Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

187. NHỮNG GIẤC MƠ CỦA ARIKA KUROSAWA

       Một buổi chiều, ở nhà một mình, tình cờ được xem một phim trên HBO. Đấy là một phim của Nhật Bản, có tựa đề : “Arika Kurosawa’s dreams”. Phải nói, đây là lần đầu mình được xem một phim giản dị, mang màu sắc phương Đông như thế. Chỉ có điều đáng tiếc là khi mình mở TV thì phim đang chiếu, không biết trước đó thế nào ?. Nhưng dẫu sao, những gì mình được xem cũng đem lại những cảm xúc thật đẹp và rất lắng đọng.
      Phim có cấu trúc ghép nhiều phân khúc (một phim nhỏ), mỗi phân khúc là một giấc mơ của Arika từ khi còn thơ bé đến khi trưởng thành. Khi mình xem, phim đang chiếu phân khúc, đúng là giấc mơ có tên là "Vườn đào”.  Rồi sau đó, lần lượt hiện ra chuỗi giấc mơ khác như : “Bão tuyết”, “Đường hầm”, “Lũ quạ”, “Núi Phú Sĩ trong sắc đỏ”, Lũ quỷ than khóc” và  cuối cùng là “Làng cối xay nước”.
      Cho dù phim khai thác nhiều giấc mơ của Arika, nhưng đã thể hiện nổi bật hệ chủ đề : lên án chiến tranh và phê phán con người không thân thiện, hòa đồng với môi trường sống – thế giới tự nhiên. Nói như vậy không có nghĩa là các giấc mơ không có chủ đề riêng, tư tưởng riêng.
      Chẳng hạn ở phân khúc đầu, giấc mơ “Vườn đào” - giấc mơ khi Arika còn thơ bé. Giấc mơ này kể về gia đình của Arika sống gần một vườn đào trồng theo bậc thang ở một sườn đồi tuyệt đẹp. Trong một lần đem thức uống cho các chị, Arika mang 6 cốc vì thấy có sáu cô gái đang quây quần trò chuyện cùng nhau. Nhưng khi mời thức uống, thì chỉ có 5 cô gái. Arika thắc mắc, nó bị các cô gái mắng mỏ. Buồn quá, thằng bé lủi thủi ra sân. Lạ chưa, ngoài sân hình như đang có một cô bé mặc áo màu hoa đào đứng đợi nó. Nó bước tới thì cô bé lùi lại, cứ như thế. Rồi cô quay lưng chạy lên sướn đồi, Arika đuổi theo, nhưng chẳng thấy bóng dáng cô bé đâu cả. Đột nhiên, ở từng bậc thang trên sườn đổi, có biết bao nhiêu là người ăn mặc thật đẹp hiện ra. Họ bảo sẽ từ biệt Arika vì gia đình nó đã chặt tất các cây đào để làm tượng bán. Để từ biệt họ hát múa tưng bừng. Arika như chìm đắm vào lời ca tiếng hát, vũ đạo của họ. Bỗng nhiên, tất cả biến mất, chỉ còn có cô bé mà Arika đã thấy và đuổi theo, đang đứng và mỉm cười với nó. Arika đang sửng sờ thì cô bé biến mất. Cả vườn đào chỉ còn trơ lại những gốc và gốc, chỉ ở chỗ cô bé đứng có một cành đào bé xíu đang trổ bông.  
     Giấc mơ này diễn ra trên phim chỉ vỏn vẹn khoảng 15 phút, nhưng gieo vào lòng người xem một ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh vườn đào với những cây hoa đào trổ đầy bông đang khoe sắc hồng tươi thắm trên các bậc thang ở sườn đồi kia đâu chỉ biểu tượng cho tạo vật thiên nhiên, mà còn biểu cho cái đẹp, cho tình yêu cái đẹp, cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống của xứ sở Mặt trời mọc. Vườn đào bị đốn trơ gốc đâu chỉ là sự phá hoại môi trường, mà đó là sự chối bỏ truyền thống, hủy diệt cái đẹp. Cái thẩm mĩ có trong cuộc sống, có trong thế giới tự nhiên và có trong văn học nghệ thuật. Nếu con người hủy diệt cái đẹp của thế giới tự nhiên, cũng có nghĩa là đã từ bỏ cái đẹp của cuộc sống và phủ nhận cái đẹp của nghệ thuật; vì cái đẹp nghệ thuật là sự kết tinh và chưng cất hai cái đẹp kia. Và cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp được phản ánh và biểu hiện cái đẹp thế giới tự nhiên và cuộc sống. Một khi con người chạy theo lợi nhuận, cái lợi trước mắt mà làm băng hoại cái đẹp, cũng có nghĩa là con người không còn khả năng rung động trước cái đẹp, tâm hồn con người đang đông đặc lại vì đồng tiền, vì quyền lợi vật chất, cũng có nghĩa là con người đã chết.    
     Để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất là giấc mơ có tên “Đường hầm”. Arika khi đã trưởng thành mơ thấy mình đã tham dự chiến tranh trở về. Trên đường về quê, Arika phải qua một đường hầm. Ngay từ đầu đường hầm, anh gặp một con chó, nó gầm gừ với anh, nhưng anh vẫn mạnh dạn bước tới. Đến khi ra khỏi đường hầm, anh bồi hồi đừng ngắm những vùng quê yên tĩnh dưới chân núi. Đột nhiên, sau lưng anh có tiếng nện gót giày và lời chào : Chào chỉ huy. Anh ngạc nhiên quay lại, hóa ra là một người lính trong trung đội 3 do anh chỉ huy. Người lính đứng nghiêm và nghiêm túc hỏi anh, anh ta đã chết chưa. Anh trả lời : anh bị thương, tôi đã bồng anh trên tay, năm phút sau anh chết. Anh lính hỏi : vậy là tôi đã chết. Arika đau buồn trả lời một lần nữa, Người lính kia bảo anh ta hiểu và quay lưng đi trở lại đường hầm. Người lính ấy đi khuất, Arika thẩn thờ quay lại nhìn làng mạc quê hương. Bất ngờ sau lưng anh có tiếng chân bước đều rầm rập của một đoàn binh. Anh quay lại. Trước mắt anh là những người lính đang đưa tay chào : Trung đội 3 xin chào và đợi lệnh chỉ huy. Anh bàng hoàng, giọng rầu rầu. Các anh, trung đội 3 đã chết, chỉ còn sống một mình tôi. Người ta bảo chiến tranh tàn ác, nhưng phải nói rằng chính chúng tôi – những người chỉ huy - đã đẩy các anh vào chỗ chết. Xin các anh hãy quay về với cái chết, chiến tranh đã chấm dứt rồi. Nói xong, sĩ quan chỉ huy Arika đứng nghiêm và hô: Toàn trung đội 3 nghiêm, bồng súng, đằng sau quay và đi đều bước,… Thế là cả trung đội 3 quay trở lại đường hầm. Tiếng chân của họ xa dần, nhỏ dần,…
      Xem phân khúc phim giấc mơ có tên “Đường hầm” này, tôi liên tưởng đến tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Tiểu thuyết này đặt ra vấn đề thân phận người lính – những binh nhì – trong chiến tranh qua hình tượng nhân vật Kiên. Tôi nhớ, khi đi học bồi dưỡng giáo viên dạy chuyên văn ở trường viết văn Nguyễn Du, nhà văn Nguyên Ngọc bàn về tiểu thuyết sau 1975 đã nói về “Nỗi buồn chiến tranh” : Tác phẩm đã đưa ra một cách nhìn mới về người lính. Đã là người lính thì không có chọn lựa giữa sự sống và cái chết, nhưng người sĩ quan thì có sự chọn lựa”. Và tôi nhớ ở chương cuối tác phẩm Bảo Ninh viết : “ Nhưng mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình, nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kì khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói, chúng tôi giống nhau ở chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ, hoàn toàn giống nhau trong quá trình nặng nề đeo đuổi chiến trận” (Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn Học, Hà Nội, tái bản, 2008, t.286). Từ đó tôi nghĩ, bạn đọc nào cũng có thể giải mã biểu tượng nghệ thuật “đường hầm” và tìm cho mình một ý nghĩa riêng qua phim nhỏ này.
     Cuối cùng, như một kiểu kết cấu có hậu của văn học dân gian, văn học trung đại của phương Đông, phim kết thúc bằng phim nhỏ “Làng cối xay nước” – giấc mơ cuối cùng của Arika.
     Arika, trên hành trình cuộc sống của mình, đã đi đến một ngôi làng. Ở đây, trước tiên anh gặp một đám ma. Đám ma được tổ chức mang màu sắc truyền thống, giản dị; đặc biệt ai cũng nhảy múa, vui cười. Rất ngạc nhiên, anh không thể cắt nghĩa tại sao lại thế. Bước chân anh lại dẫn anh đi qua một cây cầu nhỏ bắt qua một dòng sông êm đềm và hiền hòa. Ở đây, anh gặp trẻ con đang nô đùa vô tư và hồn nhiên. Khi chúng chạy qua hết cây cầu, mỗi em đều ngắt một bông hoa đặt lên một tảng đá bên cầu, trên con đường nhỏ chạy dọc bờ sông. Arika nhìn theo các trẻ nhỏ, lòng anh càng ngạc nhiên hơn. Cuối cùng anh thấy một cụ già đang sửa chữa bánh xe của cối xay nước, anh ngồi xuống trò chuyện với cụ già. Cụ già cho anh biết làng này không có tên, nó có rất nhiều cối xay nước và thế là người ta gọi “làng cối xay nước”. Ở làng này, chẳng ai sử dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại vào cuộc sống cả. Arika lúc bấy giờ mới thấy dọc theo hai bên bờ sông, mỗi ngôi nhà cạnh bờ đều có một cối xay nước. Cối xay nước sẽ làm những việc thay thế cho máy móc, sức người để phục vụ cuộc sống của dân làng. Cụ già bỗng bảo anh : Anh có thấy lũ trẻ đặt hoa lên tảng đá bên cầu không ? Đấy là mộ của một du khách đến đây và chết vì bệnh. Dân làng này chôn người ấy ở bên cầu, nơi người khách ấy nằm xuống. Hằng ngày, người lớn trẻ con qua đây đều đặt hoa lên mộ để tưởng nhớ. Anh có gặp đám tang đang đưa không ? Người nằm trong quan tài kia đã đi trọn vòng đời đầy hạnh phúc của mình đấy. Rồi cụ già bảo : Tôi phải đi đưa ma đây. Cụ già đi rồi, Arika ngắm nhìn ngôi làng yên bình, không một dấu vết của văn minh công nghiệp, lòng anh bâng khuâng.
      Một kết thúc như là một ước mơ, một khát khao và cùng là một phúng dụ nghệ thuật, mong sao con người sống, biết cách bảo vệ môi trường sống, hòa đồng với thế giới tự nhiên để con người không còn lo nghĩ về bệnh tật, về cái chết. Tất cả sống an nhiên, thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời của mình.
      Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao đã để cho nhân vật Hộ khẳng định rằng ăn một miếng ngon không thú vị bằng đọc được một câu văn hay. Tôi cũng nghĩ thế, khi được xem cuốn phim “Những giấc mơ của Arika Kurosawa”.
            
                            HD, 14 - 12 -  2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét