm mĩ, tư tưởng nhân nghĩa và phong cách nghệ thuật. Có thể nói, ông là một trí thức có nhân cách cao cả, không chấp nhận thỏa thuận với cái xấu cái ác, không thỏa hiệp với chính mình. Tất cả ông đã dồn vào văn chương để những trang thơ phập phồng hơi thở của sự sống, tràn đầy sức căng của thời đại và âm vang tiếng lòng yêu nước thiết tha của ông. Là một người cầm bút, Nguyễn Đình Chiểu đã nêu rõ quan điểm nghệ thuật làm kim chỉ nam cho ngòi bút của mình. Trước hết đó là quan niệm về cái đẹp hình thức nghệ thuật:
                            Cẩm văn thêu dệt đời, đời chuộng,
                            Mùi đạo trau giồi bữa, bữa no.
                            Gặp thuở mây xanh siêng đọc sách,
                            Mỗi câu đều hưởng phúc trời cho.
                                                       (Sĩ)
            Khi nói đến tài học của Lục Vân Tiên:
                           Văn đà khởi phụng đằng giao
               (Văn đẹp như con phượng trỗi dậy, con rồng bay cao)
                                                          (Lục Vân Tiên)
            Khi Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga, họ trao thơ cho nhau:
                            Nguyệt Nga ứng tiếng xin hầu,
                            Xuống tay liền đã tám câu năm vần.
                             (...)
                            Vân Tiên xem thấy ngạt ngào,
                            Ai ngờ sức gái tài cao bực này!
                            Đã mau mà laị thêm hay,
                            Chẳng phen Tạ nữ cũng tày Từ phi.
                            Thơ ngâm dũ xuất dũ kì,
                            Cho hay tài gái kém gì tài trai.
                                                             (Lục Vân Tiên)
            Trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, ở phần Lung khởi, Ngư-Tiều gặp nhau cùng làm thơ:
                             Ngư rằng: vốn thiệt thầy nhu,
                             Lòng cưu gấm vóc, lại giàu lược thao.
                             Nói ra vàng đá chẳng xao,
                             Văn ra: dấy phụng, rời giao tưng bừng.
                                                            (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
            Nguyễn Đình Chiểu chú trọng cái hay, cái đẹp trong thơ văn; ông đã ví thơ văn như gấm thêu, vóc dệt, như rồng bay phượng múa, như vàng, như đá, càng viết càng hay càng lạ. Và sau đó là cái đẹp của nội dung tư tưởng. Cái đẹp trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không phải là cái đẹp cái hay của hình thức mà cái đẹp, cái hay ấy phải bắt nguồn từ nội dung đạo đức, từ hương thơm ngạt ngào của thơ văn, cái đẹp là cái đẹp của vàng, cái rắn là cái rắn của đá.
            Trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp đọan Nhập môn, Đạo dẫn, Ngư, Tiều xướng họa, Nguyễn Đình Chiểu viết:
                               Noi theo đạo cũ Kim Liên,
                               Cùng nhau xướng họa đoản thiên nối bài.
                               Mặc dầu hai chữ tả hoài,
                               Việc xưa, được mất, bởi ai, cớ gì?
                               Người xưa sao có thị phi,
                               Đạo trời sao có thịnh suy chẳng đồng?
            Với Nguyễn Đình Chiểu, nội dung thơ văn rộng bao la và rất thẳm sâu. Văn chương chứa đựng nhiều lớp nội dung: nhân sinh quan, triết lí về cuộc đời, về con người, về lẽ phải trái, về quá trình lịch sử... Đối chiếu quan niệm thẩm mĩ này với cuộc đời và con người của ông, ta thấy có sự thống nhất giữa nhân sinh quan và thẩm mĩ quan. Nhà thơ từng viết:
                                Trọn đời một tấm lòng son,
                                Chí lăm trả nợ nước non cho rồi.
                                                          (Lục Vân Tiên)
            Đạo đức là thức ăn tinh thần, là môi trường sống, là không khí của Nguyễn Đình Chiểu hít thở. Đạo đức nhân nghĩa là máu huyết, là thịt da con người Nguyễn Đình Chiểu. Thực tiễn lịch sử xã hội càng làm cho đạo đức nhân nghĩa ấy sâu thẳm hơn. Nếu thời Nguyễn Du:
                                  Trải qua một cuộc bể dâu,
                                  Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
                                                                (Truyện Kiều)
thì thời Nguyễn Đình Chiểu:
                                   Trước đèn xem truyện Tây Minh,
                                   Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
                                                                   (Lục Vân Tiên)
                      nên:
                                    - Nói ra thì nước mắt trào,
                                     Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi...
                                    - Đương thuở tinh chiên dặm bấy đường,
                                      Trăm nhà nấy trọn dấu thư hương.
            Nguyễn Đình Chiểu say mê đạo đức:
                                       Mùi đạo trau giồi bữa, bữa no
                                                                       (Sĩ)
            Thư gửi cho em: "Nghe nhiều kẻ tiếng đời nhơ bợn, muốn em cho mùi đạo thơm tho".
                                       Mấy ngày theo đạo truân truân,
                                       Như mình ở giữa gió xuân mưa hòa.
            Thiết tha cao đẹp là hai câu:
                                        Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
                                        Lòng đạo xin tròn một tấm gương.
            Cái lí tưởng say mê đạo đức ấy xuất phát từ một lòng nhân đạo sâu sắc, bao gồm lòng yêu nước thương nhà, yêu thương con người sâu sắc:
                                         Mến nghĩa bao đành làm phản nước,
                                         Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.
                                                                    (Đạo người)
Nguyễn Đình Chiểu còn quan niệm nhà văn phải lấy văn chương làm vũ khí bảo vệ đạo lí.        Thơ văn theo quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu không phải là một thứ phù phiếm ngâm hoa vịnh nguyệt mà phải có tác dụng bổ ích cho con người, cho xã hội, qua việc biểu dương những điều hay, phê phán việc dở, như tinh thần "bao biếm" của Khổng Tử khi viết sách Xuân Thu:
                                          Học theo ngòi bút chí công,
                                          Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân thu.
Mở đầu Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu viết:
                                           Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
                                           Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Và lại viết tiếp:
                                           Bấy lâu cửa thánh gần kề,
                                           Đã tươi khí tượng, lại xuê tinh thần.
Thơ văn phải có tinh chiến đấu, chiến đấu cho chính nghĩa, cho đạo đức, chống lại gian tà:
                                            Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
                                            Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
                                                                          (Than đạo)
                                             Nét mực tu kinh ngăn đứa loạn.
                                                                           (Vịnh Khổng Tử)
Về tư tưởng  nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đề cao tư tưởng nhân nghĩa.Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đẹp tựa như ánh trăng rằm vằng vặc tỏa soi rạng ngời trên bầu trời Nam bộ. Cái đẹp của Nguyễn Đình Chiểu là rất xưa, nhưng cũng rất hiện đại, rất Đồng Nai; nhưng cũng rất Việt Nam. Nó vừa là một lí tưởng đạo đức, nhưng cũng vừa là một cảm hứng chủ đạo, là phong cách nghệ thuật trong sáng tác của nhà thơ.
Khái niệm nhân nghĩa không nằm trong cách hiểu của Nho giáo mà nằm ở tiếng nói chung của những tín hiệu thẩm mĩ, nghĩa là trong cấu trúc chung của tác phẩm, trong phong cách bao trùm sáng tác của nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh trung hiếu tiết nghĩa, nhưng Lục Vân Tiên bỏ trung tìm nghĩa. Nghĩa mang tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Để truyền sứ điệp này, Nguyễn Đình Chiểu vừa dùng ngôn ngữ nhân dân vừa dùng khái niệm Nho giáo. Nhân vật của ông luôn ở trong tình huống lựa chọn căng thẳng:
Lựa chọn của Vương Tử Trực giữa Lục Vân Tiên với Võ Thể Loan:
                                        Vợ Tiên là Trực chị dâu,
                                        Chị dâu em bạn có đâu lỗi nghì.
Lựa chọn con đường tù tội với phi nghĩa bất dũng của Hớn Minh khi bẻ chân Đặng Sinh - lựa chọn nghĩa hiệp.
                                        Vật chàng ngã xuống bẻ đi một giò.
Lựa chọn giằng xé nhưng quyết liệt giữa thủy chung với người yêu nghĩa hiệp với uy lực của triều đình của Kiều Nguyệt Nga. 
Lựa chọn của Kì Nhân Sư - mò mẫm tìm nhau trong đêm tối lịch sử - giữa con đường danh lợi đầy phản bội nhơ nhuốc với gian khổ trăm bề.
Lựa chọn giữa nghĩa dân: "côi cút làm ăn" với xả thân vì nghĩa lớn.
Lựa chọn của Trương Định, Phan Tòng giữa lòng dân lớp lớp "đón ngăn mấy dặm mã tiền" và cái uy lực của triều đình "thiên tử chiếu".
Dưới ngòi bút của Đồ Chiểu, sức hút của cái đẹp vì nghĩa cảm kích sâu xa đến rơi nước mắt, sức đẩy của sự phi nghĩa gây một nỗi căm hận đến mức phải tuốt gươm ra mà hành nghĩa. Nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu khơi sâu mạch trữ tình nhân đạo đầy chính nghĩa, tăng kịch tính của cái đẹp "ngang tàng". Nghĩa tạo ra những điển hình tiêu biểu, những pho tượng nghệ thuật bất hủ sống mãi với truyền thống bất khuất của dân tộc.
Phép đối ứng của văn biền ngẫu tạo ra cái nghĩa xung phong, vô điều kiện, tạo ra cái bi hợp lí, phức tạp làm cơ sở cho cái hùng. Cái hùng có cái thế áp đảo cái bi. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cái bi hùng, cái còn mất dồn đuổi nhau như lớp lớp sóng dồn để biểu hiện cái đau: gốc từ quý dân yêu nước - và khí phách hiên ngang kiên cường luôn đứng ở nhịp mạnh.
Nghĩa đem đến cho nhịp đi của bài văn tế xưa một nét lạ: trong lúc văn tế cổ điển thường đem đến sự vô cùng của cái chết, kết thúc hữu hạn của cuộc đời để gây đau xót, thì Đồ Chiểu, từ khoảnh khắc của cái chết mà mở ra vĩnh cửu sinh thành.
                                            Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc...
                                            Ôi, một trận khói tan ngàn năm tiết rỡ.
                                                       (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Nghĩa còn là băng qua bi kịch về tinh thần, về tình cảm,... Nghĩa còn là lòng trung thực thủy chung vô hạn, thủy chung với bạn, với ân nhân, với người yêu, với bố mẹ, với tổ tiên dân tộc. Từ Lục Vân Tiên đến Ngư Tiều ngư thuật vấn đáp, các nhân vật luôn ở trong một quá trình đấu tranh cho chung thủy. Chính điều đó tạo xương sống cho nhân vật, làm nổ tung mọi biến cố, tạo sức bền dai cho mọi mối tình, đưa nhân vật vượt qua mọi thử thách. Nghĩa ở đây là tình nghĩa, ân nghĩa chứ không phải lễ nghĩa. Chuyện Lục Vân Tiên là một lời hẹn ước, Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một lời hẹn ước. Có bao nhiêu chỗ hẹn là có bấy nhiêu chất thơ nồng cháy bâng khuâng.
                                            Đạo trời có thịnh có suy,
                                            Hết cơn bỉ bể, đến kì thái hanh.
                     Hay:
                                             Sau thời Thúc Quý tan mây,
                                             Sông trong biển lặng mắt thầy sáng ra 
                                                                  (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
Nguyễn Trãi: Nghĩa [ đại nghĩa; nhân [ chí nhân.
                                             Đem đại nghĩa để thắng hung tàn;
                                             Lấy chí nhân để thay cường bạo.
                                                                     (Đại cáo bình Ngô)
Cái nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu vừa là một nguyên lí duy nhất, vừa là phương châm xử thế, vừa là cảm hứng tạo chủ đạo trong sáng tác của ông.
Nguyễn Đình Chiểu  cũng đề cao, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng. Nguyễn Đình Chiểu là một thư sinh đánh giặc bằng ngòi bút (Chí cánh thư sinh không bút trận - Tùng Thiện Vương), vì thế trang thơ của ông lấp lánh và dạt dào tư tưởng yêu nước. Nhưng trong vườn thơ của ông, bên cạnh những đóa hoa hướng dương rời rợi sắc vàng thắm tình nước tình dân, còn có những bông hoa rực rỡ sắc đỏ anh hùng - chủ nghĩa yêu nước anh hùng của thời đại ông. Cho nên, không ngẫu nhiên chút nào trong thơ ông lại vang lên những lời ngợi ca, kêu gọi hành động anh hùng khi đất nước đắm chìm giữa khói lửa chiến tranh.
                                              Một trận trải gan trời đất thấy,
                                              So xưa nào thẹn tiếng anh hùng.
                                                                  (Thơ điếu Phan Tòng, I)
                                               Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
                                               Nỡ để dân đen mắc nạn này.
                                                                   (Chạy giặc)
                                        Mũi giáo Thi Toàn đừng để sét,
                                        Lưỡi gươm Dự Nhượng phải toan giồi.
                                                   (Thơ điếu Trương Định, XII)
Quan niệm chủ nghĩa anh hùng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu có cơ sở thực tiễn khách quan đã được thực tiễn "đóng triện" xác nhận. Thực tiễn đó là lòng yêu chính ghét tà, là phẩm chất hiên ngang, khẳng khái dũng cảm, bất khuất của chính Nguyễn Đình Chiểu và của số đông quần chúng bấy giờ. Có thể tóm lược ba cơ sở thực tiễn hình thành quan niệm anh hùng trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. Một là: từ trải nghiệm những cay đắng mà ông có những suy tưởng về đạo lí và quyết tâm phấn đấu bảo vệ đạo lí. Cả cuộc đời gần như ông là một chứng nhân - một sự chứng kiến bằng tâm hồn nhạy cảm - bi kịch của dân tộc, nên trút vào thơ cảm hứng ngợi ca, khuyến khích người đứng lên cứu nước. Hai là: ông là người lí tưởng: "Sống thờ vua thác cũng thờ vua". Nguyễn Đình Chiểu gần Nguyễn Công Trứ (không quân thần phụ tử đếch ra người) nhưng xa Lê Hữu Trác - Hải Thượng Lãn ông (Ta há chịu đem mình bán rao ư?). Dù thế nào, Nguyễn Đình Chiểu vẫn tha thiết "trí quân trạch dân":
                                                  Đã cam chút phận dở dang,
                                       "Trí quân" hai chữ mơ màng năm canh;
                                                   Đã cam lỗi với thương sinh,
                                        "Trạch dân" hai chữ luống doanh ở lòng.
                                                         (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu suốt đời phụng sự cho lí tưởng vì dân vì nước chứ không phải chủ yếu là vì vua. Tư tưởng tôn quân chỉ là phương tiện chứ không là cứu cánh. Ba là: Nguyễn Đình Chiểu là con người chiến đấu không mệt mỏi. Bốn mươi năm sống trong cảnh mù lòa, ông kết bạn với những trí thức yêu nước Nam bộ, đóng góp cho bức tranh kháng chiến chống Pháp buổi đầu những trang thơ đẹp, những bài văn tế hừng hực lửa yêu nước anh hùng, dậy vang cảm hứng bi tráng, cảm hứng trữ tình thống thiết. Vây nên, Tùng Thiện Vương cảm phục đề thơ:
                                     Quốc ngữ danh đề Manh Tả sử,
                                     Quỷ hùng ca đáo Khuất Bình ai. (1)
                                      (Quốc ngữ nêu danh như Manh Tả,
                                       Giọng thơ bi tráng tựa Khuất Bình)
Chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, trước hết được khơi mạch từ suối nguồn thơ văn yêu nước Nam Bộ. Từ thế kỉ XVIII, mảnh đất cực Nam của Tổ quốc hiện ra thống nhất và tươi đẹp:
                                      Yêu nước nhà phải gài then chốt,
                                      Đề phòng khi nhảy nhót binh đao.
                                     (Mạc Thiên Tích - Hà Tiên thập vịnh cảnh)
Con người Nam bộ đau xé lòng trước đất nước bị phân chia thời Lê - Mạc, Trịnh Nguyễn:
                                        Thùy phân thùy hợp mạt chi hà,
                                        Nam Bắc tòng lai thị nhất gia.
                                                            (Lê Đản - Nam hà tiệp lục)
                                        (Ai chia ai hợp biết đâu mà,
                                        Nam Bắc từ lâu vẫn một nhà.)
Và chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu còn toát ra từ tính cách con người Nam bộ: cứng cỏi, thẳng thắn, dám nói dám làm. Cái dũng khí cọng với tinh thần yêu nước của người dân Nam bộ càng được nâng cao, mài giũa từ tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp. Hồ Huân Nghiệp trước lúc chịu rơi đầu vẫn cất giọng sang sảng:
                                      Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
                                      Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.
                                      (Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ,
                                      Làm trai trung hiếu quyết tôn thờ.)
Thủ khoa Huân bị giặc đóng gông đi xử tử vẫn dõng dạc đàng hoàng:
                                        Hai bên thiên hạ thấy hay không?
                                        Một gánh cương thường há phải gông.
                                                                          (Mang gông)
Trong Lục Vân Tiên, qua những hình tượng cụ thể, nhân vật anh hùng không một phút ngừng suy tư, trăn trở trước "nạn dân ách nước". Đó là ông Quán, Vương Tử Trực, Kiều Nguyệt Nga,... nhưng tập trung nổi bật là Hớn Minh và Lục Vân Tiên đã giúp dân qua những cơn khốn khó. Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh, Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Họ dốc lòng giúp nước:
                                          Làm trai trong cõi thế gian,
                                          Phù đời giúp nước phơi gan anh hào.
Giúp nước là đánh giặc Ô Qua cứu nước. Với Hớn Minh và Lục Vân Tiên, cứu cánh của trí và dũng trước hết là vì dân, vì nước, đồng thời cũng vì vua. Họ là những anh hùng trọng nghĩa khinh tài: "Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn" (lời ông Ngư), "Làm ơn mà lại trông hồi sao đang" (lời ông Tiều), "Làm ơn há để cho người trả ơn" (lời Lục Vân Tiên). Chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu khác biệt với chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Công Trứ: "Không công danh thà nát với cỏ cây", "Chí những toan xẻ núi lấp sống / Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ".
Như vậy, chủ nghĩa anh hùng theo quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên có nội dung nhân dân, rất tích cực tiến bộ bởi nó khẳng khái, vô tư. Trong những tác phẩm sau Lục Vân Tiên, chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu có sự điều chỉnh và bổ sung phù hợp với tinh thần của thời đại đánh Pháp. Đánh giặc cứu nước là mục đích, là tư tưởng cảo cả của người anh hùng: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc". Cho dù, trong những tác phẩm này, Nguyễn Đình Chiểu có nhắc đến vua, nhưng không nói đến chữ trung. Ông đứng về phía nhân dân, những trí thức yêu nước sẵn sàng dấn thấn hi sinh vì nước. Ông đồng tình với không khí chống lại chiếu chỉ của vua: "Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu" (Thơ điếu Trương Định). Ông thất vọng, nhạt phai niềm tin vào triều đình nhà Nguyễn:
                                      Trông tin quan như trời hạn trông mưa
                                                      (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
                                      Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,
                                      Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.
                                                                          (Xúc cảnh)
Ông thường nhắc đến nhân dân với giọng điệu trân trọng, trìu mến và tự hào: "Tiếc non nước ấy, nhân dân dường ấy", "Dân sa nước lửa bấy chầy", "lòng dân trời tỏ", "hồn phách mất, tiếng dân nào mất". Đây là một chủ nghĩa anh hùng vận động theo hướng dân chủ. Cho nên, người anh hùng trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là những anh hùng nghĩa dân (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), những anh hùng trí thức vâng theo mệnh lệnh của nhân dân mà chiến đấu hi sinh (Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền; Theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại), (Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân - Thơ điếu Trương Định, II). Họ được nhân dân yêu thương đùm bọc: "Thương quan tướng, nhắc quan tướng chiu chít như gà...",  "Lớn nhỏ trong lòng thảy mến trông".
Nguyễn Đình Chiểu đã đề cá tính sáng tạo của monhf vào thơ văn. Những tác phẩm của ông in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của ông.
Về phương diện nội dung, nội dung thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là nội dung trữ tình đạo lí và trữ tình yêu nước. Nhà thơ mù xứ Đồng Nai đã cất tiếng khóc vĩ đại trước người anh hùng Trương Định:
                                -Nói ra thì nước mắt trào,
                                  Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi!
                                -Ôi! Làm ra cớ ấy, tạo hóa ghét nhau chi!
                                  Nhắc đến đoạn nào, anh hùng rơi lụy mãi!
và ngợi ca Phan Tòng:
                                  Làm người trung nghĩa đáng bia son,
                                  Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn.
Về thể loại, ông đã phát huy vẻ đẹp của thể loại văn tế bao gồm văn tế viết theo thể Đường phú hay thể thơ thất ngôn bát cú..
Về giọng điệu, thơ văn ông có giọng điệu bi tráng thống thiết.
        - Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng
                                                     gặp bước gian truân;
         Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.
                                                               (Văn tế Trương Định)
        - Man mác trăm chiều tâm sự, sống những lo trả nợ cho đời;
          Phôi pha một mảnh hình hài, thác rồi bỏ làm phân cho đất.
                                          (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)       
Về ngôn ngữ, thơ văn ông sử dụng nhuần nhị ngôn ngữ đậm chất dân gian, Nam bộ. Nguyễn Đình Chiểu viết cho ai, ông viết cho nhân dân. Vì hình thức nghệ thuật của thơ văn ông thật giản dị, đặc biệt là ngôn ngữ. Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đem tiếng nói thông thường của dân, nhất là của nhân dân lao động vào thơ. Cú pháp đảo ngược:
                                             -Vợ tiên là Trực chị dâu.
                                             -Nói rồi bức tượng vai mang.
                                                                   (Lục Vân Tiên)
Điển tích trong thơ Nguyễn Đình Chiểu là chủ nghĩa nhân văn cổ đại phương Đông đã thấm sâu trong tâm hồn ông. Cho nên thơ văn ông đã hòa hợp được tinh thần thực tế hiện đại của xã hội Việt Nam lúc bấu giờ đang đấu tranh chống ngoại xâm với cả cái tinh hoa của nền văn minh cổ đại. Điển cố trong thơ văn ông khiến thơ giàu hình tượng, hàm súc và thấm đẫm chất trữ tình.
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Chiểu là ngôn ngữ mộc mạc, không gọt giũa cứ theo cách nghĩ thẳng đuột mà bung ra. Vân Tiên, con người trực tính thấy bọn cướp núi Phong Lai là xông vào tả xung hữu đột, đánh một gậy "thác đà mạng vong". Hớn Minh cũng tính thẳng ngay nên gặp Đặng Sinh hiếp hãm con gái người ta, vật ngay xuống bẻ giò. Nguyễn Đình Chiểu do đó cũng chẳng màu mè, cứ ngôn ngữ đời thường mà tả:
                                              Tôi bèn nổi giận một khi,
                                              Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò
Hay Vương Tử Trực châm biếm Thể Loan:
                                              Ca ca sao chẳng chịu đi,
                                              Về cho tẩu tẩu để khi xách giày!
Hoặc Vân Tiên nói với Nguyệt Nga:
                                               Vân Tiên ngó lại rằng: "Ừ!",
                                               Làm thơ cho kịp chừ chừ chớ lâu.
Ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu, "Một ngôn ngữ bình dân, thông dụng, chân thực, thực tế, có cái vị thơm, cái hương lành của nó, cái hương vị văn miền Nam" (Xuân Diệu). Tả Lục ông thấy bức tượng con mình: Lục ông một buổi ngồi nhìn. Tả nỗi lòng đau Vân Tiên không về kịp để thấy phút cuối đời của mẹ:
                                               Tiên rằng: Con Bắc mẹ Nam,
                                               Nước non vòi vọi đã cam lỗi nghì.
Vân Tiên và Nguyệt Nga tâm tình thì:
                                                Tiên rằng: - Nàng tính thế nào?
                                                 Nàng rằng: Anh hãy về trào tâu lên.
Nhưng cụ Đồ Chiểu không có những câu thơ trữ tình tâm trạng đạt đến sự điêu luyện làm nao lòng người:
                                              - Nghĩ mình mà ngán cho mình,
                                                Chữ ân chưa trả, chữ tình đã vương.
                                                 Nặng nề hai chữ uyên ương,
                                                Dây sầu ai khéo vấn vương vào lòng.
                                               - Hữu tình chi bấy Ngưu lang,
                                           Tấm lòng chức nữ vì chàng mà nghiêng.
Thơ của cụ Đồ xứ Ba Tri cũng ngân nga nhạc điệu.  Có khi nhạc vang ra từ sự láy lại theo điệu thơ thập thủ liên hoàn:
                                      Trạnh lòng trăm họ khóc quan Phan
                                      Quan Phan thác trọn chữ trung thần.
                                                                       (Thơ điếu Phan Tòng)
Nhạc điệu đắp đổi âm thanh xoắn xuýt từ phép đối:
                         Vì nước tấm thân đã gởi, còn mất cũng cam,
                         Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào ngại.
                                                                         (Điếu Trương Định)
                                                  Núi đất nửa năm ngăn giặc,
                                                  Giáo trên ngàn dặm đánh Tây.
                                                                       (Văn tế Trương Định)
Nhạc tỏa ra từ điệu ca dao bàng bạc như quyện lấy tâm hồn người đọc:
                                  - Ai ơi lẳng lặng mà nghe,
                               Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
                                  - Mấy ai ở đặng hảo tâm,
                                Nắng hun giúp nón, mưa dầm giúp tơi.
                                  - Người đời như bóng phù du,
                                Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
                                  - Nực cười con tạo trớ trinh,
                                Chữ duyên tráo chác, chữ tình lãng xao.
Nhạc điệu thơ Nguyễn Đình Chiểu có một số câu phân bố các dấu huyền tạo nên một tâm tình ngẫm nghĩ.
                                  - Thương ôi! Người ngọc ở Bình Đông
                                                               (Thơ điếu Phan Tòng)
                                  - Hoa cỏ ngùi ngóng gió Đông
                                                                       (Xúc cảnh)
                                  - Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
                                    Cám cảnh giang sơn biết bấy nhiêu.     
             
Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là nhất quán. Cuộc đời và  thơ văn Nguyễn Đình Chiểu khác nào: "Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn càng thấy sáng" (Phạm Văn Đồng - Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc). N. Niculin: "Nhà thơ nhà phê bình hiện đại Xuân Diệu đã viết rằng cánh buồm thơ ca của Đồ Chiểu chứa đầy bão táp của một thời đại giông tố, nó đã đem tới chúng ta bầu không khí của thời đại đó. Cánh buồm ấy đã vượt qua một thế kỉ, nhẹ nhàng lướt trên sóng thời gian và mạnh bạo tiến thẳng về phương trời xa tắp" (Nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam).
                                                      Hoàng Dục - 2007


(1) Tả Khâu Minh, một nhà viết sử mù thời Chiến Quốc, Khuất Nguyên, thơ lớn nước Sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét