Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

68. TRƯỜNG TÔI, TỪ MỘT GÓC NHÌN

  Một góc sân trường
Ngày 20-11  sắp đến rồi.

Trong tôi như có tiếng nói thôi thúc phải viết một điều gì đó về mái trường thân yêu của tôi, nới có những người thầy, những đồng nghiệp, những anh em và những học sinh thân thương đang miệt mài góp phần mình đưa trường lên một tầm cao mới hơn, xứng đáng với niềm tin của nhân dân thành phố Đà Nẵng thân yêu.
Nhưng viết về mái trường của mình, không hiểu sao tôi thấy khó đến thế! Mỗi lần ướm bút vào trang giấy, tôi lại có cảm giác như tự ngắm mình, tự soi vào gương. Và trong tôi, chữ nghĩa hình như bay biến cả. Không hiểu trong trí nghĩ tôi bộn bề bao nhiêu là ý tưởng? Hay trường tôi có quá nhiều điều đáng viết và nên viết? Hay tôi đang rơi vào trạng thái tâm lí: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở” (Chế Lan Viên)? Tôi không rõ lắm, nhưng cũng có thể như thế. Nếu vậy, tại sao tôi không lùi lại một chút nhỉ! Ừ, phải tạo một khoảng cách tâm lí, một điểm nhìn khách quan thôi – tôi tự nhủ-Đúng rồi, mình thử hoá thân thành chủ thể thưởng thức cái đẹp truyền thống của trường để ngắm nhìn xem sao?

Và… tôi bỗng nhớ. Một buổi chiều tháng mười trước đây, tôi theo chân một anh bạn đến Bảo tàng Chăm, vì anh đang viết một bài về văn hoá Chăm hay một bài gì đại khái như thế. Sau khi anh dán mắt vào từng bức tượng, ghi ghi chép chép xong, chúng tôi cùng nhau đứng nhìn mông lung về phía bên kia sông. Bỗng anh chỉ tay về phía đối diện, cười và bảo tôi: “Rồi ông lại sang sông như ngày nào dạy ở Hoàng Hoa Thám. Lại lối cũ ta về”. Cái cười của anh như lây lan sang tôi: “Đúng lối cũ mình về, nhưng đường xưa đã mới. Ông đâu còn thấy đò ngang sông Hàn như thoi dệt nối “bông này sên” với “bông tê sên” nữa. Anh bạn tôi ngoái nhìn những bức tượng, rồi như thẩn thờ: “Đã đằng sau rồi”… Còn tôi chợt nhớ, sắp đến ngày 15-10, kỉ niệm mười tám năm thành lập trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng rồi. Thời gian…

Bây giờ tôi đã trở lại dạy “bông tê sên”, ở cơ sở mới của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Mái trường của tôi (trường cũ lấy trường Phan Thanh Giản – trường tư thục trước 1975 - làm cơ sở) không còn nhỏ hẹp, và cũ nát, nằm khuất lấp giữa những ngôi nhà cao tầng của phố xá giăng mắc mà đang sừng sững bên bờ sông Hàn đầy nắng và gió. Nếu những ngày qua, tôi gần gũi ngôi trường cũ vì đây là không gian gia đình thì nay tôi bắt đầu thân quen với ngôi trường mới bởi vẻ đẹp thoáng rộng và hiện đại của nó. Nhiều khi đứng ngắm sa bàn tổng thể của trường đặt ở tiền sảnh, nhìn từ trên xuống, tôi thấy những dãy ngang dãy dọc, những dãy thẳng dãy cong trong quần thể kiến trúc kết dính tạo thành hai mẫu tự ĐN thật khéo. Tôi không hiểu đấy có phải là ý tưởng của người thiết kế không? Nhưng với tôi, nó phải thế và chỉ là thế mà thôi. Bởi nó là ngôi trường của học sinh chuyên của thành phố Đà Nẵng kia mà.

                        Tượng Lê Quý Đôn, phía tây sân trường
Tự dưng tôi loáng thoáng nhớ, hình như có ai đó nói với tôi, “kiến trúc trường mới của ông thiếu nét truyền thống”. Tôi lại cúi xuống sa bàn ngắm nhìn ngôi trường hiện đại giữa không gian xanh mênh mông. Tôi tự hỏi: truyền thống là gìnhỉ? Phải chăng truyền thống là sự tiếp thu những yếu tố hiện đại vào dòng chảy văn hoá, lịch sử của một dân tộc, của một ngôi trường, rồi biến những yếu tố hiện đại ấy hài hoá với những yếu tố truyền thống và chính nó cũng trở thành truyền thống. Có lẽ thế chăng? Nhưng rồi tôi tự nhủ không nên cầu toàn làm gì. Cuộc sống luôn ở phía trước, sự hoàn thiện là tương lai và truyền thống là mai sau; tất cả đặt trên vai của ngày hôm nay. Nên hôm nay chúng tôi đang gắng sức làm xanh sạch đẹp ngôi trường của mình. Chúng tôi đang đặt một kiến trúc hiện đại giữa bao nhiêu là cây kiễng, khóm hoa, cây bóng mát; giữa một không gian xanh, không gian văn hoá thảo mộc của xứ sở nhiệt đới đấy thôi. Và hôm nay, những con người của trường tôi cũng đang nối dài, mở rộng thêm truyền thống dạy và học của nhà trường khi còn ở cơ sở cũ đấy thôi.

Xin đừng cho rằng tôi bao biện. Tôi đang cảm nhận trường mình từ góc độ truyền thống và hiện đại theo cách nhìn của riêng tôi. Tôi đang nhìn trường tôi từ “đôi mắt si tình” trước “đôi má hồng” của người thiếu nữ, chứ không phải “đôi má hồng” của cô gái đẹp chỉ đẹp trong “đôi mắt si tình” của tôi.  Tôi đang từ góc nhìn tình nghĩa, một nét đẹp văn hoá truyền thống của thầy trò trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Đó là một truyền thống hình thành và không ngừng bồi đắp, phát huy trong mười tám năm qua.  Tôi nghĩ. Tôi se tạo được sự thấu hiểu, đồng tình nếu tôi thành thật bày tỏ niềm hứng khởi của mình về mái trường của tôi. Nghĩ thế và tôi viết thì có gì đáng trách đâu. Mà làm sao tôi không hứng khởi cho được? Suốt cả năm học qua, những con người của trường tôi đang “bắt” những phòng học khang trang; những phòng bộ môn đạp, tiện nghi; những phòng thí nghiệm, phòng multimedia hiện đại thành truyền thống. Một năm qua, những người lãnh đạo nhà trường đã năng động đưa trường vào quỹ đạo giáo dục hiện đại. Một năm qua, những người thầy của trường chuyên đã ra sức biến những trang giáo án điện tử thành hiện thực, biến nó thành tâm huyết, kĩ thuật và nghệ thuật dạy học của họ trên bục giảng. Một năm qua, học sinh của trường đã nỗ lực hết mình để không phụ lòng thầy cô, để trong muôn một đáp đề tình nghĩa của nhân dân Đà Nẵng dành cho các em. Và kết quả một năm qua ấy sắp chuyển hoá thành niềm vui : trường tôi được đón nhận những danh hiệu xuất sắc.

Hình như tôi cảm giác đang được cảm thông và se chia. Tôi mong được như vậy… Tôi, các đồng nghiệp và học sinh của trường chuyên rất hạnh phúc vì đã góp phần làm đầy thêm lên truyền thống  hiếu học; góp phần tạo thêm chiều sâu, bề dày cho phòng truyền thống sang trọng và hiện đại của nhà trường. Bởi chúng tôi biết chúng tôi đang đi trên con đường hiện đại hoá truyền thống và truyền thống hoá hiện đại sự nghiệp giáo dục của nhà trường, đấy là một con đường tiếp nối, liên tục phát triển chạy về phía trước. Con đường ấy có thể đầy hoa hồng có gai. Nhưng chúng tôi vẫn đi và mãi đi, vì chúng tôi biết không gai chẳng thể là hoa hồng.

Viết đến đây, cảm xúc của tôi dịu lắng xuống. Hình như trong tôi chưa hề có cảm giác tự ngắm mình trong gương. Bỗng nhiên tôi nhớ lại buổi chiều tháng mười năm nào. Tôi tưởng như lòng mình đang rộn lên niềm vui khó tả. Bất giác tôi mỉm cười và lẩm nhẩm: “Lối cũ mình về, nhưng đường xưa đã mới”.
                                                                                                           Hoàng Dục
11-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét