Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

129. TA BỊ VƯỚNG TRONG CHÍNH HÀNH ĐỘNG CỦA TA

Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy mọi người xung quanh chẳng ai ngó ngàng đến bạn cả. Đấy là lúc bạn có quá nhiều thời gian để cảm xúc, cứ ngồi mà lan man nghĩ suy chứ không làm một việc gì cả. Rồi bạn có cảm giác mọi người đang sống với trái tim vô cảm, chẳng có một tí tình nghĩa gì cả. Bạn chán ngấy họ. Và bạn rơi vào
trạng thái buồn bực, khó chịu, thậm chí có thái độ ghẻ lạnh đáng sợ với mọi người quanh mình, thậm chí đối với những người thân nữa.
Thật ra đó chỉ là cảm giác. Con người ta luôn sống dựa vào cảm giác. Cảm giác là sự phán đoán về những gì đang diễn ra đối với mọi người, đối với mình. Từ cảm giác đó, người ta kiểm chứng bằng nhiều phương thức, phương tiện khác nhau để rồi ứng xử hợp lí hơn. Tuy nhiên, đôi khi con người lại quá tin vào cảm giác và cho rằng cảm giác của mình là điều có thật. Đó mới là vấn đề.
Thử đọc truyện ngắn dưới đây.
 
Truyện ngắn     ĐIỀU CHƯA NÓI
           Tất cả chúng ta đều bị vướng trong chính
                          những hành động của chúng ta.

Tờ đơn đăng kí dự thi đại học cũng đã được gởi đi. Nó nghe lòng mình nhoi nhói như là day dứt, ân hận. Không! Tại sao nó lại ân hận cơ chứ? Ai cũng ủng hộ sự lựa chọn của nó kia mà, cả thầy cũng vậy. Vậy thì tại sao nó cứ mãi tự dằn vặt mình mãi thế? Nhà thơ Đức, Schiller đã nói gì nhỉ? Hình như là “Hãy táo bạo mà lầm lạc, mà ước mơ đi”. Không! Chính bên trong tâm hồn của con bé mười tám tuổi đang tự nguyền rủa mình: “Mày thật vô ơn! Từ trước đến giờ mày chỉ là một đứa học trò vô ơn!”. “Có phải tất cả chúng ta đều bị vướng trong chính những hành động của chúng ta và chúng ta không thể đi ngược lại bản chất của mình. Có phải thế không, thầy ơi…!
…Nó phóng xe dọc theo con đường Bạch Đằng rồi thẳng xuống Nguyễn Tất Thành. Điều đó đã trở thành một quán tính. Hầu như lúc nào đi học về, nó cũng dạo một vòng trên những con đường quen thuộc như vậy. Gió biển thổi thốc vào người, hoàng hôn đã bắt đầu buông mình xuống, thành phố đã lên đèn đẹp như những đêm mơ vẫn hoài ôm mộng. Ừ ! Nó cũng là con bé mười tám tuổi rồi. Nó cũng mơ mộng nhiều, khát vọng nhiều, cũng có thể tự quyết định cho cuộc đời mình. Và nó cũng đã lựa chọn xong đấy thôi. Phải rồi, không phải là sư phạm sau này sẽ ra làm cô giáo. Ừ, không phải cái nghề bình lặng đó. Vậy mà nó phải tự đấu tranh với chính mình trong một thời gian dài để làm gì. Cũng vô ích thôi. Bởi cuối cùng nó chọn một ngôi trường, một công việc tương lai đầy thách thức như nó hằng mong muốn.
Tự dưng nó ước gì mình sẽ không bao giờ học văn với thầy và thầy cũng sẽ không bao giờ dạy một con bé học trò như nó. Nếu như vậy sẽ dễ dàng cho nó biết nhường nào…?
… Nó thường bảo, thầy dạy văn cho nó là số phận đấy. Phải người dạy văn cho nó chỉ có thể là thầy, không là ai khác. Đối với một con bé có cá tính như nó thì môn văn là một môn học không hấp dẫn tí nào. Ừ, thì nó cũng mơ mộng, cũng viễn vông thật; nhưng nó không yêu văn. Học văn ở trường lúc nào cũng phải gò bó trong một bài nhất định, phải sử dụng những kiến thức bắt buộc cụ thể cho những bài làm cụ thể. Nó ghét phải đi theo một khuôn mẫu như thế.
Rồi chẳng hiểu nó thích học văn với thầy từ khi nào và tại sao nữa.  Có lẽ mọi việc bắt đầu từ chính những câu nói đầy tâm huyết và rất thật của thầy:
“Là một người giáo viên, cái quan trọng là anh phải nhìn học trò dưới con mắt của một người đã từng là học trò. Nếu không chẳng bao giờ anh hiểu được học trò của anh suy nghĩ những gì?”
Có lẽ vì thế mà thầy hiểu tính nết của từng đứa học trò, cũng như thầy rất hiểu nó vậy. Lúc nào nó cũng tự hào mà nói với tụi bạn rằng : “Đứa nào hiểu được tao là người đặc biệt lắm đấy!”. Ừ! Thầy cũng là một người thầy giáo dạy văn rất đặc biệt. Thầy chẳng bao giờ quan tâm phải sử dụng những lời lẽ như thế nào, phải chuẩn bị giáo án ra sao? Cái mà chính thầy quan tâm là học sinh tiếp nhận ở góc độ nào, có cảm thấy hứng thú với giờ văn hay không? Đối với thầy, học sinh nào cũng như nhau. Thầy quan tâm đến mọi đối tượng của lớp học. Có lẽ cái thầy chú trọng không phải là đối tượng tiếp nhận mà là ở giá trị tiếp nhận. Thầy không chú trọng đấy là học sinh giỏi hay dở môn văn mà chíu trọng giá trị sau cùng của một giờ giảng văn của thầy, từng đối tượng tiếp nhận ra sao và tiếp nhận thế nào.
Phải, có lẽ vì thế mà nó thích học văn với thầy. Và nó cũng bắt đầu yêu văn thật đấy, chỉ có điều nó không cố gắng để quá đam mê môn học này mà thôi. Ngày nó thi thành phố, chẳng có giải, nó biết thầy buồn. Nó cũng buồn. Nó chẳng quan tâm giải, nó chỉ sợ thầy thất vọng về nó. Nó thật sự đã phụ công lao của thầy. Nhiều lần nó định nói lời xin lỗi với thầy biết bao… nhưng chẳng bao giờ nó nói.  Không phải nó hèn nhát mà nó không thể nói những lời như vậy… Không biết thầy có hiểu nó không! Nó mong sao thầy hiểu!
Rồi có những lần nó vấp ngã, và nó sụp đổ hoàn toàn. Nó không mạnh mẽ như nó tưởng. “Em cứ nghĩ là em mạnh mẽ lắm cơ đấy”. Nhiều lúc tưởng chừng như nó sẽ buông xuôi tất cả. “Không nghĩ mà phải tin là em mạnh mẽ”. Thầy nói vậy và nó cũng tin như vậy. Dù rằng nó rất khó khăn để bắt đầu lại từ đầu, rất khó…
… Và thầy đâu có biết nó cứ mãi day dứt ra sao, phải tự đấu tranh với chính mình thế nào khi điền vào tờ đơn đăng kí thi đại học. Ai bảo thầy nói, thầy chọn ngành sư phạm mà lạ sư phạm ngữ văn để nhớ ơn một người thầy của thầy. Ai bảo thầy kể rằng, học trò của thầy rất nhiều em đi theo nghiệp của thầy làm chi! Dường như đó cũng là điều thầy hằng mong muốn đối với học trò của thầy. Nhưng nó lại nói với thầy, nó ghét làm giáo viên. Nó cho rằng nghè giáo là nghề “nhận phận” quá, bình lặng quá, khuôn mẫu quá và… Nó thích những công việc đầy tính mạo hiểm, đầy những thách thức và sóng gió. Nhưng thầy đâu có biết là nó cũng muốn trở thành một cô giáo để đền ơn thầy biết bao nhiêu. Nó cũng mơ ước sau này sẽ truyền lại tất cả những gì thầy đã dạy nó cho học trò của mình… Và biết đâu nó cũng giống thầy được nhiều học trò yêu mến và kính trọng.
Nhưng nó không thể làm thế. Nó không đăng kí đại học sư phạm hay đại loại là ngành sư phạm. Nó sẽ thi vào trường đại học mà nó hằng mơ ước và sau này nó sẽ làm công việc mà nó cảm thấy thích thú. Nó không thể buộc mình vào trong khuôn khổ của nghề giáo được. Nhưng khi nộp đơn rồi, nó lại ân hận, lại tự dằn vặt mình. Nó có thể rút đơn và đăng kí lại lắm chứ; nhưng không bao giờ nó đủ tự tin để làm điều ấy. Vậy là cái ước muốn trả ơn cho thầy sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được. Nó thấy mình ích kỉ. Những đứa bạn tân biết chuyện lại cười nó. “Mày điên à, có thế mà cũng buồn. Không khéo sau này mày thành “ông to,bà lớn”, thầy lại chẳng vui hơn đấy chứ…”
Bạn bè nó không hiểu và cả thầy, thầy cũng sẽ không hiểu nó nghĩ gì. Nó chẳng bao giờ nói nên thầy cũng chẳng bao giờ biết.
… Gió từ biển lại thổi thốc vào mặt. Con đường rực sáng bởi những trụ đèn nối đuôi nhau xếp hàng thẳng tắp. Nó phóng xe đi mà lòng cứ tự rủa mình. Thầy mong muốn học sinh của thầy sau này làm giáo  viên, sẽ nối bước thầy, cái mong muốn đó giản dị đến vậy, tại sao nó ích kỉ quá! Ừ, thì thầy cũng phải có những học trò làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ. Nhưng với nó, nó muốn nó là người thực hiện tâm nguyện của thầy. Nhưng từ trước tới nay, nó đã bao giờ trả được ơn cho thầy và bây giờ và về sau… Nó nghĩ cũng có một lúc nào đó, một cơ hội nào đó. Ừ, mà không, nó sẽ đáp đền được công ơn của thầy, một khi nó bước vào đời sống và sống với tất cả giá trị thực của con người nó, của công việc làm của nó. Thầy ơi, thầy có hiểu không thầy?
Gió biển vẫn lành lạnh.
                                   Huyền Linh
                                  12C- 2004

Chủ đề của truyện ngắn “Điều chưa nói” thật rõ ràng, có lẽ cũng không nhiều lời về chủ đề đó làm gì. Vấn đề cần quan tâm là cô học trò trong truyện mãi dằn vặt mình vì cho rằng cô mang ơn mà không mảy may trả ơn cho thầy giáo của mình, bởi cô không đăng kí dự thi vào ngành sự phạm, không theo con đường mà bao học trò của người thầy ấy đã đi. Tâm trạng ấy là rất thực và cũng rất đáng trân trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, trong cuộc đời này, ai dám chắc rằng mình đã thật sự trả được ơn!
Cho nên, nhớ ngày xưa, mẹ tôi thường dặn: “Đừng mang công mắc nợ ai cả nếu thấy không thật sự phải như thế. Đặc biệt là nợ ân tình thì càng tránh, vì khó trả cho xong…”. Tôi thường nghĩ về lời dặn này của mẹ tôi. Nhưng tôi không thể thực hiện được một cách tốt nhất vì sống là tạo lập biết bao mối quan hệ chằng chịt. Những mối quan hệ đó ràng rịt tôi nhưng đã làm nên cuộc đời của tôi. Chỉ có điều tôi cố gắng ứng xử với từng mối quan hệ sao cho văn hóa nhất, tình nghĩa nhất. Nói như vậy không phải khi nào tôi cũng thực hiện được điều tôi muốn. Lắm lúc, nhiều khi, tôi đã sai, đã ứng xử như một kẻ thiếu văn hóa, một kẻ vong ơn. Bởi xét cho cùng tôi cũng chỉ là một con người. Và cũng bởi xét đến cùng sống là cả một quá trình chịu ơn, nên trả ơn có nhiều mức độ khác nhau. Thấp nhất là lời cám ơn, cao hơn là hành động cụ thể thiết thực của người mang ơn dành cho người làm ơn, và cao hơn nữa là biết sống có ích với cuộc đời, với cộng đồng.
Cũng có thể bạn băn khoăn, người làm ơn chẳng bao giờ mong cầu sự trả ơn; hoặc không phải khi nào cũng “ân phải trả, oán phải đền”. Bởi có kẻ làm ơn một cách vô tư nhưng cũng có kẻ vụ lợi. Cho nên tùy theo đó mà bạn nhận ơn và có cách trả ơn riêng. Tôi cũng nghĩ như thế. Cuộc sống rất phong phú nhưng cũng đầy phức tạp, không ai có thể tự hào mình đã sống thật hoàn hảo cả. Nhưng con người sẽ  tiến đến sự hoàn hảo khi biết nói lời cám ơn và biết sống hết mình cho cộng đồng, như cô bé mười tám trong truyện ngắn "Điều chưa nói", phải không bạn của tôi!
                                                                                                    30-10-2011      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét