Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

88. TRONG MẮT HỌC TRÒ 1

Tối qua, lúc 21 giờ 20, em Trần Nguyễn Thùy Trang, một học sinh chuyên văn, đạt giải Ba môn Ngữ văn Quốc gia, lớp 12C1 (2009-2011) của mình gọi điện thoại báo tin, em đã đổ Thủ khoa khối C, Đại học Đà Nẵng. Tổng điểm của em là 24 điểm, trong đó Ngữ văn là 9 điểm, Sử là 8 điểm, Điạ là 7 điểm. Mình rất vui. Mình chúc mừng học trò và hẹn gặp trao đổi thêm kết quả thi đại học của cả lớp.
Sáng nay, Đặng Công Thành - một thầy giáo của trường chuyên - gọi điện chúc mừng mình vì đã có một học sinh Thủ khoa. Mình càng vui hơn.  Mình nghĩ nhiều về nghề, về chặng đường dạy học đã qua của mình. Thế là yên tâm "gác kiếm" (chứ không gác bút) nên quyết định viết những dòng này như là một hành động bẻ phấn của thầy Trần Đại Tăng của mình:
                               Tay bóp viên phấn vỡ
                               Làm dấu chấm cuộc đời
                                Mai khoác áo rong chơi
                               Lợi danh xin khép lại
                                             (Bài ca bẻ phấn)

Còn mấy tháng nữa thôi là mình giã từ “cái nghiệp”, cũng là “kiếp đam mê” của mình từ khi còn tuổi nhỏ. Ngay từ khi còn tung ta tung tăng trên con đường làng Kế Môn (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đến trường Tiểu học Phong Hương, trước vẻ đẹp của những người thầy, nhất là thầy Đặng Minh Ấn – Người thầy trong truyện ngắn Sư phụ của mình, mình đã nghiện dạy học rồi. Đến khi lên phố thị, học trung học đệ nhất cấp ở Phan Châu Trinh, mình càng mê nghề gõ đầu trẻ này. Nhớ như in vào năm học Tứ 3, giờ Việt Văn, cô Phan Thị Mộng Hoàn trắc nghiệm về nghề nghiệp tương lai, mình không một chút do dự ghi vào giấy: Sư phạm. Mê như thế, say như thế, nghiện như thế, nhưng mình cũng chưa biết chọn ban nào ở trường Sư phạm cả. Lúc ấy, mình cũng như các bạn cùng lứa chỉ lo vượt quá các kì thi Tú tài  là đã vất vả lắm rồi, còn tâm trí đâu mà nghĩ tới một tương lai xa. Mà ai biết được tương lai nhất là trong một thời binh lửa lúc ấy. Năm học Tam B2, may ông anh rễ hỗ trợ giấy tờ liên quan mình mới được hoãn dịch gia cảnh – mình là con trai một, có cha là tử sĩ chết trận năm 1952 - nếu không thì cũng “quân trường hành” như Nguyễn Ngọc Ân, Lê Quang Minh, Đinh Thương,… các bạn cùng lớp rồi. Và biết đâu đã “xanh cỏ”, để rồi “mai sau dù có bao giờ” chẳng một bóng hồng lẻ nào “Trông ra ngọn cỏ lá cây – Thấy hiu hiu gió thì hay mình về”, lấy đâu ra chuyện dạy học, dạy hành. Khi đỗ tú tài II, mình mới thực sự chọn thi vào Đại học Sư phạm Huế, Ban Việt-Hán. Rồi vừa học Sư phạm vừa học Đại học Văn khoa mong làm giàu kho vựa văn học, vừa luyện nghề vừa luyện chữ mong sống có ý nghĩa với chính mình và với đời, để đừng bào giờ hỏi trái khoáy: “ta đã làm chi đời ta”. Rồi lịch sử sang trang, dù có ngơ ngác một chút nhưng không thể “cải nghiệp” được, đành cuốn theo bánh xe lịch sử và guồng quay của nghề dạy học. Từ đó, cái nghiệp nó đeo đẳng mình, có lúc làm mình làm mẩy, có khi mỉm cười khoan thứ, chính những nụ cười khoan thứ này đã giúp mình trụ lại được trên bục giảng.Một trong những nụ cười động viên mình tiếp bước trên con đường nghề nghiệp là tình cảm học trò dành cho mình.
Để đánh dấu một kỉ niệm đẹp - một trong những cái mỉm cười - của một thời phấn trắng bảng đen và cũng là ghi lại một dấu ấn của tình thầy trò đẹp đẽ. Mình sẽ lần lượt đăng các bài viết, các bức thư học trò gửi cho mình dưới nhan đề: "TRONG  MẮT HỌC TRÒ” với nhiều số tiếp nhau, nhưng không theo trật tự thời gian.
Dưới đây là bài viết của em Nguyễn Đức An, một học sinh cũ mà mình đã dạy suốt ba năm THPT ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, khóa 5, từ 1990 đến 1993.  Bài này, em Nguyễn Đức An viết để dự thi, đăng trên Tạp chí Thế giới mới, mục Thầy tôi, số 199, thứ Hai, 26.8.1996, tr. 6 và 7).


                                 
    HAI NỬA CỦA MỘT CON NGƯỜI
 
Viết về một con người vốn khó, nhất là viết về người thầy quá đỗi thân thương và bình dị của mình.
Thầy người gốc Huế. Cái giọng Huế trầm buồn đã ru tôi suốt thời đẹp nhất của đời mình.

Ngày ấy, có đứa bảo: “Thầy dạy sâu nhưng giọng buồn ngủ quá”. Tôi nói: “Cứ nghe kĩ thì không thể nào “ngủ” được”. Ra trường, chúng tôi mang theo những lời ru ấy vào đời. Hình như, tất cả bây giờ hoá thành thuốc tiên, giúp chúng tôi vững bước trên con đường học làm người.  Tất cả chúng tôi đã hiểu. Tất cả đều thương thầy lắm. Ngày Tết, nhà thầy đầy ắp tiếng cười nói của học trò cũ và mới. Có người tay bế tay bồng dẫn cả gia đình đến chúc Tết thầy. Hình như, đó là hạnh phúc lớn nhất của những người được sinh ra để làm thầy.
Thầy lên lớp, điềm đạm và đôn hậu. Thầy khen, chê bất cứ tác phẩm nào, dù là kiệt tác, với một hệ thống luận điểm chặt chẽ. Mỗi bài giảng của thầy được sắp xếp theo tư duy vừa văn, vừa toán (thầy vốn là “dân toán”).
Sau này, khi đã ra trường, trong những lần ngồi hàn huyên với thầy, tôi mới hiểu mỗi bài giảng của thầy là kết quả của một quá trình lao động nhiệt thành và nghiêm túc. Thầy đọc nhiều, say mê đọc và chọn lọc rất kĩ. Xem mấy cuốn sách mà thầy sử dụng thời sinh viên, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp ba chữ “sai lầm lớn” do thầy ghi ngoài lề, bên cạnh những dòng gạch chân. Thầy cười: “Thời sinh viên ngông cuồng ấy mà”.
Bao giờ cũng vậy, thầy đọc, tìm tòi và khai thác tác phẩm sẽ giảng cho chúng tôi theo hệ thống 8w, gồm: Who? What? Where? When? Whom? Which? Why? How? (Nghĩa là, trước giáo án, người thầy phải tự cật vấn và tự giải đáp tròn trịa những cật vấn ấy: Dạy những gì? Dạy ở đâu, khi nào? Dạy như thế nào? Nói thế nào và nói với ai?...). Trách nhiệm của một người thầy đối với học trò của mình và cái “tôi” của một nhà khoa học không cho phép thầy dễ dãi với bất cứ ý kiến nào. Thầy nói: “Người thầy dẫn dắt học sinh đi tìm chân lí nên người thầy cũng phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Có lẽ, chính vì vậy mà những bài giảng của thầy có sức thuyết phục để học trò thầy luôn tự tin khi bước vào phòng thi, dù đó là thi quốc gia, thi tỉnh hay thi đại học. Năm 1985, Nguyễn Thị Thu Giang (*) đánh dấu một mốc quan trọng trong đời đi dạy của thầy: lần đầu tiên, học trò được thầy đào tạo mang về cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng một giải quốc gia môn văn. Năm đó tuổi đời của thầy chưa vượt quá con số 35. Từ đó đến nay, thầy đã góp công sức rất lớn vào việc đào tạo hàng chục học sinh giỏi quốc gia. Năm học vừa rồi, đội tuyển quốc gia của tỉnh do thầy bồi dưỡng lại đem về thêm ba giải quốc gia nữa. Đó là các em Lữ Lâm Uyên (giải ba), Nguyễn Thị Hồng Thuý (giải ba), Ngô Thị Anh Đào (giải khuyến khích). Học trò thầy thi vào đại học thường đạt  điểm rất cao: điểm 8, 9 không phải là hiếm. Nhiều người lên đại học vẫn sử dụng vở ghi chép ở cấp III. Có người tốt nghiệp đại học xong, lại xin về dạy ở trường cũ để được tiếp tục học thầy.
Ngày tôi ra trường, thầy viết trong cuốn lưu bút: “Cần già trong tri thức và trẻ trung trong tâm hồn, trong lối sống”. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, ít có học sinh nào hiểu được đằng sau vẻ điềm đạm, trầm tĩnh của thầy là cả một đời sống sôi nổi và phong phú. Thầy sống phóng khoáng và nghệ sĩ. Trong ngôi nhà chật chội của mình, thầy vẫn dành riêng một chỗ để vui với những người thân thiết. Tại nơi đó, trong những chuyến chúng tôi về quê ăn Tết hay nghỉ hè, thầy trò chúng tôi chụm đầu tâm sự. Tại nơi đó, thầy thết chúng tôi món rượu tăm quê thầy (làng Kế Môn) và chia sẻ với chúng tôi thú uống rượu của một tao nhân. Cái bàn đó là một lớp học – lớp học mà thầy chỉ cho phép những học trò cũ đã ra trường và thân thiết tham dự.
Một học trò nhỏ làm sao đủ bút lực để viết về một bậc thầy vừa là một nhà giáo – nhà nghiên cứu khoa học hết lòng vì học trò vừa là một nghệ sĩ khoáng đạt.
Thầy là Hoàng Dục – giáo viên trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Nam - Đà Nẵng. 

                            Nguyễn Đức An (**)
      (Sinh viên Đại học Tổng hợp,TP. Hồ Chí Minh)

                                       

(*)  Học sinh của tôi, lúc dạy ở trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.
(**)  Nguyễn Đức An hiện nay là Tiến sĩ, đang giảng dạy đại học ở Luân Đôn, nước Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét