Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

125. ĐỌC THƠ ĐÀM THÙY DƯƠNG

Giở tập thơ viết tay của Thùy Dương, kí ức tôi như quay về và đang dừng lại ở thời điểm những ngày cuối tháng 5 năm 2006. Trong khung thời gian ấy, hình ảnh một cô học trò nhỏ thướt tha trong chiếc áo dài xanh màu thiên thanh đang đến bên tôi, tay cầm một  cuộn giấy màu xanh xinh xắn, cột dây hồng có nơ thật tinh xảo, trên môi em nở nụ cười buồn : mùa hạ cuối rồi, em kính tặng thầy tập thơ nhỏ của em...
Tôi nhận tập thơ, rồi cám ơn cô học trò của tôi. Đây là lần đầu tiên sau bao năm dạy học, tôi mới được nhận một tặng phẩm đáng yêu như thế này. Tôi cẩn thận mở quà tặng tâm hồn của Thùy Dương. Trước mắt tôi là tập thơ mỏng, bìa màu xanh, có tựa đề: “…tặng người yêu thương”, không phải chữ in mà chữ do em viết. Trang bìa được trình bày: phía trên là hình vẽ hai con người sánh bước bên nhau dưới mưa ngâu và phía dưới là lời đề tặng rất chân thật của tác giả. Lật từng trang, mười ba bài thơ từng bài từng bài lần lượt đập vào mắt tôi, rồi thẩm thấu vào tâm hồn tôi. Tôi có cảm giác trên tay tôi không còn là tập thơ nữa mà là một tấm lòng yêu thương. Những câu chữ trong từng bài thơ không vô tri, vô giác  mà đó là thế giới tâm hồn của cô học trò nhỏ, một thế giới sóng sánh tình cảm thầy trò, bè bạn một thời trung học của em.


Ba năm thầy trò gắn bó dưới mái trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, tôi biết đằng sau cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh ấy  ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm, một niềm đam mê sáng tác văn chương. Ba năm cùng quây quần với bạn bè trong lớp chuyên văn, Thùy Dương vẫn học tốt và vẫn âm thầm sáng tác thơ ca. Em sáng tác rất đều tay. Tác phẩm của em có lẽ rất nhiều, nhưng trong tập thơ này em chỉ chọn đăng 13 bài, với hai đề tài: tình thầy trò và tình bạn học. Con số 13 bài hẳn cũng có hàm ý của riêng em ? Tôi không muốn chạm vào cõi riêng đấy của em. Tôi chỉ muốn cùng em bước vào không gian trường lớp để nghe lòng tôi trào dâng bao cảm xúc.Lật trang nhất, cảm xúc đầu tiên dào lên trong tâm hồn tôi khi đọc bài thơ “Thơ cho thầy”, em đăng là như một lời đề tặng, như một lời thưa, hay như là một lời tri ân.
Bài thơ con viết tặng thầy
Mất ba năm mới thành lời được
Năm thứ nhất
   năm thứ hai
      đến tận bây giờ, con vẫn sợ mình…
         bỏ sót những yêu thương
Lời giãi bày tâm tình sao mà khó nói đến thế, phải “mất ba năm mới thành lời được”. Phải chăng tâm tình dành cho người thầy không thể viết bằng ngôn từ đãi bôi, mà phải diễn đạt bằng tiếng nói thật thà của một tình cảm biết trân quý những gì mình yêu thương nhất. Nói cho đúng sự thật tâm hồn, giãi bày cho trọn vẹn sự yêu thương quả không hề đơn giản chút nào!  Ba năm mới nói thành lời vậy mà em vẫn “sợ mình… bỏ sót những yêu thương”. Câu thơ giản dị nhưng chân thành và thiết tha rất đỗi. Đã thế làm sao em lo có thể bỏ sót yêu thương được. Em không bỏ sót. Em đã thăng hoa tôi trong tình cảm của em. Cám ơn cô học trò “loi choi” của tôi. Cám ơn em vì em đã cho tôi một cách nhìn lại tôi. Người thầy là người đem ân tình mà chắt chiu trong bụi phấn và biến bụi phấn thành men say. Rồi đem ân tình đó mà tưới tẩm lên mảnh đất tâm hồn khát khao được yêu thương, được học tập để nên người và làm người của học trò:
Chén hồ trường nghiêng nghiêng
      rót hoài không cạn
Những mảnh hồn khô hạn
      đã có những ân tình. Thầy một đời chiu chắt
                       bụi phấn
                                  men say…
Với em, tôi là như thế. Nhưng em ơi, tôi cũng chỉ là một con người. Người thầy trong tôi hẳn cũng không hoàn hảo. Tôi chỉ xin nhận ở em tấm lòng vẫn giữ nguyên vẹn những ngày xanh:
Dẫu mong chờ…
    thì thưa Thầy. Tất cả rồi xưa
Đâu chỉ Diễm, cả con và thầy nữa
Thời gian vô tình nhưng con tin
    thời gian không làm cũ…
Ngày xanh !
Và tôi cũng thế, tôi sẽ nâng niu mãi ngày xanh, màu sắc tuổi trẻ của em, màu chiếc áo thiên thanh biểu trưng cho trường chuyên, màu yêu thương, màu kỉ niệm, màu “kí ức xanh” trong tôi và em.

Ảnh chộp được trên faceook

Lật trang  5, tâm hồn tôi cũng thấm đẫm nỗi buồn khi thấy em đau đớn “Tiễn thầy” Phan Minh Hùng, người thầy dạy toán của em ở cấp II về với cõi vĩnh hằng.
Con tiễn thầy
Buổi chiều - nắng đẹp như thơ
Đạp chân lên thời gian
Tháng tám, xác phượng tàn
Họ đưa thầy về nơi ấy
Trước sự ra đi của một con người, ai lại không nghe lòng mình dậy lên nỗi bi thương. Riêng với em, đây không chỉ là một con người mà là một người thầy em yêu quý, nên đau thương như nhân lên gấp bội. Mà một khi đau thương đã tràn bờ thì thơ làm sao tránh khỏi bối rối. Cái bối rối thơ ấy biểu hiện ở cảm xúc thời gian: buổi chiều và tháng tám. Buổi chiều trong những vẫn thơ chia tay bao giờ cũng nhuộm màu buồn, màu hoàng hôn, nhưng với em, buổi chiều vĩnh biệt lại có gam màu “nắng đẹp như thơ”. Những con người tiễn thầy Minh Hùng đang “đạp chân lên thời gian” “tháng tám, xác phượng tàn”. Trong tâm thức của người học trò, người thầy dạy toán chỉ “về nơi ấy”, một không gian phiếm chỉ. Người thầy đang bước đi trên con đường thời gian, giã từ thời gian trần tục bước vào cõi thời gian tiên giới, một cõi thơ. Và ai đang đi trên con đường thời gian thì vẫn đang trên hành trình sự sống. Hiểu như thế mới thấy, trong kí ức Thùy Dương, thầy Phan Minh Hùng của riêng em vẫn chưa hề đi xa. Chỉ có “tiếng ve muôn đời ngơ ngác - Bào mòn chiếc cặp thầy ôm” hay   “Gió hắt cổng trường - Che tiếng thở thời gian”, còn Thùy Dương thì:
Con lấy trộm mảnh kí ức không tròn
Khe khẽ thôi, đặt nó vào lòng đất
Con dặn mình - vì ngày xưa - đừng khóc
Vì ngày xưa của con
Mãi ở đó. Cùng thầy…
Bài thơ có cái kết thật cảm động. Cái kết đọng lại ở thời gian “ngày xưa của con” đã biểu đạt tấm lòng của một người học trò biết sống tinh nghĩa, sống đúng với đạo lí làm người.
Những trang thơ khác lại mở ra trươc mắt tôi. Lần lượt những bài thơ “Gởi lại ngày xưa”, “Cùng nhịp đập”, “Trưa cuối hạ”, “Hạ cuối”, “Hạc giấy”, “Để mùa đông trôi”, “Có khi nào”, “Miên man Mười Một”, “Lần thứ hai…”, “Biết là hè sang…” và “Thời ngọt dịu” như những lớp sóng cảm xúc vỗ vào tâm hồn tôi, làm ùa về bao nhiêu là kỉ niệm về lớp chuyên văn 12/7, về những học trò của tôi, và đó cũng là bạn học của Thùy Dương.
Những bài thơ bộc lộ cảm xúc về thời áo xanh - đồng phục của trường chuyên - về trường lớp, về bạn học đã trở thành “Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh” (Bùi Giáng) của Thùy Dương. Điều đáng nói ở đây là những bài thơ trên được viết từ năm 2004 đến 2006, khi cô học trò làm thơ chưa chia xa mái trường trung học. Vậy mà những vần thơ lại mang màu sắc chia li, thể hiện một tâm hồn đa sầu đang dự cảm về cuộc giã từ sắp đến. Nếu không có tâm hồn đa cảm, nhạy bén với thờ gian chảy trôi hẳn sẽ có những vần thơ như thế. Tháng 3 năm 2004, Thùy Dương đang học lớp mười một, vậy mà mùa hạ năm ấy đã là “Hạ cuối”. Trong thơ, tôi hồ nghi cô học trò ngơ ngác trước mùa chia tay của lớp đàn anh đàn chị, nên “thương vay”, lấy nỗi niềm của người mà vận vào mình:
Hạ cuối cùng rồi còn lại những ai
Ai còn lại xin nhặt giùm kỉ niệm
Một chút ghét một chút hờn đánh mất
Nhặt tiếng cười và ép nó vào tim
Để rồi tưởng như mình đang đứng giữa mùa hạ cuối ngậm ngùi chứng kiến những gì đẹp nhất của tuổi học trò theo mùa mà bay đi. Từ đấy, tâm tư lơ lửng ước mơ:
Sẽ không còn một thuở áo dài bay
Xanh xao xuyến khoảng trời riêng quá khứ
Ngôi trường cũ, bạn bè, thầy cô cũ
Hạ cuối cùng. Thôi đừng đến, giá như…
Ở bài thơ “Có khi nào” cũng thế. Bài thơ viết vào tháng 2-2004,  thời điểm của hiện tại nhưng đã trở thành quá khứ. Trong màu hư thực của thời gian đó, cô học trò yêu thơ tự hỏi lòng: “Có khi nào về với những ngày xưa”, “Có khi nào nuối tiếc hôm qua”, để rồi như thấy sự mòn mỏi đợi chờ của trường xưa: “Kìa trường cũ ! Trường chờ ai mòn mỏi - Muốn tan mình vào nắng của hôm qua”. Và rồi muốn “Gởi lại ngày xưa”  nơi này những kỉ niệm học trò thật đáng yêu:
Tháng năm này ta gởi lại cho ai
Đường đến lớp dài sao bằng nỗi nhớ
Ngăn bàn cũ chở sao đầy bồng bột
Chứa sao vừa ? Một thuở – nắng và mưa
Một tâm hồn chưa giã từ ngày xưa mà đã nhớ ngày xưa thì làm sao không nâng niu tình bạn cùng lớp. Trong thơ, Thùy Dương đã ghi lại những khoảnh khắc bên nhau với bạn bè thật giản dị nhưng cũng thật thấm thía tình cảm. Những ngày ở lại dùng cơm trưa cùng đội tuyển văn, hay những buổi chiều dạy bồi dưỡng đến lớp sớm, tôi đều thấy các em nữ kê bàn lại, nằm nghỉ trưa để chiều học thể dục hay học bồi dưỡng. Với tôi đó là một cảnh tượng chưa vui, nhưng với Thùy Dương thì thật ấm nồng tình bạn:     
Trưa nay
Vẫn tiếng thở đều
Vẫn chiếc bàn nghiêng
Vẫn tóc xõa dài chạm vào đáy mắt
Vẫn bạn và ta
     trong giấc mơ rụt rè nhuộm sắc trời cho áo
                         (Trưa cuối hạ)
Hay:
Giấc trưa nào
    ta bạn đắp chung chăn
        hai mái đầu kê chung một gối
Tóc bạn thơm
    thơm tận những cơn mơ xa lắc ngọt ngào
                           (Cùng nhịp đập)
Càng ấm lòng hơn khi bạn bè cùng nhau quây quần sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống:
Ôm thật chặt bờ vai
Biết bao lần ta ngả đầu vào đó
Tìm bình yên
Vì ta biết
Bạn sẽ lau khô cả giọt nước mắt ta giấu trong lòng
                               (Cùng nhịp đập)
Cho nên làm sao quên được nhau, cho dù thời gian nghiệt ngã thế nào đi nữa. Hai mươi chín con người chung lớp 12/7, hai mươi chín con người cùng hít thở không khí trong cùng khuôn lớp  A101 ấy làm sao quên được nhau. Cho nên, tôi hiểu tại sao Thùy Dương nói như đùa mà lại rất thật:
Ghé vào vành môi
Nghe tiếng bạn ấm tròn như kẹo ngọt
     cái hắt xì
         rơi đâu giữa phố
              đủ để mình nhận ra nhau…
                                   (Cùng nhịp đập)        
Xin đừng hiểu cô học trò ấy nói quá sự thật. Chỉ những ai sống trong không khí tình cảm của thầy và trò, bạn học cùng nhau ở trường chuyên mới thấu cảm tâm tình này. Vì vậy, một thời trường chuyên và lớp 12/7 đã trở thành thời dịu ngọt của Thùy Dương.
Mùa rơi nhiều. Áo nhỏ thơm xanh
Sân trường vắng cuộn mình nắng hạ
Ngày quá nhớ. Đường dài đến lạ
Dấu buồn mười tám đậu hoen môi
                                     (Thời ngọt dịu)
Từ đó, tôi hiểu vì sao đang đi về với trường chuyên, đang sống giữa thân tình của bạn cùng lớp, Thùy Dương luôn cảm thức về sự chia li. Tâm hồn nhạy cảm của cô học trò làm thơ ấy luôn nơm nớp lo sợ phải đối diện với hạ cuối, với giờ chia tay.  Nhưng làm sao trốn chạy sự thật, trốn khỏi sự vây bủa của thời gian. Càng vùng vẫy thì càng bị trói chặt trong cái vô hình thời gian, nên đành ngậm ngùi cùng “đám ve ngu ngơ khóc trong màu lửa - Biết là hè sang”. Nhưng lại nhìn đâu cũng thấy tạo vật có tâm lí như mình, giằng co với thời gian:             
Ngày chia tay
Đường đến trường không có mưa bay
Hay mây cũng sợ yếu mềm
Nhòe khoảng trời xanh
                                (Biết là hè sang…)    
Sợ khung trời kỉ niệm phai màu xanh yêu thương cũ, nên đành:    
Xa xăm rồi tay thiếu bàn tay
Quên để nhớ một thời ngọt dịu
Dẫu chấp chới buồn qua bận bịu
Thu mình vào miền nhớ trong nhau…
                                   (Thời ngọt dịu)
Gấp tập thơ lại, tôi thấy mình cũng như Thùy Dương đã xa rồi cái “thời ngọt dịu” nên lòng tự nhủ lòng: thôi thì cứ “thu mình vào miền nhớ trong nhau…”. Và bài viết như là một chút yêu thương gửi đến các em 12/7 với niềm tin: "thời gian không làm cũ - Ngày xanh"!
                                                   Hoàng Dục
                                                    9-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét