Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

179. MỘT TẤC LÒNG SAU CÂU CHỮ


            Kính tặng thầy tôi

      Nhiều khi ta tự hỏi, những câu ca dao này có gì đâu mà sống cùng năm tháng :
             Qua cầu ngả nón trông cầu
             Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.

      Cái cấu trúc lỏng lẻo của nó, biện pháp tu từ so sánh tạo nên sự xếp lớp cảm xúc "bao nhiêu... bấy nhiêu " ấy quen thuộc quá.
Chính vì thế, người xưa đã mượn cái vỏ hình thức cố định kia mà cài vào đó những hình ảnh khác, diễn tả một ý tình mới. Nhưng dù thế nào vẫn quá quen với người thưởng thức văn chương, quen đến nỗi ta có cảm giác câu ca ấy chỉ là cơn gió thoảng ngoài!
       Tuy thế, nếu để ý một chút, thì câu ca dao trên chỉ như nước chảy xuôi dòng với người này, lại tạo được cơn chấn động tâm hồn mãnh liệt đối với người kia. Tại sao thế ? Chẳng có gì khó hiểu. Mỗi câu ca dao, mỗi tác phẩm văn chương chân chính luôn có sức lan thấm trước hết là ở vẻ đẹp giản dị của nó. Hai nữa, tác phẩm ấy tự thân nó chứa đựng một sức sống, một tần số xúc cảm nội tại - một tần số thơ, mà đối với người này thì bắt được tần số đó, người nọ thì không. Ba nữa, mỗi tác phẩm văn chương được "chào đời" đều bắt nguồn từ một hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh cảm hứng riêng. Nếu người đọc không có cùng  hoặc không hiểu hoàn cảnh ra đời của nó thì vĩnh viễn đánh rơi nó vào cõi miền lãng quên.
      Nếu ta không là người phụ nữ đang sống trong cảnh tình phụ, tình xa, tình lỡ, tình đơn,... thì làm sao ngấm được cái buồn thấm trong câu chữ, trong hình ảnh thơ. Chiếc cầu thực với những nhịp của nó nối hai bờ không gian mở ra sự giao hòa sự sống. Những nhịp cầu thơ kia là những ẩn dụ nghệ thuật, là những nhịp duyên tình, nối đôi bờ tình yêu, để tâm hồn giao cảm với tâm hồn. Nhưng giao cảm đâu chẳng thấy, chỉ thấy một hồn đơn đang hóa thành hồn đau "dạ em sầu bấy nhiêu".
     Cũng như thế. Tôi tin rằng bài thơ sau đây đối với một số người sẽ rất quen thuộc, bởi họ cho rằng nó có mới mẻ gì đâu khi chỉ mang tư tưởng "vô vi" của Lão Trang, nếu họ không chú ý đến nhan đề và  chữ "THẦY" đặt trước tên tác giả.     
    
 TẶNG MAI CHÁNH TRÍ VỀ TRỜI

TRĂM NĂM MỘT CÕI VÔ THƯỜNG
CUỐI CÙNG CŨNG CHỈ CON ĐƯỜNG ĐÓ THÔI!
CÔNG DANH PHÚ QUÝ MẶC ĐỜI
TA THEO HẠC TRẮNG LÊN TRỜI LÃNG DU.........

                                       Thầy Trần Đại Tăng

      Nhan đề bài thơ chứa đựng hoàn cảnh cảm hứng, tức là hoàn cảnh kích mở xúc cảm thi cả, tạo thành dòng chảy thi tứ, hình thành bài thơ. Hoàn cảnh cảm hứng toát ra từ cái tên MAI CHÁNH TRÍ làm chủ ngữ và hai chữ "về trời" làm vị ngữ, chỉ con người mang cái tên ấy đã đi xa vạn dặm, đã về "bên kia núi đời", đã cưỡi "hạc vàng lên đàn tiên". Như thế, bài thơ ra đời từ nỗi xúc động sâu sắc của một con người trước sự vĩnh biệt cõi trần của một con người.
      Và với chữ "THẦY" đặt trước tên tác giả đã bộc lộ cụ thể cảm xúc, hoàn cảnh riêng trong quá trình sáng tác bài thơ. Chữ "THẦY" là một danh từ chỉ chức danh của tác giả trong nghề nghiệp dạy học đâu phải là bút danh. Vậy thì, chữ "THẦY" ấy hẳn có ý nghĩa riêng, có sắc thái biểu cảm riêng. Phải chăng chỉ mối quan hệ thầy trò giữa nhà thơ với người đã khuất. Đúng như thế, anh MAI CHÁNH TRÍ là một trong những học trò lớp đầu tiên trong sự nghiệp dạy học của nhà thơ TRẦN ĐẠI TĂNG. Mối quan hệ thầy trò mà lại tình thầy trò buổi đầu đời dạy học nữa nên càng gắn kết thiết thân. Tình cảm ấy ngày càng lớn lên theo năm tháng, cho nên trước sự "bỏ lại đằng sau ánh mắt nụ cười" để lãng du trong cõi vĩnh hằng của người học trò làm sao người thầy - nhà thơ ấy không đớn đau, không tuôn tràn cảm xúc thơ. Hiểu được tình cảm đó, ta mới thấy tác giả có lí khi không dùng chữ thông thường như "khóc", "điếu", "ai điếu", "viếng" mà dùng từ "TẶNG" trong đầu đề bài thơ. Với con mắt yêu thương, người thầy ấy chỉ xem người học trò đầu tiên của mình đang "theo hạc trắng lên trời lãng du..." mà thôi. Hay cũng có thể, người thầy sợ làm vỡ òa thêm ra nỗi đau lòng mình, nên dùng từ "TẶNG" như là một liều thuốc giảm đau!...
     Như thế chỉ cần tìm hiểu nhan đề và chức danh đặt trước tên nhà thơ, ta sẽ hiểu được hoàn cảnh riêng,  hoàn cảnh cảm xúc để nhà thơ sáng tác bài thơ. Có như thế ta mới đồng điệu với tác giả, mới cảm nhận được cái hay của bài thơ ngắn gọn này.
     Riêng với tôi, tôi là một trong những học trò của Thầy, tôi là đồng nghiệp, cùng làm việc với anh dưới mái trường chuyên Lê Quý Đôn và cũng là "sư đệ" của anh Mai Chánh Trí. Chính nhờ mối quan hệ này mà tôi đã thấy Thầy tôi, mái tóc bạc trắng, đôi mắt đỏ hoe, cùng học trò mình đứng trước di ảnh của anh Trí, khi cùng nghe chị Võ Thị Thương  đọc "TẶNG" anh Mai Chánh Trí những vần thơ này.
     Nếu không chứng kiến sự thực đầy tình nghĩa, trang trọng và thiêng liêng này, có thể có lẽ tôi cũng sẽ tự hỏi : "bài thơ có gì mà sống được với thời gian".
                                 HD, 30-11-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét