Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

176. PHÂN TÍCH THƠ TRỮ TÌNH 2


B. Giọng điệu thơ
   I. Khái niệm:
     1. Nghĩa từ điển:
         a. Giọng: độ cao thấp, mạnh yếu của lời nói, tiếng hát; cách phát âm của một địa phương; cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thị một thái độ, tình cảm nhất định; gam đã xác định âm chủ (Từ điển
tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2000).
         b. Giọng điệu là giọng nói, lối nói biểu thị một thái độ nhất định (Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học biên soạn, 2000).
           Ở nghĩa (a), giọng được hình dung trước hết như một tín hiệu âm thanh có âm sắc, trường độ, cao độ,… Nó gắn liền với môi trường giao tiếp và chủ thể giao tiếp, nó có có khả năng tạo tính khu biệt giữa giọng của người nầy và giọng người khác.
           Ở nghĩa (b), giọng điệu được nhìn từ góc độ tâm lí của người phát ngôn. Có bao nhiêu người phát ngôn trong giao tiếp thì có bấy nhiêu giọng điệu. Người ta có thể kể một số giọng: giọng khinh nhờn, giọng xách mé, giọng bỡn cợt, giọng chế giễu, giọng trịnh thượng, giọng cung kính, giọng vui sướng, giọng thoả mãn, giọng buồn bã, giọng chanh chua, giọng hiền hậu,…
     2. Giọng điệu trong văn học:
         a. Giọng điệu bao gồm giọng và điệu. Giọng (Voice) chủ yếu về mặt âm thanh, khí lực của người nói. Điệu (Tone) chủ yếu biểu thị đường nét, màu sắc của giọng.
         b. Giọng điệu trong văn học là giọng nói, lối nói biểu thị một màu sắc, một đường nét tâm tính, tâm trạng, thái độ, tình cảm của tác giả, của nhân vật (1). Về mặt âm thanh, giọng điệu thường phù hợp với nội dung cảm xúc: khi vui, giọng thường vang rõ, khi buồn giọng lắng lại, thấp xuống…
             Tóm lại, giọng điệu biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật.
             Trong tác phẩm không có giọng điệu thì không có những rung động, sâu sắc, không thể hiện những nỗi đau thương, nỗi xót xa của tác giả trước thân phận con người, không thể chia sẻ với con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Chính vì vậy, phân tác phẩm thơ trữ tình là phân tích giọng điệu của chủ thể trữ tình (nhân vật trữ tình), bởi giọng điệu bộc lộ chủ thể một cách trung thực, cho phép ta nhận ra nét riêng, sự độc đáo của nghệ sĩ. Nói một cách khác, giọng điệu là một yếu tố tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Hàn Mặc Tử: Người thơ phong vận như thơ ấy.
              Chẳng hạn khi Nguyễn Du viết:
                   Trải qua một cuộc bể dâu
                   Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
đã cho thấy Đoạn trường tân thanh là một tiếng kêu thương, một tiếng khóc vĩ đại, cao cả, một chủ nghĩa cảm thương trước thân phận cay đắng của con người. Như vậy, chỉ khi nhà thơ thực sự xúc động trước “những điều trông thấy”; khi trái tim đập những mạch nhịp chân thành, nồng nhiệt với cuộc đời, nghệ sĩ mới tạo được tiếng nói, giọng điệu có sức truyền cảm lớn.
              Trong nghệ thuật ngôn từ, giọng điệu không chỉ bộc lộ qua âm thanh, nhịp điệu mà còn được bộc lộ qua màu sắc, đường nét, hình ảnh. Có thấy điều đó qua hai câu thơ của Vũ Đình Liên:
                        Lá vàng rơi trên giấy
                        Ngoài trời mưa bụi bay
                       
                   (Ông đồ)
             Hai câu thơ như làm hiện trên trước mắt ta cảnh ông đồ ngồi bó gối bên đường phố vắng, quạnh hiu. Màu sắc cảm xúc hiện lên trong hai câu thơ thật tê tái. Câu thơ trên có 3 cái tàn: lá tàn, giấy tàn và đời tàn. Trong câu thơ sau có hai cơn mưa: mưa ngoài trời và mưa trong lòng. Chỉ là mưa bụi thôi, nhưng sao mà lạnh lẽo não nề. Những sắc điệu cảm xúc này của nhà thơ được xuất phát từ lòng thương người, niềm hoài cổ là hai mạch cảm xúc chính trong thơ Vũ Đình Liên.
        c. Cần phân biệt:
           - Giọng điệu với ngữ điệu: Ngữ điệu thuộc phạm vi câu (ngữ điệu cảm thán, ngữ điệu hỏi, ngữ điệu cầu khiến, ngữ điệu mệnh lệnh, ngữ điệu liệt kế,…) thì giọng điệu lại phụ thuộc vào cấu trúc tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và của thời đại. Ngữ điệu góp phần biểu lộ giọng điệu.
          Ví dụ:
                    Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa…
                    Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm.
                    
               (Xuân Diệu – Vội vàng)
                     + Ngữ điệu: câu trên ngữ điệu cảm thán, câu dưới ngữ điệu mệnh lệnh.
                     + Giọng điệu: Câu trên giọng buồn thảng thốt; câu dưới giọng giục giã, tin tưởng.
           - Giọng điệu với nhịp điệu: Nhịp điệu là sự lặp lại có tính chất chu kì cách quãng hoặc luận phiên của điểm dừng trong dòng thơ. Maiacôpxki: Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ. Những nhịp điệu chỉ là phương tiện bộc lộ giọng điệu. M. Bakhtin: Nhịp điệu làm cho mỗi thành tố can dự trực tiếp với hệ thống giọng điệu chỉnh thể. Vậy, nhịp điệu chịu sự chi phối của giọng điệu, giong điệu được bộc lộ qua nhịp điệu và ngữ điệu của câu văn câu thơ.
            Ví dụ:
                    Đưa người ta không đưa qua sông
                    Sao có tiếng sóng ở trong lòng.
                    
       (Thâm Tâm - Tống biệt hành)
                     + Nhịp điệu: Hoài Thanh: Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.
                     + Giọng điệu: Trần Đình Sử: Câu thơ bảy chữ tự do, đầy câu hỏi, nhiều trùng điệp, vần trắc vần bằng xen nhau tạo thành giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, ngang tàng, vừa cổ điển vừa hiện đại. 
           - Giọng điệu với nhạc điệu: Nhạc điệu được tổ chức nhờ yếu tố ngắt nhịp, gieo vần, phối thanh. Paul Valéry: Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa. Như vậy nhạc điệu chịu sự chi phối của giọng điệu.
             Ví dụ:
                    Mùa thu nay khác rồi
                    Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
                    Gió thổi rừng tre phấp phới
                    Trời thu thay áo mới
                    Trong biếc nói cười thiết tha.
                   
         (Nguyễn Đình Thi – Đất nước)
               Đoạn thơ giàu chất nhạc, mặc dầu nhà thơ không câu nệ vào vần. Nhịp thơ dứt khoát, hơi thơ khoáng đạt đã bộc lộ giọng điệu hân hoan, phấn chấn của nhà thơ. Mùa thu nay khác rồi là một tiếng reo vui, một câu thơ như cái bản lề tâm trạng, khép lại nỗi buồn xa vắng của những ngày thu đã xa và mở ra một thế đứng vui nghe, giữa không gian tự do Việt Bắc. Hệ thống tính từ: vui nghe, phấp phới, áo mới, trong biếc, thiết tha,… đã diễn tả được niềm hân hoan, vui sướng trước sự đổi thay của thời đại mới, của mùa thu mới – mùa thu cách mạng.
   II. Những phương thức biểu hiện của giọng điệu thơ.
      1. Giọng biểu hiện qua tâm hồn nghệ sĩ.
           Mỗi nhà văn có một nhịp sinh học riêng, có cá tính, sở thích riêng; bởi thế họ có những khoảng trời riêng, ưu tư riêng. Hàm Mặc Tử viết: Khi ngòi bút của tôi đã thấm nhuần những ý nghĩa cao cường, truyền sang bởi điện tính truyền trí tuệ, tôi phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng (Chơi giữa mùa trăng). Nguyễn Du: Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình (Truyện Kiều). Nguyễn Hành (Đời Lê): Cảm xúc không giống nhau, thanh âm cũng khác nhau (Từ trong di sản). Mỗi nhà văn có một điệu tâm hồn riêng bởi thế mà sáng tác của họ mang vẻ đẹp không trộn lẫn. Nguyễn Đăng Mạnh: Mỗi nhà văn có một cái tạng riêng, có một chất tâm hồn riêng, nó tạo nên một thức nam châm riêng để bắt lấy những gì thích hợp với nó (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn).
           Ví dụ:
               - Thơ tình yêu của Xuân Diệu khác xa với thơ tình yêu của Nguyễn Bính. Là trí thức Tây học chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, đặc biệt là văn hoá Pháp; tình cảm gần với thị thành, tầng lớp thị dân, lại là con vợ lẽ, nên cây liễu trong thơ Xuân Diệu khác cây liễu trong thơ Đường Tống, ngọn gió trong thơ ông cũng khác ngọn gió trong thơ cổ. Ông khao khát yêu thương lại phải sống trong thời đại kim tiền nên những hi vọng của ông đi liền với thất vọng: trong gặp gỡ đã có mầm li biệt. Ngược lại, Nguyễn Bính tìm về với chân quê, một lựa chọn và phản ứng tự nhiên trước nền văn minh công nghiệp. Thế giới tâm hồn Nguyễn Bính gắn chặt với thôn quê. Nhà thơ luôn tìm cách níu giữ những giá trị của chân quê: Van em em hãy giữ nguyên quê mùa. Nhưng ông lại là một nhà thơ Mới, những tình quê trong thơ Nguyễn Bính không còn thuận hậu chấc phác như thời ca dao, cổ tích mà đã chứa đựng những rạn vỡ bên trong. Thơ ông vì thế ngân lên giai điệu lỡ làng, buồn bã, hắt hiu,…
       - Điệu hồn Xuân Diệu cũng khác với Huy Cận. Trong khi Xuân Diệu tinh tế trong cảm nhận thời gian thì Huy Cận ngẩn ngơ trước không gian, ôm mãi một khối sầu vũ trụ. Bàng bạc trong thơ Huy Cận là một màn sương khói của buồn vạn kỉ chảy tới mai sau.
       2. Giọng điệu thể hiện qua đối tượng trữ tình. Miêu tả đối tượng nào, xúc cảm ấn tượng về một đối tượng thảm mĩ nào, giọng điệu phải phù hợp với đối tượng thẩm mĩ ấy.
         Ví dụ: Khi Nguyễn Bính viết:
                       Em nghe họ nói mong manh
                       Hình như họ biết chúng mình với nhau
                       
                            (Chờ nhau)
          Hai câu thơ đã miêu tả đúng tâm trạng của một thôn nữ. Chữ với nhau dùng rất chính xác và tinh tế phù hợp với chữ mong manh, hình như. Cô thôn nữ không dám nói yêu nhau. Chữ yêu quá mạnh, quá hiện đại, không hợp tâm lí và cách nói của các thôn nữ.
       3. Giọng điệu thể hiện qua thể loại.
          Nếu truyện ngắn, tiểu thuyết có giọng điệu riêng thì thơ ca cũng có giọng riêng. Thơ là tiếng nói độc bạch. Thơ là bản tự thuật tâm trạng của thi nhân. Thơ vừa phản ánh tinh thần của chủ thể vừa không được tách rời đời sống dân tộc (Nguyễn Đăng Điệp).
       4. Giọng điệu thể hiện qua lời văn nghệ thuật
          a. Từ ngữ
              - Đại từ nhân xưng: Đại từ nhân xưng biểu thị khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng trữ tình.
                + Biểu thị sự tôn kính:
                          Nửa đêm qua hiện Nghi Xuân
                          Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều
                          
         (Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
                + Biểu thị sự thân mật:
                              Đằng nớ vợ chưa đằng nớ
                              Tớ còn chờ độc lập
                              
       (Hồng Nguyên – Nhớ)
       - Từ đồng nghĩa:
                              Cậy em em có chịu lời
                              Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
                              
       (Nguyễn Du – Truyện Kiều)
        - Từ láy:
                               Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
                               Lả lả cành hoang nắng trở chiều
                               
        (Xuân Diệu – Thơ duyên)
       - Các từ tình thái:
                               Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
                               Đời trước làm quan cũng thế a.
                                     (Nguyễn Khuyến – Vịnh Kiều)
                               Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
                               Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân
                               Nhìn trên tay điếu thuốc cháy lui dần
                               Anh khẽ bảo, gớm sao mà lâu thế
                              
            (Hồ Dzếnh)
        - Tổ chức lời thơ:
                               Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
                               Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

                                          (Bằng Việt – Bếp lửa)
                               Chiều nay con về sao ngoại chẳng chờ con
                               Tay ngoại giấu sau lưng còng trái ổi
                               Bọc cau ngoại phơi vẫn treo trên gác bếp
                               Ngoại lo ngày con về không đúng vụ cau tươi

                                           (Nguyễn Quang Thiều)
          b. Câu thơ: Giọng điệu còn hiện ra ở cách tạo dáng câu thơ: dài – ngắn, mềm mại – trúc trắc,…ở cách xây dựng và tổ chức nhạc điệu và nhịp điệu
                                Huế ơi quê mẹ của ta ơi
                                Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười
                                Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng
                                Mưa nguồn chớp bể nắng xa khơi

                                         (Tố Hữu – Quê mẹ)
                                Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
                                Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
                                Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
                                Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương

                                         (Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)
                                Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
                                Hôm xưa em đến mắt như lòng
                                Nở bừng ánh sáng. Em đi đến
                                Gót ngọc dồn hương bước toả hồng

                                            (Huy Cận – Áo trắng)
                                Mùa xuân là cả một mùa xanh
                                Giời ở trên cao, lá ở cành
                                Lúa ở đồng tôi và lúa ở
                                Đồng nàng và lúa ở đồng anh

                                              (Nguyễn Bính – Mùa xuân xanh)
          c. Khổ thơ: Giọng điệu còn thể hiện qua từng khổ tạo thành giọng của đoạn hay của khổ thơ. Ví dụ Vội vàng của Xuân Diệu.
C. Kết luận
   1. Phân tích thơ trữ tình phải dựa vào đặc trưng nghệ thuật của thơ.
   2. Tuy vậy cần chú ý đến giọng điệu và nhạc điệu, bởi hai yếu tố nghệ thuật này thể hiện rõ chất thơ, phẩm chất thẩm mĩ của thơ, phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

                                                    Hoàng Dục biên soạn             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét