Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

139. ĐẶC SẢN SÀI GÒN


Sài Gòn là một thành phố năng động nhất Việt Nam, lâu nay người ta nói như thế và mình cũng không nghĩ gì hơn. Nhưng có đi rồi mới biết, có sống rồi mới hay, "trăm nghe không bằng mắt thấy". Mình đã đến Sài Gòn rất nhiều lần, và luôn luôn thấy một Sài Gòn náo nhiệt, ồn ào, và bụi bặm. Con người Sài Gòn luôn hối hả, tất
bật trong thời kinh tế thị trường. Nhưng lần nào vào đây mình cũng thấy lô cốt giữa đường, vẫn thấy triều cường, nước mấp mé hiên nhà. Nhớ có lần cùng học sinh xuống khu du lịch sinh thái Bình Quới, càng xuống gần khu du lịch, càng thấy nước dâng cao. Ngay ở khu du lịch dù có bờ bao, mực nước vẫn cao hơn mặt đất. Nhìn mà thấy ớn. 
Lần này vào dự đám cưới, hỏi mấy đứa cháu, sau hơn một năm, bác trở lại, Sài Gòn có gì mới?. Một đứa nhanh nhẩu, mới nhiều chứ bác, riêng chỉ có đặc sản Sài Gòn là không đổi. Sài Gòn vẫn giữ được đặc sản của mình. Hỏi bằng giọng ngạc nhiên, đặc sản gì mà bác không biết. Thằng cháu cười, kẹt xe, tắt đường đó bác. Đấy là đặc sản Sài Gòn đấy. Mình à lên vỡ lẽ. Hay gọi thế là hay!
Thật ra, nhưng năm trước đây, mình vẫn đã được nếm đặc sản này. Có điều vì đi công tác, hoặc theo đoàn dự thi Olympic 30 - 4, nên phải chọn lựa thời gian không tắt đường mà đi, do đó không được thứởng thức "hương vị" của món này. Lần này nghe thằng cháu nói, mình không "những văn kì thanh" mà còn "kiến kì hình" nữa.
Cái thấy của mình là vào những buổi chiều, khoảng 17 giờ, đi ăn cơm với bà xã và ông anh, phải lê từng bước một. Từ  khách sạn ở  đường Nguyễn Văn Đậu qua đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, phải mất khá nhiều thời gian để được ăn món cơm tấm.  Nếu pháp luật hay công an mà cấm người đi bộ lạn lách, đánh võng như cấm người đi xe máy, chắc mình sẽ bị phạt tơi bời. Muốn đi được, mình không thể không luồn rồng rắn, quẹo chỗ này, lách chỗ kia; bởi xe chật cả lòng đường, xe máy tràn lên cả lề đường nhỏ hẹp, thậm chí chạy sát các nhà bên phố nữa. Xe đang chạy thì mình dừng, xe dừng vì đèn đỏ thì mình đi. Cứ thế nhích nhích, lạn lạn... Chiều nào cũng thế. Thậm chí có chiều, cả nhà nổi hứng muốn đi bộ chơi, thằng cháu ngăn, không được đâu bác, đi thế nào được, thế là đành nằm nhà xem ti vi. Chán mớ đời. Vậy mà cũng gọi là đi Sài Gòn! 
Buồn quá, qua phòng ông anh nói chuyện phiếm. Lan man thế nào lại quay sang chủ đề tắt đường. Ông anh bảo, ở Đà Nẵng mình làm chi có chuyện này. Nghe ông anh nói mà mắc cười. MÌnh nói với ông anh, Đà Nẵng nhỏ xíu, chỉ là một quận của Sài Gòn thôi mà. Làm sao so sánh và tự hào được. Đà Nẵng đã có hiện tượng tắt đường, nghẽn giao thông ở một số đường, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Không thế, sao lại biến đường Lê Lợi, Nguyễn Chí Thanh thành đường một chiều. Và mình nghĩ, rồi không chóng thì chầy, Đà Nẵng sẽ dồn đống xe và người ở đường này đường kia như Sài Gòn thôi. Bởi dân số ngày càng đông, nhu cầu sắm xe riêng, đặc biệt là xe hơi ngày càng cao, đường sá thì cứ như cũ không chịu giãn nở gì cả. Ngay cả những con đường mới mở vẫn quá nhỏ hẹp so với tiêu chí, quy cách của một thành phố hiện đại! Cho nên niềm vui của anh cũng chỉ tạm thời thôi. 
Câu chuyện rôm rả rồi cũng tàn. Mọi người nghỉ ngơi để ngày mai tổ chức rước dâu tận Tây Ninh. Giấc ngủ sớm khiến mọi người không nhớ đặc sản Sài Gòn nữa.
Ba giờ sáng. Mọi người thức dậy, chuẩn bị đâu vào đó để 4 giờ 30 khởi hành. Xe bon bon, hơn hai tiếng là đến nhà gái. Việc tổ chức lễ vu quy, và rước dâu khoảng 40 phút. 8 giờ 20 rước dâu. Mọi người ai cũng hể hả, yên chí lễ diễn ra kế hoạch, khâu giờ giấc "vận trù" hoàn hảo. Xe khởi hành, những chiếc xe bốn chỗ, xe cô dâu bon bon chạy trước, các xe 24 chỗ ngồi chạy sau. Chẳng mấy chốc mà các xe bốn chỗ và xe cô dâu mất hút. Thế nhưng, ai cũng yên lòng, vì đã vào thành phố mà chỉ mới 10 giờ 10 thôi. Thế nhưng, có ai ngờ! Ở đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, hai xe 24 chỗ phải lăn bánh rồi ngừng, ngừng rồi nhích lên từng bánh. Thời gian cứ trôi. Đã 11 giờ 30 rồi mà vẫn chưa rẽ về Hoàng Hoa Thám, vào Nguyễn Văn Đậu, rồi đến Lê Trực được. Sốt cả ruột. 11 giờ 30 đón khách ở khách sạn Sa-phia mà. Thế này thì làm sao đây. Gọi cho chú em, cứ linh hoạt làm lễ trước, còn quà của bà con trao ở nhà hàng cũng được.,...
May sao ...
Ôi cái đặc sản Sài Gòn. Tất cả đều tính toán rất kĩ để "nuốt" món này rồi. Vậy mà vẫn... vẫn bị nghẹn.  Mà cũng lạ! Theo thằng cháu, Sài Gòn nhiều cái mới, sao món đặc sản này không hạn chế được mà ngày càng bành trướng đến thế. Lỗi tại đường, tại xe, tại người tham gia giao thông hay tại ai nữa. Nghĩ mà thấy mệt cả người.
Thôi, từ nay có ghé lại Sài Gòn nhớ chừa món đặc sản này.
"Từ nay tôi cạch đến già
Sài Gòn đặc sản thức quà khó ăn"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét