Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

196. TRONG MẮT HỌC TRÒ 26

  

   Thầy ui! Đểu của thầy nè thầy ! Đểu tệ quá thầy hì, đến tận hôm ni mới viết lubu cho thầy. Thầy đừng giận Đểu nghen thầy! Tại vì Đểu thương thầy nhất mà.
      Trời đang mưa thầy ui… Mấy cơn mưa mùa hạ, hông làm người ta thấy lạnh, chỉ thấy cứ rả rích hoài ở trong lòng. Hình như mưa ở quê khác nhiều so với mưa thành phố thầy hì, vẫn nặng nặng, buồn buồn nhưng nghe xa xăm. Con gái lớp mình đứa mô cũng thích mưa hết… Lại nhớ cái
hôm vô nhà thầy, em với Quỳnh Trang đã đi mưa ướt nhèm. Cơn mưa của ba năm trước, em chỉ vừa biết mặt thầy, vừa nghe những bài giảng của thầy trong sự nơm nớp của một đứa học sinh mới vào trường. Cơn mưa năm nay, em đã sắp bay, sắp nhảy, đã sắp xa thầy. Không có chi nghiệt ngã, mà cũng chẳng có chi chân tình như thời gian thầy nhỉ. Ba năm trôi vùn vụt, cứ vô tình trước giọt nước mắt của lũ học sinh 12. Nhưng ba năm cũng không phải khiến con người ta hững hờ, đủ để em nhận ra bóng dáng một người thầy ngã rợp trên con đường đi của mình.
      Có lần thầy đã bảo em là đứa không phục ai bao giờ. Có lẽ, với cái bản tính ương ngạnh, cố chấp và cả rất nhiều tự tôn của mình, chưa một lần em xem ai đó là thần tượng. Hư ghê thầy hì! Càng hư hơn khi đã biết mình hư mà hông sửa được. Nhưng nếu thầy có một “sư phụ” của mình thì em cũng có trong lòng “sư phụ” của riêng em. Chỉ có điều, em thích gọi thầy là “papa” hơn. Có lẽ do em cảm được trong cái từ đó hơn một lần về thầy. Văn chương, với thầy là máu thịt một đời, và bây giờ, thầy truyền lại cho chúng em bằng cả tình yêu và hi vọng. Và cũng không biết tự bao giờ, giờ văn với em không còn là nghĩa vụ mà là niềm say mê, không chỉ là học văn mà là học làm người. Những điều nghe chừng sách vở, tưởng như mỗi đứa học trò cắp sách đến trường đều phải cảm nhận, lại là lần đầu tiên với em. Do em quá kém cỏi hả thầy, hay do trước giờ em học với thái độ và tư thế của một kẻ rong chơi !? Vì vậy, lúc thầy bảo với em, thầy buồn nhiều khi em nghỉ học tiết thầy dạy bài “Vội vàng”, em thực sự hối hận. Em đã phụ lòng thầy thật nhiều phải không thầy ? Một lời xin lỗi có lẽ sẽ là vô nghĩa, chỉ dám hứa với thầy sẽ sống thật “vội vàng” mà cũng thật từ tốn, để những lời giảng của thầy không theo gió bay.
      Cả ba mẹ em đều là giáo viên, từ nhỏ đến lớn em sống rất khuôn phép. Đạo đức của ba mẹ em đã khiến em thấm thía một điều, nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng biết sao được hả thầy, khi có những người thầy ta chỉ kính chứ không trọng ? Em đã dần dà hiểu ra một điều, không có gì là tròn vẹn ở đời, bắt đầu acrm thấy bất mãn và đến một thời điểm nào đó, đã bắt đầu nổi loạn. Em của bây giờ đã khác em của ngày xưa thật nhiều, chỉ có điều, trong em vẫn luôn hằng hữu niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhất là khi nhìn vào thầy. Có nhiều lúc em nhìn thầy đi giữa những thầy cô khác mà cứ có cảm giác thầy vẫn ở cõi riêng của mình. Một liên tưởng thú vị, cứ tưởng thầy là một nhân vật nào đó trong “Vang bóng một thời” của cụ Nguyễn Tuân. Ung dung và điềm nhiên giữa cõi đời bon chen, xô bồ. Hơn một lần nghe thầy tâm sự về chuyện văn, chuyện đời trong trang sách, có lẽ cũng hơn một lần cảm những nỗi niềm của thầy. Bi kịch một đời người giáo viên dạy văn, có lẽ là điều để lại dư ba, ám ảnh lớn nhất trong em. Thế mà trước nay em vô tình không biết, sau say mê là cả một niềm đau. Và cũng đã hơn một lần, em trách thầy đã kéo em vào cái vòng xoáy thành tích. Có một đứa học trò không hiểu mình đến vậy, chắc thầy buồn nhiều lắm thầy nhỉ ? Em xin lỗi thầy, vì đã không hiểu, không chia sể cùng thầy, và cũng không cố gắng hết sức vì thầy… So với cái bi kịch thầy chịu đựng, bi kịch “con khỉ đánh đu với nhành thơ” thì những bi kịch của học sinh chúng em cũng đâu đã là gì. Vậy mà có kẻ đã ôm hết nỗi đau vào mình, cho mình là bi kịch của sách vở, trường thi. Cái kẻ ngốc đó thiệt là ngốc thầy hè, và cái kẻ ngốc đó đã làm thầy mệt lòng không biết bao nhiều lần !
      Hôm mới chia tay lớp vừa rồi, cứ muốn nói với thầy một điều gì đó nhưng chẳng nên lời. Một đứa học sinh chuyên văn mà không nói được một câu ra hồn thì thiệt là quá tệ thầy hì. Hôm đó, muốn lại được hát cùng thầy bài “Nắng thủy tinh” mà không được. Vừa kết thúc bài “Vĩnh biệt mùa hè” là nước mắt đã chảy. Con gái đúng là mau nước mắt thầy nhỉ. Thầy từng bảo, thầy không khóc là do kìm nén quen rồi. Rứa coi như em khóc luôn phần thầy, thầy nhe. Lúc đó, hình như mời thức nhận, thật sự sẽ xa lớp, xa thầy… Một đứa được cả lớp coi là không biết khóc như em, từ hồi mô đã trở nên như rứa đó thầy. Lớp mình và cả thầy nữa đã làm thay đổi một con người đó thầy… Sực nhớ ba năm qua chưa lần nào nói với thầy một câu nghe chững chạc. Không biết là đến bao giờ, nhưng thầy chờ Đểu thầy nha…
      Hì, cái nick Đểu hồi trước chỉ có mình thầy gọi mà bây giờ cả lớp đã gọi. Bắt đền thầy đó, mặt hiền như zị mà! Chừ ai cũng kêu mặt em đểu hết á thầy, không biết phải buồn hay vui nữa… Nhưng có ren thì em cũng thích cái nickname nớ lém, nghe dễ xương chứ bộ thầy ha! Nhớ có lần em đã nói đùa với thầy : “Không đểu làm ren mà sống thầy ha”, ai dè thầy lại nghiêm mặt nói : “nhưng sống đâu nhất thiết phải đểu”. Đôi khi chỉ một lời nói cũng làm con người ta trằn trọc thầy hì. Em đã nghĩ hoài, nghĩ hoài, rồi cúi cùng cũng nghiệm ra một điều, không thể không sống hai mặt, nhưng chỉ những lúc không thể sống bằng bộ mặt thật. Có lẽ sau này lớn lên, em sẽ nghiệm ra nhiều hơn chăng ?! Nhưng cái đầu tí tẹo của em bi chừ hén chỉ nghĩ được chừng đó thui thầy ơi. Sau nì, thầy cũng cứ gọi em là   Đểu hoài nghe thầy ! Rùi cả cái tên “bất trị” nữa… Vì hén “không đụng hàng”, và là của Papa gọi con gái…
      Lúc lớp mình liên hoan chia tay hồi Tết, thầy nhớ không thầy, thầy đã gọi em là “con gái” đó, và còn bảo : “Cho ba gửi lời thăm ba má”. Khi đó, em thật sự cảm động, muốn gọi thầy một tiếng “Ba” mà cứ nghẹn trong cổ họng, chỉ biết cười. Hình như ngoài cười ra, em không biết chi hết trơn á thầy. Nhưng dù chưa gọi “ba” lần nào, trong lòng em, thầy vẫn luôn là một người cha – người đã dạy em biết tin vào bản thân, tin vào đam mê, và tin vào cuộc sống. Đoạn băng thu cho thầy là lúc em đang khủng hoảng, đánh mất niềm tin vào bản thân và người khác. Có nhiều khi em cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa, cứ cố làm người khác vui mà để làm gì, cứ cố cười để mà làm gì, khi những gì nhận được chỉ là sự ngoảnh mặt và cả lời chỉ trích : “giả tạo”. Những ngày đó, em rong ruỗi các chùa, thắp hương với ước nguyện bình tâm lại để lao vào học thi, nhưng càng cố tin lại càng hụt hẫng… Em biết mình sẽ lại làm thầy lo lắng. Em sợ mình lại làm thầy thất vọng… Cú điện thoại của thầy đã làm em giật mình. Giật mình để đối diện với sự hèn nhát của bản thân. Giọng thầy ẩn chứa sự yêu thương, trìu mến và cả một niềm tin. Và cũng như lần rớt QG, em lại vin vào niềm tin của thầy mà đứng lên. Sự bứt phá không ngoạn mục nhưng đủ để em mỉm cười khi gặp lại thầy, thầy nhỉ ? Và em cứ nhớ mãi câu thầy nhắn với Dương về em : “Học trò thầy thì phải bãn lĩnh. Nhất là Huyền Trân”. Em sẽ trở nên bãn lĩnh, cứng cỏi thầy ạ ! Vì em là con gái của papa mà đúng không thầy ?
      Em từng nói, rất thích thầy cười, thầy nhỉ ! Và dù một học trò nào khác có nói rằng nụ cười của thầy thật cao ngạo thì em cũng thích thầy cười, vì sự cao ngạo và cả sự hiền từ làm nên thầy chứ không phải ai khác. Có dạo thầy không nói, không cười gì cả, lớp mình lo ghê lắm á thầy. Cứ sợ thầy giận lớp… Vậy nên thầy cười nhiều nhiều á nghen thầy. Hôm biết tin mình thất bại, sự có mặt và nụ cười của thầy đủ để em cảm nhận một điều, mình quá may mắn! Dù rằng em đã thất hứa với thầy, đã để niềm vui của thầy giang dở, nhưng em vẫn không đánh mất mình trong lòng thầy. Có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất trong đời cắp sách đến trường của em. Cũng là lần đầu tiên thấm thía, trong nỗi đau luôn hằng hữu niềm vui. Cám ơn thầy thật nhiều… Cám ơn thầy vì đã đến, đã uống bia với em, cám ơn thầy vì những cái siết tay thật chặt tin tưởng. Con đường tương lai của mình, em còn chưa xác định rõ, chỉ biết sẽ luôn có bóng hình thầy, có những lời giảng, những tâm huyết một đời, có cả sự đức hạnh của một nhà giáo và một con người…
      Trước khi gặp thầy và cảm được lòng thầy, em luôn nghĩ rằng, văn chương quan trọng nhất vẫn là cái tài, câu thơ của cụ Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” chỉ là một cách nhìn phiến diện. Nhưng từ bao giờ em đã hiểu được cái “tâm” là gì, tình cảm và đức độ của người viết ảnh hưởng đến trang văn như thế nào. Đi từ cái tâm của thầy. Đi từ những bài giảng say sưa, đi từ sự ân cần với học trò, đi từ cái đêm ở Hà Nội thầy uống thuốc trợ tim cì các em, nhưng rồi ôn tồn bảo : “không sao đâu”… Đêm đó tụi em hư thiệt là hư phải không thầy. Lần đầu tiên em thấy thầy thất vọng đến dường ấy khi bảo “không cần giải, chỉ cần biết làm người”… Lời xin lỗi ứ lại trên môi của mỗi đứa. Tối hôm đó cả phòng ôm nhau khóc, không phải sợ thầy la, mà là cái cảm giác tội lỗi, thương thầy đến vô cùng, cả việc lo thầy bị khiển trách. Sáng hôm sau gặp tụi em, thầy vẫn cười… Nhìn thầy cười mà em chỉ muốn khóc vì thấy mình thật thấp kém. Biết có bao giờ tụi em gặp được một người thầy từ tâm như thầy…?
      Đi với em suốt chặng đường dài ba năm, cứ có cảm giác thầy đã thuần dưỡng em từ con ngựa hoang thành một con ngựa chững chạc, tuy vẫn có lúc háu đá. Lòng biết ơn với thầy, có lẽ ngôn từ cũng bất lực. Vì vậy, điều em hối tiếc vô cùng, có lẽ là vì đã không được cùng thầy ngắm mặt trời mọc trên biển… Hôm ấy, sao mặt trời không mọc thầy nhỉ, để em ước ao mãi… “liệu đến bao giờ!”. Một ngày thật gần, thầy trò mình sẽ ngắm mặt trời mọc thầy nghen! Hôm đó, thầy nhớ đọc lại bài “Bắt chuồn” thầy hì. Em thích bài thơ đó lém… Nó làm em nghĩ đến câu chuyện “Hoàng tử bé”, rồi tự hỏi, từ bao giờ mình đã không bắt được chuồn chuồn. Những bài thơ của thầy, hôm nào thầy lại đọc em nghe thầy hen. Mỗi bài thơ là một bi kịch, sau những gì rất nhẹ là những gì rất đau… Vậy nên, em liệu có thể chia sẻ cùng thầy một lần bi kịch đó chứ thầy ha!
      Bên ngoài trời đã ngớt mưa rồi thầy, vậy mà điện vẫn cứ cúp. Nãy chừ em đã viết cho thầy dưới ánh nến á thầy. Khi mưa dứt cũng alf lúc em phải tự bay, tự nhảy thôi thầy nhỉ. Những điều thầy dạy em, em không chắc mình có nhớ tường tận hết được không, có hoàn tất tất cả được không, chỉ dám hứa sẽ cố gắng hết sức. Đểu đã hứa thì… không ai tin, nhưng Đểu biết papa luôn tin Đểu. Kính chúc thầy mạnh khỏe, có được những học trò thật ngoan, thiệt xịn và luôn cười vui vẻ, luôn sẵn sàng bôn ba đi hát karaoke với lớp thầy nghen ! Mong sẽ gặp lại thầy một ngày gần nhất.

        Mãi mãi là học trò bất trị của thầy
       Võ Lê Huyền Trân
       12/7 Lê Quý Đôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét