Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

32. ĐỌC SÁCH "THI PHÁP HIỆN ĐẠI" CỦA ĐỖ ĐỨC HIỂU

I. Dẫn nhập :
                 1.“Thi pháp hiện đại” của Đỗ Đức Hiểu là một tác phẩm lí luận và phê bình văn chương. Tác phẩm dày 400 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội ấn hành,  năm 2000.
                   2. Tác phẩm gồm 4 phần chính và một phần có thể gọi là phụ lục. Bốn phần chính là: Thi pháp học, phê bình thơ, phê bình truyện và phê bình kịch. Phần phụ lục gồm: đối thoại và trò chuyện.

                  3. Tác phẩm là một công trình nghiên cứu khái quát về thi pháp và vận dụng thi pháp để phân tích khám phá vẻ đẹp của văn chương. Có thể khẳng định rằng tác phẩm là tâm huyết của tác giả đối với nền văn học dân tộc, với vấn đề tiếp nhận văn chương hiện đại.
          II. Nội dung cơ bản:       
                  1. Phần I: Thi pháp học:
                   a. Trong phần này, tác giả bàn về thi pháp học và khái quát những vấn đề có tính chất lịch sử phê bình như phê bình mới, khái quát về Bakhtine – người đặt nền móng cho thi pháp học và bàn về vấn đề đọc văn chương.
                   b. Nội dung chủ yếu là“Mấy vấn đề thi pháp học”.
                        - Khái niệm sơ giản về thi pháp: Thi pháp là phương pháp tiếp cận, tức là nghiên cứu, phê bình tác phẩm văn học từ các hình thức biểu hiện bằng ngôn từ nghệ thuật, để tìm hiểu các ý nghĩa hiển hiện hoặc tiềm ẩn của tác phẩm: ý nghĩa mỹ học, triết học, đạo đức học, lịch sử, xã hội học v.v. Nói cách khác, thi pháp là mỹ học của nghệ thuật văn chương hay nghệ thuật ngôn từ.
                        - Khái quát về thi pháp thể loại:
                             + Thi pháp thơ: Tác giả dựa vào lí thuyết của Bakhtine về thơ: Thơ là tiếng nói độc bạch (monologic) và nhận định của Jakobson và một nhà thi pháp học khác: Thơ là hệ biến hoá trên sơ đồ trục dọc, tức là trục lựa chọn, thay thế, tương đồng quy chiếu, trục của các ẩn dụ. Từ đó, tác giả rút ra những đặc trưng của thơ như sau:
                                  * Cấu trúc trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa,...)
                                  * Kiến trúc đầy âm vang.
                                  * Nhiều khoảng trống, khoảng trắng.
                                  * Chất nhạc tràn đầy.
                             + Thi pháp truyện: Thi pháp tiểu thuyết miêu tả các cấu trúc, các yếu tố hợp thành ngôn từ tiểu thuyết, chủ yếu là thời gian, không gian, nhân vật, kể truyện, bình luận, ngoại đề, độc thoại, mở đầu kết thúc, v.v. Từ sự khái quát nêu trên, tác giả căn cứ vào phương pháp kí hiệu học của Bakhtine trong tác phẩm “Mỹ học và lý luận Tiểu thuyết” (1975), cụ thể hoá hai đặc trưng cơ bản sau của tiểu thuyết:
                                  * Tính đa âm hay tính đối thoại:  Tính đa âm thể hiện qua ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện. Tất cả tạo nên tính nhiều giọng, tính đa thanh, tính phức điệu của truyện trong quá trình đối thoại ở cấu trúc nội tại của văn bản nghệ thuật ngôn từ và cấu trúc bên ngoài tác phẩm như các nghệ thuật khác, đạo đức học, triết học, xã hội học,... Chính điều đó khiến cho tiểu thuyết có tính đa phong cách như “tháp Babel”.
                                   * Thời gian – không gian: Đây là tính hiện đại của tiểu thuyết, nó cụ thể, bám sát lịch sử, mang tính xã hội hơn các loại thể khác. Không gian gắn chặt với thời gian khiến tiểu thuyết hiện đại không khép kín mà luôn luôn biến động và hướng về tương lai.
                             + Thi pháp kịch: Tác giả chủ yếu nghiên cứu văn bản kịch và khẳng định đặc trưng số một của kịch là đối thoại. Kịch là một văn bản đối thoại, nhưng với kịch phương Đông, đặc biệt là kịch Nô của Nhật Bản thì đối thoại không chỉ là ngôn ngữ mà còn là ngôn ngữ của múa, hát, cái bóng,...
                             + Phê bình phong cách học:  Khám phá cái đẹp của tác phẩm văn chương dựa trên những đặc trưng nghệ thuật ngôn từ của một tác phẩm, một tác giả. Qua đây, tác giả đưa ra sự khác biệt giữa phê bình phong cách học và phê bình thi pháp học. Theo ông phê bình thi pháp học là nghiên cứu “phong cách lớn” tức là nghiên cứu “tính văn học” của một trào lưu, một thời đại văn chương.
                        - Tác giả kết luận:
                             + Thi pháp bao gồm ký hiệu học, phương pháp cấu trúc và những phương pháp khác như phương pháp “phát sinh học”, phương pháp “chủ đề”, phương pháp triết học, phương pháp phân tâm học, phương pháp lịch sử – xã hội học, v.v.
                             + Thi pháp học ngôn ngữ là “người anh hùng” của nghiên cứu, phê bình văn học; là phương pháp phê bình mới chiếm ưu thế trên thế giới từ ba mươi năm nay.
               2. Phần II: Phê bình thơ:
                   a. Phần này, tác giả vận dụng những khía cạnh của thi pháp học hiện đại để khám phá vẻ đẹp của một số tác phẩm và tác giả thơ ca như: Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Từ Hải hay ước mơ biển cả, Thơ Mới  cuộc nổi loạn của ngôn từ thơ, 14 tháng bảy 1789 và Thi nhân Việt Nam, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Tiếng thu, thơ nhạc của Lưu Trọng Lư, Ông Đồ của Vũ Đình Liên và Thế giới ngôn từ thơ của Đặng Đình Lưu.
                   b. Khái quát những nội dung cơ bản của các bài phê bình thơ:
                        - “Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương”: Từ góc nhìn thi pháp hiện đại, Đỗ Đức Hiểu đã phát hiện và khẳng định: Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy sáng tạo. Sáng tạo của Hồ Xuân Hương là tạo ra một phong cách thơ luật Đường mới, một thế giới đời thường thắm tươi, một thiên nhiên tràn đầy sức sống, một triết lí tự nhiên của cuộc đời trần thế, của trực giác, cảm giác, bản năng, say mê. Nhịp thơ nhảy múa, âm thanh vang động. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ hành động không phải là thơ tâm tình, thơ trạng thái như thơ bà Huyện Thanh Quan thể hiện qua những từ hoạt động giữ vị trí “chúa tể” của nhịp thơ, gây biến động trong thơ. Hồ Xuân Hương là một nghệ sĩ tạo hình. Ngôn ngữ tạo hình trong thơ bà tạo nên các hình thù  động đậy gọi dậy sức sống tiềm năng của con người, chuyển đạt những ẩn dụ bản năng cuộc sống. Từ việc khảo sát ngôn từ tạo nhjp điệu, hình học, âm thanh,... của thơ, Đỗ Đức Hiểu đi đến kết luận: Thơ Hồ Xuân Hương có bốn mô-típ: Hang động, Văng vẳng, Trắng son, Trăng khuya. Mỗi mô-típ mang một ý nghĩa riêng sâu sắc độc đáo. Mô-típ Hang động thể hiện cái đẹp thiên nhiên, tự nhiên của người phụ nữ. Mô-típ Văng vẳng gợi không khí sầu thảm bao trùm vũ trụ, sự cô đơn rờn rợn của người phụ nữ. Mô-típ Trắng son khẳng định cái đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ, biểu thị cái đẹp lí tưởng.
Truyện Kiều của Nguyễn Du”: Tìm hiểu sự ra đi của Thuý Kiều, tác giả khảo sát bình diện không gian của sự ra đi . Đó là hình tượng không gian: Trong nhà. Nhà Vương Ông đầy nươc mắt. Tác giả dùng phạm trù tương đương và ẩn dụ để nói đến nước mắt. Trong nhà Tú Bà là sự đau khổ ngỡ ngàng được miêu tả ở nhịp thơ và những tiếng điệp. Trong nhà họ Họan là nỗi đau khổ, đầy nước mắt được Nguyễn Du sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật, nhất là sự tương phản giữa phong cách cao và phong cách thấp tạo nên cái hài hước hoặc cái bi kịch. Từ hình tượng không gian ấy, tác giả bàn đến sự trốn ra đi của Thúy Kièu. Ra đi khỏi gia đình, trốn khỏi lầu xanh, nhà Họan Thư; Thúy Kiều trải qua ba nẻo đường mờ mịt. Cả ba lần ấy, Nguyễn Du đều dùng tiếng “liều” để biểu đạt ý chí của Kiều như “Thà rằng liều một thân con”, “Đánh liều nhắm mắt đưa chân”, “Cũng liều một hạt mưa rào”,... Từ đấy, Đỗ Đức Hiểu nêu ý kiến: Tiếng “liều” trong những câu thơ trên có chức năng chuyển đọan, báo hiệu một biến động trong cuộc đời nhân vật. Đó là linh cảm kinh nghiệm của người đàn bà khốn khổ ấy trước thế giới tàn nhẫn; nó biểu đạt ý chí không khuất phục của Kiều. Nàng không chấp nhận cuộc sống đau khổ trong nhà, bị đe dọa, ra đi kiếm tìm một cuộc đời đích thực.
                   - Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên.  Bài thơ này, theo Đỗ Đức Hiểu, sự ra đi của “ông đồ” với Vũ Đình Liên có ý nghĩa là sự ra đi của một thời xinh đẹp, của một nền văn dân tộc đang đô thị hóa dữ dằn và tàn nhẫn. Triết lí này được biểu thị bằng ngôn từ thọat đầu là màu sắc âm thanh ồn ào, tươi rói rồi dần dần xa vắng, mênh mông. Nếu căn cứ vào sự điệp trùng cấu trúc của các đọan thơ, điệp trùng của nhịp, trùng điệp đối xứng của từng cặp sóng đôi, tha thiết không thôi. Sự trùng điệp khiến hình ảnh tòan vẹn về ông đồ mờ dần, biến hẳn; ngược lại, diễn biến tình cảm, nỗi cô đơn của nhà thơ lại tăng dần. Tất cả tạo cho Ông đồ một chất thơ tuyệt đối, tính nhạc thuần túy. Vì vậy, bên cạnh chủ đề “hoài cổ”, bài thơ còn là triết lí thời gian: Thời gian khách quan; thời gian con người, thời gian văn hóa. Hai thời gian này va chạm nhau gây nên những bi kịch.
                               - Bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Đỗ Đức Hiểu tập trung phát hiện tính nhạc của ngôn từ thơ ca. Tính nhạc ấy thể hiện sự rung động bên trong của tâm hồn nhà thơ. Bài thơ có thể có hai kết cấu. Kết cấu 1 là 2 câu đầu, 3 câu tiếp và 4 câu còn lại. Kết cấu này biểu đạt sức tăng dần sự xao động bên trong, sự chuyển động ngoài của thiên nhiên. Đó là sự tăng dần của âm điệu bài thơ. Kết cấu 2 là 7 câu đầu và 2 câu cuối. Kết cấu này tạo nhạc êm ả, một nét vàng tô đậm: con nai vàng ngơ ngác là hình ảnh nhà thơ cô đơn, lạc lõng trong cuộc đời trần tục. Con người và thân phận đau khổ của nó là tư duy triết lí của “Tiếng thu”.
                             Từ đó, Đỗ Đức Hiểu khái quát: Thơ mới là sự hòa quyện giữa phương Đông và phương Tây, là sự hòa tan vào chất dân tộc Việt Nam, thơ Đường, thơ Pháp, cổ và hiện đại. Và tác giả cho rằng, thơ mới ảnh hưởng thơ Pháp là chưa chính xác. Theo ông, các nhà thơ Việt Nam có một nền văn hóa vững vàng và mở; có trái tim khao khát ánh sáng tự do, khao khát giao hòa với thế giới, với con người. Chính điều đó đã khiến các nhà thơ mới tiếp biến tư tưởng cao đẹp của thơ Pháp.
               3. Phần III: Phê bình truyện:
                   a. Phần này Đỗ Đức Hiểu vận dụng thi pháp truyện để khám phá vẻ đẹp của Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Sống mòn của Nam Cao, Tiểu thuyết của Nhất Linh, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nước thiên đàng của Đào Duy Hiệp và Kỉ niệm 200 năm Balzac.
                   b. Khái quát nội dung cơ bản một số bài phê bình:
                        - Hai đứa trẻ của Thạch Lam chủ yếu tác giả khám phá không gian phố huyện. Đỗ Đức Hiểu khảo sát sự xung đột giữa “không gian bóng tối” và “không gian ánh sáng”. Từ đó ông đi đến kết luận: Thạch Lam đã dùng lời tâm tình thủ thỉ; bằng cách mô tả bóng tối lấn dần không gian, nghệ thuật hồi tưởng bừng sáng chốc lát bằng ngôn từ dịu nhẹ, những câu nhiều thanh bằng, Thạch Lam thúc gịuc con người hãy suy nghĩ về số phận người phụ nữ.
                        - Tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Đỗ Đức Hiểu tìm hiểu không gian xã hội, đó là nhà quê và ngoại ô Hà Nội nhem nhuốc, trái ngược với tinh thần, mơ ước và khát vọng của con người. Hai bức tranh trái ngược đó cho thấy “Sóng mòn” gây tình trạng bất ổn trong tâm tư con người, nó hé mở cuộc sống tự do, chân chính của người trí thức.
                - Những lớp sóng ngôn từ trong “Số đỏ”: Theo tác giả, “Số đỏ” là một hiện tượng ngôn từ hết sức độc đáo, đánh dấu thời đại. “Số đỏ” đồng thời là một cái cười lớn, một cái cười nhại. Phong cách này tạo cho tác phẩm những giá trị lâu dài, nhất là về các phương diện lịch sử, xã hội, triết học. Với “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo một thể loại tiểu thuyết mới, là “một cuốn Bách khoa” các loại hình tiểu thuyết.
                    Lớp sóng ngôn từ phát đi từ “Số đỏ” là lớp sóng từ đô thị. Đỗ Đức Hiểu khẳng định, Vũ Trọng Phụng là nhà văn đô thị nhất của chúng ta.
                   Ngôn từ Vũ Trọng Phụng tung hòanh đầy hứng thú và hiểu biết cái đô thị điêu toa, giả dối.
                   Ngôn từ “Số đỏ” vừa dân gian vừa đài các, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa thô tục vừa cao đạo, tức là lổn nhổn không đồng chất, với những âm thanh hỗn lọan, biểu đạt tinh thần đô thị nhão nhọet, lọan Âu hóa của xã hội “bình dân”, một chính thể thuộc địa lưu manh, lừa dối, hay một đô thị đang hóa thân một cách kinh khủng với những mỹ từ lừa bịp, mị dân.
                   Đỗ Đức Hiểu lại cho rằng: Tên các nhân vật của mỗi giải thưởng là một hệ thống kí hiệu mang ý nghĩa và có thể là một đối tượng khai thác của người phê bình, nghiên cứu văn học. “Số đỏ” là một văn bản chứa đựng nhiều văn bản, nó là tiếng vang, là giao điểm của nhiều văn bản mang những mối quan hệ bên trong với các văn bản khác, đồng thời là một sáng tạo mới của tài năng nghệ sĩ. Vì vậy, “Số đỏ” là một hệ thống ngôn từ đặc sắc mang tính xã hội, lịch sử cụ thể.  
               4. Phần IV: Phê bình kịch:
                   a.  Phần này, Đỗ Đức Hiểu bàn đến bi kịch Vũ Như Tô ( Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng) và phong cách kịch của Đòan Phú Tứ.
                   b. Bi kịch Vũ Như Tô: Tác giả cho rằng, với thời gian chưa đầy ba mươi năm, nhưng vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng đã đưa thể loại kịch lên đến đỉnh cao. Kịch Vũ Như Tô là sự sáng tạo bi kịch mới của Nguyễn Huy Tưởng, cái bi kịch kiểu phương Tây trên sân khấu hiện đại Việt Nam. Cái đẹp cao cả và đẫm máu, đó là dư âm của “Vũ Như Tô”. Nhà phê bình cho rằng, muốn nhận thức ý nghĩa của kịch bản, cần thiết phải tháo gỡ, bổ sung, phân tích cấu trúc kịch bản; những đối thoại và độc thoại, những chỉ dẫn sân khấu. Cũng như nhiều nhà phê bình khác, Đỗ Đức Hiểu nhận định: Nguyễn Huy Tưởng “đã xây dựng được một Vũ Như Tô cao đẹp, lộng lẫy, nghệ sĩ và kẻ sĩ với khát vọng mênh mông về cái Đẹp, dân tộc và nhân bản”.
          III. Đánh giá:
               1. “Thi pháp hiện đại” là một cuốn sách được viết ra bằng cả tấm lòng của Đỗ Đức Hiểu đối với học thuật nước nhà và đối với người tiếp nhận văn chương Việt Nam đương đại của ông. Bởi lẽ, tác phẩm không là một tác phẩm thuần lí lụận, hay lí luận mang tính uyên bác mà chỉ nêu ra những đặc trưng cơ bản của thi pháp thể loại và vận dụng chúng vào quá trình tiếp nhận một số tác phẩm văn chương cụ thể. Tâm huyết đó  thể hiện rõ trong bài “Đọc văn chương” trang 59, đó là “Đọc văn chương là một khoa học xứng đáng được các thầy giáo, cô gíao quan tâm, các nhà phê bình, nghiên cứu hội thảo”.    
                 2. “Thi pháp hiện đại” đã đem đến cho người đọc một số điểm nhìn mới mẻ về một số tác phẩm văn chương Việt Nam. Đó là những mô-típ Hang động, Văng vẳng, Trắng sonTrăng khuya trong thế giới thơ nôm của Hồ Xuân Hương; từ đó giứp người đọc vừa tiếp nhận khái quát vừa cụ thể giá trị thẩm mỹ của thơ Hồ Xuân Hương. Đó là không gian trong nhà và sự ra đi của Thúy Kiều; qua đấy người đọc cảm nhận cụ thể thế giới nội tâm đầy biến động và thân phận khổ đau của nàng Kiều. Và góc nhìn mới mẻ về diễn biến tình cảm của nhà thơ Vũ Đình Liên trong bài thơ “Ông đồ”. Diễn biến ấy được Đỗ Đức Hiểu minh họa rõ bằng thao tác chia tách từng câu thơ của bài thơ rồi ghép lại thành hai bài. Bài một nêu lên hình ảnh tòan vẹn về ông đồ mờ dần, biến hẳn. Bài hai: Ông đồ chìm dần, nỗi cô đơn của nhà thơ tăng dần. Cái mới trong sự cảm nhận bài thơ “Tiếng thu” là tác giả đã nêu hai kết cấu để thấy được sức tăng dần từ xao động bên trong đến chuyển động bến ngoài của thiên nhiên và để nắm bắt một rõ nét hình ảnh nhà thơ trong cuộc đời - cô đơn lạc lõng giữa trần tục. Cái mới của bài viết “Những lớp sóng ngôn từ trong Số đỏ” là sự phát hiện lớp sóng từ đô thị trong tác phẩm để rồi tác giả khẳng định: Vũ Trọng Phụng là nhà văn đô thị nhất của chúng ta. Đỗ Đức Hiểu cho rằng tên các nhân vật của mỗi giải thưởng là một hệ thống kí hiệu mang ý nghĩa và có thể là một đối tượng khai thác của người phê bình nghiên cứu văn học. 
                3. Tuy nhiên, những bài viết của tác giả “Thi pháp hiện đại”, theo thiển ý của chúng tôi là cần trao đổi để làm rõ thêm. Chẳng hạn, sau khi nêu khái niệm thi pháp và những đặc trưng thi pháp thể loại, Đỗ Đức Hiểu cho rằng : Thi pháp học ngôn ngữ là “người anh hùng”, “là tiếng nói mới, chiếm ưu thế trên thế giới từ ba mươi năm nay”. Liệu thi pháp có là tất cả, là bao trùm các phương pháp lĩnh hội phê bình văn chương hay không, hay  chỉ là một trong những chìa khóa mở cánh cửa của tác phẩm để khám phả vẻ đẹp của nó. Hơn nữa, vẻ đẹp của văn chương chỉ có thể khám phá trên cơ sở liên ngành. Hoặc như, trong “Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương”, tác giả kết luận “thơ Hồ Xuân Hương là thơ hành động không phải là thơ tâm tình, thơ trạng thái như thơ bà huyện Thanh Quan”. Hiểu thế nào là thơ hành động? Vậy thì những bài thơ viết dưới đề tài tình yêu và gia đình của nữ sĩ thì sao? Nếu là thơ hành động, tại sao, Đỗ Đức Hiểu lại cho rằng: “Hồ Xuân Hương đả kích giai cấp thống trị hoặc ... tát vào mặt bọn phong kiến đạo đức giả là không chính xác ?” Với “Truyện Kiều của Nguyễn Du”, khi phân tích sự ra đi của Thúy Kiều, tác giả nhấn mạnh đến chữ “liều” trong các câu thơ: “ Thà rằng lièu một thân con”, “Đánh liều nhắn một hai lời”, “Cũng liều một hạt mưa rào”. Tác giả nhận xét tiếng “liều” có chức năng chuyển đọan, nó báo hiệu một biến động trong cuộc đời nhân vật...nó biểu đạt ý chí không khuất phục của Thúy Kiều: Nàng không chấp nhận cuộc sống đau khổ trong nhà bị đe dọa, ra đi kiếm tìm một cuộc đời đích thực. Giải mã  chữ “liều” như vậy liệu có thỏa đáng không ? Nếu đặt tiếng “liều” trong tính hình tuyến của ngôn ngữ thì ý nghĩa của chữ “liều” đó thế nào?
          IV. Kết luận:
                   Trên đây là những thông tin cốt lõi và cảm nhận một cách khái quát của chúng tôi khi đọc cuốn “Thi pháp hiện đại” của Đỗ Đức Hiểu. Vì năng lực có hạn, cho nên, bài viết này có thể có những nhận xét mang tính chất phiến diện, chủ quan. Chúng tôi rất mong sự góp ý của Thầy giáo và các bạn.

                                                                             Hoàng Dục
                                                                               11-2001    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét