TỜ HOA (*)
1. Tùy bút Tờ hoa được nhà văn Nguyễn Tuân sáng tác trong những năm cả nước có chiến tranh đăng trên báo Văn nghệ, số 143, Tết Bính Ngọ, 1966. Tờ hoa
là một tùy bút đẹp của Nguyễn Tuân. Theo Nguyễn, đây là một tác phẩm
thuộc thể văn “độc tấu”. Tùy bút là một loại thể văn tự do từ mạch văn
đến câu chữ; từ hiện tượng đời sống đến cảm nghĩ của nhân vật trần
thuật. Tất cả
đều tùy thuộc vào bản ngã văn chương của tác giả - nhân
vật trung tâm của tác phảm. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm thuộc thể
loại tùy bút rất phóng túng khi cảm nhận tạo vật, hiện tượng; nhưng lại
nối kết chúng bằng sự liên tưởng rất khéo, rất hợp lý; dù tạo vật và
hiện tượng đó khác nhau, cách xa nhau trong không gian và thời gian.
Từ công phu của con ong làm ra giọt mật liên hệ đến lao động của nhà
văn., rồi quá trình tạo ngọc của lòng trai đáy bể. Hoặc từ chuyện các
loại đồng hồ cổ xưa, tác giả quay về với thực tại của thời dân tộc ta
đánh Mỹ mà nghĩ đến bước đi thời gian ngày càng chối bỏ bọn xâm lược,
không ủng hộ chúng – cái đồng hồ của Giôn-xơn rối chân tóc quay ngược
chiều lịch sử.
Từ con ong ở công trường làm đường Tây Bắc đến bông hồng vàng Li-đi-xê,
từ bộ hương vòng ngự dụng của các vua triều Lý đến cái đồng hồ chân tóc
như bòng bong của đế quốc Mỹ.
Nguyễn Tuân cứ tung tẩy, bông lông đem ngòi bút của mình mà đảo lộn cả
thời gian, không gian và bày biện tưởng ngổn ngang các sự vật hiện tượng
trong dòng ý nghĩ của mình.
Tuy vậy, xét kỹ, Tờ hoa
vẫn có mạch lạc riêng của nó. Tất cả đều xoay quanh những suy nghĩ đầy
phát hiện tài hoa của nghệ sỹ về các thứ hoa, rộng hơn nữa là những gì
làm đẹp cho đời. Đấy là con ong hút nhụy hoa xây mật dâng đời, người cầm
bút viết những “trang hoa”, hạt ngọc trai đáy bể, bông hoa hồng nở trên
di tích đầy tội ác của bọn phát xít, thời gian tỏa hương và gieo châu
ngọc từ bộ hương vòng ngự dụng thờ Phật của triều Lý, hoa thủy tiên nở
đúng đêm giao thừa, cành mai trắng mừng xuân chiến thắng,...
2. Đúng như nhan đề của tác phẩm, Tờ hoa
là cảm thức cái đẹp và sự sáng tạo cái đẹp của của muôn loài, của con
người và nhất là người nghệ sỹ để tô điểm cho đời càng sáng lạn, ngời
ngời sắc màu thẩm mỹ. Nhan đề ấy đồng nhất với cảm nghĩ lắm biến tấu của
nhân vật trung tâm về tạo vật, về lịch sử, về thời đại đã làm bật ra
cảm hứng tư tưởng của nhà văn. Đó là tư tưởng: Nhà văn với tâm thức nghệ
sĩ luôn mơ màng, khát khao cái đẹp, sáng tạo cái đẹp để tô thắm cuộc
sống. Nhân vật trung tâm với một cái nhìn châm biếm, mỉa mai về những gì
vô nghĩa, vô vị đang khoác cái vỏ sắc màu của cái đẹp đang hằng hữu giã
đời. Nhà văn mà tâm hồn luôn gắn bó máu thịt với đất nước và dân tộc ở
hai bình diện: yêu những giá trị tinh thần, những giá trị văn hóa của
dân tộc và tiếng Việt giàu đẹp; tự hào về tư thế, phong thái của dân tộc
ta trong thời đánh Mỹ. Nguyễn Tuân: “Tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi, ở tôi, tôi xin khung nó gọn vào vấn đề xây dựng tiếng nói” (Văn Nghệ, số 12- 1958).
3. Tờ hoa
rợp bóng cái tôi độc đáo - nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trước Cách
mạng, những trang viết của Nguyễn Tuân đều lừng lững cái tôi – cái tôi
cao đạo của chàng Nguyễn, chàng Bạch. Nhưng sau Cách mạng, cái tôi ấy đã
“đứng hẳn vào giữa cuộc đấu tranh nóng hổi của dân cày thì tôi đã lắng
nghe được cái tiếng đập của trái tim vĩ đại ấy của quần chúng nhân dân
(Bóng nó còn bám lên xóm làng) Tờ hoa đã bộc lộ vẻ đẹp của cái tôi hòa vào giữa tiếng đập của trái tim vĩ đại của nhân dân của Nguyễn Tuân.
Cái tôi tài hoa, uyên bác : Cái tôi của Nguyễn tài hoa uyên bác đã đem đến trong Tờ hoa
ngồn ngộn những tri thức thú vị. Đấy là tri thức về loài ong kéo mật.
Để làm nên giọt đem thơm thảo vào sự sống, ong kia đã bay 8.000 cây số,
2.700.000 chuyến bay từ tổ đến khắp nơi có hoa quanh vùng. Và làm được
nửa lít mật, ong phải hút chất ngọt tỏa hương của hơn 5 vạn loài hoa.
Đấy là loài ngọc trai phải “rất đau khổ và nặng nhọc đèo bòng” hạt cát,
để sống “lấy máu lấy rãi mình ra mà bao phủ hạt đau, hạt xót”, biến hạt
bụi biển ấy thành “hạt ngọc tròn trặn ánh ngời”. Đấy là bông hồng xanh
“siêu thực” của một em bé Nga nào đó. Suốt chặng đời của em chỉ biết có
một đóa hoa hồng-đóa hồng của ước mơ, của tuổi thơ và tình yêu cái đẹp
và sự sống: khung cửa sổ, “một thứ hoa hồng xanh biếc, vuông vắn”. Đấy
là loại đồng hồ cổ kim: đồng hồ cát, đồng hồ nước, đồng hồ nến, đồng hồ
“bằng đồng thánh thót những giọt rồng đều đặn”. Đặc biệt đồng hồ hương
với những hạt ngọc đính vào vòng hương “gieo mình lanh lảnh vào một cái
bình hồ kim ngân” báo canh giờ. Đặc biệt hơn nữa là đồng hò hoa-hoa
thủy tiên đêm “Tết như không ngớt thánh thót vương hương”. Hoa nở ấy là
phút giao thừa, năm cũ qua năm mới đến.
Những tri thức ấy đã được cái tôi nhà văn thu lượm, tích lũy từ lâu từ
một cái nhìn rất tài hoa về cuộc sống: quan sát và phát hiện sự vật và
con người ở phương diện mỹ thuật, phương diện nghệ sỹ của nó. Con trai
trong cái nhìn của Nguyễn Tuân như một người lấy tâm hồn mình, tài năng
nghệ thuật của mình để tạo nên hạt ngọc tinh xảo, sáng trong, tròn trặn
từ một hạt cát. Em bé Nga phổ cả tâm hồn mình vào cây cọ mà vẽ đóa hóa
hồng; lấy chất nghệ sỹ để sáng tạo đóa hồng xanh “siêu thực”, nhưng lấp
lánh niềm tin và hy vọng. Đấy là bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ
của cụ lang, cụ huyện đem hoa thủy tiên vào thế giới đồng hồ và tạo nhịp
thời gian lạ, độc đáo: hương thời gian. Thời gian vương hương tỏa ra từ
tâm hồn giàu chất thơ và cảm nhận cũng của một tấm lòng đồng điệu.
Cái tôi gai góc, thường xem vào những trang văn tài hoa của mình đôi
lời mỉa mai nào đấy về một đối tượng nào đấy. Nhà nghiên cứu phê bình
văn học Phong Lê nhận xét : “Nhà văn thường cài vào những ý lấp lửng,
khiến cho thông qua chủ quan của mình, nhiều trang viết của anh, có một
vẻ gì đó không bình thường” (“Nguyễn Tuân trong tùy bút”, Tác giả văn
xuôi hiện đại Việt Nam, NXB KHXH, , Hà Nội, 1977, tr. 74).
Thực ra, “một vẻ gì đó không bình thường” trong văn Nguyễn Tuân đến nay
là rất bình thường; còn trong đời sống văn học trước đó, sự phê phán
những hiện tượng tiêu cực trong nội bộ xã hội ta thường bị hạn chế. Do
vậy, Nguyễn Tuân chạm vào hiện tượng tiêu cực ấy bằng lối văn gia góc
của riêng ông: mỉa mai, châm biếm, bóng gió không nhằm vào một đối tượng
cụ thể nào.
Khi Nguyễn Tuân cài cảm nghĩ về bướm trong lúc viết về ong “đối hoa
xuân, lắng ong mật mà thêm nghĩ tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng
lẫy của những sắc phấn sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa,
nhưng cặp cánh hào nhoáng chẳng hề để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến
hóa của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm”. Câu văn nhẹ nhàng,
bay bướm mà có nội hàm sâu sắc, chứa mật ngôn ẩn ngữ. Đời lắm kẻ khoe mã
mà chẳng có chút tâm hồn nào! Xã hội không phải không có người đem hình
thức, gấm hoa mà phủ đậy lên cái xấu. Nhà văn nhuộm màu, tẩm hương cho
câu chữ, nhưng tác phẩm lại dễ vắn số, dễ lãng quên vì “Từ ngày có lịch
sử tiến hóa... đến mật bướm”. Và khi ông mượn lời của một triết gia mà
luận bâng quơ về sự lòng sự đời : “Thường người ta nói hoa hồng nào cũng
có gai. Nhưng không nên quên rằng vô số loại gai mà không có hoa gì”.
Nhà văn tài năng có phong cách cá tính đã đành; nhưng cũng không phải
không có nhà văn tài năng lép như trấu, như lá cỏ dại mà cứ ngông ngạo,
múa máy văn chương. Kẻ có tài ngồi đúng ghế, kẻ bất tài ngồi nhầm chỗ.
Cũng có người nói và làm hợp nhất; nhưng không ít người nói và làm ghét
nhau nên từ chối gặp nhau. Ở vào cái thời Nguyễn Tuân viết Tờ hoa,
ông “cả gan” đưa ra hình ảnh so sánh đầy sáng với giọng điệu cao ngạo
khinh khi như thế cũng rất dễ mất lòng người khác, nhưng thú vị ở chỗ
hình ảnh của ông quá khái quát như là một chân lí sáng tạo nghệ thuật,
nên không dễ gì ai bắt bẻ được ông. Riêng với người thưởng thức văn
chương, qua những hình ảnh ấy lại càng thêm yêu quý nhân cách Nguyễn
Tuân.
Cái tôi yêu nước thiết tha mà sâu đằm và tự hào dân tộc vô hạn. Cái tôi
này lặn xuống bề sâu của văn chương, lồng trong cảm nghĩ về ong, về
hoa, về ngọc trai đáy bể, về lịch sử những chiếc đồng hồ; nhưng không
kém phần thiết tha mãnh liệt. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc của Nguyễn
Tuân gắn với những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc mà ông ngợi ca
bằng lời văn thật đẹp thật sang.
Trước 1945, trong văn ông đã lung linh nét đẹp văn hóa Việt Nam : một
nghệ thuật viết chữ với tâm hồn mê say cái đẹp của con chữ (Chữ người tử
tù); một thú uống trà trong sương sớm để luận về nghệ thuật pha trà,
thưởng thức trà (Những cái ấm đất, Trà sương); một thú thả thơ (Đánh
thơ, Thả thơ),... Trong “Tờ hoa”, ông nói đến chiếc đồng hồ lửa, hương
vòng nạm ngọc của vua Lý ngự dụng khi đọc kinh Phật. Đấy là “vòng hương
đượm mùi trầm” toát ra vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; sự thanh
khiết của tâm hồn Việt Nam và cái thơm đượm của sự sống và trí tuệ sáng
tạo Việt Nam. Văn hóa ấy như “ngọc gieo mình lanh lảnh vào một cái bình
hồ kim ngân” trong, sáng và ngân nga biết bao! Và ông yêu quý tự hào về
nghệ thuật chơi hoa thủy tiên và lễ hội thi hoa truyền thống ấy vào ngày
Tết của dân tộc. Lễ hội văn hóa hoa sống trong thời gian và tạo mùi cho
thời gian. “Thời gian của đồng hồ thủy tiên... không ngớt vương hương”.
Lòng yêu nước và tự hào dân tộc thể hiện ở thái độ khinh bỉ bọn xâm
lươc. Hoa Kỳ sa lầy... “Quân Hoa Kỳ càng tới đông, bộ máy chúng càng
nặng, chúng càng thụt chìm sâu hơn nữa”. Kẻ xâm lược muốn bánh xe lịch
sử của dân tộc ta ngừng quay. Chúng như một chiếc đồng hồ quá khổ, bộ
máy nặng nề, “máy móc dù tinh xảo” mà “rối chân tóc” và “kim phút kim
giờ toàn quay ngược với cái chiều lịch sử”. “Người phi công Mỹ... vừa
thấy được thiên cổ”.
Dưới ngòi bút tài hoa của ông, người Việt Nam ta đánh Mỹ với tư thế ung
dung, đàng hoàng, sang trọng của một dân tộc chẳng những có chính nghĩa
mà còn có sức mạnh văn hóa lâu đời. Ta đánh Mỹ như ong kia làm mật, như
trai kia từ một vết thương lòng mà hóa thành niềm vui. Ta đánh Mỹ bởi
con người Việt Nam như ông kiên nhẫn, cần lao, tích lũy, sáng tạo và vốn
tính lành ; nhưng sẵn sàng đánh kẻ thù “dẫu rằng có lấy bổn mạng ra mà
trả lời”. Ta đánh Mỹ bằng tình yêu cái đẹp, cái đẹp của văn hóa tín
ngưỡng, cái đẹp của lễ hội hoa thủy tiên. Và ta đánh mỹ ung dung đường
hoàng lộng lẫy như “nụ mai xòe cho hết bấy nhiêu cái tầng cánh trắng”.
Ta đánh Mỹ bởi “con người là hoa của đất”: “Bông hoa nở tập kết miền
Bắc” (1963) càng thấy bồi hồi vì cái rễ máu của mình đang thọc sâu vào
rừng Tây Nguyên, rừng U Minh, thọc sâu và đội lên cả gạch đá phố Sài
Gòn”. Ta đánh Mỹ bằng sức mạnh chính nghĩa: “Thời gian đứng hẳn về phía
chúng ta”, “Cái bước tới của năm mới 1966 mà thêm nhận rõ là thời gian
ra chỉ có ủng hộ mình”. Và “Tôi cảm thấy hình như nhiều chiếc đồng hồ
thượng hảo hạng trên thế giới đang văn lại theo giờ Hà Nội”.
4. Tờ hoa đã khẳng định Nguyễn Tuân là một bậc thầy về thể loại tùy bút, một “Chuyên viên tiếng Việt” uyên áo và nghệ sĩ.
Trong Tờ hoa
kho từ vựng tiếng Việt của Nguyễn Tuân rất dồi dào, phong phú, ở sự
sáng tạo hàng loạt từ đồng nghĩa. Hạt cát lọt vào lòng trai: hạt cát,
hạt bụi biển, cái hạt bụi bặm khách quan, cái hạt buốt, hạt sắc, hạt
đau, hạt xót, hạt khối tính con, một vết thương lòng.
Câu văn thường có nhịp điệu, thanh điệu nhịp nhàng trầm bổng. Nhiều câu
phức hợp mà không gây cảm giác dài dòng lê thê, vẫn khúc chiết sáng sủa
và êm tai. “Buổi ban đầu mới vào nghề viết cách đây vài chục năm, khi
nhìn chuỗi ngọc trên cổ người “con hát” một thời Thăng Long tôi mới chỉ
liên hệ nhân cát ngọc với mảy bụi cát kiếp người nơi thập điều Kinh
Thánh. Cho tới gần đây tôi mới biết nhìn rõ thân thể của ngọc trai (...)
Đầu kia qua trình là một cơn giận dữ tự vệ, đầu này quá trình là một
giọt tài nguyên Tổ quốc ta bao la cát bãi”.
5. Tờ hoa
đã kết tinh vẻ đẹp tài hoa, nghệ sỹ, uyên bác của Nguyễn Tuân; nhưng
sâu xa là tình yêu cái đẹp, cuộc đời và Tổ quốc của nhà văn. Tờ hoa
với Nguyễn Tuân “mặc dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong,
mình là một thứ sinh vật đang nung nấu một thứ mật gì. Sự tích lũy ở
mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống”.
HD-1998
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét