Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

198. CÙNG NGUYỄN ĐỨC SƠN "MUA GƯƠNG"


     Ngày trước, khi dạy học ở Đắc Lắc, một anh bạn luôn bị dư luận lên án là kẻ tự cao, anh bạn đó cho rằng anh không hề tự cao mà hoàn toàn tự tin. Nghe anh ấy nói tôi cũng cảm thấy chữ “tự tin” rất đúng với tính cách của anh. Bởi anh làm việc gì cũng rạch ròi, chủ động, dứt khoát và quyết đoán nên thường thành công. Từ anh ấy, tôi có lúc cũng nhìn lại mình xem thử thế nào. Tôi vội xông xáo vào ngữ ngôn mà đào lật những từ chỉ thái độ cùng trường với từ “tự cao”, “tự tin”
để xem mình ứng với chữ nào. Và thế là tôi lôi ra một loạt từ như : Tự tôn, tự mãn, tự đắc, tự kiêu, tự phụ, tự ái, tự chủ, tự kỉ, tự quyền, tự quyết, tự thị, tự trọng, tự hào, tự ti,… để ướm vào tôi. Tôi cảm giác từ nào cũng vừa với mình, đúng hơn là từ nào cũng có một chút tôi trong đó. Vậy cũng không sao, con người mà! Tôi tự nhủ như thế. Con người là tổng hòa tất cả trong tất cả. Cái quan trọng nhất là phải biết tiết chế để sống đầy bản lĩnh và tự tin. Tự nhủ như thế nên tôi đã rất cố gắng sống đúng với điều đó, dù tôi biết là không dễ chút nào. Cho đến nay, tôi vẫn chưa đạt được điều đã tự dặn lòng ấy...Để rồi khi đắm mình giữa dòng thi ca hiện đại Việt Nam, tôi đã gặp và thích bài thơ “TRƯA ĐI XUỐNG PHỐ MUA GƯƠNG” của Nguyễn Đức Sơn tự khoảnh khắc nào chả biết :
                                  Trưa đi xuống phố mua gương
                                  Về soi bản mặt dễ thương của mình
                                  Trần gian nhiều đứa thúi ình
                                  Thiết tha ta đứng cười tình với ta.

      Tôi thích vì bào thơ nhỏ nhắn mà năng lượng cảm xúc lớn. Tôi thích bởi chỉ vỏn vẹn với hai cặp lục bát, bốn dòng thơ, nhưng dung tích ngữ nghĩa của nó tràn đầy. Và tôi thích vì bài thơ có điểm ứng với tâm niệm của tôi như đã nói trên trong nghề dạy học và trong quá trình sống..
     Tuy vậy, khi đọc bài thơ tôi vẫn không tránh khỏi băn khoăn, không biết cái tôi trữ tình trong thơ tự mãn hay tự thị, tự hào hay tự tin,… Băn khoăn nên tôi đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần để tìm cách giải thích, nhưng rồi lại lúng túng. Tôi như kẻ cầm một “khúc xương” đứng ở ngã ba đường và mải mê gặm. Càng gặm, “khúc xương” càng cứng chỉ tổ đau răng, rách lưỡi, mỏi miệng thôi. Nhiều lúc muốn nhả ra, nhưng “cái kiếp” mê xương nên cứ ngoạm lấy, cắn chặt đến vô nghĩa. Rồi tôi lại tự bảo : thi sĩ Chế Lan Viên từng nói rằng thưởng thức thơ tứ tuyệt giống như ăn nem Huế, phải lột rất nhiều lớp lá mới gặp được cái nhân nhỏ bé nhưng thơm phức, chua chua, cay cay và béo bùi của nó. Quả đúng thật. Dù tứ tuyệt thất ngôn, tứ tuyệt ngũ ngôn, hay tứ tuyệt lục bát đều là “nem Huế” cả. Vì vậy, đọc bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, tôi như người chưa biết lột lá, hay chưa lột hết được các lớp lá thì làm sao không “ấp úng không ra được nửa lời” !
    Mà thôi, lại tự nhủ : “có công mài sắt có ngày nên kim”, nên tôi đã kiên trì “lột lá nem thơ”. Tôi lột từ dòng một đến dòng bốn. Tại sao lại “Trưa đi xuống phố mua gương” ? “Trưa” thời gian nghệ thuật ấy có ý nghĩa gì ? Sao đến bây giờ con người trong thơ mới mua gương soi, mới thấy “bản mặt” của mình “dễ thương” ? Đang tự thương, tự hào về mình, sao lại tạt ngang lôi ra ánh sáng “nhiều đứa thúi ình” trong “cõi người ta”, “cõi nhân gian bé tí” này ? Ờ, mà cũng lạ, đang nói về “bản mặt” tức là cái vẻ bề ngoài, tự dưng lại đem cái đẹp hình thức ấy mà đối lập với cái xấu bên trong, cái xấu của tâm hồn, nhân cách, phẩm chất,…? Và kết lại bài thơ là “Thiết tha ta đứng cười tình với ta”, phải chăng tạo thêm một độ nhấn tương phản nữa giữa “mình”, “ta” với “nhiều đứa” để mà tự tôn chính mình, ngạo nghễ “đứng cười”  “quắc mắt coi khinh” “nhiều đứa thúi ình” kia. Bài thơ mở ra bằng một chuỗi hành động “mua”, “soi” rồi khép lại bởi một thái độ gián tiếp khinh bỉ : “Trần gian nhiều đứa thúi ình” và trực tiếp "tự sướng" : “Thiết tha ta đứng cười tình với ta”.
      Đó, tôi đã lột lui lột tới bài thơ như ăn nem Huế. Vậy mà… khổ thân tôi, tôi vẫn chưa tìm ra được cái nhân tuyệt vời của nó. Tôi chỉ cảm giác, cái tôi trữ tình trong thơ có đủ tất cả các loại “tự” nhưng cơ bản là tự hào và tự tin vào bản thân. Đó là niềm tự hào, tự tin rất thi sĩ. Nhưng dù thế nào đi nữa, con người trong thơ vẫn cô đơn giữa cõi thế !
      Không hiểu tôi nói vậy có đúng không ? Hay tôi sai, bởi tôi thiếu tự tin nên lột chưa hết lá của chiếc nem thơ, hoặc lột hết nhưng nhân nem quá nhỏ, đã lẩn vào lá nên tôi đã quăng cái nhân nem đi rồi !
      Ôi, thơ khó nói thay !
                 HD, 28-12-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét