Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

30. NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN QUA THƠ BỐN DÒNG

Lần lữa mãi bây giờ mới viết về thơ bạn. Bởi tôi bị kẹt giữa hai cách tiếp nhận thơ theo quan niệm của Lê Quý Đôn : “Lấy người mà hiểu thơ” hay “Lấy thơ mà hiểu thơ”. Dù biết lấy thơ mà hiểu thơ là cách thức cảm thụ đúng đắn nhất nhưng tôi vẫn chần chừ, vì sợ hiểu thơ bạn qua con người của bạn. Bởi với tôi, Nguyễn Đức Bạt Ngàn là Nguyễn Đức Cẩm, người bạn một thời Phan Châu Trinh, một thời Như giọt mưa xuân, Hương đất, Giã từ ân phúc,
một thời đại học Huế, một thời cùng vẫy vùng trong dòng sông Ô Lâu, một thời rong chơi ngày tháng. Dẫu biết thơ là sự thăng hoa cảm xúc của Nguyễn Đức Bạt Ngàn, nhưng tôi khó xua đi hình ảnh Nguyễn Đức Cẩm choáng trong tâm trí tôi, hoặc cứ lung linh trong từng câu chữ của thơ, nên ngòi bút cứ mặc cho trang giấy bâng khuâng trước đèn.
Bây giờ thì không thể phân vân được nữa. Phải viết gì cho kỉ yếu kỉ niệm 40 năm CHS PCT Đà Nẵng 1964 – 1971. Thôi thì… nhập nhằng cũng chẳng sao ! Thế là, tôi lần giở lại bốn tập thơ của Nguyễn Đức Bạt Ngàn : Bình minh câm (1985), Giữa triền hạn reo (1988), Từ giã ngày (1989), Thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn (1999). Đọc xong bốn tập thơ, hình ảnh bạn hiện hình rõ nét, cảm xúc theo đó mà ùa về như suối tưới. Tôi cảm giác mình bị ngập giữa bao nhiêu là ý tưởng, không biết bắt đầu từ đâu để viết. Nhưng rồi lắng lòng lại, tôi tự nhủ : Sao không viết về thơ bốn dòng của Bạt Ngàn. Thế là trong tôi bỗng sáng lên một tiêu đề : Nguyễn Đức Bạt Ngàn qua thơ bốn dòng.
Nguyễn Đức Bạt Ngàn, qua bốn tập thơ, bộc lộ hứng bút và cảm xúc của mình bằng nhiều thể thơ khác nhau. Riêng thơ bốn dòng có khoảng 35 bài. Xét về số tiếng, thơ bốn dòng của Bạt Ngàn không cố định trong một thể thức mà biến hoá. Nếu chi li một chút có thể kể : thơ bốn tiếng có 3 bài, năm tiếng có 15 bài, bảy tiếng có 1 bài, tám tiếng có 8 bài, lục bát có 7 bài và tự do có 1 bài. Xét về đề tài, thơ bốn dòng của Bạt Ngàn tập trung vào các đề tài chính như thân phận, tình yêu, mẹ và quê hương. Trong đó, thân phận có 11 bài, tình yêu có 18 bài, mẹ có 2 bài và quê hương có 4 bài.
Thơ là tiếng nói của cái tôi trữ tình nhà thơ. Cái tôi trữ tình trong thơ có sự thức nhọn các giác quan để rung cảm và tái tạo thiên nhiên, tạo vật, đời và người một cách nghệ thuật. Nhưng trên hết là sự giãi bày trực tiếp lòng mình của thi nhân. Tâm hồn nhà thơ là một dây đàn dễ vang ngân trước một làn gió mỏng mảnh. Mỗi bài thơ vì thế là một giai điệu tâm hồn, một nỗi linh cảm đời của họ. Nguyễn Đức Bạt Ngàn cũng vậy. Đến với thơ bốn dòng của Bạt Ngàn, ta dễ nhận ra linh cảm ấy. Cái tôi trữ tình trong thơ như chưa bao giờ định vị được đời mình. Cái tôi ấy là cái tôi lãng tử, bước chân cứ lang bạt giữa mịt mù không gian, nên chỉ cần một làn gió mơn man cũng động lòng du tử :
gió động cành thanh tịnh

kiếp giang hồ lãng du
ta một đời vô định
ơi phương xa mịt mù
(Dưới rừng dừa Bồng Sơn)
Tôi không rõ bài thơ này, Cẩm sáng tác khi về Bồng Sơn, quê mẹ của Phạm Ngọc Cảnh sau khi đỗ tú tài II hay không ? Tôi biết Cẩm đi nhiều và khao khát có mặt ở mọi vùng đất của Tổ quốc khi nghỉ hưu. Đời đã in bóng lên thơ là vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhân vật trữ tình trong thơ bạn hình như có sự ứng nghiệm với cái tên Bạt Ngàn nên đã trở thành lời cảm gọi thiên thu ơi phương xa mịt mù của thân phận. Từ đấy, người đọc sẽ gặp một Bạt Ngàn, một cái tôi đựng chứa nhiều cái tôi như cái tôi hải hồ, cái tôi lang bạt, cái tôi lưu lạc,… trong thơ. Hải hồ đã trở thành định mệnh, nên từng chi tiết của thân xác cũng khát thèm đến chảy bỏng phía chân trời.
như một lần an nghỉ

con mắt đó nhìn đời
hoe tàn mùa rêu sắc
tóc động tình xa khơi
(Vuốt tóc)
Đứng trước biển, người ta nghĩ rất nhiều điều, riêng Ngàn lại động lòng bốn phương hồn xanh còn nhớ mãi (…) rượu hải hồ chưa quên (Ra biển). Câu thơ trở thành một ám gọi lữ thứ, một lời tự nhắc nhở đinh ninh của cái hồn xanh ấy. Và thế là bàn chân của cái tôi hồn xanh kia cứ bám sát mặt đường chạy về vô hướng. Thôi thì cứ cho là người thơ đi để tìm cảm hứng, để thấu cảm cái đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời để dệt nên trang thơ. Nhưng càng đi thì càng cô đơn. Bởi thi sĩ là người cô đơn nhất trên hành trình sáng tạo. Và với Ngàn, cái tôi lang bạt đã trở thành ma chong đời mình, không chỉ cô đơn mà còn lênh đênh nữa :
nửa đời ta lang bạt

làm ma chong đời mình
chiều cuối năm nặng hạt
rụng phương này lênh đênh
(Tự thân)
Rụng phương này lênh đênh là phương nào ? Qua bài thơ “Đã hết”, Bạt Ngàn tâm sự : ngày thịnh trị quê nhà xưa đã hết – đêm bên này nghe buốt nghẹn em ơi, khiến người đọc nhoi nhói cảm thương hồn cố lí của cái tôi tự nghìn trùng lưu lạc ấy. Càng xúc động hơn khi người đọc bắt gặp ở thơ Ngàn một ẩn dụ Củi một cành khô lạc mấy dòng trong “Tràng giang” của Huy Cận.
xuống sông vớt củi

một chiều phương tây
trong lòng gió nổi
phương trời chim bay
(Phương Tây)
Và nếu trong thơ Huy Cận, cành củi khô trôi vô hướng giữa không gian vô cùng thì trong thơ Bạt Ngàn, cái tôi lưu lạc luôn lệch nẻo giữa không gian phương trời chim bay, phương này lênh đênh, phương xa mịt mù, ngát trời thiên thu,… Cứ thế, lưu lạc và lưu lạc trải mở đến hao mòn kiếp giang hồ, để rồi trong một khoảnh khắc, cái tôi ấy thảng thốt cảm nhận đời mình đã “đứng bóng”, đời mình đã quá ngọ, quá một đời ảo mộng rồi.
đã lưu lạc mòn gót giày bồng đão

thì lênh đênh đành trọn kiếp giang hồ
khi đứng lại quá một đời mộng ảo
bóng hạc vàng an giấc giữa tiêu sơ
(Đứng bóng)
“Bóng hạc vàng an giấc giữa tiêu sơ”, hình ảnh thơ có sự tiếp nối Thôi Hiệu trong “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu – Mà nay Hoàng hạc riêng lầu còn trơ” (Hoàng hạc lâu). Tuy vậy vẫn khác. Thôi Hiệu mơ về hạc vàng còn Bạt Ngàn thấy hạc vàng nhưng chỉ là bóng hạc vàng đang an giấc giữa tiêu sơ. Câu thơ đẹp nhưng cũng tịch liêu rất đỗi ! Và Thôi Hiệu từng dõi theo đám mây trắng mà mơ hồ thời gian, còn cái tôi của Bạt Ngàn có lúc :
nghìn năm ta mây trắng

nở ngát trời thiên thu
(Pháp thân)
Cái tôi cô đơn giữa trùng vây không gian mênh mông nên tâm thức thơ tìm về tình yêu để có chút ấm áp cõi lòng. Trong thơ xưa nay, tình yêu như là một phương thức giao cảm, là cái nhụy của thơ. Và nhà thơ, tâm hồn luôn có rất nhiều ngăn rất hào phóng với tình yêu, nên tình yêu luôn là đề tài vĩnh cửu của thi ca. Là con người Nguyễn Đức Cẩm “làm sao sống được mà không yêu” (Xuân Diệu). Là nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn rất cần tình yêu. Tình yêu là chất dẫn truyền cảm hứng, là ngọn lửa Promete xuyên suốt hành trình sáng tạo thi ca. Tình yêu làm thăng hoa cảm xúc. Và tình yêu là hơi thở sự sống của thơ. Nhớ ngày xưa ở Huế, khi tản mạn về tình yêu, Cẩm có nói về một thứ tình yêu – tình yêu lửa rơm. Nói thì thế, nhưng với ai kia, còn với Cẩm tình yêu dù thế nào vẫn là niềm thao thức. Vơi HL (Đà Nẵng), ML (Quãng Ngãi), HN (Huế),…dù là tình vỡ hay tình lỡ, thì tình cảm của Cẩm vẫn không phôi pha. Vì thế, thơ tình của Bạt Ngàn luôn có cấu trúc đối lập, tan vỡ nhưng đầy ám ảnh da diết. Đó là đối lập giữa động và tĩnh : em ngồi lại nghe đất trời thịnh nộ – ta trần truồng về giữa vô minh (Kinh ngục). Đó là sự đối nghịch của hai mút không gian : đầu non ta ngã bóng – cuối rừng em còn vọng (Lần sau). Đó là tương phản giữa hiện tại và quá khứ, sự thực và hư tưởng :
riêng em dạt cõi tình mù

nửa đêm tôi gọi ân thù huyệt quan
bóng xiêu hồn ngợp cung vàng
trong cơn mê tỉnh em hoàng hôn xưa
(Ngồi bên mộ T.A.T.)
Đọc bài thơ “Lần sau”, ta gặp màu sắc ca dao qua cấu trúc thể hứng :
bây giờ hoa vẫn nở

hồng theo bờ đại dương
ta bây giờ vẫn thở
em theo người mù phương
Nhân vật trữ tình “ta” ngắm nhìn tạo vật thiên nhiên, rung động trước ngàn hoa đang bình thường khoe một sắc hồng rộng rãi để rồi cảm nhận điều bất thường trong tình yêu giữa ta và em. Đó là sự không cùng hướng của cái bình thường và điều không bình thương. Cái diệu của bài thơ nằm ở hai chữ “bây giờ”. Từ “bây giờ” làm lạc hướng cảm thụ khiến người đọc nhầm lẫn. Nếu “bây giờ” là thực tại thì ta và hoa giống nhau, nhưng nếu “bây giờ” là tâm trạng thì ta khác hoa. Hoa vẫn hồn nhiên mà sống, còn ta đang hụt hẫng vì em theo người mù phương. Hẳn là thế. Nếu không, bài thơ không có nhan đề như là lời tự an ủi, như là niềm hi vọng mong manh : Lần sau. Hay với “Cổ thụ trong vườn trí nhớ”, khi một cành cổ thụ xuyên qua hồn, ta trở thành vườn trí nhớ cứ lặng im, bất động. Nỗi nhớ về em trong ta xôn xao như lá, còn em :
em còn ngậm nụ buồn

trên lưu đày cách trở
“Ngậm nụ buồn” là thầm lặng nhớ, thầm lặng đau. Tâm trạng đó càng nén chặt hơn khi em thân đơn giữa lưu đày cách trở. Những câu thơ có sự đồng cảm sẻ chia của một tấm lòng dành cho một tấm lòng. Hiểu như thế mới thấy tình yêu trong thơ Bạt ngàn bề ngoài có vẻ như chưa thật nồng, nhưng không hề là “tình yêu lửa rơm” mà là “…một tình yêu rất sâu - Rất dữ dội nhưng chẳng bao giờ yêu được hết (Xuân Quỳnh). Cũng với mạch tư tưởng cảm xúc ấy, Bạt Ngàn viết :
ngủ trong vườn cây đó

ngủ trong hồn nghìn sau
em bao giờ thức dậy
giữa tim mình nhói đau
(Hương)
Cái tên bài thơ thanh tao lắm, nhưng lại chứa đựng một hồn yêu đầy trăn trở. Bởi thơ “thức dậy – giữa tim mình nhói đau”. Bài thơ hỏi một mùi hương hay một người tình ? Có lẽ là người tình, một người tình với một tình lạnh nơi “Biên ải” : từ ta hồn lạnh trãi dàn – môi em, nghìn sợi cơ hàn bủa giăng.
Nói thơ tình Bạt Ngàn có vẻ như chưa thật nồng thì chỉ là cách nói nghiêng về cảm giác. Thực ra, cái nồng trong thơ có nhiều cách biểu hiện. Thơ yêu của Bạt Ngàn có giọng điệu khảng tảng, nhưng tình thì rất nồng, rất sâu và trãi dài theo thời gian. Đọc bài thơ “Đông Hà” ta càng khẳng định thêm điều đó. Đông Hà có lẽ là tên một người con gái đẹp. Sắc đẹp của cô làm choáng váng bóng thành nội : có em đứng / bóng nội thành ngu ngơ. Bóng nội thành mà thế huống hồ là anh. Em đã làm lòng anh hanh nắng dại khờ. Em đã ném cho anh một tiếng sét ái tình mà hai mươi năm rụng bất ngờ còn nguyên. Đặc biệt khi tình yêu đã thành hôn nhân, thơ Bạt Ngàn cũng rất nồng nàn mà cũng rất trăn trở. Thơ có âm điệu reo vui hạnh phúc :
từ hôm nay là đời ta hiển hiện

sống trong nhau thơm hạnh phúc vợ chồng
từ hôm nay là đời ta vĩnh viễn
cùng băng rừng vượt núi qua sông
(Muội Tiên)
nhưng vẫn có giọng âu lo : đính hôn này làm quạnh cả đời nhau (Hạnh phúc). Thơ reo vui hay thơ âu lo thì vẫn đậm nồng vì reo vui hay âu lo là hai mặt của một tình yêu chân thành chung thủy.
Tình yêu không chỉ là nơi náu mình của hồn lữ thứ mà còn là khát vọng sự sống đến cháy bỏng. Nhưng cái tôi phiêu bạt trong thơ Bạt Ngàn không chỉ đắm mình vào đó mà còn thèm khát bình yên trong tình mẹ nữa. Đời lãng bạt nên dù quê hương mù như ngọn khói (Ngọn nến), nhưng tâm tưởng vẫn không nguôi nhớ về một thuở quê nhà rất đời thường mà giàu chất thơ :
nồi cơm chưa chín

em ngồi khoanh tay
khói chiều phủ kín
bên nhà tóc bay
(Quá bữa)
ở đấy có người mẹ già mòn mắt chờ con. Để rồi “Khi con về”, con thấm thía một nghịch lí, cảnh quê không một chút đổi thay :
khi con về quê nhà xưa vẫn thế
vẫn cánh chuồn ôm mấy đọt bông lau
còn mẹ : tóc mẹ trắng xuôi dòng sông đổ lệ, cho nên con nhìn đâu cũng thấy xót xa, thấy nghẹn tiếng gà quanh ngọn chuối làn rau. Bài thơ nhẹ vang giọng điệu ăn năn của đứa con lãng tử. Ngày xưa, mỗi lần đến chơi nhà Cẩm ở đường Ngô Quyền, gần đại học Y khoa Huế, tôi đã thấy bạn ấy yêu kính mẹ như thế nào. Cho nên, tôi hiểu tại sao, hình ảnh mẹ trong thơ lạ và giàu xúc cảm như thế. Và tôi hiểu tai sao, bài thơ khép lại bằng từ “nghẹn”, cái nghẹn của tiếng gà nhưng thực chất là cái nghẹn từ trong lòng của đứa con phiêu bạt lan ra, tràn thấm lên tạo vật. Cũng may, người con như trở về tuổi nhỏ được sống bình an trong sự yêu thương che chở của mẹ. Để từ đó con cảm nhận tình mẹ như ngọn lửa thắp sáng đời con, sưởi ấm lòng con trên bước đời lưu lạc :
đêm nằm trong vườn mẹ

đất trời sao lặng im
lá trôi từng bước nhẹ
ngọn lửa hồng trong tim
(Ngọn lửa)
Và cũng từ đó khẳng định một chân lí giản dị : Mẹ là chốn dung thân cuối cùng của những người con.
Trên đây là chân dung tinh thần của Nguyễn Đức Bạt Ngàn qua thơ bốn dòng theo cái nhìn của riêng tôi. Do đó, khó mà vẽ ra một chân dung đầy đặn, cũng như những thành tựu về nội dung và nghệ thuật của thơ Ngàn. Thực ra, tôi cũng không có tham vọng nói hết, và nếu có tôi cũng không đủ tài để thực hiện được. Tôi chỉ đem lòng mình mà hiểu thơ bạn và chỉ mong bài viết là một dấu tích của tình bạn, tình bạn khởi nguồn từ mái trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng yêu thương của chúng tôi.
Hoàng Dục – B2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét