Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

180. MÃI XANH TƯƠI HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY


Nhiều lúc qua một số trang báo có tiêu đề giật gân, qua những đàm tiếu của một số phụ huynh, những người thiếu lòng tin vào cái tốt và cái thiện đâm ra hoài nghi về người thầy! Những lúc như thế tôi cảm thấy xót xa và hụt hẫng. Và tôi tự hỏi, tại sao những người viết báo lại chạy tít giật gân, thậm chí khái quát kiểu "vơ đũa cả nắm"
theo cách nhìn "cá mè một lứa" về con người, về người thầy như thế. Tại sao khi  đặt bút viết đối với nhà báo, cho máy in chạy đối với tổng biên tập tờ báo, lại không đem ngọn đèn "đạo đức nghề nghiệp" mà soi rọi để biết đặt câu dùng từ thế nào cho đúng. Tại sao khi đăng những bài báo về người thầy "cá biệt" ấy, báo chí không nghĩ đến tính giáo dục của báo chí ?
      Hỏi cũng chỉ để hỏi thôi, bởi tôi luôn có câu trả lời của riêng tôi. Qua sự nghiệm sinh của bản thân, tôi chưa bao giờ để cho niềm tin vào người thầy rơi rụng hay yếu ớt dần đi. Bởi tôi đã có những người thầy thời Tiểu học khả kính đã giúp tôi bước tiếp trên con đường học tập. Bởi tôi cũng có những người thầy thời Trung học đã mở rộng tầm nhìn, cái nghe cái thấy, cách nghĩ, cách sống đúng với đạo lí làm người. Bởi tôi cũng đã học tập được rất nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học ở các thầy bậc Đại học của tôi.
      Rồi trong hành trình đời, sống và hàm dưỡng phẩm cách, niềm tin của tôi càng ngày càng vững chắc hơn. Chẳng hạn như sáng nay, trong lễ truy điệu và tiễn đưa anh Mai Chánh Trí, người thầy giáo dạy Vật lí, cấp THPT về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã chứng kiến bao thế hệ học sinh của anh nước mắt lưng tròng, cúi đầu mặc niệm trước di ảnh của anh. Họ với nhiều thế hệ khác nhau, có người đã trên 60 mươi tuổi rồi, lưng chưa còng nhưng tóc cũng đã pha màu thời gian, đang đứng lặng trước linh cữu của anh, trong mắt đỏ hoe của họ ánh lên niềm kính yêu thầy vô hạn. Và cũng trong giây phút này niềm tin về người thầy cao quý trong tôi càng mãnh liệt hơn khi anh Lê Thí, đại diện cho bao thế hệ học trò cũ của anh Mai Chánh Trí từ mái trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An, đến Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, rồi trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, đọc lời ai điếu trước hương linh người thầy của mình.
      Lời ai điếu không chỉ làm tôi xúc động trước tình cảm thầy trò cao đẹp, không hề lụi tàn theo thời gian mà ngược lại càng tỏa sáng lung linh trước những đổi dời của trời đất. Cho nên, tôi đã xin anh Lê Thí văn bản, đồng thời xin phép anh được trích đăng trong bài viết này.

     LỜI AI ĐIẾU CỦA ĐẠI DIỆN CÁC THẾ HỆ HỌC TRÒ CŨ

           Kính thưa thầy Mai Chánh Trí, người thầy kính yêu của  tất cả các thế hệ học trò chúng em.
           Hôm nay trước vong linh thầy có đại diện của hầu hết các thế hệ học trò của thầy ở trường Trần Quý Cáp Hội An các trường Phan Châu Trinh, Trần Phú và Lê Quý Đôn của Đà Nẵng, tất cả đang cúi đầu đau xót, trước chuyến ra đi vĩnh viễn nhưng đầy bất ngờ của thầy. Những anh chị khác vì đường sá xa xôi vì sức khoẻ hay vì công vụ không về được nhưng tất cả đang xúc động hướng về, bùi ngùi tưởng nhớ thầy bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng tất cả đều hết sức chân thành, trân trọng.
         Mới hôm nào đây thôi trong kỉ niệm 30 năm ngày ra trường, chúng em còn được quây quần bên thầy, được nghe giọng nói ấm áp của thầy, được vui mừng vì thấy thầy khoẻ mạnh. Thế mà giờ đây thầy đã đột ngột bỏ chúng em lại, một mình một bóng vội vàng ra đi mãi mãi!      
          Thưa thầy,
          Mỗi người trong chúng em đều giữ những kỉ niệm riêng về thầy và tất cả họp lại thành dung nghi rạng rỡ của thầy, một nhà giáo đầy tài năng và tâm huyết. Một nhà giáo hiểu rất sâu rộng về nghề nghiệp của mình. Một vị thầy luôn đòi hỏi nghiêm khắc nhưng đầy lòng từ ái đối với học trò. Thầy đã dạy cho chúng em những tri thức cần thiết để vào đời và cao hơn, quan trọng hơn là những bài học về nhân cách để ngước lên, hãnh diện sống được với đời. Thầy là một nhân cách trí thức biết giữ bản lĩnh không thay đổi trong mọi hoàn cảnh, cả trong những thời kì thử thách gay gắt nhất đối với số phận trí thức. Thầy đã dạy cho chúng em những bài vật lí mà ở đó vật chất và ánh sáng luôn bị khúc xạ qua môi trường và thầy cũng dạy cho chúng em một bài học khác qua chính cuộc đời của thầy đó là nhân cách con người không thể bị khúc xạ cho dù đi qua môi trường, hoàn cảnh nào và cho dù nghiệt ngã đến mấy. Những bài học vật lí ngày xưa có thể sau hàng chục năm các em đã quên không thể tìm được ảnh ảo của mình trước thấu kính của các biến động nghiệt ngã của lịch sử, những biến cố bi thương của cuộc đời nhưng qua phía sau thấu kính trong suốt của cuộc đời thầy các em vẫn luôn giữ được một ảnh thật cho nhân cách của mình.Thầy để lại cho chúng em và hậu bối một tấm gương sáng để soi chung, một bài học quí giá về bản lãnh và nhân cách ở đời. Lòng chúng em đầy tự hào khi nhìn về chốn hạnh đàn, nơi đó hình ảnh thầy vẫn ung dung sáng lạn như Tùng xanh Trúc biếc.
          [...]
      Xin cám ơn anh Lê Thí đã cho tôi trích đăng khốc văn này.
      Và một điều kì diệu, dù đã đọc đi đọc lại lời ai điếu nhiều lần, nhưng khi trích đăng vào đây tôi vẫn có cảm giác lòng mình như một mặt hồ không lặng yên. Để rồi từ xúc cảm đó, tôi càng yêu quý vô cùng những người thầy và cảm nhận hình ảnh những người thầy chân chính bao giờ cũng mãi mãi xanh tươi trong tấm lòng yêu thương và kính trọng của học trò, thậm chí của cả cộng đồng nữa.
       Vậy thì,... những mong ai đó còn giữ cái nhìn "vơ đũa cả nắm" về người thầy, và những người thầy đang là "một con sâu làm rầu nồi canh" hãy  thay đổi cách nhìn và lối sống đi.
                                         HD,1-12-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét