Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

123. TIỄN THẦY NHỜ CHUYẾN ĐÒ THƠ


- Tưởng niệm thầy Trần Đình Quân
- Thân tặng các bạn chs PCT 64-71  
 
Những ngày tháng cũ ở Phan Châu Trinh, tôi chưa một lần được nghe thầy Trần Đình Quân đọc văn, bình văn trong khuôn khổ lớp học. Bởi tôi học ban B. Mặc dù vậy, từ những ngày ấy cho đến bây giờ tôi vẫn giữ những ấn tượng đẹp về thầy. Thầy Trần Đình Quân

là một nhạc sĩ du ca một thời làm nức lòng thế hệ chúng tôi. Thầy Trần Đình Quân, một người thầy dạy văn ban C được các bạn cùng khóa 64-71 của tôi yêu kính và ngưỡng mộ, đã lây lan qua tôi những tình cảm đẹp ấy. Thầy Trần Đình Quân của những đêm văn nghệ trường Trung học Phan Châu Trinh. Thầy Trần Đình Quân, một thầy giáo - nghệ sĩ đã đem tâm hồn và tài năng, lấy tình yêu quê hương và tình yêu cái đẹp của mình mà phổ vào khúc hát “Khúc tình ca xứ Huế” từ thuở còn rất trẻ. Khúc ca mãi đi cùng năm tháng, và mãi bện chặt vào lòng người yêu nhạc, yêu quê muôn đời. Riêng với tôi, bài hát ấy đã thức dậy trong tôi nỗi nhớ quê nhà mà tôi đã bỏ lại sau lưng thời tuổi nhỏ, khúc hát ấy đã làm đà nâng tâm hồn tôi lên cao, cao mãi trong khoảng trời yêu thương đầy tràn lãng mạn… Cho đến bây giờ, lời ca của người thầy - nghệ sĩ ấy vẫn vang vọng trong tôi:
Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao
Bên ven sông còn nguyên màu hoa chiều nao
Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu
Xa nhau lòng thương nhớ mãi về đẹp lòng nhau
Và hôm nay,  ca từ và giai điệu ấy lại chập vào thơ Trần Huyền Thoại, bài thơ Nẻo hạc chân mây, người học trò ban C của thầy, cựu học sinh Phan Châu Trinh 64-71, viết để “Kính dâng Thầy Trần Đình Quân như một nén nhang tiễn chân” thầy, cùng ngân nga trong lòng tôi. Ấn tượng về thầy càng rõ nét hơn và đã trở thành niềm xúc cảm dạt dào trong hồn tôi.  
Đọc xong bài thơ của Trần Huyền Thoại, tôi có cảm giác, lòng mình có hai nét tâm trạng trái chiều nhưng lại đang sống hòa thuận với nhau. Đó là nỗi ngậm ngùi trước sự đi xa của một người thầy cũ và của một con người. Đó là niềm bâng khuâng khó tả vì người thầy ấy đi xa nhưng không đi vào cõi lãng quên, người nghệ sĩ có tên Trần Đình Quân ấy đã về với “nẻo hạc chân mây” nhưng vẫn hằng hữu giữa cuộc đời này. Bởi nghệ thuật không chấp nhận quy luật băng hoại, nên nghệ sĩ cũng không chấp nhận “vang bóng một thời” (Nguyễn Tuân). Bởi người ta chỉ chết hẳn khi trên thế gian này chẳng còn ai nhớ đến con người ấy mà thôi. Cho nên tôi hiểu tại sao, Thoại dựa ý ca từ của thầy để tạo tứ cho khúc dạo đầu của thơ mình:   
Khúc hát xưa, như vó ngựa thồ,
Gõ giữa lòng khuya - giữa hư vô
"Đời chia xuôi ngược, người trăm ngã,
 Nên lỡ đành quên - chuyện nhớ thương” (1)
Qua khổ thơ, cửa ngõ mở lối đi vào cảm xúc của thơ không có “khúc Nam Bình buồn trên dòng đời xuôi ngược” để cho lữ khách “đành lãng quên bao nhớ thương”, hay đâu đây vọng về tiếng hát Giang Châu mơ hồ bảng lảng trên sông nước Hương giang ; mà khúc hát xưa như một cảm thức định mệnh, như  “một lời chia tay” (Trịnh Công Sơn) nói sớm, thể hiện tâm trạng buồn của một con người cô đơn trên hành trình giã từ cõi tạm để về với hư vô. Có lẽ là thế nên Thoại mới nghe khúc hát xưa như vó ngựa thồ, nhưng không gõ nhịp giữa dặm đời rong ruỗi mà  “gõ giữa lòng khuya  - giữa hư vô”. Con người cô đơn trong thơ như lạc nẻo giữa không gian mờ mịt, thời gian tịch mịch “nên lỡ đành quên - chuyện nhớ thương”.  Hay đúng hơn là “dựa lưng nỗi chết” mà xuôi tay cho bao nhớ thương trôi xa khỏi mình.
Khúc dạo đầu gợi hình ảnh người xưa đi về phía cát bụi và vang lên giọng điệu cảm thông xa xót của người làm thơ. Sang khổ thứ hai, thơ đã có sự chuyển giọng. Giọng thơ  khẽ vang lên điệu buồn qua câu hỏi đượm màu tâm trạng luyến níu của người đi.
Đã dặn lòng, qua mấy nhánh sông.
Người đi theo tiếng gió phiêu bồng,
vườn dâu ngày trước non màu lá
bến cũ phù sa ai nhớ trông?
Những câu thơ là lời tự nhủ của người đi. Dẫu “qua mấy nhánh sông” thì sẽ đi “theo tiếng gió phiêu bồng”, không ngoái lại vườn xưa, bến cũ để lòng vướng bận nỗi buồn. Nhưng dù lòng “đã dặn” nhưng hồn trí vẫn hiện về câu hỏi lửng lơ: “Bến cũ phù sa ai nhớ trông?”.  Tôi không biết khi hạ bút viết hai câu thơ cuối của khổ này, Trần Huyền Thoại có nhớ đến những câu thơ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn không ?
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh xanh những mây ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
nhưng hình ảnh “vườn dâu ngày trước non màu lá”, hay “bến cũ phù sa”  gợi hình ảnh người đi trong thơ như một chinh phu, không phải ra vùng đạn lửa mà đi tìm hạnh phúc, ý nghĩa sự sống của đời mình. Có thể như thế, vì sống với mỗi một con người là ướm chân mình lên con đường đi tìm hạnh phúc, đi tìm sự hoàn thiện. Cuộc hành trình ấy không hề ngưng nghỉ. Con đường đời ấy không phải lúc nào chỉ có một mà rẽ thành nhiều nhánh chạy về nhiều hướng, thậm chí còn lắm gồ ghề, chông gai nữa. Cho nên,  sống, xét đến cùng, là một cuộc độc hành đi về cuối cái mút của sự sống, là sự vượt qua ranh giới của cõi tạm đến với cõi vô cùng ! Vì thế, Trần Huyền Thoại buông bắt tiếp vần thơ :
Một kiếp đời một thoáng mây trôi,
Nẻo trăng chút mộng loãng bên trời
Hạc lẩn sương thầm – đêm cô xứ
Cánh lã đường mây – đêm chia phôi
Giọng thơ mang màu sắc chiệm nghiệm, một chiêm nghiệm buồn, về thân phận hữu hạn của con người. Đời người chỉ là một kiếp phù vân, chỉ là “một thoáng mây trôi”. Đời người là chuyến đi dài tìm cái đẹp của sự sống dù cái đẹp ấy lắm lúc như “nẻo trăng chút mộng loãng bên trời”. Con người như cánh hạc thơ tìm về Thiên Thai, bởi sống là nỗi khao khát Bồng Lai, ở đó “hạc lẩn với người”, nhưng nào có gì đâu, chỉ gặp :
Hạc lẩn sương thầm – đêm cô xứ
Cánh lã đường mây – đêm chia phôi
Tìm đến cái đẹp thì cái đẹp loãng tan, tìm về Thiên Thai chỉ gặp “đêm cô xứ”, “đêm chia phôi”. Hình ảnh “đêm cô xứ”, “đêm chia phôi” có thể hiểu nhiều cách, đó có thể cô đơn giữa cõi người, cô đơn giữa xứ người trong ý “giữa mùa thu xứ họ”của Trần Huyền Thoại, hay đó có thể cô đơn “giữa lòng khuya – giữa hư vô” ;  đó là nỗi ám ảnh của ““Đời chia xuôi ngược, người trăm ngã”, hay đó là sự chia phôi của những người ở lại hạ giới với người “cỡi hạc về trời”,…  Đọc hai câu thơ cuối của khổ này, tôi không biết ý tứ của Thoại khi đặt chúng vào nghệ thuật đăng đối là thế nào ? Còn với tôi, hai câu thơ đối ngẫu nhưng không gợi ra cái đẹp hài hòa theo quan niệm mĩ học phương Đông, ngược lại tính cân xứng, đối nhau ấy gợi hình ảnh con người bị đóng khung trong nỗi cô đơn, cô đơn của đêm đời lắm mộng mị, lắm nẻo cách ngăn. Hay cho dù con người có vùng vẫy “Phá cô đơn ta hòa hơp với người” (Chế Lan Viên) trong khi sống thì lúc về với đất, “hạc lẩn sương thầm” vẫn là sự ra đi cô đơn nhất. Có lẽ ý tứ của Thoại là như thế chăng? Nếu không, Thoại sẽ không đẩy tứ thơ có ý nghĩa triết lí nhân sinh dài thêm ra, chập chùng thêm lên :
Trót thân bỉ ngạn - ngày ly cách.
Gởi hết trần ai - giấc mộng xanh,
Gởi đêm mất ngủ cay vầng mắt
Chẳng bắt tay nhau - cũng biệt hành!
Tôi thích mấy chữ “trót thân bỉ ngạn”. Khi con người cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc con người khởi đầu cuộc đi về với bờ kên kia đời rồi. Trong thơ hình ảnh con người ra đi của cái “ngày li cách” có vẻ thanh thản đến lạ. Người giã từ cõi tạm rũ bỏ hết, gởi lại tất cả những “giấc mộng xanh”, những “đêm mất ngủ cay vầng mắt”, nhưng vui những buồn,… để về “nước non nghìn dặm thẳm”. Nhưng câu thơ này thì xót xa quá đỗi : “Chẳng bắt tay nhau - cũng biệt hành!”. Câu thơ chứa đựng một nghịch lí, nên cũng đong đầy tâm trạng đau thương của người ở lại, người đưa tiễn hay người viếng cũng thế. Bài thơ kết lại bằng nén hương lòng của người học trò cũ đối với người thầy đáng kính đã khuất của mình :
Nén nhang truy niệm ngày qui viễn
Và chút lòng riêng - ở cõi riêng
Thầy vẫn thầy xưa - em vẫn thế.
Trăm năm ai tránh khỏi ưu phiền…!
Có lẽ, tôi sẽ không bàn nhiều ở khổ này. Tôi trân trọng niềm riêng của Trần Huyền Thoại đối với hương hồn của thầy Trần Đình Quân : “Và chút lòng riêng - ở cõi riêng”. Đôi khi người cảm thơ cũng nên có những khoảnh khắc mà tâm thức như một thiền sư ngồi thiền, không gian im ắng, tạo vật lặng thinh, người cảm thơ quán tưởng thơ mới thật sự rung động, mới xua đi cái “u minh” của con chữ mà đạt đến sự diệu ngộ sáng láng của ý tình trong thơ. Tôi muốn im lặng lắm, nhưng tôi không thể, Tại sao ? Nhưng thôi, đành như Kim Thánh Thán (nhà phê bình văn học đời Thanh) bình thơ bình văn, chỉ lấy một chữ “tuyệt” đầy ấn tượng chủ nghĩa để bình văn mà gợi cho đời cảm thụ bao nhiều cái hay cái đẹp của văn chương. Nhưng tôi lại chỉ có tài mọn làm sao học Kim Thánh Thán được nên,… Có gì trong câu thơ này : “Thầy vẫn như xưa - em vẫn thế – Trăm năm ai tránh khỏi ưu phiền” mà xúc động lòng người đến thế ? Tình thầy trò vẹn nguyên theo thời gian chăng ? Nỗi đau cố nén mà nước mắt trào tuôn nên bao biện cho mình chăng ?
Nẻo hạc chân mây là một bài thơ viếng, thơ điếu của một học trò khóc thầy nhân ngày húy nhật của thầy mình. Khốc văn Nẻo hạc chân mây của Trần Huyền Thoại được viết bằng thể thơ thất ngôn, giọng điệu thơ trang trọng, lời thơ chuẩn mực khi sử dụng nhiều từ Hán - Việt, lối đối, cấu trúc ngữ pháp của dòng thơ có chêm xen thành phần giải thích, nên đã bộc lộ trọn vẹn niềm đau thương vô hạn và sự yêu kính rất mực của riêng Thoại và của chúng ta - những cựu học sinh Phan Châu Trinh khóa 1964-1971 nữa đối với Thầy Trần Đình Quân. Bài thơ cũng khẳng định, với một người thầy, người nghệ sĩ chân chính thì “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).
Và với tôi, dù không được học với thầy, nhưng tôi vẫn kính yêu thầy Trần Đình Quân, bởi thầy là một trong vị giám khảo cuộc thi sáng tác giữa trường Trung học Phan Châu Trinh và Nữ trung học Hồng Đức năm 1970, trong cuộc thi này tôi, một học sinh đệ nhị B2 đã đạt giải nhất với truyện ngắn “Giọt nắng cuối cùng”. Cho nên hôm nay, đọc bài thơ Nẻo hạc chân mây của Trần Huyền Thoại, tôi không chỉ vì mục đích thưởng thức văn chương mà quan trọng nhất, nhân ngày giỗ thầy, qua bài thơ của bạn, tôi muốn dâng lên thầy một nén tâm hương của người học trò xưa, từ cuộc thi mà thầy làm giám khảo, đã chọn con đường dạy học, dạy văn chương làm mục đích sống của mình.  
                                 Hoàng Dục
  

                               24-9-2011   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét