Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

128. TRÔI THEO ĐỜI KIÊU BẠC VỚI NGUYỄN HÙNG KIỆN

Tìm mãi chả thấy bài này trên blog của mình. Thôi thì đăng lại để làm kỉ niệm. Ai đọc rồi thì đừng đọc, ai chưa đọc thì đọc chơi. Vui là chính mà !
Trôi theo đời kiêu bạc

            (Thân tặng Lê Quang Huy)

hãy đi tiếp con đường
vầng dương còn phía trước
bươn qua miền gió ngược
là đến bến bờ vui

hãy bỏ lại ngậm ngùi
sau lưng ngày tháng cũ
gieo tình xuân cuối vụ
mùa về cũng bội thu
 
hãy giũ bỏ thơ buồn
trôi theo đời kiêu bạt

     Nguyễn Hùng Kiện

Đọc bài thơ, nhan đề, đặc biệt chữ "kiêu" đã ám ảnh người đọc... Chữ "kiêu" này nguyên nghĩa là: tự cho mình hơn người, và cũng có thể cùng trường nghĩa với các từ: kiêu hùng, kiêu dũng, kiêu hãnh, kiêu bạc,... Còn "bạt" là làm cho trôi đi, dạt đi nơi khác. Nhưng mà bàn về từ ngữ làm chi Ngân ơi. Mình thú vị trước bài thơ "Trôi theo đời kiêu bạc" của Kiện. Người ta nói đọc thơ là nghe trộm tiếng lòng của tác giả, nên xin phép bạn hiền Hùng Kiện trò chuyện với Ngân một chút về bài thơ. Điều trước tiên, bài thơ về số lượng từ thật "khiêm tốn", một bài thơ nhỏ chỉ 10 dòng , viết theo thể năm chữ. Nhưng ai dám cả quyết rằng bài thơ nhỏ thì tình cũng bé. Một câu ca dao chỉ hai dòng lục bát mềm như lụa, mỏng manh như chiếc thuyền nan, nhưng nặng đầy tâm tình, khát vọng của người chân đất. Những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cũng gòn gọn thế thôi, nhưng đó là sự kết tinh để bừng nở bao nhiêu là xúc cảm, tư tưởng của nhà thơ. Hoặc như bài "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, xinh xinh và nho nhỏ, vậy mà cứ trải ra trước mắt ta một thân phận duyên tình dở dang, lại cháy lên trong hồn người đọc khát khao hạnh phúc rực hồng vĩnh hằng: Có phải duyên nhau thì thắm lại - Đừng xanh như lá bạc như vôi. Bài thơ của Kiện hình thức cũng giản dị mà chứa đựng cả một tấm lòng bè bạn. Lo cho bạn cuối đời tình vẫn ngoài tay với, rồi cô đơn đi về một thân. Cái quý là sự vỗ về, động viên của một tấm lòng dành cho một tấm lòng. Thì đây, cấu trúc ngôn từ là những câu cầu khiến mở đầu từng khổ thơ: hãy đi tiếp con đường,  hãy bỏ lại ngậm ngùi, hãy giũ bỏ thơ buồn. Cấu trúc lặp tạo độ nhấn của cảm xúc, khắc sâu hơn chữ tình bạn. Giọng điệu thơ ân cần hơn. Câu thơ như một lời nói, nhưng nhờ cấu trúc ấy mà rất thơ, mà dạt dào xúc cảm. Có lẽ cũng cần chú ý một chút thì thấy tứ thơ hướng về tương lai, cái miền hạnh phúc, cái bến bờ vui. Đó là cấu trúc tương phản về ý, về hình ảnh (vầng dương>< gió ngược, ngày tháng cũ>< tình xuân cuối vụ) trong từng khổ thơ, tương phản giữa xưa và nay, giữa cái hiện có và cái sẽ tìm đến. Đặc biệt, khổ cuối chỉ hai dòng thơ, nén đúc cảm xúc của toàn bài. Tình trong thơ vì thế mà chưng cất lại để tràn chảy láng lênh. Tuy vậy, mình vẫn ngờ ngợ một điều, nếu tựa đề và dòng kết khép lại bài thơ: trôi theo đời kiêu bạt mà thay chữ theo bằng chữ đi thì âm hưởng thơ mạnh hơn, phóng túng biết mấy. Thử đọc lại mà xem:
hãy giũ bỏ thơ buồn
trôi đi đời kiêu bạt
                              HOÀNG DỤC
                               29-1-2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét