Tôi
với Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong gặp nhau là do cái duyên thầy trò. Hè năm
2004, Vĩnh Phong được trường THPT Phan Châu Trinh (do Sở Giáo dục và Đào
tạo thành phố Đà Nẵng cho phép) đưa sang học bồi dưỡng văn học ở trường
THPT chuyên Lê Quý Đôn vì em có năng khiếu môn văn. Tôi may mắn là
người đứng lớp bồi dưỡng.
Tình cảm thầy trò từ đó đã nẩy nở, duyên văn
nghệ cũng từ đó mà bén rễ xanh cây. Vĩnh Phong đã cho tôi đọc nhiều
truyện ngắn và tham gia gởi bài cho đặc san Hoa Hàm Tiếu
của Câu lạc bộ văn học trường chuyên Lê Quý Đôn. Một trong những truyện
ngắn tiêu biểu của Vĩnh Phong là “Những mảnh vỡ đêm hè”, lúc đang học
lớp 11 C1 trường THPT Phan Châu Trinh, đăng trên Hòa Hàm Tiếu tháng 9 năm 2004.
Rồi thời gian cứ theo dòng chảy của nó mà trôi. Tôi và Vĩnh Phong không gặp lại nhau từ dạo ấy. Rồi rất tình cờ, mùa hè năm 2010, vào thời điểm chấm thi tốt nghiệp THPT, Tiến sỹ văn học Nguyễn Đình Vĩnh (bây giờ là Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tặng tôi một cuốn tạp chí NON NƯỚC, số 155, ra tháng 3-2010, vì trong đó có bài viết của anh. Tôi rất cảm kích mối tình văn chương của anh Vĩnh. Về nhà nhâm nhi tạp chí của Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng này, không ngờ gặp lại Vĩnh Phong qua tùy bút : “Thành phố nhỏ của tôi”. Và cũng rất xúc động, không ngờ Vĩnh Phong còn giữ được kí ức về tôi, đã nhắc đến tôi trong tác phẩm.
Và thời gian…
Hôm nay, nhân đọc lại Hoa Hàm Tiếu vì muốn bình những tác phẩm thơ, văn đã đăng ở tập san này, tôi gặp lại tên Vĩnh Phong, bồi hồi tìm lại tạp chí Non Nước, ngồi đánh máy tùy bút “Thành phố nhỏ của tôi”, đưa lên blog như là một kỉ niệm đẹp về cái duyên của thầy trò, như là một tấm lòng dành cho thành phố mà tôi đã bắt rễ từ thuở thanh xuân, và như là món quà tặng các bạn học Phan Châu Trinh xưa đang xa xứ của tôi.
Rồi thời gian cứ theo dòng chảy của nó mà trôi. Tôi và Vĩnh Phong không gặp lại nhau từ dạo ấy. Rồi rất tình cờ, mùa hè năm 2010, vào thời điểm chấm thi tốt nghiệp THPT, Tiến sỹ văn học Nguyễn Đình Vĩnh (bây giờ là Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tặng tôi một cuốn tạp chí NON NƯỚC, số 155, ra tháng 3-2010, vì trong đó có bài viết của anh. Tôi rất cảm kích mối tình văn chương của anh Vĩnh. Về nhà nhâm nhi tạp chí của Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng này, không ngờ gặp lại Vĩnh Phong qua tùy bút : “Thành phố nhỏ của tôi”. Và cũng rất xúc động, không ngờ Vĩnh Phong còn giữ được kí ức về tôi, đã nhắc đến tôi trong tác phẩm.
Và thời gian…
Hôm nay, nhân đọc lại Hoa Hàm Tiếu vì muốn bình những tác phẩm thơ, văn đã đăng ở tập san này, tôi gặp lại tên Vĩnh Phong, bồi hồi tìm lại tạp chí Non Nước, ngồi đánh máy tùy bút “Thành phố nhỏ của tôi”, đưa lên blog như là một kỉ niệm đẹp về cái duyên của thầy trò, như là một tấm lòng dành cho thành phố mà tôi đã bắt rễ từ thuở thanh xuân, và như là món quà tặng các bạn học Phan Châu Trinh xưa đang xa xứ của tôi.
THÀNH PHỐ NHỎ CỦA TÔI
Tặng tùy bút này cho những người yêu Đà Nẵng
Tôi bắt đầu suy nghĩ về những dòng nhỏ này trong một quán bar nằm trên đường Bạch Đằng-Bamboo. Trong thứ âm thanh tạp nham ồn ào những cuộc chuyện trò không dứt, tôi nhắm mắt để hình dung thật đầy đủ về những gì sắp sửa viết ra, sắp sửa đặt lên trang giấy trắng của mình.
Câu chuyện của tôi cũng chỉ là một tập hợp những hình dung rất vụn và rời rạc. Nó chắp vá và đan cài trong tôi. Dẫu vậy, ngay lúc này, cái “hứng” của tôi, thứ quan trọng nhất đối với người cầm bút, được gầy dựng nên rõ ràng hơn bao giờ hết, sau những cuộc chuyện trò với bạn bè nước ngoài. Tôi mải miết suy nghĩ cho đến khi cơ thể mệt bã ra, cho đến khi âm thanh một trận mưa cuối mùa đổ xuống…
Tôi viết về Đà Nẵng, thành phố của mình.
Có những thứ thật khó để viết cho hết, cho đủ. Và quê hương là một trong những thứ đó. Có quá nhiều kỉ niệm đã gắn chặt chúng ta vào nó. Và như ai đó đã nói rằng, nếu phải xa lìa nó, ta chỉ như một đứa trẻ bơ vơ vì bị tách khỏi tử cung mà mẹ đành khóc một trận ngon lành. Bởi quê hương là mẹ, là máu, là thứ khí trời ta hít thở mỗi buổi sáng được nghe loa phóng thanh rộn ràng, là tất cả những gì chúng ta nhìn thấy và mơ về…
Tôi đã được trải nghiệm cái cảm giác xa cách ấy, trong những lần ngồi trong khoang máy bay, nhìn giã biệt những khối nhà bày ra như ma trận bên dưới, lòng không cầm được cảm giác hoang mang. Tôi sẽ trôi về đâu? Một tỉnh lẻ xa lạ? Một thành phố chật ních người xe? Cái tình yêu tôi dành cho thành phố mình hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, trong những chuyến đi vội vã, bất cần, và hoang mang như thế…
Đà Nẵng tròn đầy như vậy đó. Nó, một thành phố nho nhỏ, thuộc về miền Trung Việt Nam và nằm gọn trong lòng tay mẹ biển. Một thành phố đáng yêu với hơn tám trăm ngàn con người. Nó đẹp đến nỗi, mỗi sáng được nghe tám trăm ngàn con người quanh mình ấy hít thở, vận động. Nhịp thở như tiếng xào xạc của một vườn đu đủ khổng lồ, trong một phim Việt tôi xem đã lâu. Thành phố như một thực thể sống, trỗi dậy hằng ngày hằng giờ, với những con người hăm hở cho những cuộc hành trình dài ngày. Họ đi cho những cuộc chuyển mình mới của thành phố…
Đó là một thành phố của những cây cầu. Năm cây cầu nối hai bờ sông từng một thời diệu vợi xa cách. Một cây cầu khác đang được thi công, trong đợi chờ và háo hức của bao người. Tôi đi hằng ngày trên cầu Nguyễn Văn Trỗi. Bốn mùa trên cầu thay đổi như những khung hình thoắt ẩn thoắt hiện trong kính vạn hoa. Những ngày mùa đông, nước đục ngầu, bèo trôi đầy mặt sông. Những buổi sáng xuân, từng đoàn xe ngược xuôi, chở những cành xanh đằng sau, chở phong vị tết về nhà. Những trưa hè, nắng chói chang như lấy từ đâu đó trong ảnh cụ Võ An Ninh. Mùa thu, cây cầu lặng lờ như một chiếc lá rụng về đất, đẹp như một bài thơ tình Xuân Quỳnh…
Đà Nẵng là thành phố của quán xá, của chuyện trò… Tôi yêu những cái quán nhỏ trong thành phố bằng thứ tình yêu mê muội. Ở mỗi góc nhỏ, khi rúc vào, cảm giác như cơ thể mình được bám chặt vào lòng đất, được kết nối hoàn toàn với những ngọn lửa âm ỉ bên trong. Tôi hay ngồi ở Gitano, trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nhìn ra khỏi cửa sổ, nhìn vào một góc rất nhỏ của thành phố - sau lưng trường Phan Châu Trinh cũ, mường tượng về một vùng kí ức xa xưa xanh thẳm. Những buổi sáng chủ nhật, tôi tìm về một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng – quán Linh. Những giờ phút trong veo ở đó là những giờ phút tôi nghiệm lại mình, giải quyết những công việc lỉnh kỉnh, và thêm yêu cái sự sống sinh sôi trước mắt. Cà phê Linh ngon, ngọt đậm, và vì thế, dễ chừng là hàng cà phê ngon nhất thành phố. Người Đà Nẵng “nhậu” cũng nhiều. Họ tìm đến quán xá – những nơi xả xì trét hiệu quả nhất – sau những giờ giam mình vào công việc, mưu sinh. Quán còn là nơi ta làm việc. Có người tìm đến đây, mượn một chỗ ngồi nhỏ và khuất để tiến những bước vạn dặm trong đời…
Và tôi nghĩ tới biển. Bờ biển Đà Nẵng dài và mảnh như giọng Shania Twain, nó trở thành huyền sử trong đầu óc tôi. Nó kể cho tôi bao đêm thiếu thời chuyện thần thoại về Ngũ Hành Sơn sinh ra từ quả trứng. Là chuyện những người con của biển, sinh ra và lớn lên trong giông bão. Họ vượt sóng vượt gió tìm ra đại dương. Là những buổi chiều Thanh Khê, bóng một mẹ già lặng lẽ ngồi nhìn xa xăm tạc vào không gian xanh thẳm. Sau những cuộc hành trình dài ngày, những đợt bão, đã vắng nhiều những bóng người thân… Là những buổi sáng mùa hè, biển như thoi nam châm khổng lồ hút những đoàn người áo xanh áo đỏ. Và cũng chẳng lạ gì khi, Forbes, một tạp chí uy tín ở Mĩ, xếp nó vào danh sách mười bờ biển đẹp nhất thế giới.
Tôi muốn viết những dòng đẹp cho những con phố ngày thường. Đà Nẵng còn là những cung đường quen, rất quen. Trước đây, tôi có thể bỏ hằng giờ để lạc vào những con hẻm Hoàng Diệu, tự thưởng cho mình cái cảm giác bị lạc giữa một thành phố đã quen, đã thân. Cái cảm giác ấy ám ảnh tôi suốt những năm cấp ba. Tôi còn nhớ thời trẻ con của mình, mỗi lần có được một niềm vui nho nhỏ, tôi cũng xách xe chạy như bay trên dốc Cầu Vồng. Từng bầy chuồn chuồn bay trên đầu tôi, trên những lọ sành sứ, trên đoạn dốc ngắn ngủi ấy, bây giờ đã trôi về một chương trong quá vãng rồi. Đêm khuya những năm chín mươi, tôi đi bộ trên đường Ông Ích Khiêm, sà vào quán trứng vịt quen, nghe tiếng xích lô đêm lọc cọc vọng về. Những trưa còn đạp xe đi học trên đường Trần Phú, nghe tiếng lá xào xạc trên đầu, tôi mới hiểu truyện Nguyễn Nhật Ánh đẹp đến độ nào. Trên cao kia, nắng bị chặn ở một khoảng không xanh biếc.
Người Đà Nẵng cũng đẹp và lành như đất. Tôi lớn lên từ thầy cô mình. Tôi nhớ thầy Hồ Kì Mô của trường Nguyễn Khuyến, một đời thầy theo nghiệp gõ đầu trẻ, đi đi về về trong những công thức toán học. Tôi nghĩ về thầy Hoàng Dục trường Lê Quý Đôn, về những giờ học đẹp miệt mài một niềm yêu văn chương. Tôi thích cái cảm giác chen chúc ở cây xăng đường Thái Phiên, bị vây bởi những người không quen biết. Tôi mường tượng những người bán hoa ở chợ Hàn, những đêm trời lạnh và khuya. Tôi ghé vào mua một bông hồng và nhận lại nụ cười cuối cùng trong ngày từ người bán. Tôi quay xe về nhà, rồi bị hút vào cái không gian đen thẳm, lòng dấy lên những cảm giác lâng lâng khó tả…
Có một điều về Đà Nẵng mà tôi thực tâm trân trọng. Đó là cái thế giới ẩm thực của thành phố này. Tôi có một bạn sống ở Thăng Bình. Hằng tuần, bạn tôi dong xe về Đà Nẵng chỉ để mua chả cá. Nghe đâu người vợ thèm ăn bún chả cá nên chồng phải lặn lội kì công như thế. Cũng dễ hiểu, miếng chả cá thơm phưng phức tan đi trong thứ nước bún ngòn ngọt kia đã đủ làm một cái tứ đẹp cho cả Thạch Lam lẫn Nguyễn Tuân rồi. Bạn bè sành ăn thường rủ tôi chui vào một góc nhỏ trong đường Điện Biên Phủ để ăn nem lụi. Mùi nem cháy trên bếp than gợi về những ngày tôi còn ở Vĩnh Điện. Lúc nhỏ, tôi lớn lên trong rơm rạ trong than hồng. Và nay, mỗi cuốn nem như khơi mở dần một vùng kí ức tưởng đã ngủ quên, đã không còn. Nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ. Đà Nẵng có cơ man nào là bánh : bánh xèo, bánh nậm, bánh ú, bánh ướt, bánh bèo,… Có lúc, lội chợ Cồn, lòng không cầm nổi nôn nao vì những hàng quán. Thời gian như ngưng đọng trong chiếc đồng hồ lớn đã thôi chạy từ bao năm trước chợ, mỗi khi dừng chân, thưởng thức những thứ quà ngon lạ ấy.
Đà Nẵng còn là nơi mối tình đầu của tôi xuất hiện. Yêu và được yêu, cái cảm giác bồn chồn và bối rối ấy kéo dài qua những mùa Noel người ta đi chật đường về Nhà thờ Chính tòa. Nơi thành phố ấy, tôi đã yêu tha thiết mọi thứ. Như thể ở Paris hay Milan, sự lãng mạn sinh ra từ tình yêu đó. Tôi đã mong mình sẽ sống đẹp trong cái tình yêu đơn giản ấy, và được chết trong một tình yêu cũng đơn giản tương tự. Nhưng, nàng sau cùng cũng rời bỏ tôi. Thành phố, từ dạo ấy, đẹp và trầm tư hơn nhiều.
Cũng bởi Đà Nẵng, giờ đây, không chỉ là một miền để ở, để sống, để thờ phụng tổ tiên nữa… Đà Nẵng là niềm thiêng liêng, một chứng nhân của những sự kiện từ vụn vặt đến lớn lao trong chặng đầu đời không lấy gì làm dài lắm của tôi. Nó, từ lâu, đã trở thành một người bạn thân thiết của tôi,
Bắt rễ vào thành phố này, tôi được sống một đời sống đẹp đẽ và rực rỡ nhất.
Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong
“ Thành phố nhỏ của tôi” là một tùy bút. Tùy bút là một thể loại văn học in đậm dấu ấn cái tôi của người viết. Tác phẩm có thể xem như là một bản tổng phổ của cái tôi tác giả, một cái tôi ưa khẳng định mình, thích tô đậm cái nhìn sự vật hiện tượng của mình, thậm chí không chịu làm cái bóng mà dứt khoát hiển lộ một cách có cá tính trên trang viết của mình. Để có được phong cách riêng, tùy bút đòi hỏi người viết không chỉ có cá tính, tài hoa, làm chủ các phương tiện, phương thức nghệ thuật mà còn phải đi nhiều trong cuộc đời để đi nhiều trong văn chương. Nếu không thế, trang văn sẽ khô cứng, chỉ là một cung đường cô độc không có những nhánh rẽ để cuộc sống ùa vào làm bừng lên sức sống, sự sống muôn màu.
Trong văn chương, ta đã từng dạo gót theo Thạch Lam thưởng thức cái đẹp của “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, ta cũng theo dấu chân của Nguyễn, của Bạch trong “Những chuyến đi”, “Thiếu quê hương”,… của Nguyễn Tuân để hồn bay theo điệu hò xứ Huế, để lòng bâng khuâng dưới bóng trăng sông Hoài - Hội An,… Hay ta tìm đến với “Ai đã đặt tên cho dòng sông” để được đắm chìm trong không gian văn hóa Huế mà sông Hương là một đặc trưng, làm nên hồn cốt của cố đô. Những tác phẩm ấy, những nhà văn ấy đã trở thành những cột trụ vững chắc trong ngôi đền thể loại tùy bút. Tên tuổi của họ kết dính song hành cùng tùy bút, và tùy bút đã bất tử hóa chính họ trong văn đàn văn học dân tộc. Tùy bút, từ đó tưởng chừng như là một thể loại sẽ không còn có một tác giả nào ướm bút vào. Ngôi đền thiêng tùy bút, tưởng chừng mãi mãi sẽ không có chỗ cho các nhà văn đời sau.
Có lẽ, đó chỉ là tưởng nghĩ thế thôi. Bởi thể loại văn học có sự sống riêng của nó trong đời sống chung của văn chương. Vì vậy, tùy bút luôn có sự vận động mà để cho thể loại này chuyển mình, không ai khác ngoài các nhà văn thế hệ tiếp nối làm công việc đó. Hiểu như thế để thấy, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong là một trong những người đang tiếp nối, làm cho thể loại tùy bút vận động, dẫu đó chỉ là bước khởi đầu chưa rõ rệt một điều gì. Điều đó nói lên quy luật nghiệt ngã của sáng tạo văn chương, lao động nghệ thuật là lao động đầy khó khăn và thử thách. Và đó là điểm đáng quý của cây bút trẻ này.
Đọc “Thành phố nhỏ của tôi”, ta như thấy cái tôi của tác giả có mặt ở mọi ngóc ngách của trang viết, ở mọi khía cạnh văn hóa, địa lí, con người của thành phố Đà Nẵng yêu thương. Để nhìn rõ tình cảm của mình dành cho thành phố quê hương, tác giả đã tạo ra một sự trải nghiệm bằng những chuyến đi xa, để nghe lòng mình “hoang mang” nếu phải sống xa thành phố nhỏ của mình. Càng “hoang mang”, trong thẳm sâu tâm hồn của tác giả càng cộm lên “Cái tình yêu tôi dành cho thành phố mình hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, trong những chuyến đi vội vã, bất cần, và hoang mang như thế…”. Đó là một cách chọn cự li tâm lí cho một cái nhìn khám phá đầy tràn cảm xúc về quê hương. Đó là một cách chọn điểm nhìn trần thuật khôn ngoan nhằm bọc sự kiện trong cảm xúc miên man tuôn chảy, khiến trang văn thấm đẫm chất thơ, màu sắc trữ tình. Đó là điểm nhìn không gian, từ ngoài vào trong để cảm nghe sự trống trải trong hồn mình khi xa thành phố của mình, để khát thèm một thoáng quê hương dẫu trong một sác na ngắn ngủi cho lòng vơi đi nỗi nhớ, không còn khắc khoải niềm yêu. Đó là cách thế tạo khoảng trống để lấp đầy trong đời sống tinh thần của tác giả thiên tùy bút này.
Từ điểm nhìn tâm lí “hoang mang” được đặt trên trục chiều cao không gian, tác giả đã làm hiện về những nét đẹp độc đáo của Đà Nẵng. Những nét đẹp ấy trong con mắt vô tình của ta chẳng đọng lại, chẳng nói lên một điều gì! Hơn tám trăm ngàn con người Đà Nẵng, với ta chỉ tổ làm cho phố xá chật nêm thêm thôi, nhưng với Vĩnh Phong, đó là những con người Đà Nẵng, mang hơi thở Đà Nẵng, họ đang làm nên nhịp thở sự sống của thành phố này. “Thành phố như một thực thể sống, trỗi dậy hằng ngày hằng giờ, với những con người hăm hở cho những cuộc hành trình dài ngày. Họ đi cho những cuộc chuyển mình mới của thành phố…”. Con người Đà Nẵng “cũng đẹp và lành như đất”. Không yêu con người, không thấy mối quan hệ biện chứng giữa con người và quê hương, tác giả sẽ không có một cái nhìn nhân tình như thế. Đà Nẵng đang từng ngày từng giờ thay đổi diện mạo của mình, một trong những đổi thay đó là “Năm cây cầu nối hai bờ sông từng một thời diệu vợi xa cách”. Năm cây cầu và… góp phần tạo nên một Đà Nẵng, một thành phố hiện đại bậc nhất miền Trung. Năm cây cầu và sẽ hơn nữa đã xóa đi khoảng cách bên này và bên kia để chỉ có một văn hóa Đà Nẵng mang tính đặc trưng của nó. Có lẽ ai trong chúng ta cũng nhận thức được điều này, nhưng ai có thể nhìn mỗi mùa mỗi cảnh đang diễn ra ở cây cầu Nguyễn Văn Trỗi “Bốn mùa trên cầu thay đổi như những khung hình thoắt ẩn thoắt hiện trong kính vạn hoa.”. Và ai có được cảm nhận rất tinh tế dạt dào cảm xúc về chất thơ tình yêu của chiếc cầu này trong một cái nhìn so sánh lạ : “Mùa thu, cây cầu lặng lờ như một chiếc lá rụng về đất, đẹp như một bài thơ tình Xuân Quỳnh…”.
Đà Nẵng trong cái nhìn yêu thương của Vĩnh Phong là một bãi biển đẹp được “Forbes, một tạp chí uy tín ở Mĩ, xếp nó vào danh sách mười bờ biển đẹp nhất thế giới”. Biển Đã Nẵng như “biển như thoi nam châm khổng lồ hút những đoàn người áo xanh áo đỏ”. Không chỉ thế biển còn được tác giả nhìn băng con mắt của nhưng người mẹ già ngóng con, nhưng đứa con đang lênh đênh trên sóng nước đánh bắt hải sản ngoài biển khơi mịt mù. Hình ảnh người mẹ Thanh Khê trong những dòng văn tràn đầy cảm xúc của tác giả hiện lên như một bức tượng “một mẹ già lặng lẽ ngồi nhìn xa xăm tạc vào không gian xanh thẳm”, một tâm hồn chon von chờ mong, một tình yêu chồng con đến khắc khoải. Không đồng cảm với con người quê mình sẽ không phát hiện được đàng sau vẻ đẹp của biển Đà Nẵng là cả những số phận không bình lặng chút nào của con người vùng biển. Trong con mắt của tác giả, biển Đà Nẵng còn ngân vang giai điệu mỏng mảnh nhưng trong veo bằng một lối so sánh lạ : “Bờ biển Đà Nẵng dài và mảnh như giọng Shania Twain, nó trở thành huyền sử trong đầu óc tôi.”.
Rồi Đà Nẵng với nhưng quán xá, những chuyện trò… Tác giả thường “ngồi ở Gitano, trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nhìn ra khỏi cửa sổ, nhìn vào một góc rất nhỏ của thành phố - sau lưng trường Phan Châu Trinh cũ, mường tượng về một vùng kí ức xa xưa xanh thẳm”. Hay chọn một quá nhỏ nhưng cho những buổi sáng chủ nhật “tôi tìm về một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng – quán Linh. Những giờ phút trong veo ở đó là những giờ phút tôi nghiệm lại mình, giải quyết những công việc lỉnh kỉnh, và thêm yêu cái sự sống sinh sôi trước mắt”.
Trong con mắt tác giả, một con người thích lang thang trên các cung đường quen của thành phố mình. Lang thang là một cái thú không phải ai cũng ý thức được. Với tác giả, lang thang vừa là một cái thú vừa là một tình cảm gắn bó với thành phố nhỏ quê hương. Tác giả “có thể bỏ hằng giờ để lạc vào những con hẻm Hoàng Diệu, tự thưởng cho mình cái cảm giác bị lạc giữa một thành phố đã quen, đã thân. Cái cảm giác ấy ám ảnh tôi suốt những năm cấp ba”. Hay đi tìm nhưng niềm vui nho nhỏ lúc còn trẻ con, tác giả xách xe chạy như bay trên dốc Cầu Vồng. Từng bầy chuồn chuồn bay trên đầu tôi, trên những lọ sành sứ, trên đoạn dốc ngắn ngủi ấy, bây giờ đã trôi về một chương trong quá vãng rồi”. Hay có những đêm khuya, tác giả đi bộ trên đường Ông Ích Khiêm, sà vào quán trứng vịt quen, nghe tiếng xích lô đêm lọc cọc vọng về”. Hoặc những trưa còn đạp xe đi học trên đường Trần Phú, nghe tiếng lá xào xạc trên đầu, tác giả mới cảm nhận khung trời Đà Nẵng mát dịu đến lạ thương như “trên cao kia, nắng bị chặn ở một khoảng không xanh biếc”.
Đến Đà Nẵng, tìm những món ăn đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của thành phố này, người ta có thể thưởng thức món nem lụi ở một góc nào đó đường Điện Biên Phủ, hay tìm vào các quán bánh để thưởng thức các loại bánh mà mỗi loại mỗi hương vị khác nhau, đó là bánh bèo, bánh xèo, bánh nậm, bánh ướt,… Nhưng sẽ thiếu sót biết mấy, khi rời Đà Nẵng mà khách không thưởng thức bún chả cá. Bún chả cá là một món ăn đậm hương vị riêng của thành phố biển miền Trung này. Vì thế ta hiểu tại sao tác giả kể câu chuyện kì công của anh bạn quê Thăng Bình, vợ thèm bún chả cả, hằng tuần chạy xe ra Đà Nẵng chỉ để mua chả cá đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người vợ yêu.
Yêu “Thành phố nhỏ của tôi”, nên tác giả đã làm thỏa mãn các giác quan của người đọc về nhiều vẻ đẹp của Đà Nẵng. Nhưng có lẽ, sẽ thiếu sót nếu không bàn một chút về chuyện tình của tác giả. Đà Nẵng là quê hương nhưng cũng là mảnh đất nẩy mầm tình yêu đầu đời của tác giả “Đà Nẵng còn là nơi mối tình đầu của tôi xuất hiện”. Thành phố này đã cho Vĩnh Phong cảm giác ngọt ngào của tình yêu, để rồi chiệm nghiệm triết lí về tình yêu: “Yêu và được yêu, cái cảm giác bồn chồn và bối rối ấy kéo dài qua những mùa Noel người ta đi chật đường về Nhà thờ Chính tòa.(…) Tôi đã mong mình sẽ sống đẹp trong cái tình yêu đơn giản ấy, và được chết trong một tình yêu cũng đơn giản tương tự. Nhưng, nàng sau cùng cũng rời bỏ tôi. Thành phố, từ dạo ấy, đẹp và trầm tư hơn nhiều”. Giọng văn chân thật khiến người đọc xúc động. Đọc câu chuyện, ta tưởng khi tình vỡ thì tất cả cũng tan theo. Thế mà, Đà Nẵng vẫn hiện lên thật đẹp trong tâm tư của tác giả, chỉ có điều cái đẹp bây giờ đang pha sắc màu trầm tư, pha cái màu chín tới của một tâm hồn, của một nghĩ suy đã có sự trải nghiệm cuộc đời.
Đọc “Thành phố nhỏ của tôi”, người đọc hiểu thêm nhiều góc đẹp của Đà Nẵng qua ngòi bút vừa suy tư vừa xúc cảm của Vĩnh Phong. Đặc biệt, qua câu văn khi dài khi ngắn, sử dụng nhiều dấu câu, đầu câu thường có những từ “và”, “là”; câu không đầy đủ thành phần,… diễn đạt trọn vẹn cảm xúc tâm tình của người viết về quê hương của mình.
Đọc “Thành phố nhỏ của tôi”, người đọc không nghĩ đây đơn giản là câu chuyện văn chương mà đây là một tấm lòng, tấm lòng của Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong dành trọn vẹn và đẹp cho Đà Nẵng thân yêu – một Đà Nẵng mà “tôi được sống một đời sống đẹp đẽ và rực rỡ nhất”.
Hoàng Dục
13-10-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét