Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

203. NGHĨ QUANH LƯƠNG HƯU

      Chiều thứ Sáu, 6 – 1 - 2012, vừa đi làm về, bà xã khoe đã nhận lương hưu của hai vợ chồng rồi. Mình vội hỏi : Có khó khăn gì khi nhận lương cho anh không ? Bà bảo : Không, em cầm hộ khẩu đi nhưng cô phát lương nói không cần, cô ấy bảo em biết thầy rồi. Vậy là lãnh thôi. Vợ chồng mình mỗi người được lãnh hai tháng lương, tháng 1 và tháng 2; đồng thời mỗi người cũng được thành phố cho vào dịp Tết 700 ngàn nữa.  Cũng có một cái Tết tươm tất đây.
       Nghe bà xã nói vậy, mình rất vui. Cái vui thứ nhất là làm thầy giáo cũng có nhiều cái lợi lắm. Một trong những cái lợi nhãn tiền là chuyện nhận lương hưu của mình, nhờ “em biết thầy rồi” nên bà xã nhận lương thay mình cứ khỏe re, chẳng mất công trình hộ khẩu chứng mình là vợ chồng gì cả (mặc dù có mang theo). Chả bù các anh chị khác, mình nghe bà xã bảo, mỗi kì lương, nếu họ nhờ con cái lãnh hộ thì phải có giấy ủy quyền, nếu nhờ vợ nhờ chồng hay ngược lại thì phải có hộ khẩu, rầy rà và nhiêu khê lắm. Mình chưa biết cô phát lương ở phường Hải Châu 2 ấy là ai, nhưng đoán non đoán già là học trò của mình, không học Ông Ích Khiêm cũng Hoàng Hoa Thám, không học ở Lê Quý Đôn chắc là lớp luyện thi đại học khối C – D của mình… Thế là có thêm niềm vui thứ hai. Ai bảo học trò thời nay thực dụng, “lọt vòng cong đuôi”, “ăn cháo đái bát” nên qua được cầu là rút ván nào. Đấy cô phát lương ở phường là một điển hình  cho một học trò biết đạo lí : “nửa chữ cũng là thầy”… Vậy mà, nhiều người cứ ca cẩm, ôi học trò thời nay!
      Và thứ ba là mình mừng vì mình đã về hưu, mà nếu còn dạy thì mình không là giáo viện của huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Vì vậy, mình không bị “móc túi” vì chủ trương “xã hội hóa” việc bắn pháo hoa vào dịp Tết Nhâm Thìn (2012) của Huyện ủy, UBND huyện đã họp cán bộ chủ chốt các ban ngành đưa ra chủ trương vận động cán bộ, công chức, giáo viên toàn huyện đóng góp một ngày lương để bắn pháo hoa.
       “Mọi năm huyện vận động doanh nghiệp để lấy tiền bắn pháo hoa nhưng năm nay các công ty làm ăn thua lỗ nên lãnh đạo huyện họp bàn, đưa ra chủ trương vận động toàn cán bộ công chức chứ không riêng gì giáo viên", ông Bình nói.
                                                                                 (Thiên Phước - Vnexpress.net)
       Mà… thôi. Vui cũng không nên vui quá, buồn cũng không nên buồn nhiều, buồn dài, buồn lâu và buồn sâu. Tại sao ư ? Bởi trong vui có lui cui cái buồn, trong buồn có tuồn luồn cái vui. Đừng cho rằng mình nói suông hay nói cho vui. Mình nói có sách có chứng đàng hoàng. Sách ấy chứng ấy là tâm trạng của mình khi cầm những đồng lương hưu. Bà xã 33 năm đi dạy về nghỉ nhận được 2, 8 triệu; mình hơn 36 năm lãnh gần 3,5 triệu. Với thời buổi lạm phát này, và nhu cầu đời sống ngày càng cao mà với đồng lương hưu này thì không ổn lắm. Tiền lương như thế chỉ đủ bảo đảm cho chuyện ăn, mặc, sinh hoạt trong phạm vi bản thân, còn ngoài bản thân, còn phải chăng – ứng xử giao tiếp – trong cuộc sống thì lấy đâu ra! Mà thói thường, khi về hưu thì hay đau ốm, lại thích đàn đúm cánh hưu với nhau cho khuây khỏa, lại muốn đi đây đi đó để tiêu sầu giải muộn… tiền ở đâu. Tích lũy ư ? Đồng lương còm cõi làm sao tích lũy được.
      Nhưng nghĩ lại cũng thấy khá hơn con mình, cháu mình, học trò mình. Mình làm để con cháu nó bớt khổ hơn vậy mà con mình vẫn khổ. Con bé nhà mình ra trường đi dạy đã tám năm, vậy mà lương cũng chả bao nhiêu cả, nó lo thân chưa xong lấy đâu quần áo, giày dép, tất mũ, sửa xúp, tiền học,… cho con! Một cô học trò của mình tốt nghiệp đại học sư phạm Văn về dạy THPT lương chỉ nhỉnh hơn học bổng của Dự án của thành phố Đà Nẵng cấp cho em 1 triệu đồng một tháng, khi học ĐHSP Đà Nẵng. Cứ nghĩ về đồng lương của con, của cháu, của học trò mà xót xa !
       Vậy mà, những ngày gần đây trên báo chí đưa tin, có những người được nhận tiền thưởng Tết cao ngất ngưởng : 700 trăm triệu đồng… Bảo rằng họ kinh doanh, tự hạch toán nên thế. Cũng được thôi.  Nhưng nếu không có thầy giáo – những con người góp phần tích cực trong chiến lược xây dựng và phát triển con người cho tương lai của đất nước – thì thử hỏi sẽ thế nào ? Liệu có hay không có những con người kinh doanh có lợi nhuận tột đỉnh “xứng đáng” nhận món tiền thưởng mà giáo viên một đời cũng không mơ thấy ấy không ?      
        Không chỉ có giáo viên, mà còn biết bao nhiêu người khác, trong đó có nông dân và công nhân, với họ số tiền đó ngay cả khi họ sống trong thế giới cổ tích dù họ có kêu mỏi miệng : “Vừng ơi mở cửa” hay khóc hết nước mắt với ông Bụt thì cũng khó mà có được.
        Viết đến đây bỗng nhớ đến mấy ông bạn già của mình. Có bạn ở cái tuổi này mà vẫn ăn đong, “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, nhất là Tết Nhâm Thìn sắp đến thì càng khó khăn hơn.  Thân phận lắm, nhưng họ vẫn sống tốt. Quý biết bao nhiêu! Phải chăng thủy chung các bạn mình vẫn “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di” ? Nghĩ đến các bạn mình, mình cảm thấy an ủi vô cùng, dù lương hưu ít mình vẫn có tiền ổn định cho việc sinh hoạt của bản thân và gia đình hàng tháng.
       Mình như thế còn ca cẩm nỗi gì! Phải cười lên và nói như cậu học trò của mình thôi : “Đời còn hồng chán!”.

7-1-2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét