Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

31. QUAN NIỆM VỀ NHÀ THƠ, ĐIỂM GẶP GỠ CỦA NGUYỄN DU VÀ VIÊN MAI

Trong thiên Tri âm, Lưu Hiệp từng viết: “Tri âm thực khó thay. Cái âm thực khó biết, người biết thực khó gặp. Gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần”. Lời của tác giả cuốn “Văn tâm điêu long” quả thật chí lí. Chí lí bởi tri âm ở cuộc đời đã khó mà tri âm
trong văn chương lại càng khó hơn. Sinh thời Nguyễn Du cũng với vọng  “ai tri âm đó” trong sự mờ mịt của thời gian:
                                      “Bất tri tam bách dư niên hậu
                                      Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
                                                               (Độc Tiểu Thanh kí)
          Nhưng Nguyễn Du cũng như Lưu Hiệp đều cảm nhận sự khó gặp gỡ chứ hoàn toàn không phủ nhận sự gặp gỡ, họ khẳng định sự gặp gỡ chỉ là vấn đề thời gian. Riêng Nguyễn Du (1765 - 1820), không đợi đến ba trăm năm như ông đã cảm hiểu nàng Tiểu Thanh, mà chỉ sau hai trăm năm (1965), những hậu duệ văn chương của ông đã hiểu và cảm được tấc lòng của ông kí thác trong thơ ca. Và một điều bất ngờ, thú vị nhất là những ý tưởng lí luận văn học của đại thi hào dân tộc ta đã “gặp gỡ” với người cùng thời dù cách bức không gian, đó là nhà thi học: Viên Mai. Chỉ có điều Nguyễn Du “hình tượng hoá, nghệ thuật hoá” những vấn đề lí luận về thơ, còn Viên Mai thì  “khái niệm hoá, khái quát hoá” mà thôi. Nguyễn Du gián tiếp trình bày ý tưởng lí luận văn học qua những tác phẩm của ông như “Truyện Kiều”, “Văn Chiêu hồn”, những bài thơ trong các tập “Bắc hành tạp lục”, “Nam trung tạp ngâm”,... Viên Mai lại trực tiếp bộc lộ những quan điểm lí luận phê bình thơ của ông ở “Tuỳ Viên thi thoại” [1] và rải rác trong tập “Tiểu Thương sơn phòng thi văn tập”của mình.
          Quan niệm về văn chương của hai ông rất phong phú và sâu xa, cần phải dày công nghiên cứu. Do vậy, bài viết này cũng chỉ mạo muội khuôn hẹp vào một vấn đề nhỏ: quan niệm của Nguyễn Du và Viên Mai về nhà thơ .
          1. Khi bàn về thơ và nghệ sĩ sáng tạo, ý tưởng lí luận của Nguyễn Du không phải không có chút mâu thuẫn. Ông cho thơ ca quyết định thân phận nghệ sĩ, thậm chí đối lập với thân phận của họ. Trước mộ nhà thơ hiện thực lớn đời Đường, Đỗ Phủ, ông cất tiếng hỏi đồng cảm thiết tha:
                             “Nhất cùng chí thử, khởi công thi”
                             (Ông cùng khổ như thế há phải vì hay thơ)
                                                          (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)
          Và ông cũng buồn bã  dặn lòng “có tài mà cậy chi tài” và tự hỏi chính mình:
                             “Văn tự hà tằng vi ngã dụng
                             Cơ hàn bất giác thụ nhân tiên”
                             (Văn tự có ích gì cho ta
                             Đâu ngờ phải đói rét để người thương xót)
                                                                   (Khất thực) 
          Nhưng rồi ông thoát ra khỏi tư tưởng “tài mệnh tương đố”. Thi sĩ tĩnh tâm suy nghĩ, thơ chẳng có tội tình gì, thơ thăng hoa nghệ sĩ như Viên Mai viết: “Thơ hay đổi xác thành tiên được” (Ngâm thi hảo tự thành tiên cốt). Nguyễn Du nhận thức văn chương không hề ghét số mệnh, không hề  đày ải nhà thơ vào chốn eo nghèo:
                             “Bản vô văn tự năng tăng mệnh”
                             (Vốn chẳng có văn chương nào ghét được số mệnh)
                                                                   (Tự thán)
          Văn chương có thể là “nghiệp”, nhưng chẳng bao giờ là nghiệt chướng xô đẩy nghệ sĩ vào nơi cùng quẫn, bần hàn:        
                             “Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng”
                             (Chưa từng có chuyện văn chương sinh ra nghiệt chướng)
                                                                                  ( Ngoạ bệnh )
          2. Cho dù chưa thật sự nhất quán trong ý tưởng lí luận, nhưng Nguyễn Du trước sau vẫn nhận thức rõ giá trị của văn chương và vai trò của người sinh thành thi ca. Đó là ý nghĩa tích cực, là cái phần cơ bản nhất, cốt lõi nhất trong ý tưởng quan niệm về thơ và nhà thơ của ông. Trước hết, theo ông, nhà thơ cần có cái nhìn nghệ thuật về con người và cuộc đời.. Nhà thơ sống giữa cuộc đời, nhặt lấy chất liệu trong đời mà kết dệt nên những vần thơ của mình:
                                    “Trải qua một cuộc bể dâu
                             Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
                                                                   (Truyện Kiều)
          Nhà thơ có thể từ đời thực mà tạo thành hiện thực văn xuôi hay hiện thực trữ tình, điều đó tuỳ thuộc vào phương thức chiếm lĩnh nghệ thuật của nhà thơ. Vấn đề cơ bản nhất là nhà thơ phải viết từ “những điều trông thấy” trong bể dâu đời thường bằng tấc lòng nhân ái, bằng tình yêu cái đẹp của mình. Điều này được Nguyễn Du nhấn mạnh trong “Thái Bình mại ca giả”:
                                “Ngã sạ kiến chi, bi thả tân”
                               (Ta trông thấy đau lòng không xiết)
          Quan niệm của Nguyễn Du cũng chính là của Bạch Cư Dị, nhà thơ Trung Quốc,  nhà thơ của đỉnh cao tư tưởng hiện thực - nhân dân: “Tôi ở Trường An, trong những điều tai nghe mắt thấy có những câu chuyện thật đáng thương, bèn nhân đó viết thẳng ra thành thơ gọi là Tần trung ngâm (Tựa Tần trung ngâm). Thơ phải từ hiện thực mà bay lên và đem lại cho con người nhận thức thẩm mĩ về cuộc sống, xã hội một cách chân thực và bản chất nhất: “Chỉ có làm thơ về nỗi đau khổ của nhân dân. Để cho thiên hạ được biết đến” (Duy ca sinh dân bệnh, Nguyên đắc thiên hạ tri) (Thương Đường cú).
           Nhà thơ sáng tạo thi ca không chỉ để tự biểu hiện mà quan trọng nhất là để cho thơ thực hiện chức năng xã hội thông qua chức năng nghệ thuật của nó. Tác phẩm thơ phải được tạo tác từ ý thức thẩm mĩ của nhà thơ nhằm giáo dục thẩm mĩ cho mọi người:
                                          “Ai vẽ bức tranh này
                                          Dâng lên nhà vua rõ”
                                                             (Sở kiến hành)
          Viên Mai đã hội ngộ với Nguyễn Du điểm này. Viên Mai không dùng hình ảnh “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như Nguyễn Du. Ông đề xuất thuyết “Tính linh” và cho rằng “Tính linh” là cội nguồn gốc rễ  của thơ ca. “Tính linh”  trong thơ  là ở chỗ, nhà thơ miêu tả những cảnh ngộ của tính tình và linh cảm  cá nhân  của chính mình:
                                      “Chịu khó tìm thơ sẽ có thơ,
                                      Tâm linh điểm ấy, chính thầy ta”
                                                              (Tiểu Thương)
           Thuyết “Tính linh” của Viên Mai không phải là thuyết “Tâm học” mà một phần bắt nguồn từ tư tưởng duy vật và dân chủ của Hoàng Tôn Hi, Cố Viêm Võ và Vương Phu Chi trong: “Minh học nho án” và “Chu Dịch ngoại truyện”. Các nhà duy vật - dân chủ này cho rằng, “tâm” không có bản thể: “Tâm tức là khí ”, “tâm” không thể tách rời với “khí ” hay sẽ không có “tâm linh” nếu không có “cảm quan tai mắt”.  Bắt nguồn từ cơ sở triết học như vậy, nên thuyết “Tính linh” của Viên Mai đã không tách rời thơ ca với hiện thực. Trong “Tuỳ Viên thi thoại” ông viết: “Thơ khó ở chỗ chân thật, mắt chưa thấy, chân chưa đến mà cũng miễn cưỡng cứ làm, thì chẳng khác nào phơi lưng dưới mái nhà tranh mà cao giọng bàn về điện  Kim Loan”. Tuy vậy, thuyết “Tính linh” của Viên Mai chỉ có tính hiện thực mà thiếu tính nhân dân, do đó tính hiện thực của thơ ca theo quan niệm của ông cũng không phải là hiện thực rộng lớn mà chỉ là hiện thực bên trong- hiện thực được cái tôi nhà thơ xúc cảm. Trong khi đó, qua ý tưởng lí luận của mình, Nguyễn Du khẳng định, nhà thơ phải từ cuộc đời mà sáng tạo thế giới hình tượng thi ca. Có như vậy, thơ mới có tính hiện thực  - nhân dân sâu sắc.
          Làm thơ là kết tinh “vị mặn” của đời một cách nghệ thuật. Hiểu như thế mới thấy thuyết “tính linh” của Viên Mai đã thể hiện rõ nguyên lí sáng tạo thơ ca. Nhà thơ không ngồi chờ thơ đến mà tìm tòi tứ thơ từ hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm hồn mình. Nhà thơ phải nội tâm hoá hiện thực và biểu hiện bằng những vần thơ giàu chất suy tư mà hồn nhiên. Không phải ngẫu nhiên, Viên Mai thường nhắc đến các từ: “thâm”, “thiển”, “cam”, “khổ”, “nồng” và “đạm”. Thơ cần có sự sâu xa mà hồn nhiên, cần có đắng cay lẫn ngọt bùi. Nhưng để thơ có những tố chất ấy thì trước hết nhà thơ cũng phải “thâm”, “thiển”, “cam”, “khổ” cùng con người và cuộc đời. Nhà thơ cần làm cho thơ có chất suy nghĩ sâu xa, nếu không thơ sẽ “không có hoa là gỗ khô, có thịt mà không có xương là con sâu mùa hè vậy” (Thi hữu cán vô hoa, thi khô mộc dã. Hữu nhục vô cốt thi hạ trùng dã). Hiện thực dù đắng chát, xấu xa, nhà thơ tái hiện không ngoài mục đích nào khác là hướng con người về phía cái đẹp, cái thiện. Lao động nghệ thuật của nhà thơ dù cay khổ, nhưng thơ ca phải đẹp: “Cái suy nghĩ được mặc dù khổ đắng, nhưng nói ra phải ngọt ngào. Cái nói ra có thể bất ngờ với người khác, nhưng vẫn nằm trong ý của họ” (Đắc chí tuy khổ, xuất chí tu cam. Xuất nhân chi ý ngoại giả, nhưng tụ tại nhân ý trung). Nhà thơ sáng tạo là vắt kiệt tâm hồn, ý tưởng mình; quằn quại trong cơn đau tinh thần để dâng tặng đời những “Bông hồng vàng” quý đẹp nhất. Nhà thơ luôn tự đặt ra cho mình một phương châm sáng tạo, đó là “ý sâu nhưng lời dễ, nghĩ khó nhọc nhưng lời ngọt ngào” (ý thâm từ thiển, tứ khổ ngôn cam).
          3. Thuyết “Tính linh” trong quan niệm nghệ thuật thơ ca của Viên Mai không chỉ là nhà thơ lẫy ra một mảng hiện thực cuộc sống hay hiện thực tâm hồn mình để làm xương cốt cho thơ mà còn đặt ra vấn đề cảm xúc sáng tạo thi ca của người nghệ sĩ nữa. Đây cũng là điều mà Nguyễn Du đã thể hiện trong ý tưởng lí luận về nhà thơ của mình ở Truyện Kiều.
           Cảm xúc thẩm mĩ là trạng thái nhiệt hứng đặc biệt của tâm hồn, đấy là một tâm hồn có sự chuyển hoá sóng gió cuộc đời thành sóng gió của sự sáng tạo. Sáng tạo thơ ca là sự nhào nặn chất thơ của trời đất và cuộc đời thành hồn thơ, thành sự rung động mãnh liệt của tâm hồn thi nhân. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã từng qua những lần Thuý Kiều làm thơ mà gởi gắm ý tưởng lí luận của mình. Tuỳ theo mục đích sáng tác, thơ cho mình hay thơ vì người của nàng Kiều, Nguyễn Du đã bộc lộ những quan niệm khác nhau về nhà thơ. Khi Thuý Kiều làm thơ theo yêu cầu của quan xử kiện, Nguyễn Du viết:
                                      “Ngàn vàng cất bút tay đề
                                      Tiên hoa trình trước án phê xem tường”
          Cho dù là “ngàn vàng” những cũng chỉ là “cất bút tay đề”. Kiều chỉ làm thơ mà không phải người thơ. Nhưng khi Kiều đề vịnh tranh của Kim Trọng, vịnh thơ trước mộ Đạm Tiên thì “Tay tiên gió táp mưa sa”, “thảo và bốn câu”, “vịnh bốn câu ba vần” Phải chăng sự khác biệt trong những lần Kiều làm thơ là ở: “đề”, “thảo” và “vịnh” ? Phải chăng thơ đã bay lên rất cao và rất xa nhờ sự tự do sáng tạo và cảm xúc sáng tạo của cô Kiều - người nghệ sĩ. Và phải chăng bản chất văn chương là tình cảm thẩm mĩ, do Kiều “sẵn mối thương tâm” trong lòng, nên thơ tuôn tràn.  Đúng là nhà thơ  có thực sự rung động hồn thơ thì ngòi bút mới thật sự có thần như người xưa đã nói.
          Tuy nhiên, quan niệm của Nguyễn Du về khía cạnh này cũng chỉ dừng lại ở mĩ học sáng tạo về tiếng nói trữ tình - hướng nội của thơ mà thôi. Trong khi đó thơ cơ bản là tiếng nói trữ tình bên trong có kết hợp và hướng tới cái tiếng nói trữ tình bên ngoài. Sáng tác thơ là biểu hiện “cái Tôi” thi sĩ và biết làm cho “cái Tôi” ấy nói lên được  “cái Ta” của mọi người.
          Viên Mai cũng có ý ấy trong thuyết “Tính linh”. Ông bàn về hứng bút của nhà thơ: “Gọi nghìn lần không ra, đột ngột lại đến” (Thiên triệu bất lai, thương tốt hốt chi). Nói “đột ngột lại đến” chính là “phút linh cầu” (Huy Cận), khoảnh khắc “diệu ngộ” (Nghiêm Vũ). Ở chỗ khác ông nói: “Thơ thích đạm chứ không thích nồng, nhưng phải là sự đạm sau khi đã nồng” (Thi nghi đạm bất nghi nồng, nhiên tất tu nồng hậu chi đạm). “Nồng” và “đạm” là nội dung, phẩm chất nghệ thuật của thơ. “Nồng” và “đạm” quan hệ biện chứng với nhau trong sáng tạo và trong tác phẩm thơ. Nhưng về phương diện sáng tạo của nhà thơ, “sự đạm sau khi đã nồng ” là quá trình sáng tạo tác phẩm thơ. “Nồng” là cái có trước, là cảm tính - trực giác nghệ thuật, là khởi nguyên, là cảm hứng sáng tạo; “đạm” là cái có sau, là lí tính, là phương thức thể hiện, chuyển hoá cảm xúc sáng tạo ấy thành tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên cái  “nồng” thi hứng ấy có trong nhà thơ và tản mạn trong trời đất, trong cuộc đời. Thi hứng chỉ có thể nẩy nở từ trong mối quan hệ giữa nhà thơ và chất thơ của các sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội. Do vậy, nhà thơ không thể ngồi yên đợi cảm hứng đến mà phải bước xuống cuộc đời góp nhặt nó, chắt chiu nó, làm cho nó hoá thân thành thơ. Và một khi có hứng rồi, nhà thơ phải nuôi dưỡng và phát triển nó “nồng” hơn mới có thể có được một tác phẩm thơ đích thực “thi nghi đạm bất nghi nồng”. Để được như vậy, Viên Mai nhắc nhở các nhà thơ, khi làm thơ cũng cần phân biệt những điều sau: “Thanh đạm khác với khô khan, tân kì khác với gọt dũa, chất phác khác với quê mùa, mạnh mẽ khác với thô lỗ, bóng bẩy khác với vu vơ,”  Và nhà thơ cần huy động năng lực bẩm sinh và cả công phu để đạt được “cả bài lẫn từng câu đều khéo”, tức là tác phẩm thơ phải là một chỉnh thể nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ. 
          4. Người nghệ sĩ nói chung và thi nhân nói riêng là một cá thể “sinh nở” “đứa con tinh thần” của mình. Tác phẩm nghệ thuật là máu thịt tâm hồn của chính họ. Tác phẩm thơ là ấn tượng và cảm xúc của người thơ trước vũ trụ, trước “cõi người ta”. Nguyễn Du hiểu rất rõ điều đó nên ông đã để Thuý Kiều dịch chuyển tất cả ấn tượng ban ngày gặp gỡ Kim Trọng sang thơ bằng tài năng của nàng:
                                      “Ngổn ngang trăm mối bên lòng
                                      Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”
          Và khi ở lầu Ngưng Bích, cô đơn giữa “nước non người”, Kiều đã gởi lòng mình vào nghệ thuật. Nàng đã kí thác nỗi  “đau lòng lưu lạc” của mình vào “nên vài bốn câu” như là một sứ điệp thi ca mong cầu đồng cảm sẻ chia.
          Là con người của tình cảm và hiểu rõ bản chất của văn chương là tình cảm thẩm mĩ, nên Nguyễn Du thường gắn tác phẩm nghệ thuật với tác động tình cảm của con người và cho đó là sức mạnh của văn chương:
                                      “Tiêu điều lữ thứ muộn thời ca”
                                                                              (Tạp ngâm)
          Qua tiếng đàn đầy nước mắt của Thuý Kiều ở nhà Hoạn Thư, người nghe đàn như đắm chìm giữa cung điệu bi thương, bị tiếng đàn sầu não cứa rách tâm hồn: “Khiến người trên tiệc cũng tan nát  lòng”. Tả tiếng đàn của Thuý Kiều, nhưng thực chất Nguyễn Du đã kín đáo bày tỏ quan niệm về hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo nghệ thuật mà không xuất phát từ hơi ấm nhân tình - nhân tính của nhà thơ thì sẽ không có tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tả tâm trạng người nghe đàn cũng chính là bàn đến mĩ học tiếp nhận ở phương diện tri âm. Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” cũng từ “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, từ nỗi “đau đớn lòng” của ông. Người sinh thành nàng Kiều cũng chính là Kiều về phương diện làm thơ đánh đàn. Và nếu Kiều làm thơ đánh đàn là đi tìm tri âm thông qua tác phẩm thì Nguyễn Du nào khác gì hơn. Xét cho cùng, “Truyện Kiều” là “dụng tâm đã khổ” (Mộng Liên Đường chủ nhân) của Tố Như ở nhiều bình diện khác nhau của sáng tạo và tiếp nhận văn học.
          Tác phẩm thi ca là tư tưởng và tình cảm của nghệ sĩ sáng tạo. Chính bản thân tình cảm ấy trong thơ sẽ tạo được hiệu quả, khoái cảm thẩm mĩ đối với người thưởng thức. Để có được phẩm chất và tác dụng ấy, nhà thơ phải viết từ  sự “tẻ vui” của lòng minh trước “những điều trông thấy”mà mình “Sở kiến hành”. Và nhất là, nhà thơ đừng bao giờ để “Văn chương tàn tức nhược nhi ti” (Hơi tàn, văn chương mảnh như sợi tơ). Nhà thơ có thể già và chết, nhưng hồn thơ và thơ phải luôn trẻ, luôn xuân thì và phải có cái “ma lực siêu việt thời gian” (Xuân Diệu).
          Ý tưởng trên của nhà thơ lớn của Nguyễn triều cũng là suy nghĩ về gốc rễ sáng tạo thơ ca của nhà thi học đời Thanh. Nguyễn Du đề cao cái tài, cái tình của nghệ sĩ thì Viên Mai cũng nhấn mạnh tình cảm và cũng  không xem nhẹ tài hoa của người tạo tác nghệ thuật. Ông viết: “Người ta làm thơ đông dồn tây dập, tả hữu vẽ vời, từ trong đống giấy mà ra, không phải tính tình tuôn chảy. Đó là lấy bàn tay thay cho tấm lòng vậy”. “Lấy bàn tay thay cho tấm lòng” là dùng kĩ thuật mà cưỡng đoạt nghệ thuật, đặt lí trí lên trên cảm xúc. Thơ phải từ suối nguồn “tính tình tuôn chảy”, chứ không phải “từ đóng giấy mà ra”. Tình cảm là cốt tuỷ của thơ, “thơ có ý vị là nhờ tác giả có tính tình”. Nhưng nếu nhà thơ không thực tài, không chiếm lĩnh những phương tiện nghệ thuật thì thơ cũng chỉ là một thế giới tĩnh tại; chỉ là thể phách chẳng còn là tinh anh. Tình nhờ tài mà phát sáng, bừng bừng xúc cảm nghệ thuật; tài có sự hỗ trợ của tình nên đạt đến chỗ linh diệu của thi ca.  “Nếu không có tài uyên thâm, thì cũng khó nói được cái kì diệu của những lời hay”. “Tài là chính từ tình phát ra, tài cao ắt tình sâu” (Tài giả, tình chi phát, tài thịnh tắc tình thâm).
          Phải chăng Nguyễn Du và Viên Mai cùng tri âm với Lưu Hiệp ở phương diện này: “Tài tuy trời phú cho, nhưng cố công học tập thì dần dà cũng có thể bổ sung được những điều còn thiếu sót” (Thể tính - Văn tâm điêu long).
          5. Nước sẽ chảy xuôi, nhưng nước mãi vẫn là nước. Thơ chẳng là thơ khi thơ không in đậm phong cốt của người sáng tạo. Không  công phu sáng tạo và không có cá tính của nhà thơ thì thơ chẳng sống lâu.
          Cứ xem Nguyễn Du  miêu tả nàng Kiều như là một nghệ sĩ tài hoa, chiếm lĩnh phương thức, phương tiện nghệ thuật thì sẽ rõ. Khi thì Kiều: “Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm”, lúc thì nàng: “Tay tiên gió táp mưa sa”, Thuý kiều “Thông minh vỗn sẵn tính trời, Pha mùi thi hoạ đủ mùi ca ngâm”, nhưng cơ bản vẫn là công phu luyện rèn học hỏi nghệ thuật. Nếu không có mười lăm năm lưu lạc, tiếng đàn của Kiều cũng chỉ đơn sắc, đơn âm, không biểu cảm chút nào. Cái vốn trần ai lữ thứ đã làm cho tiếng đàn của nàng đa sắc điệu, giàu tình điệu thẩm mĩ. Nhưng muốn có “tay tiên“ nghệ thuật, sự thông minh, công phu học hỏi là chưa đủ để hình thành một phong cách độc đáo. Bởi “phong cách không là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề nghệ thuật” (M. Proust), phong cách là vấn đề tâm hồn.
Và thế là Nguyễn Du lại gặp Viên Mai ở điểm này. Viên Mai nghĩ về hai phẩm chất của thơ là phải “chân” và “hoạt”. Và ông chỉ ra: “Nếu ngòi bút linh hoạt, thì việc trung, hiếu, tiết, nghĩa vẫn có sinh khí, nếu ngòi bút cứng đờ, thì dù vịnh con gái trong phòng khuê vẫn thiếu tình tứ” hay “Tất cả thơ văn đều cần chữ đứng trên giấy, không thể để chữ nằm trên giấy”. Đúng là thơ cần chữ đứng trên giấy chứ không cần chữ nằm, ngồi uốn éo làm duyên.
          Nhà thơ cần làm cho chữ “đứng trên giấy” và nội dung của thơ phải là: “hứng, quan, quần, oán” như quan niệm của Khổng Tử (Thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán). Thơ không thể “ôn, nhu, đôn, hậu” như Thẩm Đức Tiềm quan niệm. Nhà thơ đem nhịp điệu tâm hồn của mình biến hoá thành nhịp nhạc của thơ. Viên Mai đã khẳng định: “Thơ cũng như lời nói, miệng lưỡi không rõ, lắp bắp lắm lời thì càng nhiều càng đáng ghét”, bởi “thơ có thanh mà không có vần là gạch ngói vậy”, “ Cũng trước thuật, nhưng văn thì viết ra còn thơ thì ngâm thành” (Đồng nhất trước thuật, văn viết tác, thi viết ngâm).
           Một bài thơ mà chữ “đứng trên giấy” đòi hỏi nhà thơ phải có cá tính, phong cách. Viên Mai tâm niệm, nhà thơ muốn có phong cách, muốn tránh tình trạng “không tìm đâu ra mình cả” trong sáng tác thì: “lúc thường không một phút nào được xa rời cổ nhân, lúc hạ bút thì không được lúc nào có mặt cổ nhân cả. Lúc thường có cổ nhân để học vấn được sâu sắc, lúc hạ bút vắng cổ nhân thì tâm thần mình mới xuất  hiện”.  Và ông nhấn mạnh, nhà thơ có phong cách là biết đề “cái Tôi” của mình vào thi phẩm: “Làm thơ thì cần có cái ta. Không có ta trong thơ thì thành ra lời phô diễn, góp nhặt hết cả của người”.
          Thơ có ta là thơ không chấp nhận lặp người và lặp lại mình: “ Phải lấy việc làm nảy ý mới, bỏ lời cũ làm hàng đầu”.  Viên Mai từng tự hào và dặn lòng khi viết thơ làm văn: “Tự lấy nước mùa thu rửa sạch đôi mắt. Một đời không chịu để người xưa lừa” (Song nhãn tự tương thu thuỳ tẩy. Nhất sinh bất thụ cổ nhân khi ). Nguyễn Du cũng vậy. Và đó là điều các nhà văn ngày nay tâm niệm: văn chương là sáng tạo, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp; nhà thơ sáng tạo bằng con mắt, lỗ tai, tâm hồn, trí tuệ, tài năng và bằng cá tính của chính mình.
          Trên đây là những suy nghĩ bước đầu về Nguyễn Du và Viên Mai qua quan niệm về nhà thơ. Nhưng dù sao người viết vẫn có thể khẳng định rằng, một khi những ai nặng lòng với văn chương và một đời nguyện sống cho văn chương thì dù cách xa thời gian, ngăn trở vạn nẻo đường; họ vẫn gặp nhau. Họ vẫn lưu lại với đời bằng “thốn tâm thiên cổ”. Nguyễn Du Và Viên Mai là một trong những trường hợp tiêu biểu chăng?
                                              Hoàng Dục
                                               11 - 2002    


[1] Trương Đình Chi dịch, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2002.

4 nhận xét:

  1. Bài viết của thầy hay quá. Học sinh chuyên Văn chúng em lại có thêm một tư liệu bổ ích. Thầy có facebook không ạ? Mong thầy chia sẻ để chúng em học hỏi thêm ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời khen của em. Đây là những chuyên đề thầy biên soạn để dạy bồi dưỡng. FB của thầy là duc hoang.

      Xóa
  2. Em cảm ơn thầy nhiều lắm ạ, em đã theo dõi blog từ những bài đầu lúc em còn khá nhỏ, giờ em học đội tuyển em quay lại tim mấy bài hay của thầy ��

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em. Mong em tìm được những điều bổ ích.

      Xóa