Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

132. CÙNG VIỆT ANH NHÌN "ĐỜI CÒN HỒNG CHÁN!"

    Sáng nay mở email thấy thư của Đặng Ngọc Việt Anh:
   “Hôm rồi gửi cái ảnh bánh sandwich tặng thầy mà thầy nói ảo quá, thôi em tặng lại thầy cái khác. 2 file em gửi, 1 là file bản thảo của Tôi, tình yêu và linh tinh..., để lỡ thầy có giới thiệu truyện em trên blog thầy nữa thì thầy đỡ phải oánh lại truyện đỡ mất công, cái còn lại là 1 truyện ngắn em viết lâu lắm rồi, sau khi tập truyện em đã ra nhưng trước khi em qua Hàn. Thầy đọc cho vui. Rứa thầy nghe, có chi sau ni em gửi truyện thầy đọc tiếp.”
     Rất vui vì đã biết tin Việt Anh đang học ở Hàn Quốc, và cũng rất vui vì em gửi tặng “Quà tặng tâm hồn” cho mình. Mình vội tải truyện ngắn mới xuống, rồi đọc và sửa vội một số lỗi chính tả. Bây giờ thì đăng blog như là “một chút gì để nhớ”. 

                                         “Đời còn hồng chán!”
Ông Sáu là hay đùa lắm. Mỗi bận có đứa nào buồn buồn chuyện gì là ông tới vỗ vai kêu Đời còn hồng chán mà sao mặt mày đen thui vậy mày? Tao đây còn chưa chi  mà mày thanh niên trai tráng vậy coi không được tí nào trơn... Cả cái xóm trọ toàn sinh viên năm một, năm hai, năm ba, năm tư, với mấy anh mấy chị đã đi làm rất là thích ông Sáu chủ nhà. Cái chuyện chiều chiều có anh chị nào nấu nhiều cơm một tý mời ông sang ăn cùng, phổ biến từ xưa đến nay như thể nếu không có chuyện đó xảy ra thì trời không thể tối được. Ông thân với mấy đứa trọ dãy nhà của ông còn hơn với bà con chòm xóm nữa đó chớ!
Ông Sáu mấy tuổi rồi? Hỏi trong xóm trọ thử coi có đứa nào biết không? Không đứa nào biết trơn. Hàng xóm còn không biết chứ hỏi gì mấy đứa nhỏ. Nhưng ông già rồi. Già rồi thì mới gọi là ông chứ! Tóc ông hai màu, màu trắng nhiều hơn màu đen. Ông đùa chơi, nói mấy đứa hồi trẻ ông đi nhuộm tóc “hai lai” cho hạp thời đại, ai dè con nhỏ hàng sấy gội nhuộm đổ phẩm trắng nhuộm quá tay, giờ tóc ông ra vầy đó hà. Bọn nhỏ cười hê hê. Dưới cằm ông có nhúm râu, cũng “hai lai” y chang màu tóc. Không biết ông có nhuộm râu không nữa!
Ông Sáu gầy, cao, trên mặt nhiều nếp nhăn - chắc ông cực lắm chứ cũng chẳng nhàn chi. Nhìn dáng ông ở xa khẳng khiu giống cây khô. Nhìn vậy chứ không có khô chút nào à nha! “Đứa nào nói tao khô tao quánh chết hà!” Ông Sáu khoẻ thiệt. Ông cho tụi sinh viên thuê cái dãy phòng cũ ngày xưa của nhà ông. Tưởng ông chỉ vậy ngồi chờ tiền thuê nhà hằng tháng ăn dần hưởng tuổi già chứ. Ai dè ông làm khuân vác ngoài bến cảng nữa. Ông thích cái câu “Càng già, càng dẻo, càng dai” đó mà! Công ông làm khuân vác một ngày cũng đủ ăn. Vậy thì không biết tiền thuê nhà ông để mần chi vậy ta? Có lần chị Huyền ở cái phòng trọ đầu tiên với hai chị nữa hỏi ông sao không ở nhà ăn tiền thuê của tụi con thôi, ra cảng khuân vác mần chi mệt vậy? Ông giãy nãy lên, kêu cái con nhỏ này, ý mày nói tao già hả? Bộ mày tưởng mấy con cá tươi tao cho tụi bay hôm rồi là ở trên trời rớt xuống chắc? Tao đổi mỏi miệng mới được giá rẻ đó nghe con. Tao mà ở nhà thì sao tụi mày có cá tươi vậy ăn chứ?
Rồi đủ chuyện. Ông Sáu chẳng bao giờ chấp nhận mình già và yếu, coi đời hồi nào cũng hồng hồng đẹp đẹp y chang mấy con nhỏ đang yêu. Mấy đứa sinh viên trong xóm trọ nhà ông phục ông quá trời.
Nhưng có cái này tụi nó khuyên ông hoài mà ông không chịu bỏ. Ông nghiện thuốc nặng chi đâu mà nặng. Một ngày chắc tiền thuốc bằng nửa tiền công ông làm ở cảng. Hồi nào tụi nó thấy ông là y chang không cần đoán cũng biết có điếu thuốc nào đó kẹp trên tay trái hoặc tai phải hoặc trên vành tai. Còn trong túi áo ngực chắc là cả bao thuốc với cái bật lửa đẹp đẹp nhìn có vẻ cổ cổ. Ông nói cái bật lửa đó ngày xưa bà tụi bay hỏi cưới tao đó. (Coi có đứa nào tin được không?). Nhắc đến bà, đứa nào cũng nghĩ là bà mất rồi. Nhưng trên bàn thờ mấy đứa nhìn thấy từ cửa sổ nhà ông trổ ra khoảnh sân nhỏ xíu bọc bởi mấy cái phòng trọ không thấy ảnh nào của bà hết trơn. Có mấy cái ảnh được phủ vải đỏ, nhưng đầu óc tụi sinh viên nghĩ cái ảnh nào cũng “có đôi có cặp” với một cái ảnh khác, không có ảnh riêng lẻ, vậy là không có ảnh bà rồi (?). Nghĩ vậy, nhưng không có đứa nào dám hỏi ông, từ chị Huyền lớn tuổi nhất đến thằng Giang tự xưng “anh hùng” nhất xóm trọ nhỏ nhỏ rộn ràng của ông.
Buổi sáng, mấy đứa không đi học hay thấy ông đạp xe đi. Rồi chiều, mấy đứa không đi học lại thấy ông đạp xe về. Ăn cơm. Rồi ông lại đạp xe đi. Rồi tối ông đạp xe về. May mà cái xóm trọ của ông có “tinh thần tự quản” tốt, tổ dân phố xuất sắc nên ông không phải bận tâm mấy chuyện tệ nạn xã hội. Cho đứa nào thuê là ông hỏi kỹ lắm, nhìn mặt gian gian một chút là không cho thuê nhà ngay. Vậy nên ông đi suốt cả ngày mà chẳng lo ở nhà mất cắp, ăn trộm, hút chích gì hết. Cờ bạc thì có nha. Mấy mùng Tết vui vui cách chi bọn thằng Giang thằng Minh cũng hè nhau rủ ông ra chơi tá lả, ván năm trăm một ngàn cho mà coi. Vui thì vui vầy, mấy đứa thấy ông cực quá cũng chỉ muốn giúp ông vui lên thôi. Có mình ông ở cái nhà cũ, coi cái sân cũ, quanh đi quẩn lại - thằng Giang (cạn) suy - kiểu chi ông cũng chết vì chán mất. Nghĩ vậy nên cả bọn cứ líu ríu với ông cả ngày, rảnh tay ra chút, không học không làm, là gọi ông ra chơi ván cờ, ăn chén chè,... thậm chí ngồi không nói chuyện trên trời dưới đất cũng hay hớn lắm. Nhìn coi bộ ông với mấy đứa thân nhau kiểu này coi đứa nào dám rời xóm trọ ông mà đi chỗ khác sống chớ?

                                                                        o0o

Hôm rồi con bé Mi ở tận Kiên Giang ra phố học ôn thi, ở đâu bù lu bù loa chạy vào xóm và khóc. Thì ra con nhỏ mất cái xe đạp rồi. Mới dựng ở đầu kiệt đó, đi vào quán mì nhỏ nhỏ của bà Hai tính mua hai tô mì xíu về cho nó với con Ngọc cùng phòng, rồi ngoảnh lại chẳng thấy đâu trơn. Con nhỏ vừa mếu máo vừa nói chắc mẻm cái chuyện nó đã khoá cổ xe rồi mà làm sao mất được. Rồi ông Sáu xuất hiện, biết đầu đuôi câu chuyện, rồi ông tới vỗ vai con nhỏ, kêu Trời ơi cái con nhỏ này, mất xe chứ chết cha chết ông gì đâu mà mày khóc hà rầm vậy? Đời nó vậy đó con, rảnh mắt ra là lũ cướp đường cướp chợ đầy hà. May mà mày còn cái thân à nha!... Con nhỏ vẫn cứ khóc lóc thảm thiết y chang cha chết, ông chết. Thì còn gì nữa, cái trung tâm luyện thi đậu Đại học 100% mà nó đang gửi trọn niềm tin ở tận Quận 1. Cái xóm trọ của ông ở Quận 3. Rồi cái quán nhậu nó đang làm thêm cũng cách cái xóm trọ ông Sáu ít nhất bảy cây số. Nó mà không có cái xe đạp đó đi luyện thi coi như lúa ba má nó trồng suốt 12 năm nó ăn học đem cho luôn thằng ăn cắp cái xe đạp rồi. Rồi chị Huyền, chị Linh, chị Nga vào với nó, an ủi chút chút. May mà sáng mai con nhỏ không phải đi học, nhưng như vậy là nghỉ một bữa ở chỗ làm. Bà chủ ở đó “rét” lắm, y chang mấy bà chủ ở những quán khác, đụng một chút là doạ đuổi việc liền hà.
Ông Sáu lại đạp xe đi như mọi tối thường lệ.
Rối sáng hôm sau, chị Huyền sang chơi cùng với Thảo, nghĩ em nó mất xe chắc khóc suốt đêm đến sưng mắt không chừng. Vậy mà sang tới nơi thấy phòng con nhỏ khoá cửa im ỉm. Quái, con bé mất xe mà còn lang thang đâu cái giờ này?  Hay nó đi với con Ngọc cùng phòng? Mà không được, Ngọc sáng nay nó có giờ ôn thi ở đâu đó mà?
Chị Huyền chạy hết phòng này đến phòng kia hỏi mấy đứa ở nhà xem có thấy Thảo đâu không. Và chẳng đứa nào thấy nó trơn. Không lẽ giờ đổ xô đi tìm nó? Con nhỏ không có di động, không biết nó có biết gọi điện thoại về cho ông Sáu không? ... Ý, không có!
...
Chờ riết chờ riết, rồi tầm 11h30, con nhỏ lách cách đạp cái xe đạp nào lạ hoắc lạ huơ về. Thằng Thạch cùng phòng với thằng Giang còn ngớ ra Mày tìm thấy xe rồi đó hả Thảo?. Mấy đứa đổ ra nhìn con Thảo đạp xe từ chỗ học về mà y như là chào đón ai đó long trọng lắm đến thăm xóm. Mắt đứa nào cũng đầy dấu hỏi.
Chờ Thảo cất xe gọn vào trong phòng nó, chị Huyền mới hỏi Xe ở đâu vậy nhỏ?. Rồi con bé lấy ly nước cho nó với chị Huyền, rồi nó ngồi kể chuyện. Hoá ra tối hôm qua mấy anh chị trong xóm không để ý, ông Sáu đi đâu đó về gọi Thảo ra kêu có chút chuyện. Con nhỏ tưởng ông lại rầy gì nó chuyện mất cái xe đạp. Ai dè đâu ông đưa con nhỏ cái chìa khoá rồi ngước cằm vô trong nhà. Con nhỏ nhìn vô trong nhà, thấy cái xe đạp cũng cũ cũ như cái xe đã mất của nó. Con nhỏ nhìn ông với cái dấu hỏi to đùng trên trán. Rồi ông ậm ờ Thì vô nhà dắt xe ra đi chớ đứng chờ cái quỷ gì nữa con. Hông lẽ tao như vầy rồi còn đi dắt xe cho thanh niên tụi bay?. Rồi con nhỏ dắt xe ra đứng trước mặt ông. Hình như cái dấu hỏi trên trán con nhỏ to hơn lúc nãy nữa. Vậy rồi ông chắp tay sau lưng bước tản tản vô nhà, nói Thôi có xe mới rồi nghen con! Cố mà học à nha! Tiền xe tao trừ dần tiền nhà đó hà! Mà, đừng có bù lu bù loa cho mấy đứa biết nghe chưa? Mất công đứa nào cũng chạy vào đòi tao cái xe đạp là không được à nha!. Dứt câu nói là ông quay lại đóng cửa luôn. Con nhỏ nhìn cái nháy mắt của ông, lúc ông quay lại nhìn nó đóng cửa mà ngớ luôn mấy chục giây. Trời, vậy là ông mua cái xe này cho nó hả? Vậy là ngày mai nó được đi học, chiều mai nó được đi làm rồi. Ôi trời! Nó muốn nhảy tới cái cửa đập rầm rầm gọi ông ra mà cảm ơn ông quá chừng trời. Mà tối rồi không  lẽ làm ầm lên cho hàng xóm người ta không ngủ được? Vậy là con nhỏ vui âm ỉ tới giờ đó hà!
...
Chị Huyền nghe chuyện xong, à một tiếng nho nhỏ như là thú vị lắm. Ờ, thú vị chớ. Nhớ ngày đầu chị ở nhà ông ha. Ngày đó chị y chang con bé đó, chân ướt chân ráo lên phố học thi, biết chi đâu, y như mấy con gà con lần đầu đi khỏi tổ đó. Thấy tính ông tưng tửng, chị cũng hết hồn hà, ban đầu tưởng ông bị gì gì nữa chớ. Vậy mà cũng hơn năm năm chị ở nhà thuê của ông rồi. Không biết đây là cái xe đạp thứ mấy ông mua cho mấy đứa nhỏ nữa? Không biết cái xe đạp chị đang đi đó là cái thứ mấy ông mua? Chị nhớ lại chị của ngày xưa ghê! Tự nhiên chị thương ông gì đâu không. Không biết mấy đứa kia biết chuyện có vậy không nữa?
Chiều hôm đó chị Huyền hè cả xóm trọ nhỏ nhỏ đó nấu cơm nhiều nhiều, nấu canh nhiều nhiều, nấu đồ ăn cũng nhiều nhiều, rồi gọi ông Sáu sang ăn chung cả xóm như là tiệc mừng con bé Thảo có cái xe mới. Giờ này chắc con bé đi kể hết cho cả xóm nghe chuyện cái xe cũ mới (xe cũ nhưng lại mới) của nó ở đâu bay về. Mấy đứa có dịp thân thiết với ông hơn nữa kìa. Thằng Giang, thằng Sơn tính cho ông uống rượu xỉn luôn mà ông kêu tối ông có công chuyện đi không uống nhiều được.
Vậy là một cái xe nữa trong cả trăm cái ông mua cho tụi nhỏ. Mà chẳng cái nào ông trừ vào tiền nhà của tụi nó cả. Chị Huyền biết chứ. Hồi đó ông cũng đâu nỡ trừ tiền nhà của chị, chỉ có hay bắt chị nói câu “Đời còn hồng chán mà cứ ngồi ủ rũ vậy là không được!”

                                                                      o0o

Rồi mấy thằng trong xóm cũng định theo ông một buổi tối xem ông đi đâu. Bởi tối nào ông cũng về muộn ơi là muộn. Trong này mấy đứa đi ngủ hết rồi thì hai ba tiếng sau ông mới về. Mấy chị ở phòng trọ đầu tiên hay làm việc khuya hay mấy đứa học khuya kêu ông hay ngoắc mấy đứa ra cho bánh mỳ ăn tối rồi mới vô nhà ngủ. Ý trời, không phải ông đi mua bánh mỳ mà tốn thời gian vậy đó chớ? Nếu mà ông cực vậy thì tụi nhỏ ăn vào nuốt sao trôi được. Vậy là hỏi đùa ông đi đâu mấy buổi tối mà đi hoài vậy, bộ ông có người yêu hả? Ông nói Tụi mày đúng là đồ con nít, tao chừng này tuổi rồi đứa nào ngu đâm đầu vào yêu mày. Ờ, tao đi... Ủa mà tụi bay biết chi vậy, đời còn hồng chán hà, sao tụi bay không lo yêu đi mà nói tao yêu chi? Cho tao hưởng cái tuổi già của tao cái coi...
Đó, không dưng trả lời trả vốn mà ông cứ đi vòng vòng hoài. Cuối cùng chẳng đứa nào biết ông làm cái gì vào cái giờ đó ở ngoài đường mà cứ chiều chiều đi đi tối tối về về hoài như vậy hà, ngày nào cũng đi. Ông không nói thì tụi con tự đi tìm thôi. Ai mượn ông khả nghi quá chi...
Rồi chiều, ông ở bến cảng về như thưòng lệ, ăn cơm, tắm rửa chi đó trong nhà, rồi bận đồ chỉnh tề lắm, đạp cái xe cũ đi. Ở trong, tụi thằng Giang thằng Thạch thằng Minh cũng đạp chân nhau nói đi đi không mất dấu ông. Tội nghiệp thằng cu Nguyên mai có bài kiểm tra giữa kì môn Dân tộc học đại cương nên dù có muốn đi lắm mà cũng phải cắn răng ở nhà nghiền cho xong cuốn sách dày chi lạ. (Thằng Minh cùng phòng nó còn hỏi Ủa có cái môn đó nữa hả mày?).
Ông đi xa ơi là xa. Tụi nó ba đứa hai cái xe đạp đạp rục cả chân cũng hơn một tiếng rồi chớ đâu, mỏi nhừ nhừ như món xương hầm nhừ của nhỏ Thuỷ làm mỗi khi trong xóm có ai đó bị cảm cúm. Vậy mà ông Sáu cũng đạp xe sao lại không thấy ông mỏi gì cả ta? Chắc ông mỏi mà giấu? Lên hỏi ông thì lộ mất tiêu... Hừ! Cả ba đứa nhầm nhằng đạp tiếp cho trọn cái đường Sài Gòn dài ơi là dài mà cũng là trọn tấm lòng mấy anh chị em ở nhà ngóng tụi này dài cổ như ngóng má về chợ hồi nhỏ.
Ông tới được cái nơi ông cần tới thì cũng đã gần chín giờ tối. Rồi ba đứa lò mò theo sau. Tới đó thì đã có hai thành công tạm thời. Một là ông không phát hiện ra ba thằng đạp xe ngu ngơ theo sau ông cả đoạn đường dài là ba thằng thuê hai cái phòng trọ của ông. (Hoặc ông cũng biết mà ngó lơ cứ cho tụi nhỏ theo để tụi nó thoả lòng... tò mò con thỏ?) Hai là cũng biết được cái nơi ông hay đến mỗi tối là cái nơi nào. Mà có chắc là tối nào ông cũng đến đó không? Hay chỉ tối nay? Hay mỗi tối ông tới mỗi nơi ta?
Rồi nhìn kỹ cái nơi có cái cổng sắt to tướng đó là cái nơi nào, ba thằng không có dấu hiệu chi là đã hẹn nhau, nháy mắt nhau, bấu nhau mà cùng nhìn nhau như thể trong mắt mỗi thằng có cái con gì to lắm. Chắc vậy mà mắt thằng nào mở cũng to đùng đùng gần bằng cái trứng vịt?
...
Im lặng mất mấy chục giây!
...
Cái biển ở trên cái cổng sắt to đùng đó ghi là Viện tâm thần XYZ...

                                                                       o0o

“Bọn mày nói cái gì cơ?”
Thuỷ hét lên một tiếng. À không, tính ra là sáu tiếng. Sáu tiếng của con Thuỷ rõ ràng và rành mạch đến cái bà bán bún ở đầu ngõ cũng nghe thấy. Rồi thằng Sơn đánh một cái chát vào vai con Thuỷ “Mày muốn ông nghe chuyện mày... à, tụi tao đi theo ông đấy hả con dở hơi này?”
Chị Huyền ngồi thừ ra. Chị Linh cùng phòng chị Huyền cũng ngồi thừ ra. Chị Nga cùng phòng với hai chị đó cũng ngồi thừ ra. Chẳng trách chi mà ở cùng phòng. Rồi cuối cùng chị Linh cùng thở một hơi dài và nói nhè nhẹ “Có khi nào đó là... bà không?”
Tức thì sau cái câu đó, mấy thằng Thạch Giang Minh Nguyên, hai con nhỏ Thảo Ngọc cùng nhau Hả một tiếng to hơn cả sáu tiếng con Thuỷ hét lên lúc nãy nữa. Giờ thì chả ai lại đi đánh chát chát vào vai cả sáu đứa cả.
Có chắc không chị, em nghĩ là bà... rồi chứ! - Thảo vừa nói vừa ngập ngừng.
Thế nếu ông không có bà thì chị tính sao đây? – Nguyên nói cái vẻ ngờ ngờ...
Chắc đó chỉ mới là hai trong số hơn một trăm câu hỏi đang bay nhảy trong đầu óc của mấy đứa nhỏ, mấy chị bây giờ.
Nè, sao không đi hỏi chuyện hàng xóm của ông?
Ý kiến của chị Linh có vẻ là cái sáng kiến nhất của những cái sáng kiến. Vì chắc chắn không thể đi hỏi ông rằng ông ơi ông có bà không? Như vậy bà mà... như Thảo nó nói thì mấy đứa lại khơi cái nỗi mất mát của ông. Lại hỏi ông không có bà hả ông? thì kỳ chi mà kỳ. Tất cả cũng lớn rồi chứ chẳng còn là con nít để đi hỏi mấy câu mà cả bọn biết là  thiếu... lịch sự lắm lắm như vậy.
Vậy là cả bọn chạy qua nhà bà già hàng xóm. Bà tên gì chả đứa nào biết, tại chẳng đứa nào hỏi, bà cũng chẳng nói, với lại ông cũng hay gọi bà là Bà hàng xóm cho nên đứa nào cũng quen miệng gọi theo vậy đó mà. Bà có thể không biết ông bao nhiêu tuổi, nhưng chuyện ông có vợ không thì chắc bà biết chút chút chi đó. Bà cũng chừng chừng tuổi ông thôi.

                                                                           o0o

Số là vậy. Tối hôm ba thằng Giang Thạch Minh đi theo ông đến cái nơi mà có cái biển Viện tâm thần XYZ gì đó, ba thằng bàn với nhau, đã cất công đi xa theo ông như vậy mà về giữa chừng vậy thì không có được (phụ cái lòng ngóng chờ của anh chị em ở nhà), nên cũng vào trong Viện với ông luôn, ông vào trước rồi ba thằng lò dò vào sau, vẫn gắng làm sao để mà ông không nhận ra ba đứa.
Nói xạo chú bảo vệ là vào gặp người quen là y tá trong Viện, ba thằng mới được vô. Mà chú bảo vệ làm việc kỹ lắm, hỏi đi hỏi lại, gặp gì giờ này, gặp để chi, gặp ai, nhìn ra sao... Ba thằng mướt mồ hôi hột luôn, vừa mất công bịa một sự thiệt để khai với chú bảo vệ, vừa coi ông có vụt ra khỏi tầm mắt không. Mất công lại đi tìm ông trong cái Viện XYZ to lớn đó nữa, mà cái Viện đó là Viện tâm thần chứ chẳng chơi.
Một hồi rồi chú bảo vệ cũng cho ba thằng qua. May mà ông gởi xe lâu lắc lâu lơ nên mấy đứa không có mất dấu ông. Cái giờ đó mà ở Viện tâm thần cũng còn nhiều người quá. Bám theo ông một thôi hồi, ba thằng nhìn thấy cả trăm bệnh chứ không phải một cái bệnh, chẳng qua người ta cứ thích gộp chung vô cái cữ “tâm thần” cho gọn thôi. Thằng nhỏ mới đó còn ngồi nói chuyện vui vẻ với má nó, tự dưng nó nhảy xuống giường giãy lên đành đạch như con cá mới bị bắt từ dưới nước lên cạn. Bà già ngồi một mình nói liên miên không nghỉ, cứ như là có ai đó thấu hiểu mình lắm đang ngồi đối diện và kiên nhẫn nghe từ nãy đến giờ (Mà cái lúc nãy là cái lúc nào thì ai mà biết chứ?). Rồi một anh thanh niên cứ kêu lên Cho tui ăn cỏ với! Cho tui ăn cỏ với!..., cô ý tá cứ đứng chắn trước cửa phòng bệnh để anh ta khỏi phải xông ra, xem chừng muốn làm thiệt lắm...
Cuối cùng ông Sáu cũng vào một cái phòng bệnh trăng trắng, cửa sổ mở hé hé đủ để ba thằng nhìn vào.
Bà già ngồi đó, y như bức tượng sống, cứ đơ đơ ra không sức sống. Khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn. Đôi mắt ẩn sau những sợi tóc rủ màu bạc trắng như càng lún sâu xuống khuôn mặt khắc khổ của bà cụ bởi những nếp nhăn của thịt da chèn lên. Rồi mũi, rồi miệng bà cụ đều nhắn nhúm đi một cách tội nghiệp. Hai tay buông thõng hờ hững hai bên hông. Hai chân thả xuống khoảng không giữa giường và mặt đất, không cử động. Nhìn bà cụ giống bức tượng sáp hơn là ai đó có sức sống, bởi bà đâu có sức sống gì cho cam. Đứa tưởng tượng khéo nhất sẽ nói rằng cụ bà đó muốn đung đưa tay, đung đưa chân lắm đó chớ, nhưng mà già rồi, sức làm chi còn mà đung đưa tay với chân.
Có điều, tại sao bà lại ở trong phòng bệnh của một cái Viện Tâm Thần? Và tại sao ông Sáu lại đi thăm bà? (Có khi, ngày nào cũng đi thăm như vậy lắm!)
...
    - Bà khoẻ hông? Tui mang mấy quả măng cụt bà thích ăn nè. Để tui cắt ra hen...
Bà già vẫn ngồi im trên giường không một chút cử động của người có sức sống. Chắc dưới giường nhiều muỗi lắm đây mà bà còn không thèm đưa chân cho tụi nó bay đi chỗ khác... Từ đầu đến giờ chỉ có mình ông Sáu nói như độc thoại trong cái phòng bệnh trắng trắng đó. Ông vừa làm mấy việc lặt vặt: quét cái phòng, dọn cái giường, cho bà mấy quả măng cụt mới cắt, ngồi quạt cho bà... vừa nói, nói nhiều lắm. Toàn những chuyện ở đâu đâu trên trời dưới đất. Hôm nay cô y tá cho bà làm chi? Cô y tá có hay nói chuyện với bà không? Bà quen thêm ai chưa? Bộ ngồi đó nguyên ngày mà không thấy chân tay ngứa ngáy hả? Tui mà là bà chắc tui chết luôn à nhe! Bữa nay làm ngoài cảng có chuyện vui lắm. Cái tàu du lịch ở đấu đó bên Tây ghé vô, có mấy ông bà sồn sồn thích đi chơi Sài Gòn nhờ tui đem hành lý xuống giùm rồi cho tui mấy đô luôn đó bà... Ờ, ở nhà giờ là tới kỳ mấy đứa nộp tiền trọ rồi mà chưa thấy đứa nào nộp hết trơn, tụi nó kêu giờ sống khó quá, học thì hông chi chớ đi làm trên cái đất này có ngày chết luôn đó bà, nghe có ghê không?...
Đó, chừng đó chuyện, ông cứ nói, nói hoài mà không cần biết bà có nghe không. Cứ vậy một thôi một hồi rồi tự dưng bà cụ động đậy cái tay. Mấy quả măng cụt bỏ vỏ trắng trắng ông bỏ lên tay bà lúc nãy giờ rơi xuống nền nhà nghe bộp bộp rồi lăn đi đâu đó. Bà quay qua nhìn ông cỡ chục giây, nét mặt vẫn không hề thay đổi. Đầu bà hơi nghiêng nghiêng qua trái một chút, rồi bà cất tiếng nghe ngập ngừng như trẻ em mới biết nói, từ từ từng chữ một, giọng nói khô khốc như một cái rễ cây không hề có nước trong mấy năm trời: “Con tui đâu?”
Ông ngừng huyên thuyên chuyện trên trời dưới đất. Rồi ông quay đầu sang nhìn bà lúc lâu. Giờ thì tới lượt ông im lặng không nói chi. Ông nhìn bà mà mắt ông trũng sâu, đau đáu.
Không nghe câu trả lời từ ông, bà càng hỏi dồn, càng hỏi nhiều hơn dù nội dung câu hỏi cũng chỉ có ba tiếng “Con tui đâu?”. Thỉnh thoảng lại có thêm chữ “ông” ở sau cùng. Ông không nói gì, cúi mặt ngồi im.
Hoài mà không nghe tiếng nào đi từ miệng ông ra, bà càng hỏi, to tiếng hơn, dồn dập hơn. Tiếng nói bà giờ nghe dữ dội mà đau đớn sao đó, nghe giống tiếng gào hơn. “ông, con tui đâu? Con tui đâu rồi? Con tui đâu? Ông giấu con tui hả? Trả con tui nhanh lên. Nó không có sữa bú nó chết giờ. Trả con cho tui!!!...”. Vừa gào lên, bà túm lấy cổ áo ông lay mạnh lay mạnh từng chặp. Rồi bà lấy nắm tay đấm vào ngực ông nghe thùm thụp thùm thụp. Bà ngồi trên giường cố gắng lấy tay đẩy vai ông cho ông ngã . Hai chân giãy giãy... Người đàn bà cách đây nửa tiếng ngồi trên giường cứng đơ như tượng sáp và người đàn bà bây giờ đối mặt với ông Sáu hoàn toàn khác nhau. Những nếp nhăn vẫn đó mà sao giờ chuyển động dữ dội trên khuôn mặt già nua của người đàn bà. Đó không còn là những nếp gấp của da thịt đơn thuần để chỉ tuổi tác của bà nữa. Nó giống như từng đợt từng đợt giận dữ trong nội tâm bà cụ đó. Tóc bà cụ giờ xoã ra dài, nửa trắng, nửa bàng bạc, màu đen không có nhiều. Mái tóc đó cứ tung lên theo mỗi lần bà cụ đưa tay lay lay cổ ông Sáu, đập đập vào ngực ông cụ với cả kéo ông ra khỏi giường. Đôi cánh tay nhìn thì chắc ai cũng đoán chỉ xương, dây thần kinh với mạch máu ở trong đó có da bọc ngoài thôi, tưởng yếu chứ! Trước mắt ba thằng Giang, Thạch, Minh đang nhòm qua khe hở cửa sổ gấp, đôi cánh tay xương xẩu đó đang cố gắng ghì chặt lấy hai vai ông Sáu mà giằng co, mà kéo đẩy....
Trong căn phòng vẫn không ngớt vang lên tiếng thét “Con tui đâu? Ông trả con cho tui... con tui...”
Ông Sáu vẫn ngồi im, cúi gằm, mặc cho bà cụ làm gì mình thì làm.
Cỡ hai chục phút sau, chắc bà cụ cũng không còn sức để trì kéo ông lão nữa. Hai tay thả vai ông lão ra, buông thõng. Bà cụ đứng lên và đi cà giật cà giật như mắc tật ở chân. Tới cái ghế mây gần cửa sổ ngó ra cái sân phía sau của Viện, bà ngồi xuống, dựa lưng vào ghế. Rồi bà cụ trở lại như trước đó khoảng một tiếng - một bức tượng sáp bà già khắc khổ, không nói không cười, không một cử động dù nhỏ nhất.
Ông Sáu nhìn bà cụ rồi thở một hơi thật dài não nề chi đâu.
...
Đứng xem một hồi, thằng Sơn nhìn đồng hồ thì “Ý! Gần mười giờ rồi nè hai thằng! Về lẹ! Chắc ông cũng sắp ra rồi đó. Viện sắp đóng cửa...” rồi kéo tay hai thằng kia đi luôn.
Ba đứa hai xe lo đạp thiệt lẹ về nhà, không ông ở đằng sau lại nhận mặt rồi hỏi ba thằng quỷ ở cái xóm trọ của ông làm gì giờ này ở cái chốn khỉ ho cò gáy.

                                                                       o0o

Vậy nên cả xóm quyết định qua bà hàng xóm hỏi chuyện gia thất của ông Sáu. Bà hàng xóm coi bộ cũng không nhớ chi nhiều lắm (già rồi mà!). Ngồi chờ bà nhớ ra một cái chi tiết nhỏ xíu như hạt đậu cũng mất cả tiếng đồng hồ chứ chẳng chơi. Thêm cái bà ngồi trên ghế mây đung đa đung đưa như võng em bé, cái ngách nhỏ gió lùa mát rượi, bà ngủ luôn lúc nào không hay. Mất công cả bọn lúc đó đánh thức bà dậy, không phải để nghĩ tiếp mà để nghĩ lại từ đầu. Mệt mà mệt chi đâu!
Bà hàng xóm nói cái giọng nhựa nhựa nhè nhè, không rõ chữ chi ra chữ chi làm mấy đứa nhỏ ngồi quanh vừa nghe vừa đoán. Ờ, hồi đó bà tới sau ông. Hồi bà chuyển về đây sống là ông đã sống ở đây rồi. Trời, cái chuyện nhà ông hồi đó buồn lắm. Ai cũng nghĩ sau này ông lẩn thẩn vì cái cuộc đời đó. Vậy mà không hề. Nhìn ông vậy chắc ai cũng tưởng hồi trước ông sống vui lắm, dù cho có cực đi chăng nữa.
... Hồi đó cái vùng này đâu có chật hung như giờ đâu. Hồi đó tao về sống với nhà chồng tao đây nè. Ổng cũng mới cưới vợ được đâu đó chừng một năm. Bả đẹp lắm nghen bây! Hồi đó cái đất Sài Gòn này dễ gì có người đẹp như vậy chớ!...
Chồng tao hồi đó làm lính Cách mạng, đâu có ở nhà hoài. Tao với ổng cưới nhau xong chuyển về đây ở chừng tháng hơn chớ nhiêu, rồi ổng đi hồi tao có thằng con. Rồi ổng đi luôn nha bây, không thư từ hỏi thăm tao chi. Có phải mới bước ra chiến trường là chết ngay đâu mà không thư cho tao một lá rồi nằm xuống luôn. Ờ, tủi thân ghê gớm... Giờ bay sống vậy yêu vậy là sướng hơn cái thân già tao hồi đó nhiều lắm có biết hông bay?...
... Ờ, rồi sao hen? Ông Sáu đó, ổng với bả sống trong cái nhà to to đó, cái nhà nhiều phòng mà giờ tụi bay đang ở ngày xưa là nhà sau của nhà ổng đó chớ không giỡn đâu nha. Cái nhà thì to mà có mình hai vợ chồng ở, còn lại toàn là người hầu. Nhà bả ngày xưa giàu lắm, ruộng thẳng cánh cò bay ở dưới Cần Thơ, rồi ở đây cũng có mấy cái nhà chớ không chi mình cái đó... Ờ... Ờ... Nói chung là giàu lắm nghen bây...
Như đâu đó chừng năm sau hai ổng bả có con. Bả mang cái thai mấy tháng đi khám. Bác sĩ kêu chắc là con trai chi đó. Hồi đó đâu có siêu âm siêu đồ như con dâu tao giờ, cái bụng mới có chút xíu mà biết trai gái chi rồi. Cả nhà ổng bả mừng lắm. Bên nội bên ngoại chi cũng mừng, xúm xít chuẩn bị cho đứa cháu đầu tiên. Trời ơi ta nói hồi đó kiếm đâu ra cái nôi của tụi Liên Xô cho con ngủ. Vậy mà cái nhà đó có nôi Liên Xô hẳn hỏi à nhe. Rồi quần áo, rồi phấn thơm, giày dép, trời tao nhìn mà tao ước chi tao cũng đẻ con trong cái nhà giàu y chang vậy cho sướng cái thân...
Rồi... ờ... sao nữa ta? Hình như tới lúc cái thai đó 8 tháng hơn hay sao đó, bả trượt chân trong phòng tắm đó. Kêu la quá trời luôn. Tao đứng đây mà còn nghe mà... Rồi đưa bả đi viện. Máu bả nhỏ giọt giọt từ trong nhà ra tới đây nè, chỗ này nè bây...
Vừa nói bà hàng xóm vừa chỉ tay ra cái chỗ gần cửa sổ nhà bà trổ ra cái ngách nhỏ đó.
Cái lần bả động thai nằm viên đó hình như ổng cũng ở viện với bả luôn, không thấy có về nhà. Ở viện có chuyện chi không thì tao không biết. Gần tháng hơn sau ông đưa bả về nhà. Nhìn bả rũ rũ như cái bông hoa héo thấy mà tội...
... Tao không thấy ổng bả nói chi chuyện đứa con hết. Bả chỉ nằm trên giường, đi quanh quanh cái khoảng sân có chút xíu đó hay ngồi trên ghế mây đung đưa trước thềm nhà hoài. Tao qua hỏi thăm, thấy ổng không khi nào rời bả trơn. Vừa đi theo, ngồi cùng, nắm tay, nói chuyện... Mà ổng nói nhiều chuyện, chuyện chi chi đâu, tao nghe còn mệt nữa. Mà bả hông có nói lại, tao hông biết bả có thèm nghe ổng hông nữa? Bả ngồi im im đó, mặc cái váy dài trắng, tóc xõa dài, đẹp mà buồn lắm. Cái mặt bả trắng bệch y chang người ta bị bệnh nặng vậy đó... Bả hông có làm chi hông nói chi... Ngồi đó thôi hà. Tao nhìn mà thấy thương quá chừng, lo về để hai ổng bả với nhau. Tao đoán chắc chuyện hông ổn với đứa nhỏ rồi.
Cái trưa bả ngủ, ổng ngồi một mình ở sân sau, tao lại hỏi chuyện ổng. Tội quá chừng trời! Bả sẩy thai bay à!... Từ hồi bả nghe tin mình sẩy thai cái bả thành ra vậy đó hà... Tao kì đó mà sẩy thai chắc tao chết luôn chớ sống chi nổi. Bả sống đó mà y chang người chết rồi... Nghe ổng nói, họ phải mổ lấy đứa nhỏ ra. Lúc ở trong phòng bệnh sau đó, bả la hét dữ lắm, thấy cái bụng xẹp xuống là biết con nó chui ra từ cái hồi nào rồi. Bả đòi gặp con. Mẹ nào mà hổng muốn nhìn mặt con? Bả cứ gào vậy hà!... Tới khi ổng vô giữ chặt bả, ổng nói con nó chết rồi, con nó chết rồi, bả rụt người xuống, mặt bả trắng ra, rồi như người mất hồn vậy đó, lên giường nằm, khóc rấm ra rấm rứt... Ổng nói, bác sĩ bảo ổng chăm nói chuyện với bả để bả mau tỉnh, mau bình thường lại... Ổng nói được hơn tháng rồi đó mà bả có thấy tỉnh chi đâu?... Ổng kể tao nghe mà ổng khóc đó nghen bây!...
...
Mấy hôm sau, tao nghe tiếng bả gào bên nhà. Cái gì mà “Trả con tui, trả con tui..” nghe dữ dội lắm. Tao hoảng quá, chạy qua liền. Tới nới, thấy bả đánh ổng tới tấp. Bả ngồi trên giường, nắm được cái chi thì lấy cái đó quăng vào mặt ổng, không thì đấm ổng nghe bốp bốp. Vừa đánh ổng, bả vừa giật giật lên vậy nè, rồi hét lên hoài “Trả con tui, ông trả con tui đây...” Tao thấy cảnh đó mà đứng trơ ra, trời ơi, cả tháng cái căn nhà đó có mình ổng nói chớ bả có nói tiếng nào đâu mà giờ dữ vậy trời! Rồi tao tỉnh, tao chạy vô can. Bả dữ thiệt, tao bị bả đẩy xuống đất mấy lần. Rồi cỡ chục phút sau, tao với ổng không can nữa mà tự bả ngưng chuyện hà. Bả nằm lên giường, quay mặt vô tường rồi khóc, khóc to lắm...
Tội quá hen bây! Sau đó ổng chuyển bả đi đâu đó, hình như gia đình bả tới đón bả đi. Tao không biết bả đi đâu, cũng không dám hỏi chuyện ổng, sợ ổng buồn... Từ đó tới giờ mấy chục năm, ổng hồi đó đẹp trai lắm mà chắc vì chuyện của bả nên già nhanh đi. Tụi bây nhìn ổng già vậy chứ ổng cũng còn trẻ lắm...
...
Cái chuyện bây giờ ông còn trẻ thì không đứa nào dám chắc. Nhưng chuyện hồi trẻ ông đẹp trai thì không đứa nào dám hó hé gì. Chắc ông đẹp trai nên bà mới phải lòng ông như vậy chớ.
Còn bà...
Vậy là chị Linh nói đúng hả?

                                                                       o0o

Chuyện xảy ra tới tấp...
Ông Sáu vào viện.
Mấy đứa từ hôm nghe chuyện bà hàng xóm kể thì cũng ậm ờ hiểu ra một chút chuyện đời ông Sáu. Ông cứ luôn miệng kêu Đời còn hồng chán! Mà cái cuộc đời ông không có hồng chút xíu mô. Mấy đứa giữ im chuyện, nói ra mất công ông buồn, cũng chẳng được ích chi. Cứ tưởng vậy là xong, ai dè... Giờ ông vào viện luôn. Bệnh viện nói ông bị cái chi đó liên quan tới gan, phổi... Hình như ung thư mà mấy ông bác sĩ không nói với mấy đứa. Thằng Thạch nghe mấy ông  bác sĩ rủ rỉ chi đó với nhau: Ung thư hả? Chắc vậy quá, hình như phổi hỏng nặng lắm, dễ có khi giai đoạn cuối rồi. Ờ, già rồi mà hút thuốc chi vậy không biết nữa. Nghe hơi ổng thở toàn mùi thuốc không hà. Trong túi thấy có nguyên hộp thuốc loại nặng luôn nha...
Vậy đó, mấy đứa tưởng ông ho là ho bình thường cảm cúm, sốt hay cái gì đại loại vậy chớ. Ai dè có ngày ông ho ra máu tùm lum, nghe hồng hộc hồng hộc trong ngực. Mấy đứa thấy ông ho ra máu, hoảng quá xúm lại cõng ông ra đầu cái ngách nhỏ tìm chú xe ôm nào đó chở đến viện. Trên đường tới viện ông còn ho nhiều, yếu đi hẳn luôn. Tới viện là ông chỉ còn nằm trên cáng cứu thương thở từng hơi chậm chậm.
Cuối cùng bác sĩ nói vậy đó. Mấy đứa không có dám tin, cũng không có muốn tin chút nào trơn. Vậy là ông sẽ chết hả mấy anh chị? Sao vậy được? Con bé Thảo mới đó còn được ông mua cho cái xe đạp khóc nấc lên từng hồi. Đứa nào cũng ngồi im nghe nó khóc mà chẳng biết làm chi. Buồn quá chừng ông ơi! Sao ra nông nỗi này vậy nè... Tụi con nói ông bỏ thuốc hoài rồi mà ông đâu có nghe đâu...
Ông tỉnh. Mấy đứa vô thăm ông, thấy ông ngồi tựa lưng vào thành giường, mặt phờ phạc, tóc như trắng thêm một mảng nữa. Giờ số tóc đen của ông nhìn kỹ không biết được nhiêu sợi. Con Thảo chạy tới bên giường, nắm tay ông khóc nấc. Tội con nhỏ, dù sao ông cũng tốt với nó quá trời mà, nó nhỏ nhất xóm trọ nên ông cưng nó lắm.
Ông thấy đầy đủ cả cái xóm trọ đến thăm ông, kêu Tụi bây đến đây chi mà đông dữ vậy hả? Đi hội chợ hả? Đây là cái bệnh viện chớ phải cái nhà trọ của tụi bay... à không, của tao đâu mà bay tụ tập vậy chớ?... Thua ông luôn, bệnh nặng mà còn đùa cho được. Đùa vậy đó mà có đứa nào cười được đâu. Đứa nào cũng nhìn ông thấy thảm lắm. Trời ơi, ông muốn sợ cho mấy cái đứa này luôn nha! Chớ tụi bay vào thăm tao hay vào viện bảo tàng coi tượng mà không nói câu chi? Con Huyền, mày lớn, mày đại diện mấy cái đứa nhỏ nhỏ như con nhỏ này (ông chỉ vào Thảo) nói nghe cái coi! Tụi bay vào đây chi vậy?
Thì... tụi con vào thăm ông thôi. Ông làm tụi con lo quá trời hà.
Có gì mà lo? Già rồi thì bịnh. Bịnh rồi thì chết chớ lo gì. Tụi bay tưởng tao là thánh hay sao mà hông bịnh cho được một lần?
Nhưng mà tại ông  hút thuốc nhiều quá. Mà tụi con nói ông hoài, sao ông hông bỏ cho rồi. Giờ ra vậy hà! - Thảo nói như cái kiểu nó trách ông không giữ lời hứa với nó, mà ông có hứa cái gì đâu?
Thì tụi bây còn nhỏ, không biết vì sao tao hút thuốc đâu mà nói cho nhiều. Tao hút kệ tao chớ. Bay cấm hả? Ngon cấm đi tao coi. Đứa nào cấm là tao không có cho trọ nhà tao nữa nha!
Thiệt ra... – Giang định chen vào “... tụi con cũng biết nhiều lắm chớ bộ!” nhưng ý chừng chị Linh đoán được nó định bô lô ba la cái gì nên nhéo nó một cái đau đau. “Thiệt ra tụi con lo cho ông thôi, đứa nào cũng lo cho ông nhiều nhiều phải không bay?” Cả bọn gật gù.
Ông nhìn mấy đứa cười ha hả. Trời ơi, tụi bay là con ba má bay chớ phải con tao đâu mà lo cho tao chi mệt vậy. Mấy cái đứa nhỏ này vậy là không được à nha! Một tháng tụi bay thư cho nhà bay ở dưới quê mấy lần chớ hả? Ba má bay không lo mà lo cho người dưng như tao không hà!
Thảo nó cầm tay ông nói, vẻ chân thiệt lắm -  Ông à, ông với tụi con không có phải người dưng ông à...
Tự dưng nghĩ tới cái cảnh mai này không có ông nữa thì cái xóm trọ tụi nó chắc buồn đi nhiều. Đứa nào cũng làm mặt buồn xịu.
Chắc mấy đứa thiệt với ông nhiều lắm. Cảm ơn mấy đứa quá! Tao không có con mà có tụi bay cũng an ủi nhiều nhiều lắm...
Nghĩ vậy thôi, ông đùa cho bọn nhỏ vui nè. “Mai tao ra viện hen bây?”
Ý không được, ông khỏe chưa mà ra... Không, chuyện nhà ông để tụi con lo, ông đừng có lo chi, ở đây cho khỏe... Đúng đó, ông về nhỡ lại có chuyện chi mất công vô đây lại lắm... Hả? Tất cả quay lại đánh thằng Giang chát chát. Miệng thằng này chắc phải ăn nhiều mắm nhiều muối lắm, toàn nói gở không.
Ông từ từ nói Tao về nhà nó khỏe hơn bây à. Ở đây chán chết người, có gì đâu làm. Bây ngồi không một chỗ cũng thấy chán chớ nói gì tao? Tao về nhà nghỉ, còn lo chuyện của nhà tao. Bây biết chuyện gì mà lo chớ?
Thiệt ra bọn con... Thằng Giang cũng chỉ mới lanh chanh tới đó là chị Huyền nhéo một cái cho nó dừng.
Vậy cũng được. Để mai mấy đứa con trai đưa ông về. Ông ở nhà cho tụi con lo cũng được. - Chị Huyền nói từ từ, vừa nói vừa liếc thằng Giang, cái thằng này sinh viên năm hai rồi mà cái đầu còn nhỏ hơn cả con bé Thảo nữa, để về nhà tao cho mày một trận nên thân.

                                                                    o0o

Hôm sau ông cũng chưa được phép bác sĩ cho về. Bác sĩ kêu ông phải ở lại để theo dõi tình hình. Nhưng ông cứ khăng khăng đòi về. Vậy là ông xua mấy đứa con trai ra ngoài, ở trong phòng nói chuyện riêng với bác sĩ.
Tui biết mình bị ung thư từ lâu rồi bác sĩ à. Tui cũng biết là nó đâu có thuốc chi đâu mà bác sĩ giữ tui lại chi vậy? Đằng nào rồi tui cũng chết phải hông bác sĩ? Đời người làm chi có ai không chết một lần? Bác sĩ cho tui về đi, tui còn nhiều việc ở nhà lắm. Tui sống tốt mà, thỉnh thoảng bị vậy thì phiền bác sĩ thôi, chứ ở nhà mấy đứa nhỏ nó trông tui cũng được mà. Bác sĩ cho tui về đi, ha?
Bác sĩ nhìn ông ái ngại, con mắt khó khăn của một người tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, ông Sáu “bị” giữ lại thêm một ngày nữa để theo dõi, hôm sau không có triệu chứng chi xuất hiện nữa thì ông có thể ra viện. Hôm sau mấy thằng lại đến đưa ông về nhà. Ông có vẻ gầy hơn, nhìn ông cũng không vui vẻ như những ngày trước nữa...

                                                                    o0o

Tối hôm đầu ông về, không thấy ông đạp xe đi thăm bà như mọi ngày nữa. Chắc là ông còn yếu lắm mới không đi vậy chứ dễ gì mà ông để cho bà một mình. Mưa gió bão bùng gì ông cũng đều đều tới thăm bà vậy mà giờ “đau ốm chút xíu” làm ông “không đi công chuyện” được, ở nhà với mấy đứa nhỏ.
Chị Huyền thấy ông nói chuyện mà nhìn đồng hồ trên tường hoài, rồi chặp chặp ngó ra ngoài đường nữa, biết ông lo chuyện bà ở Viện, ra nói nhỏ mấy đứa con trai mua bông mua hoa gì đó, trái cây nữa, măng cụt đó, vào thăm bà trong Viện, đi nhanh chớ không là Viện đóng cửa, đứa nào đó Thảo đi cùng, có con bé mới nói chuyện với lo bà được chớ mấy đứa con trai tụi bay coi bộ không ổn quá, với lại, nếu mà bà có giận như hồi ông vào thăm mà mấy đứa thấy thì cũng cố mà chịu nghe hông... Chị nhiều lời quá hà! Nghe xong muốn ù tai! Thằng Giang càm ràm mấy câu rồi cùng hai thằng kia đạp xe tới Viện thăm bà. Nguyên bữa nay chở nhỏ Thảo, tới lượt thằng Thạch thi Kinh tế Chính trị nên phải ở nhà ôm cuốn sách không dày lắm nhưng nhiều chữ.
Vậy là mấy chị Huyền, Linh, Nga với con Thủy học năm hai Báo chí với con bé Ngọc đang ôn thi ở nhà với ông. Còn lại Thảo và ba đứa con trai đi mua trái cây, hoa gì gì đó vào thăm bà. Không biết mấy đứa có làm ăn ra gì không đây, mất công bà có chuyện gì nữa thì sao ông chịu cho nổi? Ý cha, cái này là cái giọng mắm muối của thằng Giang nè, chị Huyền vừa mới “cho nó một trận” la mắng hét hò nho nhỏ xong...
Mấy chị em nhìn ông nằm trên giường im im mà nhìn nhau ngại quá. Chắc giờ ông đang lo chuyện bà chớ không có chuyện chi khác hết. Thì ra ông đi làm ngoài cảng là để nuôi ông. Còn ông thu tiền trọ của mấy đứa là để ông lo cho bà trong Viện. Mấy đứa cái lúc trước khi biết chuyện bà cứ tưởng ông để dành nhiều thiệt nhiều tiền đặng sau còn xây nhà mới hay cho con cho cháu gì chớ. Giờ thành ra, đứa nào cũng lớn to đầu hết cả rồi mà vẫn chẳng lớn thêm được bao nhiêu, toàn con nít là con nít. Chẳng đứa nào chịu tự hỏi một câu, ủa con ông đâu? Giờ thì, trời ơi, ông đâu có con đâu mà...
Mấy chị em bắt đầu gợi chuyện cho ông nói vui., toàn chuyện trên trời dưới đất. Mấy chị em nói cũng gần nửa giờ đồng hồ, câu nào cũng Ông ơi... Ông à... mà sao chẳng thấy ông vui chi cả. Chị Huyền nhìn ông thở dài đánh thượt một cái rồi nói: Bộ ông muốn ra ngoài như mấy tối lắm hả ông? Rồi thì ông gật đầu, nói: Thì tao ra ngoài cũng có chuyện quan trọng lắm chớ có phải không đâu. Không biết không có tao rồi sao nữa... Chị Huyền bắt chước nói cái giọng mà ông hay nói với mấy đứa: Không có trăng sao chi đâu ông à! Để rồi ông coi nha, ngày mai ông khỏe tụi con cho ông ra ngoài. Có chuyện chi tụi con nộp ông ba tháng tiền nhà lần này luôn. Giờ ông ngủ đi cho mau khỏe ha...  Dứt câu con Thủy nhéo chị Huyền một cái đau chi lạ. “Trời, tháng này tiền ăn đâu ra nữa mà nộp luôn lần ba tháng tiền nhà?”. Chị Huyền hiểu ý, nháy mắt vói Thủy ra ý “Mày lo mần chi, tao nói đùa cho ông vui mà. Mà nữa, có bao giờ ông đòi tiền trọ mày chưa?”. Thủy đành ngồi nhìn mặt trăng, tự hỏi mấy đứa kia làm ăn ra sao rồi...

                                                                             o0o

Bốn đứa nhỏ lò dò dắt xe vào cổng Viện, gặp ngay chú bảo vệ hôm trước. “Chú ơi, bà tụi cháu ở trỏng, tụi cháu vào thăm chút nha chú! Tụi cháu không có dám phá chi đâu!” Nói xong bốn đứa cùng cười hiền y chang mấy con nai tơ. Mà chú bảo vệ hình như quen mặt rồi hay sao đó, đợt này cho tụi nhỏ vào liền hà...
“Ờ, bà tụi nó vầy mà tụi nó biết đi thăm. Mừng ghê! Con nít thời giờ hông phải đứa nào cũng hư hỏng...”
Con bé Thảo lần đầu gặp một người như bà cũng hơi sợ. Nghe kể nó cũng sợ rồi! Còn ba thằng con trai không biết sao, thấy tụi nó cũng mồ hôi mồ kê chảy thành dòng thành dòng. Đi lòng vòng một chặp rồi phòng bà cũng hiện ra. Bốn đứa nhìn qua cái khung cửa sổ mở hé, bà đang ngồi trên giường, tóc xõa, không mộ cử động nào cả, nét mặt trầm ngâm buồn buồn.
Bốn đứa nhỏ tội nghiệp lân la bước vào căn phòng chỉ nghe tiếng quạt máy trên trần quay vù vù của bà. Coi bộ bà cũng chẳng để ý đến mấy đứa làm chi, với bà thì mấy đứa là người dưng mà. Cho dù là người không dưng đi chăng nữa, như cô y tá ngày nào cũng vào chơi nói chuyện với bà đó, cũng đâu có chút nào cảm giác đâu, huống hồ mấy đứa nhỏ này... Nói vậy chứ, mấy đứa làm gì biết bà nghĩ chi trong đầu đâu, lò dò bước vào phòng rồi lần lượt từng đứa chào bà. Có vẻ như mấy đứa này đứa nào cũng sợ nói chuyện với bà hay sao mà chào bà xong là mỗi đứa một việc làm. Con bé Thảo đi lấy trái cây rửa ngoài vòi nước. Thằng Nguyên chào bà xong chộp ngay cây chổi trong góc phòng quét qua quét lại. Không biết nó quét cái chi chớ thấy bụi bay lên nhiều ơi là nhiều à. Thằng Giang tự nhận anh hùng nhất xóm giờ cầm bình hoa đi thay nước rồi. Vậy là còn... thằng Minh. Thằng Minh không biết phải làm gì, đứng trơ ra một thôi một hồi nhìn mấy đứa kia giành nhau việc làm rồi từ từ tới gần bàn bên cạnh giường bà lấy ly nước. Có vẻ như là mấy đứa có làm chi nữa thì bà cũng sẽ ngồi đó im im và không cử động chút nào.
Thằng Minh lấy ly nước xong từ từ tới gần bên bà ngồi. Nó nhìn một chặp rồi định hỏi chi đó nhưng không ra, phải nuốt nước miếng đánh ực một cái rồi mới nói nhỏ nhỏ: “Bà ơi, bà uống nước hông?”
Bà vẫn ngồi im, không nói năng không cử động chi trơn.
Thằng Minh lại đánh liều nói tiếp: “Bà ơi, bà uống chút nước với con ha?”. Cái giọng nó y chang như là dỗ một đứa nhỏ nào đó ăn cháo.
Bà vẫn im lặng. Rồi chút sau bà từ từ quay mặt sang nhìn thằng Minh. Thằng nhỏ thấy bà cử động giật mình  rồi xê xê ra một chút. Khuôn mặt bà quay sang nó, nhăn nheo và già cỗi. Thằng Minh nhìn rõ nhất là đôi mắt bà, nó đặc một màu đục đục, nhìn vô hồn y như mắt của những người mù. Bà nhẹ nhẹ lắc đầu, chắc là không muốn uống nước.
Rồi bà đưa tay lên, run run mà từ từ chạm vào má thằng Minh. Thằng nhỏ giờ chắc cũng mất hồn luôn rồi, ngồi sững đưa mắt theo từng ngón tay của bà. Bà vuốt má thằng Minh một cái làm nó cảm nhận được làn da tay nhăn nheo khô ráp của bà trên má mình. Rồi nét mặt bà từ từ nhăn lại, đã sầu não giờ lại nhìn sắp khóc đến nơi. Nhìn vô đôi mắt đùng đục của bà, thằng Minh thấy rõ cái chi đó buồn lắm, đau đớn lắm. Những nếp nhăn trên mặt bà gần sát lại với nhau, rồi những nếp nhăn khác xuất hiện. Khuôn mặt bà khổ sở, tiều tụy, ốm yếu đúng như khuôn mặt của một người già mắc bệnh khó chữa lâu ngày.
Từ đôi môi khô khốc của bà vọng ra một tiếng “Con!” nghe nhẹ bâng. Mà trong cái nhẹ bâng đó còn có cái chi đó xót xa ghê lắm!
Mấy đứa kia xong việc từ lúc nào đứng coi mọi việc diễn ra trước mắt như coi phim, hồi hộp lắm. Đến khi nghe tiếng “Con!” của bà, tìm đứa nào cũng đập nhanh hơn, coi chừng hồi hộp hơn trước đó mấy phút cả chục lần. Thằng Minh vẫn ngồi im như tượng từ nãy tới giờ . Căn phòng im ắng nghe rõ tiếng quạt máy trên trần chạy vù vù, chỉ chờ từng cử động, từng tiếng nói của bà.
Bàn tay bà vẫn đưa đi đưa lại từ từ trên má thằng Minh. Rồi bà xòe từng ngón tay xương xương đưa lên môi, lên mũi, lên mắt, lên trán rồi lên mái tóc thằng nhỏ. Từng cử động của bà thì chậm, tim mỗi đứa nhỏ đập cũng chạm chậm, như là dồn nén dữ lắm. Bà xoa đầu thằng Minh. Rồi thằng nhỏ thấy bà nở nụ cười, nụ cười đầu tiên của bà mà nó và mấy đứa thấy được. Hiếm hoi chi đâu! Những nếp nhăn trên khuôn mặt già nua đó dần dần giãn ra. Đôi mắt đặc một màu trắng đục cũng có vẻ gì đó hiền, thương ghê. Rồi đến đôi chân mày cũng duỗi dài ra, không cong nhíu lại khổ sở như trước nữa. Nụ cười của bà hiện ra ấm như là vạt nắng trong buổi sớm còn lành lạnh vậy đó! Tự dưng tim mấy đứa nhỏ cũng hết đập thình thịch. Hình như có đứa nào thở một cái phào nghe rõ...
Mấy đứa thấy bà cười, tưởng là chuyện đã đến lúc dừng lại rồi, chắc tụi nó gần bà được rồi. Ờ, đứa nào cũng chậm chậm bước một bước một tới gần giường nơi bà với thằng Minh đang ngồi. Con bé Thảo lần đầu gặp bà là hồi hộp nhất, nhưng cũng nghĩ rằng bà dễ gần lắm, vậy là được rồi vậy là bà đồng ý cho mấy đứa ở chơi với bà thay ông. Nghĩ vậy, con nhỏ là đứa nhanh chân tới gần giường nhất. Thằng Nguyên cũng vì lần đầu gặp bà nên theo ngay sau con Thảo. Chỉ có thằng Giang “anh hùng” (anh hùng rơm không chừng hà!) vì đã từng chứng kiến bà với ông lần trước cho nên mới là đứa đi sau cùng. Thiệt tình! Nó sợ mà nó cũng giữ cái sợ cho riêng nó nữa, không dám mở miệng nói một câu hai câu chi với đứa kia nữa. Còn thằng Minh, từ khi thấy bà cười mới cử động được hay sao đó mà mấy ngón tay nó vẫy vẫy, còn nghiêng cổ hướng mặt về mấy đứa, mắt thì mở to ra chiều như là Tụi bay tới đây cái coi, làm chi để tao có mình nãy giờ vậy hả? Ờ, thì tụi nó đang tới đó...
Đó là tụi nó nghĩ bà đã bình thường rồi thôi. Chứ thật ra bà đâu có nói là Ờ, mấy đứa tới chơi với bà! khi nào đâu? Bây giờ, khi thằng Minh quay lại nhìn bà, nó mới nhận ra là nụ cười chẳng còn trên khuôn mặt của bà nữa. Những nếp nhắn lại trở nên nhăn nheo hơn, hai hàng lông mày nhíu lại và đôi mắt của bà bây giờ không còn cái vẻ thương thương như ban nãy nữa, có cái chi đó giận dữ lắm! Bà nhìn thằng Minh với vẻ mặt đó, rồi đưa ngón tay trỏ lên chỉ ngay vào trán nó, nói to:  Mày nha, mày lừa tao hả? Mày không phải con tao. Mày lừa tao. Thằng quỷ. Con tao đâu? Con trai tao đâu? Trả con cho tao! Vừa nói bà vừa dí ngón tay vào trán thằng Minh. Thằng Minh nhìn bà lúc này sợ quá, vậy là không nói không rằng tự động thằng nhỏ lùi dần lùi dần ra sau, còn bà thì cứ tiến tới với ngón tay dí sâu vào trán thằng Minh. Ba đứa kia đang định đi tiếp thì thấy cảnh đó đứng im một chỗ luôn, không dám bước tiếp, cũng chưa nghĩ ra là phải làm cái chi tiếp nữa. Bất ngờ quá đi!
Tiếng của bà cứ to dần to dần: Mày tính lừa tao hả? Mày không phải con tao nghe chưa! Mày không phải con tao! Mày giấu con tao đi đâu hả? Mày giấu nó đâu rồi? mày có trả con cho tao không? Mày có trả không? hả?... Những câu nói đó vọng ra cả ngoài sân. Bà cứ tiến tới gần thằng Minh. Bây giờ bà không khác gì hôm ông vào thăm mà thằng Giang với thằng Minh, thằng Thạch từng chứng kiến qua cái kẽ hở khung cửa sổ, dễ sợ. Vẫn mái tóc xõa ra, rối tung lên, rồi từng nếp nhăn trên khuôn mặt, đôi bàn tay xương xẩu... Đôi bàn tay đó giờ đang nắm lấy vai thằng Minh mà lay, lay hết sức. Lưng thằng Minh đạp vào thành giường kêu lên từng hồi. Chắc thằng nhỏ đau lắm. Một hồi sau bà đưa tay lên tính đánh thằng Minh như từng đánh ông... Thằng Minh thấy vậy thì sợ quá không dám làm gì đụng tới bà, chỉ nhắm mắt và đưa tay lên che ngang mặt...
“Bà!” Bàn tay bà vừa vụt xuống thì thằng Giang kêu to lên rồi chạy tới đưa tay chặn cánh tay bà lại. Thằng Minh mở mắt ra rồi thở một hơi. Con bé Thảo lúc đó lấy hai tay ôm lấy miệng, mắt mở to vẻ như rất hãi. Hình như thằng Nguyên tự nhiên lại lấy được bình tĩnh hay sao, nó nói con bé Thảo chạy đi tìm chị y tá, còn nó chạy lại với hai thằng kia.
Bà bây giờ không còn xác định phương hướng ở đâu nữa, cứ ngồi trên giường lấy hết sức mà quạt tay chân, trúng được đứa nào trong ba thằng thì trúng. Thằng Minh rồi thằng Giang cố gắng giữ hai cánh tay bà, không để bà quờ quạng trúng tường, trúng giường, trúng cái bàn để bên cạnh giường có lọ hoa con bé Thảo mới cắm nữa. Thằng Nguyên lên giường, ra phía sau ôm lấy người bà rồi nói Bà ơi, bà bình tĩnh lại bà ơi! Thằng Giang nói thêm: Bà ơi, ông không tới được! Tụi cháu tới thăm bà mà! Nghe nói tới ông, bà thôi giãy nãy, quay đầu qua nhìn thằng Giang đang nắm chặt tay bà một hồi ra điều ngờ vực rồi nói: Mày tính lừa tao hả? Ông cái gì? Mày cùng bọn với thằng kia phải không? Tụi mày giấu con tao đâu? Trả con tao đây... Rồi bà lại vùng vằng, giãy lên hết sức. Ba đứa lại ra sức giữ bà.
Lát sau, con bé Thảo với chị y tá chạy vào phòng. Chị y tá nói to: Mấy em giữ chặt tay bà cho chị, giữ chặt vậy đi! Rồi chị lấy thuốc từ trong cái ống thủy tinh vào trong xi lanh, nhanh chóng chạy đến chỗ thằng Giang đang nắm tay trái của bà, chị tiêm vào mạch máu trên cổ tay bà lúc đó đang nổi rõ. Bây giờ con bé Thảo mới để ý là chỗ mạch máu cổ tay bà có nhiều vết kim tiêm như vậy lắm.
Sau khi tiêm xong, chị y tá để xi lanh lên cái khay nhôm trên bàn, nhìn bà rồi thở phào một cái. Có lẽ mũi tiêm của chị là thuốc ngủ hay thuốc an thần gì đó, thằng Minh đoán vây, vì tiêm xong thấy bà chẳng còn vùng vẫy nữa, có vẻ như yếu đi, rồi bà nằm xuống giường, mắt đục đục trơ trơ như cũ, không có sức sống, những nếp nhắn trên mặt, trên tay giãn lại như cũ. Được một chút, mắt bà khép dần dần, rồi bà thở đều. Chắc bà ngủ rồi.
Chị y tá giờ mới nói tiếp: Thôi, bà ngủ rồi đó, mấy em ra ngoài nói chuyện để bà ngủ ha! Mấy đứa nhìn nhau gật gật rồi theo chị y tá ra khỏi phòng.
      - Mấy em lần đầu tới thăm bà hả? Mấy em quen với ông Sáu phải hông? - Chị y tá hỏi.
      - Dạ dạ... - thằng Giang lắp bắp - Tụi em là sinh viên ở thuê nhà ông đó chị. Tại ông bị bịnh, tụi em tính thay ông vô thăm bà cho ông đỡ lo...
      - Chà, sinh viên ở trọ thôi mà tốt bụng dữ ha! -  Chị y tá cười cười - Giờ kiếm đâu ra mấy nhỏ tốt bụng vậy trời! Ở đây hả, ít khi có mấy đứa như tụi em tới thăm người bệnh lắm. Tụi nó...
      - Chị ơi, ngày nào bà cũng vậy đó hả chị? - Thảo nãy giờ im, rụt rè hỏi.
      - Ờ, thì cũng có ngày như vậy, có ngày không như vậy. Mấy tối ông hay đi thăm thì bà vậy đó, gặp người khác bà hay hỏi Con tui đâu? Thấy con tui đâu không? Tội quá chừng. Mà sao tụi em biết bà ở đây mà tới thăm? Bộ ông nói với tụi em đó hả?
      - Đâu có đâu chị. - Giờ tới lượt thằng Nguyên lên tiếng - Tụi em thấy tối nào ông cũng đi mà muộn mới về nên tụi em tò mò đi coi sao. Rồi mới biết ông tới đây. Với lại tụi em cũng nghe bà hàng xóm kể chuyện nữa.
      - À, hiểu rồi. Thì ra tò mò nên mới vậy đó ha!
      - Không không, tụi em tính giúp ông thiệt mà.
      - Giỡn mấy em thôi. Chị hiểu chớ. Ông có kể chuyện với chị, nói chị đừng có kể chuyện của bà cho ai nghe hết. Bà vậy chắc ông buồn dữ lắm mấy em ha. Mấy hôm mà bà bị vậy đó, chị tính vô tiêm cho bà một mũi thuốc, mà ông không cho, ông kêu để bà cho ông lo là được rồi. Bữa nay là mấy em nên chị mới dám tiêm thuốc cho bà đó chớ. Đừng kể với ông ha, ông biết ông rầy chị chết!
     - Không đâu chị ơi, ông đâu biết bọn em tới đây đâu! Chị cũng đừng cho ông biết nha.
- Ờ, thôi trễ rồi đó, mấy em lo về đi không trễ, bà để chị lo cho.
 Mấy đứa nghe vậy xong lại gật gật rồi chào chị y tá ra về. Tới nhà xe gặp chú bảo vệ, thấy chú cười cười  Mấy đứa về đó hả? Ờ về heng! thì đứa nào cũng cười cười, dạ dạ theo.
Trên đường về, con bé Thảo là đứa nói nhiều nhất Ý cha, quên hỏi tên chị y tá đó rồi! Lần sau mình có đi thăm bà nữa không mấy anh? Cái lúc nãy em sợ bà ghê luôn... Không nói ra, nhưng chắc bốn đứa đều thấy sợ sợ một chút, một chút thôi, còn vui thì vui nhiều vì giúp được ông mà.

                                                                       o0o

Bốn đứa vừa về tới nhà ông là mọi người chạy ào ra hỏi chuyện. Ông bệnh, mệt nên ngủ sớm rồi. Con Thủy là đứa hỏi han sốt sắng nhất Sao sao, tụi mày có làm ra ngô khoai gì không? Bà sao rồi? ...
Nhưng cả bốn đứa như để thằng Giang nói một câu đại diện Thôi! Mọi chuyện đều ổn hết. Vào nhà ngủ thôi, tụi em mệt lắm. Lần sau mọi người thay phiên vào thăm bà nhá!
Rồi cả bốn đứa về phòng ngủ. Các chị với con Thủy, thằng Thạch, con Ngọc cũng chẳng biết làm chi hơn, đành đi ngủ đợi ngày mai rồi dụ con bé Thảo nói cho rồi.

                                                                      o0o

Ông vào thăm bà ngay ngày hôm sau, dù gì thì mấy chị cũng đã lỡ hứa với ông mất rồi. Mấy đứa ở nhà chờ tin ông và nghe thằng Giang kể chuyện tối hôm qua cho nghe. Không biết thằng Giang có thêm mắm muối chi vô cái chuyện của nó không mà mấy chị với con  Thuỷ, con Ngọc ngồi nghe say sưa, hồi hộp như hồi nhỏ nghe kể chuyện ma.
- Hổng dè đời ông chẳng hồng chút chun nào vậy ha bây ha! - Chị Linh thở dài xong nói một câu.
- Ờ, em cũng không có ngờ... - Thuỷ nói tiếp.
Rồi mấy chị em ngồi thẫn thờ nhìn cái khoảng trời chút chút lộ ra qua mấy cái vòm cây trứng cá, vú sữa trong sân vườn nhà ông. Sao ở đâu sáng lấp la lấp lánh nhiều quá chừng.
Ông về. Mọi con mắt nhìn giờ chuyển qua nhìn ông như một nhân vật nào đó vĩ đại lắm.
Ủa mấy đứa bay rảnh quá ha? Tối giờ học hết sách dày sách mỏng rồi ra đó hóng mát kể chuyện xấu tao đó hả?
Ờ thì mấy đứa ngồi “kể xấu” ông nãy giờ chớ đâu mấy đứa ha! – Chị Huyền nháy mắt với mấy đứa rồi nói to trả lời trả vốn cho ông. Mấy đứa biết ý cười khì khì. Ông cũng cười khì khì. Có cái xóm trọ nào dễ thương vậy không ha? Người ngoài không biết không chừng nói ông có một đàn cháu đứa nào cũng dễ thương hạnh phúc quá! Ý mà, như vậy thì tốt chớ sao không!
Tối đó ông thức khuya, khuya lắm mới chịu ngủ. Thằng Thạch nói nó đọc xong cỡ chục trang sách mà còn thấy ông ngồi hút thuốc ngoài hè đó, nói ông vô nhà ngủ đi thì ông cứ gật gật trống không. Có khi ông ho dữ lắm, mà thằng Thạch nó nhắc ông rồi ông cũng cứ gật đầu trống không. Thì thôi, ông thích vậy thì chịu…

                                                                                 o0o

Ông biết ông cũng chẳng sống được nhiêu ngày nữa. Ờ thì, nói nhiêu ngày là nói vậy thôi chớ cũng chừng chục năm nữa. Từ giờ tới đó còn lâu. Ông chỉ sợ là ông mà đi trước mà rồi lấy ai lo cho bà giờ? Mà bà thì…
Ông tới thăm bà mới nghe cô y tá ở khu của bà kể chuyện mấy đứa có qua chăm bà giúp ông ngày hôm qua. Nghe cô y tá khen mấy đứa quá trời!
Vậy đó, ra mấy đứa biết chuyện ông hết trơn hết trọi rồi. Mà không biết sao tụi nó biết được hay quá vậy ta? Tội mấy đứa quá chừng! Giờ ông hông biết làm chi cảm ơn mấy đứa đây! Thôi coi như ông nợ tụi bay, tới chừng nào mà ông trả được thì ông trả. Giờ tụi bay ở đây với ông, có gì giúp ông với, ha! Dù chi thì ông cũng coi bay như con cháu trong nhà mà…

                                                               o0o

Sài Gòn dạo này nắng cũng bớt oi rồi. Trời Sài Gòn mấy ngày nay xanh xanh, tối tối có gió.
Tối tối, ông với bốn năm đứa đạp xe tới Viện thăm bà. Rộn ràng, vui vẻ lắm.
Chẳng còn nhớ chi tới chuyện ngày xưa, chẳng biết chi tới chuyện cỡ chục năm nữa thì sẽ ra sao… Tự dưng, trong lòng đứa nào cũng muốn cái xóm trọ đó là một cái nhà thật là ấm. Sáng đi, chiều về, tối lại đi về, anh anh chị chị em em. Nhất là, tất cả có một người ông lớn, tốt bụng và bao la những câu chuyện lấp lánh màu hồng.

 Đặng Ngọc Việt Anh
 1989

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét