đang bị nhúng vào một thùng nước băng giá. Dù thế nào đi nữa thì công cụ a lô vẫn thật tiện ích, nói cho công tâm nó đem đến cho ta nhiều niềm vui, niềm yêu đời hơn nỗi buồn.
Chẳng hạn như chiều nay, một cuộc gọi từ thời niên thiếu đã làm dậy lên trong lòng tôi bao nhiêu là nhớ nhung, bao nhiêu là ngọt ngào, yêu thương. Đó là cuộc gọi của đám bạn tôi, những con người cùng tôi chung lớp dưới mái trường Trung học Hương Điền, quận Hương Điền (nay là Phong Điền), Thừa Thiên – Huế nhưng năm 64, 65. Khởi đầu là tiếng của Cao Hữu Lợi : “Dục ơi, bọn tao đang ngồi lai rai, nhớ mầy nên gọi trò chuyện”. Hết Lợi đến Điệp, hết Điệp, đến Di rồi đến Nguyễn Dương – bạn cùng bàn với tôi. Nói cười, cười nói; người nói người nghe như hòa chung một điệu xôn xao và tiếc nhớ.
Câu chuyện qua điện thoại thật rôm rả. Bao nhiêu kỉ niệm của hơn bốn mươi năm trước như ùa về tràn ngập trong trí nhớ tôi. Những người bạn này đều ở Điền Hòa và Điền Hải. Các bạn ấy chung lớp với tôi hai năm đệ thất và đệ lục ở ngôi trường quận còn nghèo nàn lắm. Trường chỉ có năm phòng học tường vôi mái ngói và có thêm một phòng học bằng tranh nứa. Nhưng với những đứa học trò nông thôn như chúng tôi thế là sang, là hạnh phúc lắm rồi. Nhất là với tôi, và Nguyễn Thanh Ghiên, Phan Hoàng, Hoàng Công Đính, Trương Phước Châu, Trần Thị Liên – những bạn cùng quê Kế Môn, ở xa trường 10 cây số, được đi học tại trường quận thì y như là được du học, được lên phố thị, oách vô cùng.
Kế Môn - quê tôi
Tôi nhớ những buổi trưa ở lại trường, chỉ với cơm vắt chấm muối tiêu, những đứa học trò ở xa như tôi cùng ngồi ăn, rồi nằm nghỉ ở phòng mái tranh ấy sao mà ấm cúng, mà thân thương quá đỗi. Trong lòng chúng tôi chả có một tí buồn phiền nào, cũng chẳng có một chút khao khát thức ngon nào. Những bữa cơm ấy đã trở thành “món ngon mỗi ngày” giúp chúng tôi đủ sức ngồi học cả một buổi chiều dài.
Tôi lại nhớ có những buổi cả lớp ra bến tàu “chợ Đò” để đón các thầy cô trên Huề về. Thú nhất là khi đò cập bến đã lâu mà chẳng có thầy cô nào có tiết dạy hôm đó và cả hôm sau xuống bến. Thế là cả lớp hò reo, thế là chúng tôi được dịp rong chơi thỏa thích. Các bạn học khác làng cũng nhờ những buổi nghỉ học này mà hiểu nhau hơn, thân thiết nhau hơn. Phải nói rằng người quê tôi lam lũ hơn quê các các bạn. Con người Điền Hải, nơi có quận đường nên thư thả hơn, văn minh hơn. Thời ấy, các bạn quê Điền Hòa, Điền Hải có vẻ phong lưu còn chúng tôi quê một cục hơn. Nhưng cũng lạ hồi ấy chả ai “apartheid” cả. Chúng tôi hồn nhiên sống, yên tâm học tập, chẳng ai bận lòng về giàu nghèo. Tuổi niên thiếu vô tư, trong sáng và yêu đời chính là đấy chăng ?
Tôi cũng nhớ, nhưng ngày nắng chang chang hay mưa dầm dề thối đất tối trời, nhưng đữa học trò đi học xa như tôi phải gò lưng mà đạp chiếc xe cà tàng. Ngày nắng thì mồ hôi “như mưa ruộng cày”, ngày mưa thì ướt sủng như chuột lột, nhất là những lúc ngược gió thì chỉ có nước dắt xe đi bộ và… khóc. Như thế vẫn chưa khổ bằng, chiều tan học, trên đường về nhà nếu chẳng may xe đạp thủng ruột, hay hỏng một cái gì đó, vậy là… có nước dắt bộ, vì tối chẳng ai sửa vá xe, chưa kể quán vá sửa xe ở quê thi thoảng làng này có một quán làng kia thì không!... Cũng vì vậy mà tôi có một kỉ niệm nhớ đời.
Năm học đệ lục, một chiều tan học, vừa đạp xe lên đến Điền Hòa, bánh sau xe tôi xì hết hơi. Thôi thì ngồi lên xe Nguyễn Thanh Ghiên để hắn chở rồi dắt xe mình. Ôi thôi, xe hắn quá mềm. Qua xe Phan Hoàng, xe hắn cũng chả hơn gì. Thôi cả ba đi bộ dắt xe vậy. Cả ba vừa đi vừa nói chuyện mà trời tối lúc nào không biết. Chà bây giờ làm sao đây! May thay có một hàng quán nhỏ đang đỏ đèn, người phụ nữ thấy chúng tôi nhếch nhác gọi vào uống nước nghỉ ngơi và khuyên. "Bây giờ chiến tranh đang lan rộng, đêm Nghĩa quân thường gài lựu đạn, các con đi chẳng có đèn đuốc gì thì nguy hiểm lắm. Bác cho mỗi cháu mỗi thẻ nhang đây, thắp lên mà đi. Nhất là ngang xã Điền Lộc thì nhớ nói chuyện to lên nghe". Chúng tôi ai nấy đều vừa mừng vừa lo. Chúng tôi cám ơn bác bán quán rồi lên đường. Đúng như bác ấy nói, đến xã Điền Lộc, chúng tôi bị chận lại xét hỏi “tơi bời”, nhưng rồi êm xuôi. Từ đây chúng tôi đi mau hơn bởi sự mệt nhọc và đói khát thôi thúc cũng có, nhưng cũng do lo vá xe để mai đi học cũng có. Thế rồi, chúng tôi cũng về đến nhà. Vừa đến nhà, mẹ tôi hỏi rối rít bảo ăn cơm nhưng tôi thắp đèn dầu đem xe ra sân chuẩn bị vá. Vừa mới cạy được chiếc lốp ra… bỗng nhiên tiếng súng nổ từng tràng dài rất đanh, tiếng đạn bay chiu chíu. Tôi hốt hoảng lao vào nhà năm bẹp cùng mẹ xuống nền đất ẩm với nỗi sợ mênh mang. Tiếng súng rồi cũng im nín. Tôi chẳng còn bụng dạ đâu để vá xe và ăn cơm. Biết đâu lại đánh nhau nữa. Thôi ra sao thì ra. Sáng mai ngủ dậy, hỏi ra trận đánh hôm qua diễn ra ở xóm cây vông – nơi có một trung đội nghĩa quân đóng - cách xóm tôi một xóm. Hú hòn hú vía.
Năm đó tôi cũng đã hoàn tất chương trình học lớp đệ lục. Nghỉ hè, một mình vào Huế rồi lên xe Phi Long vào Đà Nẵng, tôi đến nhà chị tôi, xin vào ở trọ đẻ tiếp tục học. Được chấp nhận, thế là tôi từ giã mẹ vào Đà Nẵng nộp đơn học đệ ngũ 5 trường Trung học Phan Châu Trinh.
- A lô, sao bọn bây biết số điện thoại của tau?
- Thằng Châu cho.Này nhớ khi về làng gọi bọn tau đó. Mày biệt tích từ khi học xong lớp đệ lục đến bây giờ.
- Tao xin lỗi. Tao ít về quê lắm, có về thi chỉ về một hai ngày rồi vào, với lại…
- Thôi đừng với viếc, lỗi liếc gì. Khi nào về phải gặp nhau đó.
- Ừ, tau nhớ rồi. Bye!
Đó là một cuộc điện thoại không ai không quý, không trân trọng. Với tôi, cuộc điện thoại ấy là niềm vui nhưng cũng là nỗi buồn, buồn vì tôi quá vô tâm, vô tình với bạn xưa – những người bạn thời niên thiếu ở trường quận Hương Điền của tôi.
Cầu Tam Giang
HOÀNG DỤC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét