Trong Phật giáo không có thầy cúng, nhưng do trong quá trình
du nhập vào một vùng mới, vì tính dung hoà và giản dị, Phật giáo đã chấp nhận
những hình thức cúng bái ngẫu tượng và phong tục thờ cúng địa phương, vì thế
những loại hình cúng bái do nhu cầu xã hội bắt đầu bén rễ.
Thầy cúng mượn nhiều hình thức để
thu hút sự chú ý và mở rộng dịch vụ tín ngưỡng thờ cúng và phương thức sinh
nhai của mình một cách hiệu quả hơn, nên đã bỏ quên và bất chấp sự suy
thoái
đạo đức và tinh thần xuất gia giải thoát của một tu sĩ. Trong đó có nhiều hạng
thầy cúng mang hình thức một tín ngưỡng địa phưong, hay của một tôn giáo khác,
trong đó điển hình là của Phật giáo và Đạo giáo.
Trong nhiều thời kì đen tối của
Phật giáo thì cũng do thầy cúng gây ra, khi họ đã đưa hình thức cúng vái vào
công việc tâm linh để vận hành thế giới của họ thì sự đảo lộn xã hội là một
điều chắc chắn, đạo đức cũng từ đó suy đồi, vì bản thân của sự cúng vái không
giải quyết một sự thật nào cả, mặt dù có khi được xem là một hình thức nghi lễ
tôn giáo hay an ủi người sống, tất cả điều bị lầm lẫn, lầm lẫn ở đây là vô tình
đẩy xã hội rơi vào tay của tà giáo. Mà như chúng ta biết, ngày xưa khi xã hộị
và trật tự xã hội bị rơi vào tà giáo thì kết quả xã hội ấy đầy thảm hại, mà con
người trong xã hội ấy muốn vựt dậy cũng khó.
Hiện nay, thầy cúng hầu hết họ đều
tập trung ở đô thị mà chẳng thèm đến vùng nông thôn nghèo khó, vì ở đó không có
ai mời cúng. Đồng thời khi xã hội được bày biện bởi sự cúng cấp thì cũng sinh
ra nhu cầu của nó, vì thế xã hội cũng chỉ cần thầy cúng là đủ. Vì vậy vai trò
của chánh giáo dễ bị đánh tráo, hiểu nhầm và dễ bị kẻ lợi dụng gây tai hại cho
xã hội và cho Phật giáo. Hãy nhìn vào Phật giáo Hàn quốc là một ví dụ điển
hình, Phật giáo chính thống không đủ sức mạnh để đẩy lùi lực lượng thầy cúng ở
đây, đã có gia đình và mọc rễ trong cảnh chùa chiền.
Hơn thế nữa, hầu hết những
chức sắc tôn giáo đều do họ nắm giữ, bởi những lí do rất đơn giản
mà xã hội đã tạo nên, đó là giàu có về tiền bạc, sở hữu về vật chất,
truyền bá mê tín và những trang phục đắt tiền. Ngoài ra cũng hơn 90% chùa chiền
đều do họ nắm giữ cương vị trú trì, để dễ dàng hoạt động phục vụ tín ngưỡng
cúng vái.
Ở trong chùa, một tu sĩ mới nhập
môn cần phải trải qua các thời kì đi cúng, đến nỗi không cần học cũng
biết nghề, vì sự lập đi lập lại quá nhiều, đến nỗi không còn thời gian để tu
học và thực hành. Rồi từ đó họ nghĩ rằng đi cúng cũng là một cách hành trì.
Thật nguy hại hết sức.
Thế rồi Giáo hội khi cần đến
cơ sở hạ tầng để phục vụ cho giáo dục thì hỡi ôi không còn cơ sở nữa, mà
muốn có cơ sở mới thì không đơn giản tí nào. Một cơ sở Giáo hội do bởi
một lí do khách quan tạo thành một ngôi chùa, thì từ đó không còn cơ hội để trở
lại mục đích ban đầu mà trở thành một trung tâm phục vụ việc cúng vái, chánh
điện làm nơi thờ các loại hình tín ngưỡng dân gian, nhà linh nhà cốt ngênh
ngang, suốt ngày pháp hội, chẳng thấy một từ giáo lí, mặt dù đọc trong bài cúng
thì ngôn từ bằng chữ tàu dù có ngụ ý Phật pháp cũng chỉ là bài ca bài thán sơ
sài.
Lại nữa, khi xã hội được vận hành
bởi mục đích vật chất thì sức mạnh của nó là tiền bạc, những thứ này vốn tự con
người tạo ra chứ không có tội gì cả, là phương tiện trao đổi, thể hiện
tính văn minh của con người, thế nhưng nếu không biết cách sử dụng vật chất và
tiền bạc, con người sẽ trở thành kẻ nô lệ. Trong bất cứ môi trường nào, kể cả
trong tôn giáo, khi thầy cúng đã nắm toàn bộ cơ sở vật chất, có sức mạnh
về tiền bạc, có chức có quyền thì dĩ nhiên sự điều hành của họ cũng theo
thiên hướng cúng tế.
Một thực tế cho thấy, hầu hết các
lễ hội trong Phật giáo đều một hình thức như nhau, thí dụ, một hội thảo khoa
học cho Phật giáo hình thức chẳng khác mấy một đám tang của tu sĩ, hoặc một
buổi lễ hội tín ngưỡng cũng chẳng khác mấy một lễ chẫn tế. Nội dung không có gì
nêu bật ý nghĩa của tổ chức, ngược lại vai trò của “thầy cúng lên ngôi”. Vì
trong chương trình của những buổi lễ này toàn là nghi với lễ, đón với rước,
lọng che kèn trống om xòm. Mở đầu cho một buổi lễ như vậy bằng một lễ “hưng tác
thượng đại tràng phan”, thì thật còn gì là một buổi hội thảo khoa học. Kết thúc
chương trình là “đăng đàn chẩn tế”. Thử hỏi có ai đặt vấn đề này với Giáo hội
với các chức sắc mà đã được gọi là “tôn sư”, nhưng thực tế họ là những “pháp
sư” cúng dạo.
Một sự thật cay đắng là khi
đi tham dự lễ thì cho dù là vị đó ở địa vị nào cũng phải đến tham
dự, hoặc bằng phương tiện tự túc, hoặc tập trung để cùng đi bằng phương tiện số
đông, thế nhưng thầy cúng thì Giáo hội phải đón rước bằng xe hơi, đến từng
chùa, lo tiếp đón long trọng. Chờ cho những bậc thầy cúng này xong phần
tiếp đón, vớ tất giày hia, mũ mão đường bệ, y áo gấm lụa, thừ thừ theo kèn
trống rinh rang “quang lâm” thì cũng đã quá trưa, vừa mất thời gian, vừa tốn
kém, vừa không có lợi gì cho việc tu tập giải thoát.
Trong thực tế, khi phát tâm xuất gia người tu sĩ Phật giáo mong muốn có
được một cơ hội học hỏi và tu học cho mục đích giải thoát, thế nhưng do
nhu cầu xã hội và hình thức cúng vái đã biến chuyển phẩm chất của họ, rồi họ bỏ
học sang đi cúng, thấy lợi trước mắt chứ không thấy được giá trị của con đường
giải thoát mà Đức Phật đã dạy. Có lúc không cần tu học mà bước vào
con đường đi cúng lấy tiền, có lúc bỏ học để đi cúng, hoặc chuyển hẳn sang nghề
đi cúng, nhưng họ không hề hay biết, hoặc không may mắn vào xuất gia với thấy
cúng hoặc trong chùa chuyên đi cúng, vì vậy mục đích của họ dần dần bị biến
tướng và quên hẳn lí tưởng giải thoát. Nhưng tệ hại nhất là hình thành một ý
thức hệ đi cúng, có vai vế và có địa vị trong giáo hội tại địa phương. Đây là
một trong những tai hại của Phật giáo, thậm chí làm cho vai trò tôn quí của sự
giải thoát bị lu mờ, Phật giáo lâm vào cảnh thế tục hoá.
Sự lạm dụng hình thức cũng như các
hoạt động của thầy cúng đã đi đến sự xáo trộn trật tự trong Phật giáo.
Việc đi cúng được họ gọi là làm Phật sự hay Pháp sự, đi cúng được cho là phương
pháp hành, rồi từ đó chê bai hiềm khích tu sĩ biết học, biết tu và biết cố gắng
bằng những ngôn từ miệt thị như “tiến sĩ” không bằng “tiến linh”, “đi tu không
bằng đi cúng”… Còn trao đổi và nói chuyện thì ngôn ngữ của họ khỏi phải bàn…
Về từ ngữ “thầy cúng”, Tự
Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa
mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo
lý nhà Phật”. Hiện nay thì số thầy cúng chiếm được chùa, cuộc sống hưởng thụ
vật chất, trong lúc đó tu sĩ quan tâm đến đạo Pháp thì bị chèn ép, lại thiếu cơ
sở để làm Phật sự. Thời gian dành cho việc tụng đọc kinh điển Phât giáo của
những thầy cúng rất ít, họ toàn lợi dụng kinh điển của Đức Phật là “Phật sự
siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng
“Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong
Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ, thời xưa ở Ấn Ðộ chẳng có, sau khi
truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có, nhưng sau đó do ảnh hưởng Lão
giáo mà phát triển và thịnh hành, rồi lan rộng sang Việt Nam.
Chúng ta cần nhận định rõ vấn đề
này, bởi vì đây là một vai trò của Phật giáo, quyết không để mê tín tràn lan,
vừa hại cho đạo mà cũng vừa ai cho đời. Một tu sĩ Phật giáo đã cạo bỏ râu tóc,
mình mặc áo cà sa, là quyết định cuộc đời vì mục đích giải thoát và cứu độ
chúng sinh, chứ không có hình thức mang hia đội mão, áo cà sa hoại sắc thô bố
chứ không phải gấm tía hài son. Đừng ham danh lợi mà phải mượn nón này mũ nọ,
hài son y tía, mà thu hút hoặc tô thêm uy nghi. Đức Phật dạy uy nghi có được là
nhờ vào sự giữ gìn Giới luật, đức hạnh là nhờ vào sự trang nghiêm của hành vi
đạo đức, chứ không có cái gì tô vẽ nên được.
Thiết nghĩ, Phật giáo vốn chẳng có
những việc như thế, nhưng vì Đạo Phật là đạo từ bi, mà phương tiện để độ chúng
sanh từ mê sang ngộ, mà Phật giáo từ buổi đầu đã chấp nhận những hình thức tín
ngưỡng dân gian địa phương mà truyền bá chánh Pháp. Nhờ những hoạt động uyển
chuyển như vậy mà Phật giáo dần dần dạy cho người dân biết được nhân quả, làm
lành tránh dữ, ngõ hầu đem lại cuộc sống an lạc hạnh phúc cho người dân. Do đó,
dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới địa phương nào
thì cũng tùy thuận chúng sinh mà làm lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà
giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, rồi còn chỉ cho họ con đường đi
đến giác ngộ giải thoát, và chứng đắt đồng với quả vị của Đức Phật.
Nhận thấy đây là một vấn đề
cần phải được xem xét, đề nghị Giáo hội cần phải rõ ràng trong vấn đề tu sĩ và
thầy cúng, chớ có lẫn lộn mà hại cho Phật giáo. Việc nghi lễ cũng là việc
cần làm tuy nhiên đừng để bị lạm dụng không những tai hại cho Phật
giáo mà xã hội cũng bị ảnh hưởng lây. Cần phải đặt vai trò giáo dục Phật giáo
và đào tạo Tăng tài, nâng cao vai trò ý thức việc đi cúng hoặc cấp phát chứng
chỉ mới được đi cúng. Những cơ sở xưa là cơ sở của Giáo hội mà nay do các thầy
cúng trú trì thì phải cần cử tu sĩ đến thay đổi hoặc làm các cơ sở phục vụ cho
mục đích số đông. Việc làm cần thiết hơn nữa là cải cách nghi lễ, những yếu tố
có thiên hướng đi xa với ý nghĩa thực tế thì bỏ, đưa các hình thức cầu nguyện
đúng đắn.
Thích Minh Hạnh
(Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán - Huế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét