Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

155. CƯỜI HỞ MƯỜI CÁI RĂNG!

         Mấy hôm nay, báo giấy và báo mạng bàn khá nhiều về việc thu hồi cuốn sách : “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ Thành Phong do NXB Mĩ Thuật ấn hành, công ty Nhã Nam phát hành. Sách chọn lọc 120 câu “thành ngữ sành điệu”, lối nói cửa miệng của tuổi trẻ hiện nay, mỗi thành ngữ đều được họa sĩ Thành Phong minh họa
bằng một bức tranh. Theo Thành Phong, khi trao đổi với VnExpress : “Mục đích duy nhất của quyển sách là hướng tính hài hước, giải trí để góp phần làm giảm đi sự căng thẳng, đạo mạo vốn quá nhiều trong đời sống ngày nay”. Theo cơ quan có thẩm quyền : cuốn sách “có nội dung phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên”, “thiếu tính nhân văn”…, nhất là “ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt”…
         Thôi thì mình chẳng bàn gì đến chuyện thu hồi với những lí do lí trấu về việc đó. Mình cũng chẳng cần bàn về tranh mình họa của họa sĩ Thành Phong. Mình chỉ bàn về tâm lí của mình trước các "thành ngữ sành điệu" thôi. Mình cũng là một con người gồm đủ thất tình lục dục như mọi “động vật cấp cao” khác trong thế giới này, cho nên trước một sự việc lạ mình cũng hiếu kì quyết xem cho mãn nhãn, cho đã đời tính tò mò. Trước một cuốn sách bị cấm, phát hành rồi mà bị thu hồi, mình cũng bị cuốn hút muốn tìm mà đọc cho thỏa cơn khát tọc mạch. Cho nên, khi hay tin cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi, mình cũng đôn đáo, ngược xuôi tìm đọc. May sao anh google lại chứa đựng rất nhiều thông tin. Thế là dán mắt, chúi mũi vào đọc quên cả thời gian.
          Đọc xong, mình cảm thấy có gì đó rất thú vị. Chà, các cô cậu tuổi  trẻ bây giờ sành điệu hơn thời trẻ của mình nhiều. Họ ăn sành điệu, nhảy sành điệu, shopping sành điệu, nghe nhạc sành điệu, nói năng cũng rất rất sành điệu,… nếu không làm gì có cuốn sách sưu tầm và minh họa những “thành ngữ sành điệu” của họ ra đời. Kể ra họ sành điệu cũng đúng thôi. Bởi sành điệu là một chỉ dấu của thời đại mà. Mỗi thế hệ do tác động của môi trường sống, do sự phát triển của nhiều phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội mà có sự sành điệu riêng, mang dấu ấn của thời đại của họ sống. Hiểu như thế mới thấy, thế hệ mình lúc còn trẻ cũng có những biểu hiện sành điệu riêng, chỉ có điều không ai gọi tên là sành điệu thôi. Thế hệ mình vẫn có những tiếng lóng, có những thành ngữ như : “Sướng rên mé đìu hiu”, “Hết sẩy con cào cào”, “Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi tám”,… nhưng chỉ được sử dụng trong giao tiếp ngày thường có tính chất thân mật, suồng sả thôi, còn mấy ai dùng để tạo lập văn bản viết. Và rồi, theo thời gian, những tiếng lóng, thành ngữ thời đại ấy đã lùi vào dĩ vãng, chìm sâu vào lãng quên.
          Cho nên, xét về phương diện ngôn ngữ, những “thành ngữ cửa miệng” của họ “văng” vào trang sách của Thành Phong là chỉ dấu thời đại họ, thể hiện sự phát triển về ngôn ngữ, đáp ứng tâm lí nói năng, giải trí của họ chứ không phải của lứa tuổi khác. Vì vậy khi họ giao tiếp bằng lời, trong cách nói năng của họ với bạn bè cùng trang lứa có sự xuất hiện những thành ngữ như : “thất bại vì ngại thành công”, “chán như con gián”, “trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng”, “chảnh như con cá cảnh”, “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”, “một điều nhịn là chín điều nhục”,… thì với họ là tự nhiên, là “sành điệu”, còn với ta thì chói tai, phản cảm, nghe như “Trạch Văn Đoành” (Nam Cao). Để rồi từ đó ta cho rằng họ nhảm nhí, họ làm vẩn đục đi tiếng Việt, họ không có tính nhân văn. Giả sử ta đừng đội khăn đóng mặc áo dài, không lấy con mắt đạo đức khô cứng mà nghe, mà nhìn, mà đánh giá họ, ngược lại ta hòa nhập vào lối sống lứa tuổi họ hẳn sẽ thấu hiểu và thông cảm với họ chăng? Lúc bấy giờ những phát ngôn kia của ta chắc hẳn cũng tự ta sẽ “thu hồi” thôi.
          Viết đến đây, bỗng nhớ lại một thời, mình từng sợ học sinh của mình không giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, đem “chuôm, nè”  của ngôn ngữ “chát” thả vào trong bài viết của các em. Hóa ra, đó chỉ là lo hảo. Các em không đưa ngôn ngữ “chát” vào bài tập làm văn, không sử dụng khi phát biểu trong giờ học Văn. Các em vẫn ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ “chát” với ngôn ngữ nói và viết văn hóa sao cho đúng với văn cảnh, hoàn cảnh giao tiếp và đúng với phong cách ngôn ngữ của từng loại văn bản. Và cũng nhớ có lần tranh cãi với đồng nghiệp về ngôn ngữ “chát” với ngôn ngữ văn chương, ai cũng cho rằng nếu dùng ngôn ngữ “chát” trong giao tiếp hàng ngày thì không sao, nhưng trong văn chương thì hỏng. Thực ra lo lắng ấy cũng có lí, nhưng cũng cần thấy phong cách chức năng ngôn ngữ văn chương nó bao gồm những phong cach chức năng ngôn ngữ khác. Nếu người viết, để làm nổi bật tính cách của nhân vật, tái hiện lại một bối cảnh sinh hoạt nhất định của lứa tuổi, đã dùng ngôn ngữ “chát”, “thành ngữ sành điệu” trong cách nói năng của nhân vật thì không có gì sai cả. Lúc bấy giờ cũng chả làm mất đi sự trong sáng, tính nhân văn của tiếng Việt và tư tưởng của người phát ngôn, người viết văn.   
          Trở lại với “thành ngữ sành điệu” của các bạn trẻ, mình thấy cũng có chỗ thú vị. Những thành ngữ được họa sĩ Thành Phong sưu tập và mình họa đã phản ánh tâm lí nói năng vần điệu của người Việt, đúng loại hình và đặc điểm đa thanh điệu của tiếng ta. Bên cạnh những câu thuần giải trí vẫn có những câu có ý nghĩa phúng dụ, phản ánh hiện thực cuộc sống hiện đại nữa. Ví như : “Một con ngựa đau cả tàu ăn thêm cỏ” đã phản ánh thói vô cảm, lối sống vụ lợi, thực dụng của một số người trong xã hội. “Không mày đó thầy dạy ai” đã nói lên tính tự tôn, tự đề cao vai trò người thầy của những ai tự cho mình là "thầy" để rồi xem phụ huynh, học trò là kẻ hàm ơn, còn mình là kẻ ban ơn. Nhưng người thầy như thế chả thấy quan hệ hai chiều trong giáo dục! “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối” là bề ngoài, trước mặt thân thiện, nhưng bên trong, sau lưng thì tìm cách “cho nhau ăn bùn”, “Xấu nhưng biết phấn đấu” nghe chừng ngợi ca những cô gái nhan sắc không bắt mắt, những cô gái không thể mơ làm tiếp viên hàng không, hoa hậu, á hậu, không thể có mặt trong các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị,… nhưng biết làm đẹp, biết đem trí tuệ, tài năng của mình tạo nên một sự nghiệp riêng mình, biết giữ gìn phẩm chất, vẻ đẹp của người phụ nữ; đồng thời phê phán nhưng em nhan sắc trời cho, chân dài nhưng không biết phấn đấu giữ mình, lấy nhan sắc, vốn tự có của mình mà một bước xe hơi xịn, hai bước máy bay riêng,…



         Còn nhiều, còn nhiều câu ý nghĩa nữa. Càng đọc mình càng thấy vui và cười rất sảng khoái. Dễ gì mua được tiếng cười khi “một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Rồi lại nghĩ, ngày xưa cha ông mình thích nói ngược trong ca dao, hát ngược trong chèo như : “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa – Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình” (ca dao), hay “Ông bụt kia bẻ cổ con nai – Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây (…) Con vâm kia ấp trứng ba ba – Cưỡi con gà mà đi đánh giặc” (Chèo Kim Nham), tại sao hôm nay mình nghe nói ngược như "xấu nhưng kết cấu nó đẹp", "Thất bại vì ngại thành công",... lại cảm giác nhột tai. Và cũng nghĩ : mình đã cười trước "ca dạo cạo", "từ điển tra ngược", "ca dao thời hiện đại" đăng trên Tuổi trẻ cười" và một vài tờ báo khác, tại sao mình lại cau mặt với "thành ngữ sành điệu". Phải chăng mình không biết cười như “con bò cười” "đã đời ông địa"!
                                                                      Hoàng Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét