Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

135. NGÀY ẤY, CÁI NGÀY ẤY VỚI “HOA HÀM TIẾU”

Có việc cần lục lại những số Hoa Hàm Tiếu, tập san của Câu lạc bộ Văn học của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, mình thấy bài của nhà báo Phan Hoàng Phương viết về Hoa Hàm Tiếu, số đầu tiên rất đặc sắc. Vội vàng đọc lại bài viết, lòng mình dào lên một niềm xúc động khó tả.
Ngày ấy, cái ngày ấy của tháng 12 năm 1995, mình với tư cách là Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn và thầy Lê Quang Đức, giáo viên của tổ, hai anh em đã cùng hợp tác để thành lập Câu lạc bộ Văn học của trường, đồng thời tổ chức xuất bản tập san Hoa Hàm Tiếu của Câu lạc bộ. Mình là người chịu trách nhiệm tài chính, nội dung và biên tập; thầy Lê Quang Đức chịu trách nhiệm bài vở, biên tập, in ấn và phát hành.
Ngày ấy, cái ngày ấy, trường tọa lạc ở đường Lê Lợi, còn rất khó khăn. Muốn có kinh phí in ấn mình phải mượn tài vụ theo phương thức số nào ra, bán và trả lại vốn số đó cho tài vụ, cứ thế mượn rồi trả, rồi mượn…Nhưng mọi chuyện đâu suôn sẻ như thế. Làm văn nghệ chân chính mấy ai kiếm chát được chút gì, huống hồ làm “văn chơi” (Tản Đà) như mình với thầy Đức. Mà thôi, có chơi thì có chịu, chơi thì phải chịu chơi dù phải chơi chịu đi nữa. Nói thế thôi, nếu tính toán chi li thì bán sẽ có lời, lúc đó trả lại vốn, lời đầu tư tiếp cho số báo sau cũng sẽ ổn. Thế nhưng, số báo nào ra cũng lỗ không ít thì nhiều; bởi khâu biếu tặng hơi nhiều và quản lí chưa tốt nữa. Cũng may khâu thiết kế mĩ thuật, anh La Thanh Hiền giúp là chính, nên cũng đỡ phần nào, không đến nỗi sạt nghiệp. Nợ nần, thế là mình và thầy Lê Quang Đức phải è lưng ra mà trả. Đến bây giờ nhớ lại mà buồn cười. Không biết với đồng lương giáo viên ít ỏi, cả hai lấy đâu ra mà bù cũng là tài ?
Nhưng ngày ấy, cái ngày ấy vui lắm! Các em học sinh cọng tác rất tích cực, từ việc gởi bài đến việc phát hành. Còn nhớ các em, mỗi em ôm một tập báo đi bán trong trường, sang các trường bạn. Vui như hội. Các em cứ như con thoi, mệt mà mặt em nào cũng sáng, cũng tươi. Và nhớ nhất là gặp dịp tập quân sự cuối năm ở sân Quân khu V, báo vừa ra còn thơm mùi mực, trong giờ tập thì thôi, nhưng nghỉ giải lao, các em trong Câu lạc bộ mồ hôi ròng ròng lại lăn xăn giở nghề bán buôn tíu ta tít đến cảm động.
Bây giờ, ngày ấy, cái ngày ấy mãi trở thành kỉ niệm đẹp của các thành viên trong Câu lạc bộ Văn học của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Chính vì vậy, bài viết của nhà báo Phan Hoàng Phương : “Những nụ Hoa Hàm Tiếu” đăng ở Quảng Nam Đà Nẵng cuối tuần số 2937, ngày 24/12/1995, đã làm sống dậy trong lòng mình ngày ấy, cái ngày ấy đáng yêu về Lê Quang Đức, về những thế hệ ngòi bút học trò như : Lữ Lâm Uyên, Nguyễn Thành Hưng, Dương Trần Bảo, Đào Thị Dung, Trần Thị Thiên Vân, Nguyễn Thị Thái Vân, Thanh Nga, Nguyễn Thị Phương Dung, Bùi Ngọc Thoan, Trương Khánh Chi, Nguyễn Hữu Trâm Anh, Hoàng Thục Nhi, Trần Thị Thùy Dung, Hòa Liên, Lê Trung Kiên, Nguyễn Đình Vỹ, Trần Thị Ngọc Sương, Nguyễn Thị Nam Giao, Nguyễn Thị Cung Mi, Nguyễn Phương Khánh, Nguyễn Quang Phú, Nguyễn Huyền Linh, Võ Thu Thảo, Trương Thị Thu Hương, Lưu Thị Phương Linh, Võ Hà Quỳnh, Chi Giao, Phan Thảo Nhi, Phạm Thị Hồng Phúc, Trà Hoa Nữ, Nguyễn Thị Quỳnh Linh, Đàm Thùy Dương, Đặng Ngọc Việt Anh, Lê Ngọc Phương Uyên, Trần Thị Túy Loan, Nguyễn Thị Bình Yên, Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Ana, Vĩnh Phong (THPT Phan Châu Trinh), Lê Ngọc Nhiên Hà (THCS Nguyễn Khuyến), Phan Trần Nhã Thi (THPT Hoàng Hoa Thám), …
Ngày ấy, cái ngày ấy mãi là NHỮNG NỤ HOA HÀM TIẾU (*) khó phôi pha…
                                                  
                                                                    
       Từ những con đường mùa thu, từ cơn mưa chìm trắng mây giăng nơi phố cổ, từ một cơn giông mùa đông, hay làn sương mỏng mảnh trên sóng nước sông Hàn, từ những nghĩ suy đã mấp mé chạm đến bờ cuộc sống… tất cả đã được ghi vào trong nét bút học trò, trong tập san đầu tiên mang một tựa đề đầy vẻ khiêm nhường: Hoa Hàm Tiếu của Câu lạc bộ Văn học Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn.
Cầm tập san bé bỏng trên tay, lật trang này rồi với mắt sang phía trang kia, tôi khó xua được cái cảm giác rằng, tuổi học trò bây giờ già dặn quá, khôn lớn quá, vừa xúc cảm mãnh liệt đó, nhưng cũng vừa bưng kín đến đột ngột. Ai có thể nghĩ rằng, một cô nữ sinh lớp 10 lại có thể khắc họa sự cô đơn  bằng những câu tưởng chừng như cô không còn có thể hồn nhiên được nữa :
                Gói trọn trời xuân
                Vào vành nón rách
                Đợi khi nào
                Mây tạnh, gió hòa
                Đời yên ổn
                Giở ra xem
                    (Cô đơn – Đào Thị Dung)
Trái đất nhỏ bé và cô đơn làm sao. Mỗi người đơn độc sống cái sống của mình và chết cái chết của mình. Sự trống vắng tràn đến trong bất cứ khoảnh khắc nào trong đời của một con người. Và trong cái trạng thái phải đơn độc chịu đựng này, con người vẫn mong có một ngày “Mưa thuận, gió hòa”, quay đầu lại và ngoái nhìn tất cả. Lớp 10, có nghĩa là cô bé này chỉ mới qua cái tuổi quàng khăn đỏ khoảng vài tháng, thế mà…
Và đây nữa, Nguyễn Mỹ Linh (cũng một cô bé lớp 10) khi hướng về phía biển, cô lại không hướng về một chân trời khác, bắt đầu một sự mộng mơ, một niềm khao khát, một sự tràn bờ nào khác. Cô hướng lòng mình về phía mẹ. Chỉ ít phút trước thôi, cô bé còn :
                Say mê đùa cát
                Sóng vỗ về đôi bàn chân xinh
                Sóng thì thầm bên tai cô nho nhỏ
thế mà, không gian xanh ngắt của biển, sự dịu dàng bao dung của biển, sự nhẫn nại khôn cùng của biển đã làm cho cô bất chợt :
                Hát bài ca về người mẹ
                Và cô òa khóc…
Trong cuộc đời này, nếu ta không lắng nghe nhau, không nói với nhau một điều gì thì sự trống vắng và tĩnh lặng sẽ chiếm chỗ ở mọi nơi mọi lúc. Những trang viết đầu tay của các bạn Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn cũng không ngoài cái ao ước được chia sẻ, được trò chuyện, cũng không ngoài cái nỗi lo mơ hồ nào đó về một ngày :
                Hè về, lá khô rơi
                Nắng đỏ màu thân phơi
                Lá như hàng nước mắt
                Chiều bỏ quên phương trời
                        (Lá rơi – Lữ Lâm Uyên – lớp 12C)
“Khi mùa đông về” của Nguyễn Thành Hưng (lớp 12C) lại thủ thỉ kể cho ta nghe về một tình bạn đẹp đẽ, in trọn trong kí ức. Mai sau, khi lớn khôn rồi, cho dù có trăm nghìn sự đổi thay nào đó thì sự hiện diện trong tâm tưởng về một tình bạn cũ sẽ làm cho chúng ta sực nhớ đến bao điều. Chỉ tiếc (và cũng có thể từ đấy, dự cảm một điều gì đó về tác giả), khi N.T.H đang nhớ về một :
                Chiếc áo ấm
                Đưa nhau qua mùa đông
                (…)
                Mùa đông về hong ấm nỗi nhớ nhau
thì lại hạ câu kết buồn như một tình bạn bị đẩy lùi vào chốn xa xôi lắm :
                Tôi cất gió trong tim
                Lạnh một thời kỉ niệm
Vẻ mạch lạc trôi chảy của Thùy Dung trong bài thơ “Mưa” và Trần Bảo trong bài “Mùa thu cho em” với gió heo may, với con chim nhạn, với dòng khe rì rào… dường như mang cái nét vẻ hồn nhiên và tươi trẻ nhất trong mảng thơ của Hoa Hàm Tiếu. Khác với thơ, những cây bút văn xuôi dường như vẫn còn thấp thoáng chút ngộ nghĩnh, gần gũi hơn, phổ biến hơn, và dễ cảm thông hơn. Thục Đoan (lớp 10C3) trong “Biên giới” diễn tả gọn băng cái cảm giác của một cô cậu học trò đang vượt qua sự dò xét ban đầu đầy thú vị. Cô bé : “Có đôi mắt to đen láy, một nét môi dưới bĩu ra kiêu kì và một cái đuôi gà ngúng nguẩy” cứ lừng lững hiện lên trước mắt cậu học trò, không cho cậu được quyền bình đẳng, được quyền trò chuyện. Cậu học trò chỉ còn có cách cố chứng minh mình là kẻ lớn trong mọi tình huống. Cuối cùng rồi cũng đến một ngày cả hai đều như cảm thấy có một điều gì đó đang lặng lẽ diễn ra… Giọng điệu của Thục Đoan mang đầy nét duyên con gái, nét duyên của cái tuổi trăng tròn. Có cảm giác rằng, tất cả những gì cô ghi được ở đây rồi sẽ vụt qua, rồi sẽ vụt biến mất như cái đường “biên giới” mong manh trong trang truyện…
Thiên Vân (lớp 11C) lại đưa đến cho người đọc một cảm giác xót thương thân phận. Có lẽ, cô bé đã có hàng trăm phút giây hòa mình vào cuộc đời kẻ khác. Bé Thu (trong “Chuyện bé Thu”) chỉ còn có một chỗ dựa duy nhất là người mẹ, người đã dành tất cả sức lực của mình để nuôi nấng Thu, mong Thu được nên người. Sắp vào năm học mới, Thu mong ước có một chiếc cặp mới để đến trường cùng chúng bạn. Thế nhưng, đến ngày khai trường : “Mẹ lại bỏ con một mình… Mẹ, với chiếc cặp mới trên tay đang lùi dần, xa dần, mặc cho Thu gào khản cổ : “Mẹ ơi… Mẹ ơi!””. Nếu Thiên Vân tạo cho người đọc trọn vẹn trong cảm giác xót thương thì Thái Vân (lớp 11C) với “Cửa thiên đàng” đã đưa người đọc vào một thế giới của truyện cổ tích. Ở đó, ước mơ, lòng kiên nhẫn, nỗi khao khát được gặp lại bà đã được đấng cao xanh chấp thuận : “… Cánh cửa thủy tinh bỗng mở toang. Thần giữ cửa nhấc bổng cô bé lên, đưa vào vầng hào quang chói lóa, lung linh ngũ sắc. Ở đó, bà đang chờ cô bé”.
                                                 *
                                             *     *
Trong giờ giải lao trên sân trường Lê Quý Đôn, những tốp học trò kết lại thành những nhóm, lúc thì lao xao như trăm nghìn tiếng sóng, lúc thì im bặt tiếng cười. Trong số họ có thể có Khánh Chi với một “Tháng Mười” “Phố đành xa như nỗi nhớ”; có thể có Trâm Anh “Tự giam mình trong hoang vắng – Xa lánh nơi ồn ào tranh cãi – Làm con đò neo trong nước biếc – Buổi xưa”; có thể có Thanh Nga đang “để hồn chu du trên những đám mây in hình hắn đang cười”. Và có thể từ nay trở về sau, “Hoa Hàm Tiếu” sẽ nói dùm họ được bao điều. Cả tình bạn trong trắng, cả tình yêu chớm đến, cả vạn vật đổi thay; cả cách nhìn, cách nghĩ của mình đối với một mảng đời trong cuộc sống. Đôi nét chấm phá một vài tác phẩm trong tập san đầu tiên, hi vọng nói lên được một điều rằng, có nói thế nào đi chăng nữa, thì sự bộc bạch lòng mình mãi mãi là một nhu cầu cần thiết của con người, cho dù ở lứa tuổi nào.
                    
                                            Phan Hoàng Phương

1 nhận xét:

  1. Thầy làm em nhớ Lê Quí Đôn quá! Em cũng có bài đăng trên báo, nhưng không nghe thầy nhắc tới...

    Trả lờiXóa