Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

131. ĐỂ VĂN CÓ HÌNH ẢNH

Hôm qua, một học trò cũ đến thăm, thầy trò trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có nghệ thuật viết văn hình ảnh cảm xúc. Hôm nay, nhớ lại không khí thân thương giữa thầy và trò, nên đăng lên đây chuyên đề "Kĩ năng viết văn hình ảnh", mình đã viết và sử dụng để luyện văn cho học sinh. Bài đăng này có ý nghĩa kỉ niệm, để nhớ một thời thầy trò chuyên văn sống và làm việc cùng nhau.

A. PHẦN MỞ ĐẦU.
   1. Bàn về công việc sáng tạo thơ ca, Xuân Diệu viết: “Khi tôi nói xúc cảm là tôi nói rung động về tình cảm cộng với đồng thời một cơn rung động về vần điệu, hình tượng, âm thanh, một hứng thú sáng tạo vậy”. Như thế Xuân Diệu chỉ rõ trạng thái nghệ thuật hoá cảm xúc trong quá trình sáng tạo thi ca. Tức là quá trình chuyển hoá cái vô hình thành cái thực thể hữu hình. Thành dạng cảm xúc có tính chất cảm tính cụ thể. Đấy là cách hình ảnh hoá cảm xúc.
   2. Ý kiến của Xuân Diệu cũng giúp ta nhận rõ vai trò của hình ảnh trong quá trình giải mã văn bản văn học và làm văn của chúng ta. Bởi xét đến cùng, làm văn nghị luận văn học cũng là một hoạt động sáng tạo, một thứ lao động nghệ thuật có tính chất trường ốc, mang tính quy phạm. Hình ảnh do đó đóng vai trò vừa là đơn vị của nội dung có ý nghĩa thẩm mĩ khách quan, vừa là một nhân tố để biểu hiện cảm xúc, tức là hình thức nghệ thuật.
B. VĂN HÌNH ẢNH – CẢM XÚC.
   I. Thế nào là văn hình ảnh cảm xúc ?
       Hành văn để câu văn có hình ảnh cảm xúc là người viết vận dụng phép liên tưởng – tưởng tượng giữa ý – hình nhằm cụ thể hoá, cảm xúc hoá ý tưởng của mình. Từ đó, thông qua hình ảnh, người tiếp nhận đồng sáng tạo và cùng rung động trước vẻ đẹp của câu văn đó.
   II. Phép hành văn hình ảnh cảm xúc.
     1. Văn là đẹp, phải đẹp mới là văn.
        1.1. Một người con gái tưởng đến tương lai mà tự hỏi: không biết thuyền đời của mình sẽ neo đậu bến sông nào ? Như thế cũng đã là văn, nhưng không đẹp, không da diết bằng:
                        Thân em như tấm lụa đào
                        Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai 
                                                      (Ca dao)
        1.2. Hoặc khi nghe Xuân Diệu ngâm nga:
                    Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
                    Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trên cành.
    Gió vô hình đã trở thành hữu hình. Người đọc như cảm giác được nhịp chuyển vừa mềm mại, vừa vướng víu của ngọn gió như có linh hồn kia. Từ đó, người đọc thấm thía nỗi buồn từ tạo vật thấm sâu và lan toả vào tâm hồn, rồi bỗng dưng cảm giác sợ thời gian chảy trôi xoá nhoà tuổi xuân như thi nhân từng lo sợ.
    Bàng Bá Lân cũng tả gió mà không dùng từ gió. Ông dùng những từ gợi liên tưởng đến gió, những lời óng ả và du dương:
                    Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa.
    Hay nỗi lòng của một quả phụ khi xuân về. Thời gian chảy trôi. Tuổi xuân không vĩnh viễn. Xuân đến nhan sắc tàn phai, nỗi buồn thân phận càng sâu dày. Một thi sĩ đã hạ bút:
                    Đóng cửa cài then xuân cũng sang
    Câu văn bóng bẩy, rất hình ảnh và cảm xúc.
     2. Làm thế nào để có văn đẹp: hình ảnh và cảm xúc.
        2.1. Trước hết, để văn có hình ảnh, người viết phải biết vận dụng các biện pháp tu từ về từ còn gọi là phép tu từ hay mĩ từ pháp.
    - Theo Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam văn phạm, muốn viết văn hình ảnh, văn hoa mĩ, người viết nên sử dụng 14 lối hành văn như tá âm, miêu tả, hội ý, tỉ dụ, hoán dụ,...
    - Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm sáng tạo, kinh nghiệm viết văn, người ta nhấn mạnh hai phép viết văn hình ảnh sau:
       + Phép so sánh: Ví cái ta muốn tả với cái khác trên cơ sở liên tưởng tưởng tượng tương đồng hoặc đối lập.
         *                Trong như tiếng hạc bay qua
                       Đục như nước suối mới sa nửa vời.   
                                                              (Kiều)
         * “Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai” (Nguyễn Tuân- Người lái đò Sông Đà).
         *             Những ngày trốn học
                        Đuổi bướm cạnh cầu ao
                        Mẹ bắt được...
                        Chưa đánh roi nào đã khóc.
                                                     (Giang Nam – Quê hương)
    Những động từ nối tiếp nhau, nhịp thơ đi nhanh như bước chân của chú bé hồn nhiên nghịch ngợm và những động từ có thanh sắc cao, nhưng không ngân xa mà cảm xúc trìu mến, thiết tha, rộn ràng, sung sướng của người hồi tưởng.
     + Phép ẩn dụ: Ví ngầm cái ta muốn tả với một sự vật hiện tượng khác.
       *                Giương cung sắp bắn phượng hoàng
                    Chẳng may lại gặp một đàn chim ri.
                                          (Ca dao)
       *                 tiếng ghi ta nâu
                          bầu trời cô gái ấy
                          tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
                          tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
                          tiếng ghi ta ròng ròng
                          máu chảy

                               (Thanh Thảo – Đàn ghi ta của Lor-ca)
    Đây là khổ thơ được xây dựng bởi những hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác có khả năng gợi liên tưởng về cái đẹp, về tình yêu, về nỗi đau và cái chết oan khuất của Gar-xi-a Lor-ca.
    + Phép nhân hoá và vật hoá:
          * Nói về những bài thơ viết non, viết vội của Huy Cận trong tập Những năm 60, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã ví von:
          Nhà thơ  giống như “một đứa trẻ háu ăn, cứ đi đi lại lại nóng lòng sốt ruột qua một cái vườn ấy, một gốc cây ấy của tâm hồn mình để chờ hái quả thơ vừa chín tới. Hái sớm, hái vội một chút, cố nhiên là không có lợi cho thơ. Cho nên cũng một gốc cây Huy Cận đó thôi mà trái lần này xanh hơn, vị lần này nhạt hơn” (Nhà văn, tư tưởng và phong cách).
          * Khi bàn về thơ và siêu thơ, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gọi bài Lá diêu bông của Hoàng Cầm là siêu thơ và ông bình:
    “ Lá diêu bông là gì ? Có cái gì trên đời này là lá diêu bông ? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá diêu bông? Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó và cái âm hưởng của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng nói, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió...
             Có phải linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của những thiếu nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xuý Vân đến chết vẫn codn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hoà cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:
                    Diêu bông hời!... ơi diêu bông!...”                 
    2.2. Làm thế nào để tìm hình ảnh.
       2.2.1. Muốn tim hình ảnh người viết phải huy động năng lực liên tưởng – tưởng tượng rồi diễn đạt hình ảnh tưởng tượng ấy quá đi một chút.
    - “Mặt trời khép chiếc quạt đỏ nan vàng rồi chìm xuống nước” (J. M. De Hérédia)
    - “Hãy đến với thơ như bạn từng sống thực, đừng đến với thơ khi con tim khô cứng, không hồn. Chỉ khi tâm hồn bạn muốn cao thượng, muốn cuộc sống đẹp thì thơ mới là bạn, đèng lợi dụng tiếng đàn của thơ để làm cuộc sống này vô nghĩa”.
     2.2.2. Mượn hình ảnh của người khác rồi sáng tạo một chút, thêm thắt một chút cho mới cho đẹp hơn phù hợp với văn phong của mình và thống nhất với toàn văn bản.
    - Trong Tình sử có hình ảnh Thiên hương nhất chi (Một cành hoa thơm của trời) để chỉ người đàn bà đẹp. Nguyễn Du đã mượn hình ảnh ấy để miêu tả, để bày tỏ sự xót thương với Đạm Tiên:
            Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
    - Khi Victor Hugo viết:
            Mặt trăng mở chiếc quạt bạc trên mặt nước
thì J. M. De Héresdia mượn hình ảnh đó để sáng tạo nên hình ảnh mới:
         Mặt trời khép chiếc quạt đỏ nan vàng rồi chìm xuống nước.
    - Shakespeare viết:
                 Ngó ánh trăng nó ngủ trên ghế này.
thì Lamartine lại viết:
                 Những tia sáng yếu ớt ngủ trên bãi cỏ.
      2.2.3. Mượn một hình ảnh thơ, một câu thơ để tạo thành hình ảnh trong văn của mình.
    - “Thơ là thế giới tâm hồn rọi vào đó con người cần phải băn khoăn trăn trở để cái đẹp sẽ ngự trị, cái ác bị tiêu diệt. Thơ là món quà vô giá mà nghệ sĩ gởi tặng bạn đọc. Những vần thơ hay sẽ còn mãi với loài người cho đến ngày tận thế.
                   Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái 
                   Lúc từ giã tuổi đời, kỉ niệm hoá thơ lưu

                           (Raxun Gamzatop – Đaghétxtan của tôi)
    - “Vai áo bạc quàng súng trường (Nguyễn Đình Thi – Lá đỏ). Một nét khắc hoạ đẹp, vẻ đẹp giản dị và thầm lặng dồn chứa biết bao trìu mến bên trong từng chữ từng lời... Vai áo bạc và khẩu súng trường, những chi tiết giàu sức gợi biết mấy. Người con gái trong thơ lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn mà Thời con gái bay qua cánh rừng (Nguyễn Duy), vẻ đẹp của chùm hoa phong lan trong rừng già sâu thẳm”.
       2.24. Tạo hình ảnh trong văn cũng có thể sử dụng điển cố điển tích. Tất nhiên điển cố điển tích ấy phải thông dụng và là điển cố của dân tộc thì càng tốt hơn.
    - Khi ta viết: “Người con gái ấy mãi sống trong tâm trạng Mị Châu”, hay “Họ thân nhau, tận tâm giúp đỡ lẫn nhau như Lưu Bình – Dương Lễ”. Đó là ta đã dùng điển cố. Chính nhờ điển cố mà văn có hình ảnh và hàm súc.
    - Khi bình đoạn thơ:
                    Sáng mát trong như sáng năm xưa
                    Gió thổi mùa thu hương cốm mới
                    Tôi nhớ những ngày thu đã xa

                    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
                    Những phố dài xao xác hơi may
                    Người ra đi đầu không ngoảnh lại
                    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
                            (Nguyễn Đình Thi – Đất nước)
có người đã viết:
    “Hai con người trong hai đoạn thơ cũng rất khác nhau. Một con người rộng mở tâm hồn để hoà hợp cùng cảnh vật mùa thu. Còn một con người không hề yếu đuối, uỷ mị, trái lại mang dáng dấp chiến sĩ, một dáng dấp Kinh Kha, một phong thái “li khách” trong Tống biệt hành của Thâm Tâm.
   III. Những điều cần lưu ý.
      1. Khi viết văn hình ảnh, hình ảnh trong văn phải đẹp và tự nhiên; nếu không sẽ trở thành kệch cỡm, lố bịch.
    Bàng Bá Lân viết: Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa, ta không nên mượn hình ảnh ấy để sáng tạo ra: “Mái tóc xanh Thần Nông nằm rạp trước gió”.
    Như thế, muốn văn hình ảnh phải liên tưởng – tưởng tượng, nhưng như ngạn ngữ Pháp đã nói: Óc tưởng tượng “là con mụ điên trong nhà” nên khó kìm hãm. Người viết phải tỉnh táo để xây dựng hành ảnh thật chính xác có giá trị gợi tả gợi cảm cao.
      2. Hình ảnh cũng đừng quá cầu kì.
    Molière đã viết một vở kịch để chế giễu cách nói cách viết hình ảnh nhưng quá cầu kì như sau:
    “Xin bà làm thoả lòng chiếc ghế này vì nó thèm được ôm bà” hay “Viên cố vấn kiều diễm”,...
      3. Hình ảnh không được vô lí.
    - Một tiểu thuyết gia viết: “Không biết dáng điệu của nữ lúc đó thế nào mà khiến cho con người gỗ đá cũng phải ghê thịt”. Hay: “Chiếc xe quốc gia bơi qua hoả diệm sơn”.
      4. Hình ảnh không nên sáo rỗng.
    Không nên dùng hình ảnh sáo mòn mà không có nét nào mới ví như: đẹp như tiên, suối lệ, làn da ngọc, rừng văn,...
      5. Không nên dùng hình ảnh quá nhiều trong một bài văn. Bởi hình ảnh mà dùng quá nhiều thì văn không tự nhiên, có tính chất giả tạo và đơn điệu. Một đoạn chỉ một hình ảnh đẹp là văn hay.
C. KẾT LUẬN.
     1. Văn hình ảnh - cảm xúc là một phẩm chất thẩm mĩ của văn. Ta có thể tạo hình ảnh bằng nhiều phương thức khác nhau, nhưng cơ bản là xây dựng từ sự liên tưởng – tưởng tượng hoặc mượn hình ảnh của người khác nhưng có sự thay đổi, sáng tạo.
     2. Tuy nhiên, văn hình ảnh – cảm xúc không là tất cả. Văn hay, văn đẹp hội tụ nhiều yếu tố nghệ thuật khác nữa như: dùng từ, tạo nhạc, lập luận,... Luyện văn bên cạnh viết văn hình ảnh – cảm xúc, ta không thể bỏ qua những yếu tố đó.
                           HD-2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét