Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

87. BẠN BÈ THUỞ ẤY TÓC SƯƠNG PHA

BÀI 60

Mới đó, bây giờ đã sáu mươi,
Ô hay… đời đã cuối thu rồi…
Ngồi đây nghe tiếng nghìn xưa vọng,
Xa khuất chân trời… mây trắng trôi…
Nắng nhuộm màu Xuân, rộn sắc hoa,
Thời gian từng giọt rụng theo ta,
Về đâu, rồi sẽ về đâu nhỉ?
Một kiếp… hoài thương muôn kiếp qua.
Về viếng trường xưa mắt lệ nhòa,
Bạn bè thuở ấy… tóc sương pha…
Góc trường… phượng vĩ… giờ xa lắc,
Đâu lớp, đâu trường, đâu ngày xưa?
 
                               Trương Văn Thông – 12C

Đọc bài thơ của Thông, ngay từ khi bạn ấy gửi về đăng “Kỉ yếu 40 năm cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, khóa 1964 - 1971”, mình đã giật mình đến thảng thốt. Không giật mình sao được khi qua bài thơ mình đã thấy mình qua một chiếc gương thơ. Mình bỗng nhớ đến người chồng trong Thủy nguyệt của Kawabata. Anh nằm bệnh cận kề với cái chết, nhờ người vợ cho anh một chiếc gương soi để anh được nhìn tạo vật, cuộc đời qua chiếc gương ấy mà yêu thêm cuộc sống. Nhưng đấy là câu chuyện của nhân vật truyện ngắn của nhà văn Nhật, còn với bài thơ bạn, mình thấy mình, thấy bạn trên chuyến xe đời từ quá khứ chạy về thực tại với một vận tốc chóng mặt. Mình có cảm giác bài thơ không còn là cái “hộp đen” chứa đựng những gì là tâm tình riêng tư của bạn nữa mà đã mở ra, tạo được sự nối mạch liên thông với tâm tình của mình.
Đó là mình giật mình theo cái ngoái nhìn thời gian xưa và nay rất tâm trạng của bạn:
                            Mới đó, bây giờ đã sáu mươi,
Một dòng thơ ngắn nhưng đã gợi lên hình ảnh một con người trầm tư nhìn dòng sông thời gian mà thảng thốt nhận ra sự nghiệt ngã của nó. Để rồi “ăn gian” trong cách tính thời gian. Quá khứ được tính gộp lại gọn băng bằng cái nhìn tích tắt (sác-na) mới diễn ra đặt bên cạnh cái đang có được tính dài hơn: “đã sáu mươi”. Câu thơ không có một chữ nào tiếc nuối cả những là cả là một sự tiếc nuối đến xót xa. Mình như thấy bạn và mình ở cái thời mặt búng ra sữa thập thò bước vào trường Trung học Phan Châu Trinh như mới diễn ra, vậy mà “bây giờ” đã sáu bó, đã lục tuần rồi. Chúng minh vừa mới sân trường chân sáo tung tăng đấy, thế mà đã lên lão, lại phải theo chân Nguyễn Khuyến về vườn Bùi chốn cũ, “bốn mươi năm lụ khụ lại về đây”. Cho nên ngạc nhiên cũng phải.  
                               Ô hay… đời đã cuối thu rồi
Mà lên lão thì cũng chả là gì, cái quan trọng là “đời đã cuối thu rồi”. Mùa thu vốn đẹp. Nếu mùa Xuân là sức trẻ sung mãn nhất thì mùa thu là sự tích lũy tạo độ căng chín của  một đời người, nhưng cuối thu thì “ắt hẳn sang đông”, thời gian khép lại một năm trong vòng tuần hoàn của vũ trụ. Không biết ý bạn có phải thế không? Nếu không sao bạn lại để một khoảng lặng ba chấm lửng đứng cuối dòng thơ đầy tiếc nuối như thế.
Đọc câu thơ bạn mà thấy lòng mình. Mình cảm giác đang trượt xuống chỗ trũng của dây cung thời gian. Và từ đấy mà mông lung nhớ, bồi hồi suy tư.
                             Ngồi đây nghe tiếng nghìn xưa vọng,
                             Xa khuất chân trời… mây trắng trôi…
                             Nắng nhuộm màu Xuân, rộn sắc hoa,
                             Thời gian từng giọt rụng theo ta,
                             Về đâu, rồi sẽ về đâu nhỉ?
                             Một kiếp… hoài thương muôn kiếp qua.
Đọc những câu thơ này, mình như cảm nghe được giọt thời gian đang nhỏ xuống tâm hồn bạn và mình. Thời gian đang giữ nhịp thơ, gõ nhịp tâm tình “thời gian từng giọt rụng theo ta” hay đúng hơn ta đang rụng theo những giọt thời gian. Không thế hẳn sẽ không ngồi nghe tiếng vọng của nghìn xưa mà khắc khoải nhớ. Không thể mơ màng được sống lại thời “nắng nhuộm màu Xuân, rộn sắc hoa”. Và chắc không ngổn ngang câu hỏi với vọng tìm kiếm nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi “hoài thương muôn kiếp qua”. Và không ngắm chân trời xa để lòng bâng khuâng theo hình ảnh “mây trắng trôi”. Chà, cái hình ảnh mây trắng trôi này mình đã gặp trong thơ Thôi Hiệu rồi: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”, nay lại bay tiếp trong thơ bạn, nhưng hẳn ý tình đã khác. Mình cũng gặp mây trắng bay với ước mơ vĩnh cữu, vĩnh hằng hóa tình yêu, hình ảnh người tình trong “Paris có gì lạ không em”: “Tóc em anh sẽ gọi là mây -  ngày sau hai đứa mình xa cách – Anh sẽ được nhìn mây trắng bay” (Nguyên Sa). Với bạn hay với mình cũng thế thôi, “về đâu, rồi sẽ về đâu nhỉ?” nên mây trắng không còn là còn là cái đẹp, không có màu sắc vĩnh cữu mà hình như gợi kiếp phù sinh: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” (Nguyễn Công Trứ)?                
Bâng khuâng “tóc sương pha” nên thơ tìm một chốn cũ để an ủi. Đấy là nơi tuổi thanh xuân ta nở nụ rất rằm: Mái trường Trung học Phan Châu Trinh xưa. Mình cũng theo bạn mà tìm về. Mình thấy bạn đang vui đùa trong lớp C với Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn Gia, Ngô Ánh Tuyết, Đặng Ngọc Bảo, Mai Văn Quyến, Tâm Nguyên, Đỗ Văn Thông,… Mình lại tưởng mình đang đứng trước bảng đen của lớp B2, lay hoay giải câu toán quỹ tích không gian bí hiểm, bên cạnh là thầy Trần Đại Tăng đang động viên mình, dưới lớp là những con mắt thân thiện của các bạn mình: Phan Văn Dinh, Nguyễn Văn Hùng, Thiều Lư, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Hùng Kiện, Nguyễn Tường Bách,…
Nhưng “Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng" với lại "Mộng cũ mê đường biết hỏi ai”. Hóa ra câu thơ bạn đưa mình vào mơ, vào mộng cũ thôi. Cho nên, giật mình mình thấy bạn nào khác chi mình.
                              Về viếng trường xưa mắt lệ nhòa,
                              Bạn bè thuở ấy… tóc sương pha…
                              Góc trường… phượng vĩ… giờ xa lắc,
                               Đâu lớp, đâu trường, đâu ngày xưa?
Bạn và mình đang chìm vào tâm trạng hoài nhớ cái ngày xưa Phan Châu Trinh ấy. Nhưng tất cả giờ đã xa lắc, tất nhiên không như “Xa lắc rồi em người mỗi ngã – Bên này đất nước nhớ thương nhau – Em đi áo mỏng buông hờn tủi – Là hết thôi rồi chuyện trước sau” (Quang Dũng). Bạn và mình mong tìm lại cây phượng vĩ ở góc trường, một góc kỉ niệm chỉ riêng mình ta biết mình ta hay thôi, nhưng hóa ra chỉ nghe dội lại nhưng lời hỏi điệp trùng, dồn gấp: “Đâu lớp, đâu trường, đâu ngày xưa?”. Thực ra, câu thơ này bạn viết: “Đâu lớp, đâu trường, đâu bướm hoa?”. Mình hiểu hình ảnh “bướm hoa” mà bạn dùng có nội hàm gì, nhưng cái thói quen chết tiệt của người biên tập cứ thấy lạo xạo nhức mắt cái hình ảnh cũ, nó như hạt cát trong giày của Hamlet vậy,  nên ngoáy nhanh “đâu ngày xưa?” nghe nó vô cùng hơn, nó da diết hơn,… đến nỗi không gọi điện xin phép bạn. Thôi thì bây giờ xin lỗi vậy bạn mình nghe.
Nhưng thôi, quan trọng là bạn và mình đã cười. Cái cười vào ngày hạnh ngộ sau bốn mươi năm xa. Cái ngày 17-7.2011, thầy cô và bạn bè xưa đã quây quần bên nhau, không còn hỏi: “Đâu lớp, đâu trường, đâu ngày xưa?” nữa mà:
                                Bốn mươi năm có ai ngờ
                                Tóc sương pha đã bây giờ là đây
                                                                  Hoàng Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét