Đọc báo NGƯỜI LAO ĐỘNG xuân Nhâm Thìn, thấy có bài "PHỐ
GIỮA LÀNG" của hai tác giả Hoàng Dũng và Quang Tám viết về
quê hương của tôi - Làng Kế Môn, nên ngồi gõ lại đăng lên blog để
làm kỉ niệm, vì là kỉ niệm nên chỉ đưa vào mục "Tổng hợp"
chứ không ở mục "Những bài ưa thích".
Nằm
cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40 km, làng Kế Môn, xã
Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế từ lâu nổi
tiếng với nghề kim hoàn truyền thống. Hai năm nay, dần biến đổi
như một phố thị giữa làng quê thanh bình, có cả “đại lộ” bê
tông, công viên, thư viện, xe hơi… và sắp tới là trung tâm thương
mại, nhà dưỡng lão. Bởi thế, nhiều người địa phương đã gọi
Kế Môn là “Thành phố trực thuộc làng”.
Vừa đi qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn bao quanh để đến Kế Môn,
hình ảnh ấn tượng đầu tiên đạp vào mắt chúng tôi là những con
đường bê tông tươm tất. Dọc “đại lộ” chính của làng, những
hàng ghế đá chạy dài. Hai bên đường, hàng loạt biệt thự, nhà
kiên cố rực rỡ hoa giấy. Công viên Hồ Sen – chùa Một Cột như
một điểm nhấn giữa làng, rất trang nhã, thoáng đãng. Hầu như
cả ngày, lúc nào cũng có người đến đây thư giãn.
Biệt thự Duy
Xuân viên ở xóm chùa
Khi mặt
trời vừa buông xuống trên phá Tam Giang, ánh đèn điện khắp 26
ngõ xóm của làng Kế Môn đã rực sáng. Những ngôi nhà lục giác
mới tinh được xây dọc đường để làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của
người dân và du khách lúc này lại càng nhộn nhịp. Người lớn
đến hóng mát, tập thể dục, trẻ nhỏ nô đùa, chạy nhảy.
Nhà ống ở xóm Dừa
Kế Môn còn có cả một thư viện với hàng ngàn đầu sách các
loại. Thư viện do gia đình ông Hồ Huệ, một người con của Kế Môn
hiện lập nghiệp và sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, xây
dựng tặng dân làng. Đây cũng là thư viện làng duy nhất tại
Thừa Thiên – Huế. Thư viện còn được trang bị hơn 20 máy tính để
con em trong làng đến học miễn phí, các bác nông dân đến lướt
web tìm hiểu kiến thức về nông, lâm, ngư nghiệp.
Nhờ tiếp cận sách báo, internet ở thư viện, nhiều nông dân Kế
Môn đã mở mang kiến thức, tránh được thất bại khi làm ăn.
“Những ngày đầu lập nghiệp bằng nghề nuôi ong, tôi không có kinh
nghiệm nên đàn ong chết dần và bỏ đi gần hết. Nợ nần chồng
chất, tôi đành bỏ nghề này đi làm thợ xây. Một lần dẫn con
đến thư viện, tôi bắt gặp một quyển sách viết về bí quyết
nuôi ong. Mừng quá, tôi ghi chép lại những điều quan trọng mang
về nghiền ngẫm. Tôi lại đến thư viện tìm kiếm thông tin về
cách nuôi ong trên internet. Hai năm sau, không những đàn ong phát
triển tốt mà tôi còn biết cách tạo giống, tách đàn, tăng thu
nhập cho gia đình và trả hết nợ nần” – ông Hoàng Văn Hùng thổ
lộ.
Như một nếp sống đã quen, ở Kế Môn, từ trẻ em đến người già
đều tự giác quét dọn đường sá, lau chùi ghế đá, làm sạch thư
viện. Nhờ vậy, nhiều công trình được xây từ năm 1998 đến giờ
vẫn còn mới toanh, đường làng không một vệt rác, ghế đá luôn
sạch bóng. Cụ Hồ Tá Thuận, một bô lão của Kế Môn, cho biết
“thành phố trực thuộc làng” hình thành nhờ sự đóng góp của
những người con xa xứ. Các dòng tộc ở Kế Môn đều răn dạy con
cháu phải có ý thức tự giác gìn giữ để phố giữa làng ngày
càng văn minh, sạch đẹp.
Dù làng mang dáng dấp phố thị nhưng những tập tục đẹp ở Kế
Môn vẫn luôn được truyền giữ. “Ai nói tục, xúc phạm người
khác, làm ô danh làng phải sắm mâm trầu, khay rượu đến tận nhà
tạ lỗi. Các cặp vợ chồng sinh đẻ vượt kế hoạch cũng bị
phạt mâm trầu cau. Làng còn có quỹ riêng để chi trả tiền điện,
nước công cộng, thăm hỏi bà con lối xóm và hỗ trợ các gia
đình khó khăn, Con em Kế Môn thi đậu đại học, cao đẳng được quỹ
hiếu học của làng tặng thưởng” – cụ Thuận khoe.
Năm nào cũng vậy, sau khi có kết quả thi đại học, cao đẳng,
ông Hồ Huệ lại từ TP HCM bay về Kế Môn tặng học bổng cho con em
trong làng. Ông Huệ cho biết Hội đồng hương Kế Môn đã huy động
được tiền chuẩn bị xây dựng trung tâm thương mại và nhà dưỡng
lão ở làng. “Có lẽ nhờ nếp sống đẹp, người dân Kế Môn đã
phát triển kinh tế ổn định, đời sống ngày càng nâng cao, nhiều
gia đình còn sắm xe hơi vi vu khắp đường làng” – ông Lê Quang,
thư kí Hội đồng làng Kế Môn nói.
6-1-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét